Nhà văn... nhà hàng


Tản văn
Mình thường không thích đến nhậu ở các nhà hàng của các văn nghệ sĩ. Đến đấy thường gặp người quen, nội mỗi chuyện chào hỏi cũng đủ mệt. Nhưng như người ta nói ghét của nào trời trao của ấy, muốn tránh cũng chẳng được. Bạn vào đấy ngồi rồi hú mình, vô lẽ vì cái quán ấy là của văn nghệ sĩ mà mình không tới. Vả, nhiều quán là anh em bạn bè thân thiết nhất thiết phải tới để ủng hộ anh em, chẳng hy vọng có mặt mình quán có thêm khách nhưng tới để anh em chúng nó vui.

Mình nhớ hồi trước có lần ngồi nhậu với Trịnh Công Sơn, được vài ly anh liền nhổm dậy, nói mấy ông ngồi đây nha, tôi viếng qua nhà hàng mấy đứa em chút rồi tôi quay lại ngay. Cuối buổi anh quay lại đã say mềm, nói khổ rứa đó, mấy đứa em mới mở nhà hàng mình phải tới đó ngồi chào khách. Đi quán này không đi quán kia em út chúng nó trách, thành thử phải đi hết cả ba quán. Một quán vài ba khách, năm bảy khách, đi hết ba nhà hàng đã cả lít vào bụng rồi. Kiểu này e rồi mình cũng chết non.
Cái khổ nhất của các quán văn nghệ sĩ là chỗ đó, vì cái name mà mở nhà hàng, hy vọng vì cái name mà đông khách, rõ ràng đông khách thật nhưng cũng vì cái name mà chết khổ. Bỗng nhiên mình biến thành cái hũ rượu để thiên hạ đổ rượu vào, hi hi thế có khổ không.
Mình nhớ đâu như năm 1996, Nguyễn Huy Thiệp kết hợp với ai đó mở nhà hàng Hoa ban ở bên kia cầu mới ( chả nhớ là cầu gì) phía Gia Lâm. Thiệp thì tiền bạc có đâu, chắc là góp vốn bằng cái name. Mấy ngày đầu nhà hàng đông khách nghìn nghịt, ngồi chật kín cả nhà sàn, tràn cả xuống dưới đất. Thiệp không biết uống rượu nhưng ngày nào cũng phải đến, ngồi bàn này mấy phút lại nhảy sang bàn kia ngồi mấy phút, đang ngồi bàn này người của bàn kia tới kéo cổ áo lại phải đứng lên, đang nói cười với người này người kia đến bắt tay lại phải nói cười với người kia, loanh quanh như thế từ sáng đến tối, mệt bã người.
Khách đến tìm Thiệp để bắt tay để chào hỏi để chụp ảnh không nói làm gì, có làm phiền cũng chỉ dăm bảy phút, sợ nhất là mấy ông khách muốn chứng tỏ, thích lấy le với người khác. Giữa cái quán ồn như vỡ chợ mấy ông cứ nhất định nói chuyện văn chương cho kì được, khen truyện này mấy câu chê truyện kia mấy câu ra cái vẻ ta đây nếu không thầy Thiệp cũng đàn anh của Thiệp. Lắm ông bốc máy gọi vợ gọi con, nói em à.. con à… Em nói chuyện với thằng Thiệp bạn anh nhé… con nói chuyện với chú Thiệp bạn bố nhé. Nếu là mình thì mình chối phắt ngay lập tức nhưng Thiệp không chối được, lại cầm máy à ơi vài ba câu nhạt nhẽo, chán mớ đời.
Lắm hôm mình thấy bộ mặt thất thần của Thiệp mà thương, hết người này kéo áo người kia túm tay, nó nói cười ngơ ngẩn, tuồng như nó chẳng biết cười gì nói gì. Mình vỗ vai nó, nói đã khiếp nhà hàng chưa. Nó lắc đầu cười cái hậc, nói sai lầm sai lầm.
May nhà hàng Hoa ban chơi độc, ra giá cực cao, món nào món nấy đắt điếc tai, hình như họ tưởng thiên hạ vô đây nhậu là vì có Nguyễn Huy Thiệp, thấy được Nguyễn Huy Thiệp là sung sướng lắm rồi, đắt rẻ không xá. Nguyễn Huy Thiệp có truyện ngắn Kiếm sắc, ít lâu cái quán Hoa ban có tên là quán Kiếm sắc, thiên hạ đến quán ít dần đi, Thiệp cũng mệt mỏi bỏ rơi cái quán. Quán Hoa ban đóng cửa từ đó. Mình nói may là vì nếu Hoa ban còn đến bây giờ và Thiệp vẫn đánh đu với cái quán thì rất có thể nó đã bị hóa vàng từ lâu rồi.
Mình cũng đã từng mở nhà hàng. Hồi làm báo Cửa Việt ở Quảng Trị, đói quá mình mới làm cái nhà sàn trước cửa tòa soạn, gọi là Diêu bông quán, chuyên thịt cầy bảy món, giúp cho anh em trong tòa soạn có thêm tiền ăn trưa. Mở được ba tháng, khách đông phết, chị Dạ ( Lâm Mỹ Dạ) từ Huế hớt hãi chạy ra, nói em ơi không được mô không được mô. Mình hỏi sao, chị Dạ nói thầy Chiêm nói đất ấy còn nhiều xương cốt, mở quán thịt chó dễ hại đến gia chủ.
Thầy Chiêm ở Đà Lạt là thấy bói tử vi nổi tiếng miền Nam, nghe nói ông Thiệu muốn đi đâu làm gì nhất nhất đều vời thầy vào bắt quẻ. Thầy rất thân anh Nguyễn Quang Hà, anh Hà kể nhiều chuyện bói toán của thầy làm mình phục sát đất. Mình là thằng vô thần chẳng coi bói toán là cái gì nhưng nghe anh Hà kể thì hãi lắm, có dịp mình sẽ kể sau.
Nghe chị Dạ yêu cầu khẩn thiết quá, dù rất tiếc nhưng mình đành phải dẹp bỏ món thịt cầy bảy món, chuyển sang quán nhậu bình thường. Từ khi bỏ món thịt cầy chẳng ma nào đến nữa, được một hai tháng nữa thì dẹp. Mấy năm sau anh Tường ( Hoàng Phủ Ngọc Tường, chủ bút tờ Cửa Việt) bị tai biến, liệt cứng toàn thân đến nay chỉ ngồi một chỗ, mình bị tai nạn chấn thương sọ não liệt nửa người. Nhớ đến chuyện chị Dạ nhắc mình thấy sợ và ân hận quá.
Không rõ còn nhà văn nào mở quán nữa không, riêng mình thấy có hai quán nhậu nhà văn tồn tại được rất lâu, đến bây giờ vẫn còn đông khách, đó là quán Đo đo của Nguyễn Nhật Ánh và quán Ruốc của Mường Mán. Cả hai quán đều là quán bình dân, các món nhậu là đặc sản miền Trung vừa ngon vừa rẻ. Quán lại không ồn ào, khách đông mấy cũng không ồn ào. Dân có chữ thường hay chọn quán này, các em chân dài cũng hay đến. Chân dài hay viếng qua thế nào đại gia cũng mò tới. Đại gia bây giờ chỉ thích mấy món tép xào, bánh tráng đập, cá lẹp kẹp lá mưng vậy thôi, các món cao sang họ đã ngấy đến tận cổ, thành thử hai quán này đâm trúng mánh, hi hi.
Hai ông chủ quán rất ít khi xuất hiện. Mường Mán thấy người quen tới bắt tay rồi lui ngay, ai thân quen lắm mới ngồi lại một chút, chỉ ngồi một chỗ chứ không chạy lăng xăng bàn này bàn nọ. Nguyễn Nhật Ánh thì định ra bàn số 13, cứ mỗi tuần một lần vào tối thứ tư lại mò đến tiếp bạn bè. Ánh có quầy sách Kính vạn hoa cạnh nhà hàng, các cháu cứ đúng tối thứ tư là đến mua sách và xin chữ kí của Ánh, rất tiện. Nhà hàng Đo đo đã nuôi cả nhà Nguyễn Nhật Ánh gần chục năm nay rồi, thật sướng.
Nhưng mấy ai may mắn được như Mường Mán và Nguyễn Nhật Ánh. Có thể nói mười người mở nhà hàng may ra được một, hai người trụ lại được. Dân nghệ sĩ chuyện buôn bán lại càng ú ớ, có đến vài trăm người mở nhà hàng, rốt lại chỉ được vài ba người, năm bảy người trụ lại được.
Bây giờ nói chuyện nhà hàng Ziều đỏ của Đỗ Trung Quân. Gọi là nhà hàng của Đỗ Trung Quân thực ra giống Nguyễn Huy Thiệp nó cũng chỉ góp vốn bằng cái name. Cu Fil vốn kinh doanh dược phẩm một hôm rủ Quân mở nhà hàng, Quân rửng mỡ lên, nói ừ làm ông nhà thơ chán rồi, thử làm ông doanh nhân cái chơi. Quân và cu Fil bỏ hết việc lao vào mở cái nhà hàng Ziều đỏ thật hoành tráng. Hôm khai trương đông nghìn nghịt, Quân sướng rêm, nói cứ thế này có khi mình thành triệu phú he he.
He he được chục hôm, sau đó thì hè hè, cuối cùng thì hẹ hẹ. Cả cu Fil và Quân đều mệt bở hơi tai. Tiền lời chưa thấy đâu, cu Fil thì huy động cả nhà trực suốt ngày đêm, không làm ăn gì được cả. Quân thì kiệt sức vì phải hầu khách ngày ba buổi. Cũng giống Nguyễn Huy Thiệp nó nhảy choi choi bàn này sang bàn khác, từ lầu 1 lên lầu 2, từ sáng sớm đến khuya.
Ngồi chưa nóng chỗ bàn này đã nghe bàn kia réo Quân đâu. Vừa lên lầu 2 ngồi chưa kịp thở đã nghe lầu 1 réo Quân đâu. Xuống lầu 1 vừa nâng ly bia lầu 2 đã réo Quân đâu. Mệt quá nhảy về nhà ngủ chút lấy sức, lại nghe điện thoại réo Quân đâu. Đúng là voi cũng phải đổ đừng nói cái ông 37 cân hơi cả áo quần dày dép như Đỗ Trung Quân.
Được ba tháng Quân đổ bệnh, bây giờ chỉ còn 34 cân hơi, dắt cái xe máy không nổi, mỗi ngày phải truyền một hai bình đạm. Anh em thân thiết đều hò hét nó, nói dẹp quán ngay dẹp quán ngay, thà chết ở sa trường chớ có chết nơi quán nhậu. Cu Fil thấy thế hãi quá, nó đóng cửa Ziều đỏ cái rụp.
Mình đến thăm Quân. Nó đang truyền đạm, mắt lờ đờ miệng phều phào, nói tôi phát hiện ra chân lý rồi… nhà thơ không phải nhà hàng… không phải đâu, đừng có mà tưởng bở.
Hi hi.
Rút từ Bạn văn 2

0 nhận xét:

Đăng nhận xét