Cu Vinh


Chân dung
Nhà mình có tám anh em, cu Vinh (Nguyễn Quang Vinh) là con út.  Cái tên của nó vốn là tên của mình. Lúc mình mới sinh, ba mình đặt tên Vinh, Nguyễn Quang Vinh, hình như để chào mừng Chiến thắng Điện Biên thì phải. Sau, thấy mình ốm yếu quá, ba mạ mình “bán” cho thầy. Ông thầy đổi tên Vinh ra tên Lập, ý là tự lập, từ đó mới có tên Nguyễn Quang Lập. Cái tên Nguyễn Quang Vinh thuộc phần thằng con út, là nó.


          Mạ mình kể khi có chửa cu Vinh bà ngượng lắm. Thời xưa năm mươi tuổi là lên lão rồi, tuổi ấy còn có chửa thật ngượng chết đi được, mỗi lần ra chợ bà phải lấy nón che bụng. Thế nhưng bà chẳng nhớ nó sinh năm con lợn (1959) hay năm con chuột (1960), tất nhiên ngày tháng sinh bà cũng chẳng nhớ. Cu Vinh tự ghi ngày sinh của nó rất hoành tráng: ngày 19 tháng 5 năm 1960. Sau biết 1960 là năm con chuột, nó sửa lại năm 1959, năm con lợn cho hoành tráng, hi hi. Cái máu hoành tráng của nó có từ thuở bé, vinh nhục cũng từ cái máu ấy mà ra.

          Nhà đông con quá, ba mạ mình lo kiếm đủ miếng ăn cho con cũng đã bạc mặt, chuyện học hành của con cái không mấy để ý. Mỗi năm một lần ba mình gọi đàn con đến, đắng hắng thật to, nói, có lên lớp không con? Cả lũ dạ ran, nói, có.. có ba ơi! Hình như ba mình cũng chẳng biết đứa nào lên lớp nào, chỉ thấy ông cười rất tươi, nói, giỏi giỏi. Rồi ông  túc tắc  giảng giải về việc đi học cần phải thế nào. Đại khái đi học thì phải cố gắng, phải chăm chỉ, phải tự giác, phải trung thực… năm nào cũng chỉ một bài đó thôi.

          May thừa hưởng gen của ba mình, tám anh em chẳng đứa nào học dốt, cu Vinh thuở nhỏ cũng học rất giỏi. Lớp 3 nó đã biết độc tấu sáo, lớp 5 độc tấu đàn bầu. Cứ mỗi lần hội diễn thôn xã, nhà trường thể nào cũng có màn độc tấu của nó. Thuở nhỏ nó nổi tiếng gấp vạn mình. Đúng hơn, khi mà mình chẳng biết nổi tiếng là cái gì thì nó đã biết làm thế nào để nổi tiếng.

 Năm 7 tuổi mình nhặt được chiếc bút máy Kim Tinh, đưa nộp đồn công an. Một giờ sau bảng tin đồn công an có thông báo viết rất đẹp, mình đọc đi đọc lại hàng trăm lần, đến nay hảy còn nhớ như in: Em Nguyễn Quang Lập học sinh lớp 1b trường cấp I Ba Đồn có nhặt được một chiếc bút Kim Tinh. Ai mất cây bút xin mời đến nhận tại đồn công an. Hoan nghênh tinh thần “được của rơi trả lại” của em Nguyễn Quang Lập.

          Ba mình đọc được thông báo đó, suốt bữa cơm chiều cứ xuýt xoa khen mình giỏi. Cu Vinh nóng mặt, nó thả bát cơm chạy đi lùng sục khắp nơi, kiếm ở đâu được một viên đạn súng trường, ba chân bốn cẳng đến nộp cho đồn công an. Các chú công an xoa đầu nó khen giỏi rồi ném viên đạn vào hộc bàn. Đứng chờ mãi không thấy các chú công an ghi thông báo, nó bỏ về nhà vừa đi vừa khóc. Mình nhăn răng cười trêu nó, nói, lêu lêu... đồ không được khen! Lêu lêu... đồ không được khen! Nó khóc rống lên, hét, cha tổ mi... vơ Lập nời! Rồi vác thanh chống cửa sổ đuổi đánh mình. 

Có đến cả trăm lần nó vác gậy rượt đuổi đánh mình, chủ yếu là do mình trêu nó. Ở quê con út là nhất, nó đánh mình không sao, hễ mình cho nó một thụi là lập tức thành trọng án, chẳng cần roi vọt của ba mạ, các anh chị ai cũng bênh nó chầm chập, đem mình ra xử không thương tiếc. Thành thử mỗi lần nó đòi đánh là mình chạy, vừa chạy vừa cười, thỉnh thoảng còn ngoái lại thè lè lưỡi trêu nó, hi hi.

          Lớn lên nó lại làm người lớn trước mình. Mình yêu đương ba lăng nhăng mãi mới chịu lấy vợ, nó chỉ có một cô bạn học lớp 10, trước sau chỉ một cô ấy cho đến khi cưới nhau, tuyệt nhiên không có cô nào dự phòng. Mình thiên về chơi bời đàn đúm, nó chỉ mỗi việc là viết, viết và viết. Hình như nó chẳng có việc gì khác hơn là viết. Ai đặt cái gì viết cái đó, viết rất chăm rất nhanh Nó viết báo nhanh như chớp, vừa viết vừa bịa chưa đầy hai giờ xong một phóng sự đăng 4 kì báo Dân (Bảo tỉnh đảng bộ Bình Trị Thiên). Viết tiểu thuyết cũng nhanh như chớp, hai chục ngày xong ngay một cuốn 400 trang. Rồi viết kịch viết phim viết gì cũng nhanh. Mình đánh máy còn chậm hơn nó sáng tác.

Mình coi văn chương chỉ là chơi, viết được thì viết chả viết thôi, người khen kẻ chê cũng mặc kệ, không mấy quan tâm. Nó viết để kiếm sống, vừa thích nhiều tiền vừa thích được khen.  Nó có khả năng ngồi lì một mạch 10 tiếng đồng hồ liên tù tì, viết sưng cả tay loét cả đít vẫn không nản. Một lần nó đang viết cuốn Đêm thức hay Tiếng gọi phía đất liền chi đó, viết được nửa cuốn thì gặp người của nhà xuất bản Lao động về Huế chơi (hình như anh Ma Văn Kháng thì phải), nó kể sơ qua câu chuyện cho anh này, anh thích lắm bảo nó viết đi, viết nhanh lên. Nó quất một đêm xong cuốn sách, cho kịp sáng mai gửi bản thảo cho anh ấy. Thất kinh.

 Có lẽ cả nước có ba người có số trang bản thảo xếp cao hơn đầu người  là Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Mạnh Tuần và nó. Chắc chắn số trang bản thảo của nó xếp cao nhất so với hai đại ca kia, nhưng trong khi tiếng tăm và uy tín văn chương của hai đại ca ngày một đầy lên, thì hình như nó càng viết, càng hành nghề viết, đời nó lại càng lụn bại đi. Nó bạc mặt vì văn và văn cũng nhếch nhác đi vì nó, tiền bạc chẳng thấy đâu, tiếng tăm tóm lại chỉ một túi hư danh, lắm khi nó cố thổi phồng lên để động viên nó mà thôi.

Trăm sự cũng vì nó thương yêu vợ con quá. Chưa thấy ai hết lòng vì vợ con được như nó. Mình vẫn ba hoa khoe khoang người chồng nhân dân, người cha ưu tú, kì thực mình không bằng cái móng chân của nó. Thời bao cấp, tàu xe chật chội kinh hồn, mỗi lần về nhà nó tha hết túi nọ gói kia hết sọt khoai đến bị gạo. Nó chịu đựng đói khổ kì tài nhưng không thể chịu được khi thấy vợ con đói khổ. Lắm sự liều mạng của nó cũng chỉ vì vợ con.

Thằng cu Cặng, đứa thứ hai, sinh ra có một cân bảy, không bế được phải đặt lên gối bê lên. Thằng cu bé đến nỗi 6 tháng tuổi mà miệng nó vẫn không vừa núm vú. Đặc biệt nó đau ốm triền miền, hầu như tháng nào cũng ít nhất một lần vào viện cấp cứu. Thằng Vinh ở Huế, hễ con ốm khi nào là nó chạy về khi đó, có tháng cả chục lần nó chạy về nhà, tốn kém vô cùng, nó đổ nợ kể từ ngày đó. Con cái lớn khôn, thoát được nợ nần tươi tỉnh được tí chút, sắm được cái ô tô làm dáng với đời, máu hoành tráng lại nổi lên, chủ yếu để khoe tài với vợ con thôi, khốn thay vì thế mà nó lại đổ nợ. Họa vô đơn chí, vợ nó bị ung thư, hai năm trời nó vật lộn chống chọi với căn bệnh của vợ, nợ lại chồng thêm nợ.

Nhìn hoàn cảnh của nó ai cũng phát sốt. Giá rơi vào hoàn cảnh đó chắc mình phát điên. Thằng này thần kinh thép, bất chấp con nợ réo gọi, miệng thế người đời vây quanh như ong tò vẽ, nó vẫn hùng hục viết, hùng hục dựng và gom tiền điên cuồng chạy chữa cho vợ trong cơn tuyệt vọng.   Chỉ riêng bốn tháng chầu chực bên giường bệnh của vợ, trước ngày vợ nó mất, với bao nhiêu sự cố bất thường của căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, nó vẫn viết được 2 vở kịch, 2 bộ phim ti vi mỗi bộ vài chục tập, dựng được một show kịch ngoài trời về cụ Võ Nguyên Giáp. Không có thần kinh thép không thể làm được như thế.

          Sáng ngày 12 vừa rồi, nó gọi điện vào lúc mình đang ngủ, nói, Mai sắp đi rồi anh ạ, sáng nay em đem Mai về quê. Vợ chồng mình hối hả chạy đến. Mai đang thở ô xi, lịm đi không biết gì. Thằng cu Cặng đứng bên mẹ. Phòng trong nó đang ngủ ngồi trước máy vi tính. Trên màn hình vi tính còn lưu mấy gạch đầu dòng:- Kế hoạch đưa Mai về quê; Hoàn thành đề cương phim Võ Văn Kiệt; Kế hoạch chôn cất đưa đám Mai thật đàng hoàng; Kịch Hồ Quý Ly, cố gắng thật hoành tráng… và một dòng chữ thật to: Trời ơi mình cần tiền quá!

          Nhìn dòng chữ đó, nhìn cái mặt gầy rộc già sụm đi của nó gục trên băng ca nó lấy làm bàn viêt, lần đầu tiên mình đã khóc vì nó.

Rút từ Bạn văn 2



1 nhận xét: