Tạ Duy Anh, Lão Khổ


Chân dung

Mình quen Tạ Duy Anh từ năm 1992, khi nó vừa đoạt thủ khoa khóa 4 trường viết văn Nguyễn Du cùng với Võ Thị Hảo. Được giữ lại Trường làm trợ giáo, Tạ Duy Anh cùng với anh Phạm Vĩnh Cư, hiệu phó Nhà trường, đi từ Bắc chí Nam tuyển học trò khóa 5, có ghé qua nhà mình ở Quảng Trị “ dụ dỗ” mình đi học. Mình cũng thích lắm nhưng kẹt con còn bé, vợ không có việc làm, bỏ đi học lấy gì nuôi vợ con, đành chịu.

Suốt buổi chỉ có anh Cư nói chuyện với mình, Tạ Duy Anh chẳng nói gì. Nó đi đi lại lại ngắm nghía cái nhà mới xây của mình, vào chuồng lợn xem mấy con lợn mới nuôi, chui ra cả vào hố xí đổ thử gàu nước xem hố xí có thông không. Rồi nó nhảy tót ra ngoài đi vòng quanh nhà, ngắm đông ngắm tây gật gà gật gù y chang thầy địa lý đi tìm long mạch vậy. Cuối buổi nó mới ôm vai mình lắc lắc, nói tôi nghe về ông cũng đã nhiều. Nhà ông rất giống nhà tôi, bố ông rất giống bố tôi, cái số của ông cũng lao đao lận đận như số tôi vậy. Nó không nói giọng cảm động, cũng chẳng để thông cảm chia sẻ gì, mặt mày hớn hở, nói năng hồ hởi. Nói xong vỗ vai mình đánh bốp, nói văn ông cũng đắng ngắt như văn tôi.


 Nó cười hơ hơ, vỗ vai một phát lại cười hơ hơ hơ. Mãi lúc ra về nó mới bắt tay mình thật chặt, nhìn vào mắt mình thật lâu, hắt ra mấy tiếng như một tiếng thở dài, nói thôi ra Hà Nội đi ông, đừng sống mòn ở đây nữa. Sau này mới biết lần nào gặp nhau cũng vậy, nó cứ bỗ bã xởi lởi nói cười như không, thân mật gần gũi như là nói tiếp chuyện hôm qua chứ không phải câu chuyện mấy năm sau, mười mấy năm sau mới gặp lại.

Kể từ lần gặp nhau đầu tiên bốn năm sau mình mới gặp lại nó. Năm 1996 không nhớ vì chuyện gì mình với thằng Nguyên ( Phạm Xuân Nguyên) đến trường  viết văn Nguyễn Du, thấy nó đỏ mặt tía tai đứng trong văn phòng chửi ai đó um lên. Quay ra thấy mình, cái mặt đang đằng đằng nộ khí bỗng biến ngay thành cái mặt cười rất ngộ. Hi hi công nhận thằng này xấu trai, mồm vẩu răng vẹo, cái cười tối om xẩu oẳng. Nó ném cho mình cuốn Lão Khổ nhưng không nói gì về cuốn sách. Không như người khác kín đáo theo dõi thái độ người khác đối với sách mình thế nào. Nó chẳng thèm bận tâm. Trong khi mình lật mấy trang đầu xem qua, nó kéo banh tai mình ra, nói tôi biết con bồ cũ của ông ở trường Tổng hợp rồi nhé. Yêu nhau từ hồi lớp 10 hả? Thua tôi, tôi biết yêu từ hồi lớp 5!  Mới 12 tuổi mà dám yêu cô gái nhé!

 Mình không tin, nói tuổi ấy chưa hết đái dầm yêu đương cái gì. Mồm nó nhọn lên xòe cả bộ răng vẹo, nói tôi yêu thật chứ. Cô giáo dạy sinh lớp tôi nhé. Yêu là nhớ, đúng không? Những lúc vắng cô tôi nhớ cô nhé,  bồn chồn mong nhớ hẳn hoi nhé. Tôi còn ghen tuông nữa nhé. Một hôm tôi thấy cô giáo đứng nói chuyện với thầy toán rất lâu, tôi tức phát điên, tức đến bật khóc. Ô kìa, tôi nói thật đấy, đó là mối tình đầu của tôi, một mối tình bi thảm trong đời tôi, không đùa đâu. 

Gặp Tạ Duy Anh lần nào cũng chỉ nghe nó tán phét mấy chuyện ba lăng nhăng, cứ tưởng đời nó nhẹ tênh, vào trong gái gú ra ngoài rượu bia, chẳng phải lo lắng nghĩ ngợi gì. Chẳng ngờ từ năm 1990 đến giờ nó đã có hơn hai chục cuốn sách, gần vạn trang bản thảo. Nó viết đến hói cả đầu, lòi cả mắt. Viết giữa những lần lao đao vay nợ người này trả nợ người kia, giữa khi hoạn nạn vợ ốm con đau, giữa những lần chảy máu dạ dày thập tử nhất sinh. Khi mình gặp nó ở trường viết văn Nguyễn Du là nó vừa ra viện, sụt mất cả chục cân, nợ thêm chục triệu. Mặt mày tái mét, răng vẹo lại càng veo, mồm vẩu lại càng vẩu. Thế mà nó cứ cười hơ hơ, cứ như khổ đau là lẽ đương nhiên không việc gì phải bàn.

Năm 1998 mình đến chơi nhà nó, một căn gác bé tí hin ngậy mùi thuốc Bắc. Nó uống thuốc Bắc quanh năm, siêu thuốc Bắc nhà nó không khi nào rời bếp điện, hết siêu này lại bắc liền siêu khác. Bệnh dạ dày của nó cũng lạ lắm. Nó đang nói cười vui vẻ bỗng ọ một phát thổ ra cả bát máu. Cấp cứu  năm bảy ngày đỡ ngay, ra viện năm bảy ngày nói cười tí tởn lại ọ một phát thổ ra một bát máu. Thất kinh. Thời đó, những năm 1990-1996, khi nào nó cũng ở trạng thái sắp chết. Bạn bè nó đứa nào cũng nghĩ  thằng này chắc chẳng  sống quá được vài năm.

Mình nói ông số khổ, cứ loay hoay bước qua lời nguyền, hèn gì bạn bè gọi ông là Lão Khổ. Nó cười hơ hơ, nói sai bét. Tôi loay hoay bước qua cái siêu thuốc Bắc cũng đủ mệt, nói gì đến chuyện bước qua lời nguyền. Mà tôi chỉ có một lời nguyền vợ khỏe con khôn gia đình yên ổn, thế thì việc gì phải bước qua. Tôi sống được đến giờ là nhờ vợ chả phải nhờ trời. Con vợ tôi hay lắm, hay đến nỗi tôi viết văn không bao giờ dám nói xấu đàn bà. Nó kéo tai mình xuống, nói ông gặp vợ ông sau bao lâu thì quyết định cưới nó làm vợ? Mình nói 5 ngày. Nó nói thua tôi, tôi chỉ sau 5 phút là quyết ngay. Mình nói sao nhanh thế. Nó bảo tôi ngửi, tôi ngửi được mùi đàn bà đấy. Tôi gặp con bé ở vòi nước công cộng, ngửi phát biết ngay con này sinh ra để làm vợ, thế là tôi quyết liền. Nó ngửa cổ cười hơ hơ hơ, mắt nhắm tít đầu giật giật trông thật đã đời.

Sáng sớm hôm sau mình đến cơ quan thấy Nguyễn Bình Phương đứng ở cổng chờ, nói anh biết tin gì Lão Khổ chưa? Mình nói chưa. Nó bảo Lão Khổ vừa thổ huyết, lại cấp cứu bệnh viện. Mình tới thăm. Nó nằm dúm dó trên giường bệnh nhìn mình cười méo mó, nói ông biết không, bệnh dạ dày của tôi sinh ra thời đổi mới đấy, thời Những việc cần làm ngay .

Chuyện này thì mình có biết. Năm 1989-1990 chi đó, bố nó ở quê đọc báo thấy Những việc cần làm ngay mới hăng máu lên mới viết đơn gửi lên tỉnh tố cáo mấy ông “ cường hào mới” ở xã. Tỉnh, huyện lập đoàn về điều tra mới hố hoán lên bố nó vu khống bôi xấu cán bộ. Bạn gái của Vũ Hữu Sự, bạn thân của nó, viết bài Người tố cáo sai sự thật phải được xử lý nghiêm minh đăng trên nó báo Hà Sơn Bình do ông bạn vong niên của nó làm tổng biên tập. Bài báo nhanh chóng được báo Nhân dân đăng lại, đài phát thanh Hà Sơn Bình đọc đi đọc lại một ngày ba lần. Một chuyên án nhắm tóng cổ bố nó vào tù được triển khai riết róng.

 Khi đó nó đang ở lính, trời xui đất khỉến thế nào hôm đó nó lại đọc báo Nhân dân. Lập tức nó lao về nhà, điên cuồng tìm kiếm sự thật và chứng minh được tố cáo của bố nó đúng sự thật một trăm phần trăm. Nhưng ông tổng biên tập bạn nó không chịu đăng bài cáo lỗi, nói tôi biết bố Duy Anh đúng nhưng không lẽ bây giờ tôi đăng bài nói lại lãnh đạo sai, lãnh đạo thì sai thế quái nào được. Rồi ông vỗ vai nó ân cần, nói thôi, Duy Anh chịu khó để ông già vào tù dăm bảy tháng một năm chi đó rồi ra, có gì đâu. Cô nhà báo bạn của Vũ Hữu Sự cũng không thừa nhận mình viết sai sự thật, chẳng những thế còn tổ chức liên hoan linh đình khi bài báo của cô trúng giải Hội nhà báo. Nó chạy về Hả Nội, tìm đến tất cả các tờ báo có bạn bè nhờ đăng lại sự thật về bố nó, khốn thay bạn bè thấy nó hết thảy mắt trước mắt sau lặn mất tăm. Thế cùng nó liều mạng gõ cửa nhà Bí thư tỉnh ủy. May thay Bí thư tỉnh ủy đã chăm chú nghe nó, ông lệnh cho cấp dưới điều tra lại rồi đình chỉ ngay vụ án. Bố nó thoát án tù trong gang tấc. Vụ án kết thúc, dạ dày nó rách toác, nó thổ ra đúng một thau máu. May cấp cứu kịp thời không nó ngỏm củ tỏi từ lâu rồi.

Mình nói vụ án kết thúc, lẽ phải thuộc về bố ông sao con bé viết bài, cái ông tổng biên tập đăng bài vẫn sống khỏe, không ai làm gì được bọn họ cả a? Tưởng chọc đúng chỗ uất nó lại bừng bừng nộ khí, té ra không, nó xua tay cười cười, nói bố tôi thoát tù tội thế là phúc rồi. Lạc bất khả mãn ông ạ. Nó kéo tay mình ra hiệu đến gần, nói ông biết không, tôi ngửi được mùi con bé nhà báo kia đấy, nó mùi trâu. Mùi trâu kinh lắm. Đàn bà mùi trâu thì thậm nguy, không trốn chúa cũng lộn chồng. May cho thằng Vũ Hữu Sự, hơ hơ hơ….

 Nó nằm  thoi thóp cười, cái cười rệu rã như kẻ sắp chết nhưng lạ thay mắt nó  sáng trưng, lấp lánh một niềm tin vô bờ bến.

Theo Bạn văn 2


0 nhận xét:

Đăng nhận xét