Tản văn
Thói khoe khoang ba hoa bốc phét được lớp trẻ gọi là
nổ. Cái từ nổ này hình như mới xuất hiện ở thế kỉ 21, trước đây chưa nghe ai
nói. Nghĩ cũng hay hay, ngôn ngữ hiện đại bây giờ đang tếu táo hoá những khái
niệm đạo đức vốn dĩ đạo mạo và nghiêm trọng, ví dụ hoắng huýt, tinh tướng
chẳng hạn. Người bị phê tiếp nhận mấy từ đó cũng dễ dàng hơn.
Cái sự nổ thiên hình vạn trạng, nhiều cấp bậc, nhiều
trạng thái nhưng chung qui lại cũng chỉ hai loại, một thứ nổ để đùa chơi, vô
hại, nếu có hại thì cũng chỉ hại mình chứ chẳng hại ai. Loại thứ hai là để trau
chuốt cái bao bì bản thân đặng kiếm chác hư danh thu thêm lợi lộc.
Mấy ông văn nghệ sĩ cũng chia làm hai loại. Loại ồn
ào, hễ có rượu vào là nổ vang trời, bốc phét cho vui, có chết thì chỉ chết mình
chứ chẳng chết ai. Loại này đa số là thực tài, chỉ bốc phét nơi chiếu rượu
thôi, còn khi làm việc thường rất nghiêm túc chỉnh chu.
Đạo diễn Xuân Huyền là một trong năm đạo diễn thuộc
thế hệ vàng sân khấu Việt Nam, thế hệ đã làm nên một giai đoạn sân khấu rực rỡ
1985-1990 vô tiền khoáng hậu. Giai thoại về cái sự nổ của anh rất vui. Anh nói
đạo diễn cái nước ni thứ nhất là tui, thứ 5 là Doãn Hoàng Giang, không có thứ 2
thứ 3 thứ 4.
Tôi trêu đạo diễn Xuân Đàm, nói anh Xuân Huyền nói
thế thì anh xếp thứ mấy, không lẽ thứ 6. Anh Xuân Đàm cười hì hì nói, không
không, tao thuộc đội ngoại hạng, đời nào trò dám xếp thầy vô ngồi cùng một
chiếu.
Cái cách nổ thẳng tưng của Xuân Huyền không làm ai
ghét, người ta thêm mến anh mà thôi. Một lần đem vở đi hội diễn, vở của anh đạo
diễn không được giải vàng, mọi người xuýt xoa tiếc cho anh, anh cười hề hề, nói
è he, tui đem vở ni đi để lấy huy chương kim cương, huy chương vàng không lấy.
Đạo diễn Quốc Trọng- ông này xưa là diễn viên xịn,
từng nổi tiếng với vai Xuân Tóc đỏ- khi uống rượu say vẫn khua chân múa tay,
nói phim này tôi sẽ, phim kia tôi sẽ… rồi cười hề hề, nói ối giời ơi sao mà tôi
ưu điểm thế.
Nhà thơ Trúc Cương rượu say còn không nhớ mình
là nhà thơ, cầm chén rượu gật gà gật gù, nói tao đếch nhớ tao làm gì nhưng tao
thừa nhận tao tài.
Loại thứ hai ngược hẳn, họ đóng vai khiêm
cung, nói năng vô cùng khiêm tốn, ra cái điều mệt mỏi hư danh, kì thực háo danh
như trẻ con háo sữa.
Bỏ qua loại đi tiếp thị bản thân, gặp gỡ các doanh
nghiệp thì khôn khéo PR khiến các đại gia nhiều ông còn mắc lỡm. Ở đây chỉ kể
mấy cái ông hồn nhiên khoe mình, thổi phồng mình để kiếm mấy cái danh hão mà
thôi.
Một ông nhà thơ ra tập thơ, in có 500 cuốn thôi, đem
tặng biếu hết lượt vẫn còn thừa cả trăm cuốn. Nhìn cái số lượng đề cuối
sách là 5000 cuốn ai cũng trợn mắt há mồm, phục lắm. Ai hỏi thì bảo bán sạch
rồi, đang tính xem có nên nối bản không, bạn đọc gửi thư về hỏi mua kinh quá.
Có đạo diễn đem phim ra nước ngoài, người ta hỏi ở
Việt Nam còn có đạo diễn tài năng nào nữa không. Ông vờ gãi đầu bứt tai, suy
nghĩ rất lung, thở vô thở ra, nói thực ra không còn ai, chỉ có ông thôi, đấy là
điều ông vô cùng đau khổ. Ua chầu chầu, PR giỏi quá ta.
Ông nhà thơ XYZ ở nhà thì vô cùng khiêm tốn, ngồi
đâu kiệm lời, ai khen thì cười ngượng nghịu, nói cảm ơn nhưng tôi không dám
nhận đâu. Khi sang Mỹ mới biết tay ông, ông trả lời phỏng vấn ông là nhà dân
tộc học số 1, người duy nhất có thể biết rõ, hiểu rõ, nghiên cứu rõ dân tộc của
ông.
Rồi ông đi đọc thơ, không thèm giới thiệu mình là
nhà thơ, cũng không thèm nói thi sĩ như vài ông hoắng huýt khác cứ tưởng thi sĩ
thì sang hơn nhà thơ đua nhau tự xưng là thi sĩ, ông này ghê hơn, gọi mình là
thi bá. Tiếc thay cái ông phiên dịch chẳng biết thi bá là cái đếch gì, cứ dịch
ông là poet cho nó tiện. Thật phí công soạn “từ điển” PR ngay từ ở nhà.
Có anh ra tập thơ, chẳng ai nhắc đến một câu, bèn
viết phê bình khen thơ mình, kí tên là Chân lý, nói tập thơ là một bước tiến
dài của tác giả, nó đóng đinh vào lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại như một cái
mốc sáng chói. He he.
Vẫn không ăn thua, có ông nhà thơ VZL còn dụ được
một ông bạn nối khố viết về ông đại ý như thế này: Xét trong toàn bộ lịch sử
thơ ca Việt Nam, tôi chỉ thấy có đúng 4 nhà thơ, đó là Cao Ba Quát, Hồ Xuân
Hương, Nguyễn Du và VZL, họ đúng là tứ trụ thơ Việt Nam vậy. Thất kinh.
Làm một cái bìa sách, được bao nhiêu hội mình
tham gia thì bê vào hết, giải thưởng tất nhiên là không bỏ sót cái nào, kể cả
giải xã giải huyện cũng bê vào, cuối một lô giải còn khéo léo để ba dấu chấm
lửng.Chết cười.
Mấy năm trước có tổ chức tào lao nào thường viết thư
gửi hết lượt những ai có chút đỉnh danh tiếng, nói gửi cho họ 1 nghìn đô thì sẽ
có tên trong Từ điển danh nhân thế giới. Nhiều bác tưởng bở gửi ngay
nghìn đô. Cuốn từ điển đánh trống ghi tên ấy giá một nghìn đô, thật đúng là mua
danh ba vạn. Nhiều anh biết thế cứ mặc kệ, nghìn đô thì nghìn đô, danh hão còn
hơn vô danh. Mua xong rồi mấy ông làm cái bìa 4 sách của mình, thế nào cũng ghi
một dòng: có tên trong Từ điển danh nhân thế giới.
Ôi giời ơi, khổ ơi là khổ.
Rút từ Bạn văn 2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét