Chia sẻ cùng Tình cát

Ts Trịnh Thu Tuyết


Hôm rồi, nhận được món quà 8/3 toàn sách ( nói quà 8/3 cho lãng mạn, thực ra chỉ vì nhận được trong ngày 2/3, cộng thêm cho nó 6 ngày để tạo một niềm vui cho ảo giác, có sao!) - lí trí U60 ngay lập tức chọn đọc cuốn Tình cát của Nguyễn Quang Lập đầu tiên, mong tăng niềm vui tháng 3; và không ngờ, tâm thế thuở xa xưa trở về như bão trên trảng cát.


Câu chuyện xoay quanh chuyến đi thực tế lấy tài liệu cho một phóng sự chống tiêu cực 4 kì của một phóng viên trẻ trung quyến rũ, say nghề xách tay thêm một nhà văn gần tri thiên mệnh. Chuyến đi dự định 5 ngày, và từ quĩ thời gian vật lí ngắn ngủi ấy, thời gian nghệ thuật, thời gian tâm lí lùi lại tới 23 năm trời, mở ra cả một đời người, nhiều đời người với những đồng hiện chồng chéo giữa kí ức thời quá vãng với những mảng đời thực ghê sợ, dơ dáy của hiện tại. 

Nhà văn mê hoặc dẫn dụ người đọc vào một thế giới nghệ thuật đầy ma mị, một không gian ráp bỏng cát, khô xác gió, đắm đuối đam mê, đầm đìa máu đỏ, ngổn ngang xác chết, nhoè nhoẹt nước mắt - nước mắt đàn ông, thứ tinh chất đau đớn nhất trong cuộc đời này; một không gian vừa mở rộng chênh chao giữa gió và cát, vừa hun hút với những thân phận và mưu mô, khiến người đọc mê man và hãi sợ, không thể dừng lại vì sự cám dỗ ma quái, và cũng hoang mang vì " đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh", không biết con đường hun hút ấy sẽ đưa mình đi tới đâu. 

Sự đồng hiện của thời gian, sự chồng chéo nham nhở của không gian được tựa trên dòng ý thức hỗn độn, bấn loạn, bất định của nhân vật nhà văn Hoàng, người đàn ông chỉ một mực sống trong các động từ chia thời quá vãng, bị nó dằn vặt, khuấy đảo với những yêu thương, nhức nhối, đau đớn, bị nó hút kiệt sinh lực và làm tê liệt năng lực sống với hiện tại.

 Những vết thương vĩnh viễn không lành của chiến tranh, những căm giận ngỡ ngàng với tội ác ghê sợ của hiện tại, sự kết nối hoá ra không ngẫu nhiên giữa vết thương ngày cũ với sự "nhảy cẫng lấc láo" ( mượn cách nói của Nguyễn Minh Châu) của cái Ác ngày hôm nay khiến hành trình "đường xa" của nhà văn, nhân vật và người đọc thành hành trình vật vã giữa khao khát đam mê và nhận chân cái Ác trên nền cát cháy.

 Ít có tác phẩm nào mà tình yêu và nỗi đau lại đồng hành mãnh liệt đến thế, trong đó, tình yêu đau đớn dành cho vùng quê nghèo Xóm cát lại hiện hữu trong từng câu chữ, từng bước đi của hành trình thập thõm về quá vãng, hoang mang trong hiện tại, cô đặc lại trong nhan đề Tình cát. 

Một trong những thành công nhất của Tình cát là nghệ thuật trần thuật, trần thuật theo dòng ý thức của nhân vật nhà văn Hoàng, trần thuật theo vài mảnh nhật kí của cô phóng viên trẻ, tâm can và thân phận con người vì thế được hiện ra trong nhiều góc nhìn, góc soi chiếu; trần thuật từ ngôi thứ ba nhưng cả tác phẩm là điểm nhìn và giọng điệu nhân vật, đắm say, căm giận, khinh bỉ, văng tục...đều là giọng nhân vật. Nên rất thật! 

Và đọc Tình cát, lần đầu tiên trong đời không thấy phản cảm với một lớp từ ngữ thường gây phản cảm, có lẽ bởi có những thứ xấu xa hơn cả ngôn từ chứa nó, nói về nó; và có lẽ, để khỏi xúc phạm những ngôn từ trong trẻo vô ngần của tiếng Việt, cần phải có một lớp từ riêng dành cho bọn thú gốc người - mượn cách nói của những tập hợp từ quen thuộc như người Mĩ gốc Việt, người Bỉ gốc Lào..., chỉ khác là những người Mĩ hay Bỉ ấy có thể không biết nói tiếng Việt, tiếng Lào, còn bọn thú gốc người chỉ nói tiếng người, thậm chí siêu người.

 Tôi cứ hình dung một trong những con thú của Tình cát, hoạt ngôn, khá mê hoặc với cặp kính 4 diop chắc mờ khói phấn khích, say mê cao đàm khoát luận về triết học của V. Soloviev, Voltaire, văn chương của Borges và Kafka, hội hoạ của Rousseau và Cezanne..., kẻ được học hành tử tế nhưng lại bỏ qua những điều sơ đẳng về nhân tính, lương tri. 

Người ta hay dùng từ "thần bút" chỉ những nhà văn có bút lực dồi dào huyền diệu, đọc xong Tình cát thấy bọ Lập không chỉ là thần bút với sự huyền diệu của thượng giới, ông là ma bút với sự dẫn dụ ma mị đưa người đọc vào chốn thâm cung của tâm địa, tâm can, tâm hồn con người cõi hạ giới. Một ngòi bút đầy ma lực, vậy là đủ!


Rút từ fb Trịnh Thu Tuyết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét