Quê tôi Quảng Bình, dân bọ gộc, đi đâu nói mình dân Quảng Bình có người còn ngơ ra không hiểu Quảng Bình là ở đâu. Vô Nam dân miền Trung đều gọi là dân Huế, nói Quảng Bình nhiều người chỉ biết cười trừ, nếu nói Quảng Bình ở gần Huế là hiểu liền. Ra Bắc thì bảo Quảng Bình ở khu 4 người ta mới hiểu, nếu không người ta nhầm mình là dân Ninh Bình. Tuy vậy nếu nói mình là dân bọ thì ai cũng hiểu, liền vỗ vai bỗ bã, nói, bọ hả... bọ hả!
Nhiều người không hiểu “bọ” là lối phát âm trại đi của tiếng bố, cứ tưởng là dòi bọ. Thời chiến tranh bộ đội miền Bắc trước khi vào Nam ra Bắc đều trú quân khá lâu ở Quảng Bình, chủ yếu là ở nhà dân. Một hôm ông bố mới hỏi các chú bộ đội, nói, ngoài Bắc gọi bọ mạ bằng chi? Mấy anh bộ đội nghe “bọ mạ” tưởng hỏi “ bọ” là gì, cứ thật thà nói, dạ bọ là dòi. Bố mới vui vẻ vỗ vai các chú, nói, khi mô các chú ra nhà, cho bọ gửi lời thăm mấy con dòi.
Tiếng Quảng Bình nặng lại méo, âm có dấu ngã nói ra có dấu nặng, ví dụ bão thì nói ra bạo, lại quá nhiều phương ngữ, thành thử dân Bắc dân Nam nghe như vịt nghe sấm. Một hôm các chú bộ đội chào bọ mạ để hành quân, bọ mạ mới hốt hoảng giữ lấy tay, nói, khoan đi đã mấy chú ơi, bạo sắp vô rồi. Mấy chú bộ đội ngơ ra, hỏi, Bạo là thằng nào mà bố mẹ sợ thế nhỉ? Hỏi ra mới biết bão sắp vào.
Hồi chiến tranh dân Quảng Bình nhiều nhà không có hố xí, khi cần thì nhảy ra bãi cát sau nhà. Các chú bộ đội mới vào, nhiều khi đau bụng không biết chạy đi đâu. Một hôm đang bữa cơm, ông bố thấy chú bộ đội chui vào cái lậm để cuối vườn để “đi ngoài”. Cái lậm được làm giống cái hầm vuông nổi, dùng để đựng lúa khoai, tránh bom đạn. Chắc chú bộ đội không biết, tưởng cái hố xí. Ông bố thấy thế, cầm bát cơm lật đật chạy ra, nói, răng ẻ đó chú? Chú bộ đội chẳng hiểu gì, tưởng là ông mời vào ăn cơm, bèn nói, vâng... bố cứ xơi! Ông bố đi vào mâm hỏi con, xơi là cái chi? Chúng nó bảo, xơi là ăn. Ông bố tức lắm, thả cái bát hầm hầm chạy ra cái lậm, nói, răng chú ẻ lại mời tui xơi? Chú bộ đội đã xách quần đứng dậy, vui vẻ nói, bọ cứ ăn đi mà, con đã có cơm bộ đội.
Ra Bắc vào Nam thường không gặp trăc trở gì lớn, ở đâu cũng có người yêu thương đùm bọc, ngoại trừ tiếng bọ của tôi quả thật rất gian lao để nói cho người ta hiểu. Tôi nói tiếng bọ ở Hà Nội mười người thì có một đôi người không hiểu, vào Sài Gòn mười người không hiểu cả chục. Vào quán giải khát hỏi mua gói thuốc lá, nói, cho gói Esse chị ơi, bà chủ quán xởi lởi, dạ... chú có uống đường không chú?
Tôi kể chuyện này cho Đỗ Trung Quân, anh cười khờ khờ khờ, nói, ai bảo tiếng miền Trung của ông nhiêu khê. Thi hoa hậu quí bà, ban tổ chức công bố một quí bà người Huế cân nặng 47 cân. Quí bà chỉ nặng có 46 cân mới đứng lên thắc mắc, nói, báo cáo... ban tổ chức lộn của em một kí. Trưởng ban tổ chức nghe vần ộn ra vần ồn mới đứng lên giải thích, nói, Ban tổ chức chỉ cân tổng thể chứ không cân từng bộ phận.
Chuyện nói lộn âm nghe lộn tiếng tôi nghe cũng đã nhiều. Có sống ở miền Nam mới biết dân trong này nói lộn âm vận lia xia. Hôm tôi đi taxi, nói, cho chú về đường Vũ Huy Tấn. Thằng cu tài xế nói, làm gì có đường Vũ Huy Tấn chú, Vũ Huy Tánh chớ. Tôi nói, tấn là 10 tạ, là 1000 kg ấy. Thằng cu tài xế kêu to, 1000 kg là một tánh đó chú. Tôi chỉ biết nhăn răng cười, chẳng biết nói sao. Ông Đỗ Trung Quân lại kể chuyện, nói, dân miền Tây hay nói lộn vần im ra vần iêm. Một cô đến phường làm giấy khai sinh cho con. Phường hỏi, cha nó tên chi? Cô này nói, dạ tên Chim. Phường nói, chim có ê không? Cô này thật thà nói, dạ lúc đầu cũng hơi ê ê, sau rồi ngon trớt.
Thế cũng chưa hay bằng việc gọi taxi, đến khổ. Gọi về hãng taxi, nói, cho một xe về tám tám Lê Lợi. Cô tổng đài nói, dạ chú gọi lộn rồi chú. Tôi nói, đây có phải hãng taxi không? Cô này nói, dạ phải. Tôi nói, thế thì tôi gọi đúng rồi. Cô này nói, tại chú nói cho một taxi chầm chậm lấy lời, con tưởng chú muốn mua taxi trả chậm. Có hôm ông Huy Đức gọi điện bảo tôi đến số 5 Hàn Thuyên uống cà phê, tôi lên taxi, nói, cho đến số 5 Hàn Thuyên. Ông Taxi nói, Sài Gòn không có phố Háng Tiên chú ơi. Tôi nói khổ quá, háng người thường tôi chẳng dám chui vào, nói gì đến háng tiên. Ông taxi thật thà nói, dạ con nói thiệt mà, chú muốn con chở đi tìm háng người thường dễ không à, còn háng tiên thì con chịu. Tôi mắng ngu ngu ông này nhăn răng cười, đến khi mắng ngâu ngâu ông này mới chịu hiểu cho, hi hi.
Chẳng nói đâu xa, tưởng rằng tượng Phật nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) thì ai cũng biết, hoá ra vẫn có người nhầm là tượng nghìn mắt nghìn tai. Dân Nam nói nghe âm ay ra âm ai, thế nên mới nhầm. Đã nhầm lại còn cãi rất có lý: “Phật bà có nghìn mắt để soi xét thiên hạ, nghìn tai để nghe thấu ý muôn dân rồi chỉ bảo con người làm việc thiện, giữ gìn cỏ cây muôn lòai trường tồn. Sao lại nói nghìn tay?” Hi hi cái lý ấy thì đến Phật cũng chào thua.
Rút từ Chuyện đời thường vớ vẩn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét