Tản văn
Văn nhân ở đây là giới văn nghệ, không riêng gì nhà
văn. Mình từ bé đến giờ kiếm sống bằng nhiều món, văn có báo có kịch có phim
có, nên quen biết anh em trong giới khá nhiều. Tết nào cũng đánh đu với họ, rất
vui.
Văn
nhân thường ăn tết... trước tết và sau tết. Trước tết chừng mươi ngày, việc văn
đã vãn, tiền nhuận bút, tiền thù lao thu gom cũng đã xong, đám văn nhân thường
kéo nhau vào quán ăn nhậu đàn hát thơ phú say sưa, có khi một ngày ba hiệp sáng
trưa chiều tối. Ba ngày tết mải miết đi thăm hỏi, đi lễ lạt, cúng bái, chạy
rong suốt ngày ngoài đường. Sang ngày mồng 4 mồng 5 tết mới kéo nhau về nhà,
lại đàn hát, thơ phú trắng ngày thâu đêm, hết nhà này lại kéo nhau sang nhà
khác.
Mấy
ông văn nghệ sĩ thường ngày mỗi anh mỗi nết, vào công việc kẻ chỉnh chu người
quấy quá, giao tiếp với người ngoài kẻ kín đáo người xởi lởi nhưng hễ ngồi với
nhau là ra sức nổ. Người ngoài không biết cứ tưởng mấy ông này bản tính ba hoa
chích choè chẳng ra sao, kì thực không phải. Quanh năm cung cúc làm ăn, làm anh
công chức khiêm tốn mút mùa, năm hết tết đến gặp nhau nổ chút cho vui, gọi là
xả stress. Cũng chẳng đợi đến hết năm, nhiều người hễ sà vào mâm rượu là
nổ vang trời, bốc phét cho vui, có chết thì chỉ chết mình chứ chẳng chết
ai.
Đạo
diễn Xuân Huyền là một trong năm đạo diễn thuộc thế hệ vàng sân khấu Việt Nam,
thế hệ đã làm nên một giai đoạn sân khấu rực rỡ 1985-1990 vô tiền khoáng hậu.
Nếu hỏi mình đạo diễn thế hệ này mình phục ai nhất, tất nhiên mình sẽ nói đó là
Xuân Huyền. Mình nhớ anh dựng vở Quỉ ám của mình, 11 đoàn dựng, chỉ có
vở do anh dựng là ấn tượng nhất. Sân khấu chỉ có ba cái ghế khi đứng khi
đổ, khi chồng cao khi dàn hàng ngang khi chổng ngược... đã chứa đựng hết mọi hỉ
nộ ái ố của vở kịch. Khán giả vỗ tay ầm ầm, chưa có vở kịch nào của mình mà cứ
hai, ba phút khán giả lại vỗ tay ầm ầm như vở này.
Thời bốn năm
mươi tuổi Xuân Huyền còn sung sức, lên sàn hét ầm ầm, vào mâm rựợu chén trước
còn khiêm tốn, chén sau đã nổ tùm lum, vui lắm. Anh nói đạo diễn cái nước ni
thứ nhất là tui, thứ 5 là Doãn Hoàng Giang, không có thứ 2 thứ 3 thứ 4. Mình
trêu đạo diễn Xuân Đàm, nói anh Xuân Huyền nói thế thì anh xếp thứ mấy, không
lẽ thứ 6. Anh Xuân Đàm cười hì hì nói, không không, tao thuộc đội ngoại hạng,
đời nào trò dám xếp thầy vô ngồi cùng một chiếu. Anh Xuân Huyền cười khì, không
nói gì. Thực ra anh Xuân Đàm là thế hệ đàn anh của Xuân Huyền thôi, chả phải
thầy bà gì. Nhưng hiểu tính nhau chẳng ai trách, phàm là nghệ sĩ phải biết đùa,
ông nào không biết đùa thì chán chết. Nói thật mấy ông không biết đùa thì tài
cán chẳng đến đâu.
Cái
cách nổ thẳng tưng của Xuân Huyền không làm ai ghét, người ta thêm mến anh mà
thôi. Một lần đem vở đi hội diễn ngày giáp tết ở Sài Gòn, đêm diễn xong ngồi bù
khú ở chợ Bến Thành đến hai, ba giờ sáng. Vở của anh đạo diễn không được giải
vàng, mọi người xuýt xoa tiếc cho anh. Anh tợp ngụm rượu cười hề hề, nói è he,
tui đem vở ni đi để lấy huy chương kim cương, huy chương vàng lấy mần chi.
Giới
nghệ sĩ Hà thành nổ kinh nhất, ngày thường vào ra khiêm tốn, họp hành càng
khiêm tốn. Nhưng hễ vào cuộc rượu chẳng ai chịu nhường phần nổ cho ai. Đạo diễn
Quốc Trọng, ông này xưa là diễn viên từng nổi tiếng với vai Xuân Tóc đỏ, khi
uống rượu say vẫn khua chân múa tay, nói phim này tôi sẽ, phim kia tôi sẽ...
rồi cười hề hề, nói ối giời ơi sao mà tôi ưu điểm thế. Nhà thơ Trúc Cương rượu
say còn không nhớ mình là nhà thơ, cầm chén rượu gật gà gật gù, nói tao đếch
nhớ tao làm gì nhưng tao thừa nhận tao tài.
Nghệ
sĩ xứ Huế ít khi nổ, rượu say cũng nói năng thanh nhã, ai khen thì cảm ơn rồi
đánh trống lãng sang chuyện khác. Ngày xuân vào chiếu rượu nếu có
khoe cũng chỉ dùng tác phẩm mình để mà khoe thôi, ít ai nói năng vung tí
mẹt tao tài như thế này, tao tài như thế kia. Năm 1976 mình hai mươi
tuổi, lần đầu vào Huế ăn tết với vợ chồng anh Tường, chị Dạ (Hoàng Phủ
Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ). Đó là cái tết suốt đời không quên, không phải vì
được cơm no rượu say mà vì được gặp rất nhiều người nổi tiếng, những người mà
trước đó có cho kẹo cũng không dám mơ được gặp một lần.
Chiếu
rượu nhà anh Tường lúc nào cũng đông vui, chiếu rượu tết càng vui. Hôm đó
có Trịnh Công Sơn, Tô Nhuận Vĩ, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm,
Ngô Minh, Trần Thuỳ Mai. Có Trịnh Công Sơn tất nhiên rượu và hát, anh Sơn hát
rồi mọi người hát bài của anh. Có anh Đính (Trần Vàng Sao) tất nhiên là rượu và
thơ. Không có rượu dù ai cạy miệng cũng không moi được nửa câu thơ của anh, hễ
rượu vào là anh đọc thơ, đọc hết bài này sang bài khác. Ai nói chuyện gì mặc,
cứ xong chén rượu anh lại đọc một bài thơ. Anh Điềm cũng đọc thơ, có hôm đọc
rất hăng đến ba bốn bài. Nhưng anh chỉ đọc khi chiếu rượu toàn dân văn, lạc vào
một người ngoài thì anh chỉ ngồi tủm tỉm cười chứ không khi nào chịu đọc. Anh
Sơn hoạt khẩu, anh cầm đàn hát, hò hét uống, hò hét bắt người này người kia hết
hát đến đọc thơ, cuộc rượu nào có anh cũng rất vui.
Mình
chưa ăn tết ở Sài Gòn khi nào nên không biết dân văn ở đây ăn tết ra sao. Sài
Gòn khác với những nơi khác, đa phần dân văn về đây làm ăn, tết thường tản mát
về quê cả, ít ai ăn tết Sài Gòn. Nhiều người sống và làm việc ở Sài Gòn vài ba
mươi năm nhưng chưa một lần ăn tết ở Sài Gòn. Đỗ Trung Quân là một trong rất ít
văn nhân bám trụ suốt mùa tết nhất ở Sài Gòn. Mẹ anh quê ở Hàng Đào- Hà Nội, di
cư vào Sài Gòn, lấy chồng Sài Gòn. Biết Hà Nội là quê ngoại mình đấy nhưng bà
con cô bác chẳng còn ai, tết nhất chỉ biết ngoảnh mặt ngóng ra phương Bắc chứ
chẳng biết đi đâu. Quân kể, tết nào cũng thế, toàn nhậu nhẹt để chia tay anh em
về quê. Tiễn anh em lên xe lên tàu về quê xong, anh ngồi buồn thiu ở ban công
ngóng ra đường. Chiều ba mươi tết ai cũng chộn rộn vui vẻ, riêng anh đó là buổi
chiều trống rỗng nhất trong năm. Thi Hoàng có câu thơ Có những buổi chiều
không bíêt cất vào đâu. Với Đỗ Trung Quân, chiều ba mươi tết là buổi chiều
không biết cất vào đâu.
Rút từ Bạn văn 2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét