Tản văn
Hôm 8/3 mình ngồi gần bàn nhậu của đám chị em,
họ làm đủ nghề, đông nhất là nhà giáo, ít nhất là nhà báo. Mình không quen họ,
chỉ ngồi nghe lỏm thôi. Một cô hỏi phụ nữ dũng cảm nhất là ai? Người bảo đó là
người không chịu lấy chồng, người bảo đó là người chịu làm vợ lẽ. Họ tranh cãi
tùm lum. Một cô đứng dậy tuyên bố, nói tao thấy có hai loại phụ nữ cực kỳ dũng
cảm, đó là phụ nữ lấy thương binh, hai là phụ nữ lấy nhà thơ. Họ lại ồ lên cãi
nhau tùm lum.
Mình ngồi tủm tỉm cười, cái cô vừa nói thật
chí lí. Mình đã quen quá nhiều vợ các nhà thơ Việt, nếu có danh hiệu vợ Việt
Nam anh hùng thì đảm bảo vợ các nhà thơ phải đứng đầu bảng. Đúng là để lấy
các nhà thơ các cô chẳng những dũng cảm mà phải anh hùng, anh hùng thứ thiệt,
thật đấy, hi hi. Tự nhiên mình chợt nhớ những mối tình thất thểu của anh bạn
lính nhà thơ của mình hồi đóng quân ở Mông Dương (Quảng Ninh), đó là thằng Đình
Kiểm.
Đầu năm 1981 mình được quân chủng điều về
Quảng Ninh học chuyển loại tên lửa. Tuần đầu về sư bộ được ăn chơi nhảy múa
suốt ngày. Rỗi việc mình có làm bài thơ Nhớ về đỉnh gió đăng báo tường
sư đoàn bộ. Thơ đăng hôm trước hôm sau có ông thiếu úy mặt non choẹt tìm mình,
nói ông là Nguyễn Quang Lập à. Mình nhìn ông thiếu úy chỉ gật đầu không nói gì,
bụng nghĩ mẹ thằng nào mà ra vẻ cha bố người ta thế này.
Ông thiếu úy giới thiệu mình, nói tôi là Đình
Kiểm, bút danh là ĐK hoặc Đi Ki hoặc Ka iểm, phụ trách báo tường sư bộ. Mình
bắt tay nó, bụng nghĩ chú mày mới phụ trách báo tường sư bộ mà trịnh trọng như
ông tổng biên tập báo Nhân dân, mẹ khỉ. Hình như thằng Kiểm cũng đoán được mình
đang nghĩ gì nhưng nó không chấp. Nó bắt tay mình thật chặt, nói ở nơi sơn cùng
thủy tận này kiếm được thằng biết làm thơ như ông thật quí lắm quí lắm. Thằng
này nói năng thì tinh tướng nhưng cái nhìn và cái nắm tay thật ấm áp chân tình,
cũng lạ.
Sau quen thằng Kiểm rồi mới biết trịnh trọng
là bản tính của nó, nó làm cứt gì cũng trịnh trọng, đi vào toilet cũng trịnh
trọng luôn. Thật đấy, hi hi. Là cái vẻ ngoài vậy thôi chứ nó hiền lành nhu mì,
trừ thơ phú ra chuyện gì nó cũng nhường nhịn người khác. Nó vốn là sinh viên sư
phạm văn tốt nghiệp cùng năm với mình, đi bộ đội cùng tháng, phong quân hàm
cùng ngày, cũng đăng được dăm ba bài thơ như mình. Có lẽ anh em thân nhau được
vì mấy cái thứ cùng ấy.
Chỉ khác một chút, thơ phú mình chỉ làm khơi khơi
vậy thôi chứ không mấy hứng thú, thằng Kiểm thì đắm đuối vì thơ, đối với nó
trên đời này thơ là nhất, mọi thứ còn lại đều số hai trở đi. Nó thuộc thơ nhiều
kinh hồn, bất kể thơ ca cổ kim đông tây nó đều thuộc, thơ Mai-a (Maiakovski)
trục trà trục trặc, câu nào câu nấy dài cả cây số nó cũng thuộc lòng. Kinh.
Thằng Kiểm đọc thơ thật hay, hôm nào sư bộ có
liên hoan văn nghệ hôm đó nhất định có tiết mục đọc thơ của thằng Kiểm. Nó ôm
cây đàn ghi ta, giọng nó vang và ấm, ngắt nghỉ cực chuẩn, cùng với ngón vẩy ghi
ta thần sầu của nó, bài thơ bỗng hay kinh hồn, ai nghe cũng phải xuýt xoa tấm
tắc. Mấy em ở sư bộ tất nhiên là mê tít thò lò . Các em đứng bíu lấy nhau mắt
sáng long lanh ngước nhìn nó, miệng mồm chóp chép, chỉ đợi nó đọc xong bài thơ
là đua nhau chạy lên tặng hoa cho nó. Có cô còn ôm đầu nó hôn đánh chụt giữa ba
quân thiên hạ rồi vừa cười vừa ngoe nguẩy đít chạy. Rất vui.
Tưởng là thằng Kiểm cua được nhiều em lắm, hóa
ra không. Tối thứ bảy nào cũng thấy nó ngồi nhà ôm đàn đọc thơ, chẳng thấy đi
đâu. Hỏi thì nó thở hắt cười hiền lành ngâm nga lẩy Kiều, nói trăm năm trong
cõi người ta/ chữ thơ chữ vợ khéo là ghét nhau. Mình cười, nói thì cứ yêu đại
đi đã, vợ con tính sau. Thằng Kiểm lại cười hiền lành, nói biết vậy nhưng yêu
mà không cưới xin khác gì uống rượu nửa chén làm thơ được nửa bài, mà muốn cưới
xin thì phải biết chắc cô vợ tương lai có chấp nhận yêu thơ như yêu mình hay
không đã chứ, khổ thế đấy.
Mình cười hì hì, nói khổ cái dzầy, tại ông
tính xa quá . Nó hỏi tính thế nào thì không xa? Mình nói tôi nghĩ khác, cô nào
yêu mình tất nhiên phải yêu luôn cái mình có. Mình chỉ có thơ thôi, yêu thì yêu
chả yêu thì thôi. Thằng Kiểm vỗ đùi đánh bốp, nói đấy, tôi cũng nghĩ như ông
đấy nhưng cuối cùng vẫn hỏng bét. Rồi thẳng Kiểm thủng thẳng kể, hi hi đúng là
bi hài.
Cô bé xinh nhất khu Mông Dương, một hôm vào sư
bộ xem văn nghệ, thấy thằng Kiểm đọc thơ thích quá, chủ động tấn công nó ầm ầm.
Thằng Kiểm đổ cái rầm. Đêm đầu tiên tình tự, thằng Kiểm ôm cô bé vào lòng, nói
lính tráng nghèo, lính nhà thơ càng nghèo, em chịu nổi không? Cô bé thỏn thẻn
nói em nhờ có thơ mới biết anh, có yêu thơ mới yêu anh… anh không cần phải nói
nhiều. Thằng Kiểm sướng rêm, tuyên bố với cả Ban chính trị nó đã có người yêu
lý tưởng. Nhiều người cười, nói mày xem lại có hoang đường không, thuở bé đến
giờ tụi tao chưa thấy cô nào lấy chồng vì thơ cả. Thằng Kiểm vênh mặt lên, nói
thời các bác khác, thời chúng em khác.. ..
Yêu nhau đến kì mặn nồng tất nhiên phải nói
chuyện cưới xin. Đám cưới lính tráng thường được đơn vị bao cho cả nhưng chí ít
cũng phải có năm trăm đồng sắm nhẫn cưới và đồ sính lễ cho họ nhà gái. Năm trăm
đồng đối với anh thiếu úy lương tháng sáu lăm đồng quả là con số khổng lồ.
Thằng Kiểm nói thiệt với cô bé, nói anh đã nói với em rồi, anh chỉ có thơ thôi.
Cô bé cười he he, nói thơ cũng là tiền chớ bộ. Em nghe mấy ông nhà báo nói một
bài thơ mua được cả yến gạo. Thằng Kiệm nói trung bình mỗi bài hơn chục đồng,
nếu in báo tết có thể lên đến trăm rưỡi, hai trăm đồng đó em.
Cô bé nhảy lên vỗ tay, nói ui ui, chỉ cần một
ngày anh làm một bài thơ, một năm có 365 bài, mỗi bài chỉ cần chục đồng, vậy là
gần bốn ngàn đồng, một chỉ tám chục đồng, bốn, năm cây vàng đó anh ơi. Thằng Kiểm
cười như mếu, nói được vậy chỉ cần vài năm thơ anh đã thành triệu phú, đâu khổ
như bây giờ. Cô bé hỏi một ngày anh làm được một bài thơ không? Thằng Kiểm nói
thừa sức, một ngày anh làm được cả chục bài. Cô bé lại nhảy lên vỗ tay, nói ui
ui giàu thật rồi, hai đứa mình giàu thật rồi. Cưới xong rồi, anh khỏi phải làm
gì hết chỉ ngồi làm thơ thôi. Không cần ngày chục bài, chỉ cần ngày một hai bài
vợ chồng mình cũng đủ giàu, hi hi hi.
Thằng Kiểm ngồi đực ra, mặt mày méo xẹo. Cô bé
hỏi sao, nó nói làm thơ thì dễ in thơ thì khó em ạ. Cô bé hỏi mỗi năm anh in
được mấy trăm bài thơ? Thằng Kiểm nói anh làm thơ hơn chục năm… cả chục năm nay
anh gửi đi các báo cả ngàn bài…tóm lại người ta chỉ in cho anh được có bốn bài.
Cô bé há hốc mồm không biết nói sao. Một tuần sau không thấy cô bé vãng lai.
Nghe nói bố cô bé dắt đến nhà ông chú họ, người đói rách nhất khu Mông Dương,
nói đây là nhà thơ số một xứ Mông Dương đó con. Cô bé suýt té xỉu, lát sau đứng
ôm mặt khóc hu hu giữa nhà ông chú họ.
Thằng Kiểm ráng hẹn gặp cô bé ba bốn lượt
không được, không hiểu vì sao nó bèn viết thư trách. Một tối cô bé hẹn nó ra
cổng. Thằng Kiểm vừa ra cô bé đã ôm chầm lấy thằng Kiểm khóc hu hu, nói em yêu
anh nhưng em không dám yêu thơ nữa. Dứt lời cô bé hôn thằng Kiểm túi bụi, nói
vĩnh biệt anh… vĩnh biệt anh… Và cô bé ù té chạy … hớt ha hớt hãi như chạy
giặc.
Thằng Kiểm đuổi theo chụp lấy cô bé ôm ghì
lấy, nói thơ không có tội, chỉ tại anh bất tài… Nếu em yêu anh, nhất định anh
sẽ cố gắng in thơ được nhiều hơn. Cô bé vừa khóc vừa cố đẩy thằng Kiểm ra, nói
buông em ra… em chừa thơ rồi.. chừa thơ rồi…hu hu…
Hi hi.
*
* *
Ở Mông Dương được hơn một tháng mình được điều ra
đảo Cái Bầu. Thằng Kiểm thỉnh thoảng vẫn gọi điện cho mình, chủ yếu khi nào
viết được bài ưa ý nó lại lẻn vào tổng đài sư bộ đọc cho mình nghe. Đọc xong
tất nhiên nó hỏi thế nào, hay chứ hả, tất nhiên mình nói ừ, hay. Hi hi, bố ai
chê dở trước mặt nhà thơ bao giờ. Đôi khi mình có chê câu nọ câu kia, chữ nọ
chữ kia cho có vẻ khách quan, thế thôi, còn lại thì khen tất.
Chẳng phải do mình khen mà thằng Kiểm tưởng mình là
thiên tài, đối với nó mình chỉ là ông nhà thơ nghiệp dư không đáng kể. Nó đã
đọc thơ cho các nhà thơ nổi tiếng, các ông đều khen, không khen cũng gật gù,
chẳng có ông nào chê. Có ông khen đểu, nói thơ chú mày thuộc về tương lai, sang
thế kỉ 21 nhất định mọi người sẽ hiểu. Mặc kệ, thằng Kiểm đinh ninh nó sẽ là
nhà thơ lớn, trời sinh ra để nó làm nhà thơ lớn, nhất định thế.
Một hôm nó gọi điện cho mình, vẫn cái giọng trịnh
trọng nhà quê, nói buổi Tiếng thơ đêm nay Đài tiếng nói Việt Nam giới
thiệu thơ Đình Kiểm đấy nhá, mày chú ý nghe đài, bút danh là Đi Ki, nhớ đấy.
Mình hỏi sao mày biết. Nó bảo tao gửi cả tấn thơ lên đài không thấy đăng, sốt
ruột quá mới gọi điện lên hỏi, người ta bảo tối nay có điểm thơ Đi Ki. Xuân
Diệu điểm hẳn hoi nhé.
Mình khiếp quá, làm thơ mà được Xuân Diệu điểm thì
còn gì bằng! Nhất thằng Đình Kiểm, phục nó quá. Đến chừng 8 giờ, mình chuẩn bị
lên tiểu đoàn nghe nhờ đài thì thằng Kiểm mò tới. Mình trợn mắt há mồm, từ Mông
Dương về đây hơn ba chục cây số, lại còn đi phà vượt biển, dò dẫm đường rừng…
đi bộ cực bỏ bà, thằng Kiểm đến đây làm gì?
Thằng Kiểm mặt mày nghiêm trọng, nói lần đầu Đài
tiếng nói Việt Nam giới thiệu thơ mình đâu phải chuyện chơi. Trong sư đoàn mày
là thằng hiểu thơ tao nhất, không đến đây thì đến chỗ nào? Khiếp, chẳng ai như
nó. Tối đó hai thằng căng thẳng nghe Tiếng thơ, đài ngâm hết bài này
sang bài khác chẳng thấy thơ thằng Kiểm đâu. Té ra còn năm phút cuối người ta
điểm thơ bạn đọc, chẳng phải do Xuân Diệu điểm, bài điểm là của biên tập
viên Quang Khải hay Quang Đại chi đó thôi.
Đại khái tuần này bạn này bạn kia đã gửi thơ
về cho chương trình, bạn này có câu thơ hay,tiếc rằng… bạn kia có khổ thơ ý vị,
tiếc rằng… thằng Kiểm cũng được nhắc đến trong bài Cửa Ông của nó, nó hơn những
người khác là đài dẫn ra cả khổ thơ để khen rồi mới tiếc rằng… hi hi.
Mình tưởng thẳng Kiểm thất vọng lắm, tính động viên
nó mấy câu, không ngờ nó nắm chặt tay mình rưng rưng, nói vậy là đêm nay cái
tên Đi Ki vang khắp đất nước. Nó ngước lên nhìn trời, hai mắt mở to long lanh,
hai cánh mũi phập phồng, nói đúng là vang khắp đất nước Lập ạ, thật tuyệt vời.
Thằng Kiểm xúc động thật sự, hình như nó đinh ninh cả nước đang nín thở ngồi
nghe thơ nó.Hi hi.
Thằng Kiểm lặn lội về ngay trong đêm. Trưa hôm sau
gọi điện cho mình giọng rất phấn chấn, nói nhiều người trong sư đoàn nghe đài
đọc bút danh của tao, đặc biệt cô bồ tao nghe nhắc đến hai tiếng Đi Ki đã vật
vã khóc cả đêm.
Mình ngạc nhiên cắt ngang lời nó, nói mày có bồ rồi
à, hay là cô bồ cũ? Nó cười, nói quên báo cáo mày, cô bồ mới còn xinh hơn cô bồ
cũ. Đặc biệt cô này cũng làm thơ, ngày nào cũng tặng tao một chùm tứ tuyệt.
Mình hơi bị tò mò, muốn biết nàng thơ của thằng Kiểm ra sao, nhân có chuyến xe
về sư đoàn mình xin đi theo ngay.
Té ra là cô chủ quán nước chè trước cổng sư đoàn.
Gọi là quán nước chè chứ nó bán đủ loại, kẹo bánh, nem chả, mì tôm, rượu lạc…
đủ cả. Cô bé trắng trẻo mũm mĩm, má bồ quân mắt lá răm, khi cười mắt kéo thành
sợ chỉ, ngực nở giật giật má rung rung rất hấp dẫn. Thằng Kiểm kéo mình ra quán
của nàng, cùng nàng uống rượu với lạc rang và thi nhau đọc thơ. Gì chứ rượu và
thơ thì nàng chẳng thua kém thằng Kiểm, nó cạn ly nàng cũng cạn ly, nó đọc thơ
nàng cũng đọc thơ, thứ thơ “nói vè” ứng khẩu lúc nào nàng cũng có sẵn, đại loại:
anh ở trong sư em ngoài sư/ đêm đêm hai đứa vẫn tương tư/ bao giờ anh được đi
ra quán/ ta lại bên nhau rượu và thơ. Thơ như thế cô nàng hơn nghìn
bài, chép đầy bốn cuốn sổ dày cộp.
Mình hỏi thằng Kiểm, nói mày mê nàng thật à. Nó khẽ
gật đầu rất nghiêm trọng, nói ừ, không có nàng tao không sống nổi. Mình cười
khì, nói sao đến nỗi thế. Thằng Kiểm vẫn mặt mày nghiêm trọng, nói chứ sao.
Chưa ai thuộc thơ tao như nàng, chưa ai say đắm thơ tao như nàng, cũng chưa ai
gọi tao là thi sĩ, thi sĩ nhé, không phải nhà thơ đâu. Mình cười chẳng biết nói
sao, chỉ biết bắt tay nó, nói thôi thì chúc mày hạnh phúc. Nó siết tay mình,
nói mày phải học tập tao đi, ráng kiếm được một nàng thơ như nàng thơ của tao
đi, tuyệt cú mèo luôn, bảo đảm hạnh phúc trăm phần trăm, thật đấy.
Mình quay lại đảo Cái Bầu được một tuần thì nhận
lệnh về quân chủng nhận tài liệu đổi mới khí tài, đi học chuyển loại khí tài
mới rồi đi bắn đạn thật ở Trũ, hơn ba tháng sau mới về đơn vị. Về tới nơi đã
thấy thư thằng Kiểm nằm chờ hơn ba tháng rồi. Tiểu đoàn trưởng nói thằng Kiểm ở
sư bộ gọi mày liên tục, tao nói mày đi công tác rồi nó vẫn không tin, gọi suốt
ngày.
Mình bóc thư thằng Kiểm ra xem: Tao cần
tiền để in tập thơ, bảo đảm tập này ra thì các nhà thơ đương đại nước ta sẽ
chết như dán.Tao quyết định hoãn cưới vợ để dành tiền in tập thơ. Mày có tiền
cho tao mượn 3-5 ngàn, nếu mày không có thì mượn ai đó giùm tao. Gấp đấy nhé.
Từ khi đi học rồi đi lính, tiền là một cái gì rất xa
lạ với mình. Vài trăm đồng cũng chả có đừng nói vài nghìn đồng. Tuy vậy mình cứ
gọi điện cho thằng Kiểm xem thế nào. Thuở bé đến giờ mình mới nghe nói
lấy tiền cưới vợ để in thơ. Thời này tiền cưới vợ là cái gì đó rất nghiêm
trọng, thiêng liêng nữa. Nhiều anh vì không tiền cưới vợ mà phải chịu cảnh ế
vợ. Thằng Kiểm cũng một lần thế rồi, nó còn lạ gì nữa. Chả hiểu thằng này nghĩ
thế nào mà liều thế.
Suốt tuần không gọi được, chủ nhật mình lọ mọ về sư
đoàn. Tới nơi mới biết thằng Kiểm đã được về trung đoàn bộ ở Hòn Gai. Cái quán
nước chè của cô bồ nó cũng biến mất tiêu. Mình hỏi mấy ông cảnh vệ, họ bảo cô
bé lấy chồng rồi, nhổ quán đi theo chồng. Mình thở phào nhẹ nhõm,nghĩ bụng
thằng Kiểm đã cưới vợ rồi chứ không điên rồ lấy tiền cưới vợi in thơ nữa, thôi
thì cũng may cho nó.
Tháng sau mình có lệnh về sư 375 Đà Nẵng, khoác ba
lô bám ô tô về Hòn Gai, từ đây bắt ca nô về Hải Phòng rồi mới đi tàu hỏa về Hà
Nội được, đi lại ngày xưa vất vả phức tạp thế đó. Đang ngồi uống nước chè dưới
chân Núi Bài Thơ chợt thằng Kiểm lù lù xuất hiện, nó vỗ vai mình một cái cực
mạnh, nói giời ơi ông đi đâu tới đây!
Anh em vào quán rượu nhỏ làm đôi chén rượu suông.
Mình hỏi vợ ông đâu rồi? Nó bảo vợ nào. Mình nói thế không phải ông tính cưới
cô bé thơ tứ tuyệt à. Nó khẽ gật đầu cười nhạt, nói ừ cũng tính thế nhưng bây
giờ khác rồi. Mình hỏi khác thế nào. Nó kể cô bé đưa tiền cưới cho nó, cả thảy
hơn chục nghìn chứ không ít, nói chừng này tiền cưới em có đủ không. Nó ôm cô
bé suýt khóc, cảm động quá không biết nói sao.
Vừa lúc thằng Kiểm gặp ông nhà thơ tỉnh, ông
này tán thế nào mà nó dám bỏ cả đống tiền cưới ra in chung tập thơ với
ông đó. Cô bé cũng nhất trí lấy tiền cưới in ba ngàn cuốn thơ, cô còn tính
nhanh như chớp, một cuốn lời 5 đồng, ba ngàn cuốn lời 15 ngàn, buôn trầm cũng
lời đến thế thôi.
Mình hỏi thằng Kiểm, tập thơ đâu rồi? Nó thở dài,
bảo tao tặng mãi cũng chỉ hết 500 cuốn, còn hai ngàn rưỡi cuốn bỏ xó nhà chẳng
biết làm gì cả. Mình hỏi thế còn cô bé? Thằng Kiểm ngồi im không nói, mình hỏi
đi hỏi lại nó mới thở hắt ra, nói lấy chồng rồi. Mình hỏi lấy ai, nó bảo lấy
cái ông cho cô bé mượn tiền cưới tao. Tiền hết, không cưới được tao, bắn súng
không lên phải đền đạn, tội nghiệp cô bé phải chấp nhận làm vợ lẻ ông chủ nợ.
Thằng Kiểm ngửa mặt nhìn trời, hai mắt mở to long
lanh, hai cánh mũi phập phồng y như cái đêm nó nghe đài nhắc thơ nó. Thốt nhiên
thằng Kiểm bật khóc, nó cứ ngồi thế khóc tu tu. Lát sau nó gạt nước mắt nốc cạn
ly rượu, nói tao cũng bỏ thơ rồi, từ nay ỉa vào thơ phú nữa.
Rút từ Bạn văn 2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét