Đồng Văn thực hiện
Không chỉ là nhà biên kịch sân khấu và điện ảnh nổi tiếng, tên tuổi Nguyễn Quang Lập gần đây còn được nhắc đến như một hiện tượng blogger. Với blog Quê Choa, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã thử nghiệm một dạng văn chương mới mà anh gọi là “khẩu văn” khiến bạn đọc say mê truy cập từng ngày. Tập hợp những bài viết trên blog, nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa ra mắt tập tản văn “Ký ức vụn” dày gần 300 trang, được giới phát hành dự kiến sẽ “hút hàng” trong mùa hè này. Với hy vọng có thể tìm ra chút “tâm tư vụn” chưa có trong “Ký ức vụn”, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Lập.
@ Sau cuốn “Những mảnh đời đen trắng”, tên tuổi Nguyễn Quang Lập chỉ xuất hiện ở sân khấu và điện ảnh. Những người quan tâm đến văn chương của anh không khỏi thắc mắc Nguyễn Quang Lập chán nản, Nguyễn Quang Lập bế tắc hay Nguyễn Quang Lập mai phục?
Nguyễn Quang Lập: Nó có cả ba. Hồi trẻ, mới ba chục tuổi đầu còn hăng máu vịt lắm, viết hăng, được khen càng hăng. Đùng cái bị phê phán nặng quá, cả chửi bới, hăm dọa nữa, đâm nản. Về sau thì hiểu được cái sự đời rồi, không nản nữa nhưng lại bế tắc không viết được gì cho ra hồn. Cũng tại tôi thôi, tại tôi mau chán tôi quá, không thích viết theo lối cũ nữa, thử mấy món mới chẳng món nào được chấp nhận, thậm chí lại bị đánh đòn. Thêm nữa gia đình thiếu thốn quá, tôi nhảy sang sân khấu, điện ảnh để kiếm tiền. Vừa kiếm tiền vừa nung nấu làm một cái gì đó khác mình đi. Trong quãng 20 năm, từ 1989 đến nay, tôi chỉ viết được vài ba cái truyện ngắn, chủ yếu là đọc và học, gọi mai phục cũng không sai.
@ 20 năm mới in một tác phẩm mới, có phải là sự im lặng quá lâu? Khoảng thời gian giữa “Những mảnh đời đen trắng” và “Ký ức vụn”, anh nghĩ gì về văn chương?
Nguyễn Quang Lập: “Ký ức vụn” là cái phần in ra thôi, còn tôi thực sự bắt khởi bút từ 2003, đẩy nhanh tiến độ từ 2007, nếu không có sự cố vi tính thì tôi đã có ít nhất 1 cuốn tiểu thuyết. Hiện tại những gì tôi đang viết sẵn có thể in hai, ba cuốn. Văn chương là thứ tôi yêu, là thứ duy nhất tôi viết không vì tiền, tất nhiên tôi nghĩ ngợi nhiều, kể ra thì lắm thứ lắm. Chủ yếu là làm sao để mình khác được mình, mình hơn được mình.
@ “Ký ức vụn” kết tinh từ blog Quê Choa của anh. Anh gọi đó là khẩu văn. Phải chăng khẩu văn hình thành trước khi có blog hay nhờ blog mà xuất hiện khẩu văn?
Nguyễn Quang Lập: Khẩu văn hình thành từ khi có blog. Vì tôi biết loại khẩu văn với lối văn suồng sã sẽ khó có thể chấp nhận ở sách, báo giấy. Muốn thể nghiệm nó, tôi đã mượn blog làm phương tiện chuyên chở và thăm dò phản ứng bạn đọc. Có thể nói tôi dùng blog như phòng thí nghiệm vậy, đến khi thấy được thì tôi đem ra “đại trà”, “Ký ức vụn” là một phần sản phẩm từ phòng thí nghiệm tôi mạnh dạn đem ra “đại trà”.
@ Đã có không ít người khen anh nói (viết) về cái tục rất có duyên. Anh có cho rằng ưu điểm của mình nằm ở…cái tục không?
Nguyễn Quang Lập: Tôi nghĩ nếu loại bỏ hết cái tục thì cuộc sống cũng như văn chương sẽ nhạt đi nhiều lắm. Phải nói cái tục một khi đặt đúng chỗ nó sẽ được thanh hóa, hết bậy, lời nói hay câu văn bỗng nhiên có sức quyến rũ lạ thường. Nhưng dùng nó không dễ. Muốn dùng nó thì anh phải khá nhạy cảm với cái bậy, biết ghê răng với cái bậy. Tôi không dám nói tôi giỏi dùng cái tục, bởi vì không phải khi nào tôi dùng nó cũng thành công, nhưng tôi là kẻ dám dùng . Một khi tôi biết chắc không thể kiếm được cái thanh nào thay thế được cái tục, và chỉ cái tục mới làm tỏa sáng câu văn thì có đánh chết tôi cũng dùng.
@ “Ký ức vụn” chắc chắn sẽ bán chạy vì được đảm bảo bằng sự ăn khách từ blog rất “hot” của anh. Anh nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục lối viết ấy chứ?
Nguyễn Quang Lập: Cũng không chắc đâu anh, văn hóa đọc nước mình hơi bị thấp và rối nên rất khó lường. Tôi đã viết trong cái entry mới của tôi như thế này: có 40% đón nhận hồ hởi cuốn sách này, 40% thì nhếch mép cười nhạt, nói cũng thường thôi, có gì mà ầm ĩ thế, 20 % còn lại thì tức giận ném cuốn sách vào sọt rác. Nếu được thế là may, tôi sợ còn tệ hơn. Dù thất bại hay thành công trong lần phát hành sách đợt này thì tôi vẫn dùng khẩu văn, vì tôi tin nó có đất sống. Tất nhiên không phải cái nào tôi viết cũng khẩu văn, tùy đề tài để tôi tìm kiếm giọng điệu cũng như lối văn cho phù hợp.
@ Trước đây, bạn đọc thích giọng văn sắc sảo đôi khi cay nghiệt của anh. Liệu khẩu văn có phủ nhận hoàn toàn Nguyễn Quang Lập thời “những mảnh đời đen trắng”?
Nguyễn Quang Lập: Thực ra trong sân khấu tôi mới dùng cái thứ “sắc sảo”, “cay nghiệt” như anh nói, bởi vì có một thời gian dài tôi chuyên viết kịch luận đề. Riêng văn tôi ít khi dùng, tôi vẫn có giọng tưng tửng, umua đó chứ. Trữ tình chính thống cũng có dùng nhưng chủ yếu tôi vẫn thích giọng tưng tửng. “Những mảnh đời đen trắng” bị phê phán không chỉ vì vấn đề của cuốn sách, chỉ vì cái giọng bỡn cợt, đùa chọc mà người ta ghét.
@. Hiện tại, anh thích văn chương làm người ta cười hay khiến người ta khóc?
Nguyễn Quang Lập: Cả hai. Nhưng tôi nghiêng về thích người ta cười hơn. Sau khi cười xong, người ta nhận ra một chút gì đó ngậm ngùi, đăng đắng là cách tôi vẫn hay làm.
@ Với cách nhìn của một blogger nổi tiếng, anh đánh giá văn chương mạng ra sao?
Nguyễn Quang Lập: Thú thực tôi không đọc nhiều cái mà ta vẫn nói là văn học mạng. Nhưng tôi nghĩ văn học mạng hay văn học giấy thì vẫn là văn học, cũng do chính các nhà văn ấy viết, các bạn đọc ấy đọc. Tức là mạng chỉ một phương tiện để “in” và “ phát hành” chứ có khác gì đâu. Cái khác thú vị nhất của văn học mạng là không phải bị mấy tòa soạn báo, mấy nhà xuất bản kiểm duyệt, biên tập làm mất hết hồn vía của văn người ta, đôi khi còn bóp méo văn người ta nữa.Vì thế văn học mạng nó có cái tươi nguyên mà văn học giấy ( nước ta) không thể có. Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó, vì không ai duyệt không ai biên tập, mình viết mình “in” nên văn học mạng nó có cái tạp nham của nhà nhà viết văn người người viết văn, sự cẩu thả là cái nhìn rõ nhất trong văn học mạng. Đặc điểm này nó có cái hay, là chính mạng internet là nơi sàng lọc nhanh nhất nhậy nhất, văn nào sẽ chết văn nào sẽ sống nó thể hiện khá sòng phẳng, công bằng. Chứ văn học giấy không được như vậy, có thứ văn chết đã lâu vẫn được in đi in lại không tiếc tiền vì một quĩ bao cấp, tài trợ nào đó.
@. Những “ký ức vụn” có thể diễn đạt bằng khẩu văn, nhưng một tiểu thuyết thể hiện bằng khẩu văn có nằm trong dự định của anh chăng?
Nguyễn Quang Lập: Có. Tôi đang thể nghiệm cuốn tiểu thuyết “ Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi”. Cuốn này tôi đã viết được gần 200 trang, nay bỏ đi để viết lại theo lối khẩu văn.
@. “Ký ức vụn” có thể tin là một cột mốc đánh dấu Nguyễn Quang Lập đã quay lại với văn chương? Hay chỉ là cuộc trở về dạo chơi, còn tâm tư Nguyễn Quang Lập vẫn dành cho sân khấu và điện ảnh?
Nguyễn Quang Lập: Hi hi, tôi đã nói nhiều lần rồi, văn là vợ tôi, còn sân khấu, điện ảnh chỉ là các cô nàng xinh đẹp mà tôi vẫn dan díu. Đôi khi sa đà với các nàng hơi lâu nhưng rốt cuộc vẫn trở về với vợ mình. Thôi thì cứ gọi Ký ức vụn là một cái mốc vậy, bởi vì chẵn 20 năm tôi mới có sách mới.
ĐỒNG VĂN (thực hiện)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét