ĐỌC KÝ ỨC VỤN-LÂU LẮM RỒI TÔI MỚI BẮT GẶP CẢM GIÁC NÀY

KHÁNH AN
Lâu lắm rồi tôi lại bắt gặp cảm giác này. Đọc sách, đọc thật nhanh, ngấu nghiến, nhưng hết rồi lại vứt ngay, để rất lâu không dám cầm lại quyển sách ấy. Nhưng người thì thẫn thờ, đôi khi như kẻ mộng du, miên man từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác và phải mất một thời gian dài thóat khỏi ám ảnh từ những gì đã đọc..
 Tự hỏi, sao lại thế nhỉ? Vì quyển sách rất mỏng, chỉ là tập hợp những bài viết không dài, và đúng như tựa đề, là những mảnh của ký ức, mảnh vụn thôi, của tác giả..Như tình cờ tôi tìm thấy, lật thử vài trang, đầy những tựa đề, có nghĩa rất ngắn, ừ thì đọc, ở cái xứ mà một tờ báo tiếng mẹ đẻ còn khó kiếm thì quyển sách dù mỏng cũng là món quà quá lớn. Và đọc, rồi, hình như, 30 phút đáng ngán ngồi xe bus đi làm mỗi ngày cũng không đủ, tôi tận dụng từ vài phút chờ đèn đỏ đến cả quãng đuờng đi bộ vài trăm mét từ bến xe về nhà. Buổi tối, đã dặn lòng không đọc nữa, phải ngủ để lấy sức đi làm, che khăn lên đèn ngủ cho tối hơn để khỏi đọc, thế mà cứ đặt sách xuống lại cầm sách lên chặc lưỡi “5 phút nữa thôi mà..!”

 Nhưng cũng thật khó nói về cảm nhận của mình. Ban đầu, quả có hơi bất ngờ vì cách dùng từ “tục” của tác giả. Có lẽ vì quen với sách văn học của mình, nhất là của nhà văn có tiếng như thế, ngôn từ phải đuợc dùng rất chính thống, mực thước, đứng đắn chứ không thể rất tự nhiên mà “tương” ào ào như vậy. Thêm nữa, có rất nhiều từ địa phương mà quả thật phải vận dụng ngữ cảnh để hiểu. Nếu là tôi 10 năm trước, có lẽ cũng rất khó chịu như kiểu ăn cơm mà thỉnh thỏang nhằn phải hạt sạn. Bây giờ, nguợc 180 độ, lại rất thích thú, đến mức tuởng tượng nếu đuợc nghe giọng xứ ấy nói “ui chầu ui chầu..” chắc mê lắm nhỉ. Và thật ra, cách dùng từ tự nhiên và “bình dân” cộng với những từ địa phuơng lại làm nên nét đặc sắc và quyến rũ người đọc, ít nhất là tôi. Đúng như sau này tôi vào blog của nhà văn mới biết, y như ta đang đuợc mời vào chiếu rượu, nhấm nháp một tí, dù thèm hay không, nhưng rượu vào lời ra, một tí ruợu hồng má và lòng lâng lâng. Rồi “chủ xị” cất giọng, hẳn là sẽ rất trầm ấm (hay là khê nồng mùi rượu nhi?-nhưng ta cũng chẳng màng) kể cho ta nghe đủ chuyện khiến ta có khi cười phì, cũng có khi khóc lên rưng rức…vì thấm quá, cả ruợu cả lời..
 Tôi bị ám ảnh nhất chuyện thằng Dư. Hình ảnh cúôi cùng thằng anh cõng, không, phải là khuân em mới đúng, một bên mắt là nước mắt, một bên mắt là máu- đau quá và thương quá!!. Tôi khóc, dĩ nhiên rồi, và hình như cảm đuợc ý của nhà văn (có thể tôi chỉ tuởng thế thôi!). Có lẽ tôi cũng chỉ mong con mình có tình yêu huynh đệ đến thế mà thôi! Tôi không muốn tin và cũng không mong (hy vọng chỉ là một hình ảnh nhà văn muợn để nói ý) có những kiếp người phải khổ đau như thế kể từ cái tên!!
 Nhân vật tôi thích nhất là Hà.. Có lẽ vì tôi gặp lại mình thơ bé đâu đó trong nhân vật. Tôi cũng có một người bạn kém tôi 2 tháng và luôn bị tôi bắt gọi là chị như Hà đấy. Chúng tôi cũng đã chơi với nhau, cũng hứa hẹn lấy nhau mãi, chỉ có may mắn hơn, giờ này tôi vẫn ở đây để nhớ về bạn ấy và tự hỏi bạn ấy đang ở đâu làm gì ở HN sau hơn 30 năm không hề liên lạc. Nhà văn khiến tôi nhìn thấy mồn một tuổi thơ trong vắt của nhà văn, của cả tôi và những người khác.. Tôi không khóc cho Hà, mà cho chị Hân, và cho cả nhà văn-những người ở lại.
 Phần cuối, những bạn Văn, tôi đọc đầu tiên vì thói quen đọc ngược từ dưới lên một phần, nhưng có lẽ vì tò mò nhiều hơn. Thì đấy, những tên tuổi “thần tượng” của tôi như Nguyễn Khải, Trịnh Công Sơn, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, bao giờ tôi dám nghĩ mình có cơ hội biết những chi tiết hết sức riêng tư và bí mật thế này.. Tự nhiên công khai, rất con người, có lẽ, cũng có nhiều thất vọng.. Nhưng như thế mới đúng là con người. Và chợt thấy gì đó ngậm ngùi. Lại khóc (không biết tốn biết bao nhiêu nước mắt rồi nữa) khi cùng nhà văn nhìn theo cô Tuyết Nga tay cầm hoa cuới rạng rỡ bước vào và khi cô cúi xuống nói “nhà em mất 4 năm rồi..”. Cả câu nói của nhà thơ Hòang Phủ Ngọc Tường “Mình uớc đuợc yêu vợ tới bến…” làm tôi day dứt mãi.
 Tại sao tôi lại bị ám ảnh bởi cuốn sách?? Có vẻ rất bình dị, đôi khi có vẻ rất buồn cuời, hài hước, có gì đâu. Hay chỉ tại tôi đã nhìn thấy ở đó có những con nguời, những số phận khác nhau làm ta có khi đau xót, có khi trăn trở, có khi là nể phục, trân trọng và học hỏi được rất nhiều. Hay tại tôi cảm nhận và không quên đuợc đằng sau lối viết “khẩu văn” hóm hỉnh, có vẻ bất cần ấy là một tấm lòng nhân ái, bao dung, nói về cái xấu để huớng thiện ở nhà văn.
 Chỉ là những cảm nhận nhất thời và cục bộ của tôi. 2, 3 buổi tối liên tiếp tôi mơ thấy những ngày Tết ở HN mặc áo đẹp chạy ra đuờng sáng mùng 1 nhặt pháo xịt đem đốt lại. Có khi lại mơ thấy tôi và người bạn cũ lang thang phố này phố khác và ngồi hàng giờ nói chuyện trên đống gỗ trên con đuờng từ cổng nhạch viện vào trong mấy dãy nhà học-nơi tôi đã vác cây đàn to đi bộ qua lại lo lắng mỗi khi không thấy bố đến đón.
 Ám ảnh, nhưng rất lạ, hình như còn có gì đó đang sôi sùng sục ở bên trong. Là cảm giác thèm viết, viết về những gì đã có, đã rất đẹp như những đêm giao thừa, nụ hôn đầu, và xa xưa hơn là thời bé tí. Viết cho mình thôi, truớc khi nó kịp tan biến theo trí nhớ già cỗi.
 Nhưng quan trọng hơn lại là cảm giác thèm đuợc sống “tử tế” hơn. Đúng ra là sống hết lòng hơn! khi biết quỹ thời gian của mình không phải vô tận. Trân trọng và có trách nhiệm hơn cả với những gì mình nghĩ và nói ra.
 (Tự nhiên nhớ lại cảm giác khi đọc Rừng Nauy của Murakami Haruki. Chuyện buồn (và còn bị mọi nguời chê là nhiều cảnh xxx quá mặc dù tôi không cảm thấy vậy), và bi quan quá.. Nhưng hình như sau khi đọc xong khát vọng sống, và sống tốt, lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết..)
 Tôi nghĩ, là độc giả, thật may mắn sao khi phát hịên và đuợc cảm thụ những tác phẩm như thế này. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Lập, dù rằng có khi nhà văn chẳng phải viết để mong chờ những lời cảm ơn thế này. Tôi, sau khi đọc Ký ức vụn xong, tìm và thấy đuợc blog của anh, vui lắm lắm. Thế là từ nay không lo đói “tinh thần” nữa rồi.. Bất chợt thấy mình sao giàu có quá chừng!!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét