Chân dung
Mình biết tên tuổi Tô Nhuận Vĩ từ thời mình
còn học cấp III. Hồi đó tối nào mình cũng ngồi dưới loa truyền thanh của làng
nghe đài, mấy chương trình Kể chuyện cảnh giác, Tiếng thơ, Đọc truyện đêm khuya là không
thể bỏ qua được. Hai tập tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng của anh
Vĩ được Đài đọc rền rĩ ba tháng trời trong chương trình Đọc truyện đêm khuya. Hồi đó
cứ đến giờ đọc truyện Dòng sông phẳng lặng là
có đến cả trăm người, cả bộ đội lẫn người làng Đông, ngồi quanh gốc cây vông
đồng giữa làng, nơi có mắc cái loa truyền thanh.
Đến hết tập 1 thì có đến mấy trăm người, ngồi
tràn ra kín đặc ngã ba đường làng. Ai nấy ngồi bó gối, ngửa cổ nhìn loa.
Đến đoạn hay, mọi người vỗ tay ầm ầm, xuýt xoa chậc lưỡi râm ran. Có anh bộ đội
khoe đã gặp anh Vĩ hồi ở rừng, mọi người nhìn anh mắt tròn mắt dẹt. Anh Vĩ nổi
tiếng như cồn, đi đâu cũng nghe người ta nhắc đến Tô nhuận Vĩ và Dòng sông phẳng lặng. Nhà văn
được đông đảo công chúng ngưỡng mộ như anh Vĩ không nhiều, có thể nói rất hiếm,
thời nào cũng hiếm.
Bây giờ đọc lại mình không còn thích
lắm, chuyện hay nhưng văn chương thời này không lên gân cũng bị sến, Dòng sông phẳng lặng cũng
không thoát được. Dòng sông phẳng lặng không có chuyện thằng Xăm ăn
thịt người, nhưng trai gái yêu nhau lâm li kiểu sân khấu, nói năng cứng nhắc,
thời này đọc rất mệt. Thời xưa văn thế mới thích, mới đáng đọc. Cái thời mà bì
thư con gái gửi con trai thường vẫn đề: Em hậu phương gửi anh tiền
tuyến thì văn vậy mới gọi là văn.
Thời đó mình mê anh Vĩ cực kì. Nghe đài
rồi chạy tìm mua sách không được, mò vô tận Đồng Hới tìm cũng không có. Nhờ ông
anh cả ở Hà Nội mua cũng không nốt. Phát cuồng mà không biết làm sao. Không ngờ
thầy Hiền dạy toán lớp mình lại có bộ sách ấy. Hỏi mượn thầy không cho nhưng
thầy treo giải cho cả lớp, nói đứa nào thuộc hết công thức lượng giác lớp 9
thầy sẽ tặng bộ sách đó.
Lượng giác mình cực ghét, vì bộ sách
mình đã học thuộc lòng năm sáu chục công thức lượng giác chỉ trong một đêm.
Thầy Hiền trao giải cho mình, có lẽ thầy tiếc bộ Dòng sông phẳng lặng nên đem Tuyển tập kịch Sếch- Xpia
dày 800 trang tặng mình. Điên tiết, mình vừa nhận kịch Sếch- Xpia vừa lẻn vào
ăn cắp bộ sách Dòng sông phẳng lẳng của thầy đem về đọc. Thầy Hiền
tức điên, dọa nạt tùm lum, nói đứa nào lỡ dại lấy sách của thầy thì lo trả lại
cho thầy, nếu không, phát hiện được chắc chắn bị đuổi học. Mình chả sợ, cứ
thủng thẳng đọc đi đọc lại hai ba lần, đọc chán chê rồi mới lén trả lại cho
thầy, hi hi.
Đến năm 1985 mình về Huế làm việc mới gặp anh
Vĩ, tất nhiên mình chẳng dám đấu khẩu, được anh cho ngồi hóng chuyện là may lắm
rồi. Anh Vĩ cũng coi mình như đám con nít ranh làm thơ ngày đêm dập dìu quanh
tạp chí Sông Hương mới ra đời do anh Điềm ( Nguyễn Khoa Điềm
làm tổng biên tập, anh Vĩ làm phó). Ở đâu chứ ở Huế thơ nhiều hơn bánh mì, nhà
thơ nhiều hơn xích lô, xe ôm. Thêm một thằng nhà thơ quèn như mình chẳng mấy ai
để ý, anh Vĩ cũng thế. Chỉ đến khi mình in truyện ngắn Người lính hay nói trạng, được
anh Điềm khen, thì cái nhìn của anh thân thiết hơn, cái bắt tay cũng chặt hơn,
ấm hơn.
Mình viết cái truyện ngắn Tiếng lục lạc trong
vòng hai tiếng, viết một mạch không sửa chữ nào. Bây giờ nghĩ lại không hiểu
sao mình viết nhanh thế, khoẻ thế. Cái kịch Mùa hạ cay đắng viết
trong 4 ngày, tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng viết
trong 20 ngày, chính xác là 20 đêm, ngày đi nhậu chán chê, tối mới kê bàn viết.
Kinh. Đúng là chẳng có gì sánh được với tuổi trẻ.
Mình đưa cho anh Vĩ truyện Tiếng lục lạc buổi
chiều, nghỉ bụng chắc vài ba ngày nữa anh mới đọc, chẳng dè vừa sáng sớm tinh
mơ anh đã gõ cửa nhà mình. Anh bắt tay mình rất chặt, nói tôi chờ đến sáng để
gặp ông đây, truyện quá hay. Lần đầu tiên được nhà văn đàn anh, người mà mình
ngưỡng mộ, gọi mình bằng ông, thật sướng củ tỉ. Được khen hay đã mừng lắm rồi,
lại còn quá hay, sướng ngây ngất con cà cưỡng, tâm hồn treo ngược cành cây cả
tuần liền, hi hi.
Sau mình biết anh đã cầm cái truyện ngắn của
mình chạy khắp thành phố Huế suốt đêm qua. Anh chạy sang nhà Trần Thùy Mai,
xuống nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khắc Phê, Thái Ngọc San, xuống tận
Vĩ Dạ vào nhà Nguyễn Khoa Điêm, Trần Vàng Sao chỉ để xòe cái truyện ngắn ra,
nói thằng Lập vừa có cái truyện hay lắm.
Hiếm ai phát hiện được cây bút trẻ lại
mừng rỡ được như anh. Mấy thằng tre trẻ cỡ mình như Dương Thành Vũ, Phương Xích
Lô, Mùi Tịnh Tâm… anh cũng chào đón vồ vập lắm. Một hôm nhận được chùm thơ của
thằng Phương Xích Lô, anh cũng cầm chùm thơ chạy rong khoe khắp Huế.
Tính anh vậy, khi nào cũng hừng hực khí thế
chiến đấu. Gặp anh là gặp vấn đề, ít khi nghe anh đàm đào văn chương thơ phú,
toàn vấn đề. Gặp vấn đề gì là anh nói say sưa, ở đâu cũng nói, gặp ai cũng nói.
Nói và làm, làm hùng hục, vừa làm vừa khoe. Có việc thất bại có việc thành công,
việc thành công thì giả vờ khiêm tốn, nó thôi ông ơi nhắc làm gì, tôi có công
gì lắm đâu. Việc thất bại thì lờ đi, coi như chưa có chuyện đó bao giờ.
Nhưng được như vậy là quí hoá lắm rồi.
Dựng nên tờ Sông Hương là anh Điềm, làm tờ
Sông Hương nên nổi là anh Vĩ. Mỗi lần đi qua số 5 Đinh Tiên Hoàng thấy phục anh
quá, không biết anh uốn lưỡi kiểu gì mà ông Vũ Thắng (Bí thư tỉnh ủy tỉnh
Bình Trị Thiên) chịu cho tạp chí Sông Hương cái nhà to đùng, giá trị bây giờ cỡ
chục ngàn cây.
Chính anh khởi sự in thơ tiền chiến, mời Trần
Dần, Văn Cao, Phùng Quán… vô Huế năm 1987. Trong khi sĩ phu Bắc Hà, nhiều kẻ
gặp mấy người này còn đánh bài lờ, vẫn sợ bị vạ lây. Chính anh cho mở màn những
cuộc hội thảo văn chương đổi mới cả trên tạp chí lẫn trong nghị trường, nổi
tiếng khắp ba miền.
Du lịch Huế bây giờ đỡ nhà quê hơn cũng nhờ
có anh đóng góp.Tượng cụ Phan Bội Châu mười mấy năm trời lăn lóc giữa mưa gió,
làm ổ cho chó gà ở phường Lò Đúc tội lắm, nay được đưa về khu vườn cụ xưa cũng
nhờ có anh chạy đôn chạy đáo hết lên tỉnh uỷ lại về sở văn hoá. Tất nhiên nhờ
dàn đồng ca kẻ sĩ Huế mà anh Điềm, anh Tường, anh Xuân, anh Sơn, anh Huấn đứng
đầu, nhưng công anh không thể coi là nhỏ.
Tính anh vốn vậy, rất ghét bàn lùi. Hễ nói là
làm, làm kì được. Năm 1985, cơn bão số 8 đổ bộ vào Bình Trị Thiên, tan nát tất
cả. Đang khi mọi người đang sửa nhà dọn cây, anh Vĩ nảy ra sáng kiến làm một
phụ trương về cơn bão kinh khủng này. Một mình anh, chỉ một mình anh thôi, vừa
đặt bài, viết bài, biên tập bài vở và lên trang trong ba ngày là xong. Tờ phụ
trương mấy vạn bản bán vèo trong một ngày. Dân Bình Trị Thiên nhận được giúp đỡ
to lớn của bà con cả nước, phần lớn nhờ thông tin của tờ phụ trương. Chỉ riêng
việc này đáng phong anh hùng cho anh Vĩ.
Chẳng những anh hùng những việc như
vậy, chuyện bồ bịch anh cũng “anh hùng” không kém, hi hi. Làm xong tờ phụ
trương anh mò về cô bồ ruột ở Bệnh viện Huế, nằm lì ở đó cả tuần. Anh em tìm
anh khắp nơi không thấy, tưởng anh bị lũ cuốn trôi. Anh Phan Tứ ở Đà Nẵng nghe
tin, vội vàng đem cả vòng hoa ra viếng. Đến ngày nắng ráo anh mới chịu ló mặt
ra. Anh Hải Bằng cười, nói Tô Nhuận Vĩ tổ cha mi/ chết mô không chết, chết vì
cái ngao.
Chuyện tình Vĩ nổi tiếng khắp phố Huế. Thậm
chí Trần Thùy Mai còn dọa viết tiểu thuyết. Yêu đương mặn nồng lắm, dai dẳng
lắm cuối cùng chẳng đi đến đâu. Chỉ vì anh vừa không muốn phá hỏng gia đình,
vừa không muốn mất cô bồ xinh đẹp. Anh gặp bồ thì hứa bỏ vợ, về nhà gặp vợ thì
hứa bỏ bồ. Loanh quanh như thế hơn chục năm, cô bồ bỏ Huế ra đi, để lại cái thư
có dòng chữ to đùng, viết Đời tôi chỉ căm thù hai kẻ: Đế quốc Mỹ và Tô Nhuận
Vĩ! Hi hi.
Hôm qua vợ chồng con Líp đón anh Tường,
chị Dạ ( Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Mỹ Dạ) vào ở hẳn Sài Gòn cùng với nó, mình
chạy đến nhà nó, tình cờ gặp cô bồ của anh Vĩ ở đấy. Mình cười cười, nói
tình hình Đế Quốc Mỹ và Tô Nhuận Vĩ thế nào rồi. Chị nhăn răng cười, nói thôi
thôi gác lại quá khứ hướng tới tương lai. Mình hỏi nếu cho yêu lại anh Vĩ chị
có yêu không. Chị thè lưỡi rụt cổ lắc đầu, nói ua chầu chầu, không mô không mô.
Mình già rồi mà răng ông ấy còn chắc lắm. Hi hi.
Rút từ Bạn văn 2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét