Tinh thần phản tỉnh trong tản văn của Nguyễn Quang Lập

Nguyễn Trọng Bính




1.
Thời điểm này mà nhắc đến tên Nguyễn Quang Lập e là rất “dễ” trở thành người “nổi tiếng” theo cái kiểu “bất đắc dĩ” và vô cùng lãng xẹt?! Thế mới biết, ở cái xứ này “giang hồ thì hiểm ác, lòng người thì khó lường, chữ nghĩa, văn chương thì khó… viết”. Nói chung là nghĩ và làm cái gì cũng khó, đặc biệt là làm người đàng hoàng và tử tế lại càng khó hơn nữa!
Nhưng chẳng lẽ vì ngại khó mà người ta lại từ chối cái quyền được/phải làm người tử tế và đàng hoàng của mình? Thôi thì, bắt chước cụ Nguyễn Du “cũng liều nhắm mắt đưa chân/để xem con tạo xoay vần đến đâu!”

2.
Nếu tôi nhớ không lầm thì có lần (khi còn là “chủ sở hữu hợp pháp” cái “bờ lốc, bờ leo” quechoa nổi tiếng) Nguyễn Quang Lập cho rằng, người viết tản văn hay nhất nước Việt hiện nay có lẽ là nhạc sĩ Tuấn Khanh (trẻ). Với nhận định này phải nói rằng, Nguyễn Quang Lập quả là một nhà văn “đàn anh” có đôi mắt tinh tường cùng“tấm lòng biệt nhỡn liên tài”!
Quả đúng như vậy, hiện nay, ngoài tư cách nhạc sĩ, Tuấn Khanh còn viết nhiều tản văn rất hay. Tuy vậy, nếu như ở Tuấn Khanh là khả năng “tổng hợp” những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước sau đó “tung hứng” bằng những con chữ lung linh và đầy ám ảnh thì tản văn của Nguyễn Quang Lập là chiều sâu của tinh thần nhân bản và tự phản tỉnh của một người từng trải.
Cái tính “hoạt khẩu” để gây cười (như ai đó đã nhận định) tuy cũng là thế mạnh nhưng thật ra, theo tôi đó chỉ là “phần nổi” trong tản văn Nguyễn Quang Lập mà thôi. Thật ra, nghiêm túc mà nói, Nguyễn Quang Lập cũng rất “già đời” khi cố tình hoạt khẩu như thế để gây cười và “lôi” người đọc thâm nhập vào đường dây của những câu chuyện mà ông kể. Hơn nữa, hoạt khẩu như vậy sẽ không làm cho người trong cuộc “nổi khùng” hoặc là “nghỉ chơi” với ông (trường hợp những tản văn viết những bạn bè, người quen của ông). Tuy vậy, điều quan trọng nhất vẫn là thái độ và sự chân tình tự phản tỉnh về tất cả các vấn đề đời sống; về tất cả cái gì thuộc về con người nhằm đấu tranh cho cái “lương tâm của xã hội, của thời đại” hôm nay trước nguy bị chó tha đi mất.
Có thể thấy, ngay từ những năm đầu đổi mới, ở Nguyễn Quang Lập đã bắt đầu nhen nhóm và “thai nghén” cái tinh thần này. Khi ấy, chỉ qua tiêu đề của quyển tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng”,Nguyễn Quang Lập đã bộc lộ sự “hoài nghi” của mình về thời cuộc và con người Việt Nam lúc ấy. Càng về sau, ý thức này càng bộ lộ rõ hơn qua hàng loạt tản văn viết về đề tài “chuyện nhà quê” hay những miền “ký ức vụn” trong ông. Và mới đây nhất, cái tinh thần này ông được cẩn thận “gói” vào tiếng… “đánh rắm” trong bài thơ có nhan đề “Một ngày”:
“… Khó ngủ quá
Chổng mông đánh rắm một phát chơi
Rắm xong rồi lại ngửi
Ngẩn ngơ ngồi dậy ngẩn ngơ cười.”
Phải chăng, cuộc đời ô trọc này nó buộc ông phải tỏ thái độ bằng cách “đánh rắm một phát chơi”? Mà thật ra là “đánh rắm” vô mặt bọn “trí thức giả cầy”hay chính xác hơn là bọn “lưu manh giả danh trí thức” thời nay. Nhưng oái oăm thay, cuộc đời oan nghiệt quá nên ông chợt nhận ra, mình “đánh rắm” xong có khi chính mình là người trước tiên phải “ngửi” chứ không phải ai khác? Thế mới đau! Vì vậy, mới có chuyện“ngẩn ngơ ngồi dậy ngẩn ngơ cười”? Một tiếng cười ít nhiều nói lên sự bất lực của con người trước sự thô bạo và hiểm ác của cuộc đời – một sự phản tỉnh thành thật của con tim khi nghĩ về những giới hạn của bản ngã trước muôn vàn sự giả dối, trắng – đen! Vậy thì có nên tiếp tục “đấu” với cuộc đời ô trọc và bọn“lưu manh giả danh trí thức” kia nữa không? Nhà văn chân chính đương nhiên là sẽ “chơi” tiếp! Tôi nghĩ vậy!
3.
Bàn về văn chương Nguyễn Quang Lập không thể không đề cập đến một vấn đề mà theo tôi, đa phần các nhà văn Việt hôm nay có lẽ, sẽ phải ghen tị với ông. Ghen tị vì lẽ, họ không có hoặc cũng từng có như ông nhưng vì chủ quan, không cẩn thận và nhất là thiếu bản lĩnh nên đã đánh mất lúc nào không hay. Là vấn đề gì? Xin thưa: đó là những “LỜI MẸ DẶN” mà nhà thơ Phùng Quán đã nói cách đây mấy mươi năm.
Thật ra, quan điểm và cách nói về chuyện “yêu ghét phải rõ ràng” trong bài thơ này của nhà thơ Phùng Quán tuy là hay nhưng với tôi nó không đặc sắc bằng cái tiêu đề “LỜI MẸ DẶN” nếu nhìn ở phương diện văn hóa và ý nghĩa mang triết học của nó. “LỜI MẸ DẶN” ở đây không đơn giản là lời của một người mẹ cụ thể, là mẫu thân của nhà thơ nữa mà nó còn mang một ý nghĩa biểu tượng rất độc đáo! Có lẽ, bất cứ người mẹ nào trên thế giới (chứ không riêng gì bà mẹ ở VN) đều có chung một ước nguyện và niềm mong mỏi là con mình lớn lên sẽ thành tài và nên người. Vì vậy, có lẽ tất cả mọi bà MẸ trên quả đất này đều răn dạy những đứa con của mình khi lớn lên điều quan trọng nhất là PHẢI SỐNG cho ĐÀNG HOÀNG VÀ TỬ TẾ?
Vì thế, thật hạnh phúc cho ai trong đời luôn nhớ và lúc nào cũng giữ gìn cẩn thận những “LỜI MẸ DẶN”. Dĩ nhiên cũng thật bất hạnh cho những ai vì lý do nào đó đã đánh mất những “LỜI MẸ DẶN” vốn rất THIÊNG LIÊNG này!
Đặc biệt, với những người cầm bút viết văn nhằm “tưới mát” và làm “lành mạnh hóa tâm hồn” con người thì càng phải cẩn trọng hơn nữa, nếu không đó sẽ là thảm họa cho xã hội!
Đến đây, chợt nhớ đến cách nói của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khi ông so sánh tư cách nhà văn với nhân vật“Thị Nở” – người đàn bà “dở hơi” trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Không hiểu sao, dù rất quý và kính trọng nhà phê bình nhưng bản thân tôi lại không thể đồng cảm với cách so sánh “Nhà văn như Thị Nở” như thế này. Hình như có gì đó hơi “giật gân” và “thiêng liêng hóa” mối tình Thị Nở – Chí Phèo trong truyện ngắn này thì phải?
Cần nhớ rằng, xây dựng nhân vật Thị Nở ý đồ chủ yếu của Nam Cao là nhằm nhấn mạnh đến bi kịch nghiệt ngã của Chí. Tức là, ở cái làng Vũ Đại không người nào chịu giao tiếp, không ai chịu “chơi” với Chí. Thậm chí đến ngay cả mụ đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn” kia, có ai ngờ cuối cùng cũng “ngoai ngoái cái mông đít” bỏ Chí mà đi. Đồng ý là trước đó, tình yêu của Thị Nở tuy có giúp Chí thức tỉnh và nhận ra hắn còn là một con người nhưng cũng chính Thị chứ không ai khác vì cái sự “dở hơi” của mình đã vô tình triệt tiêu con đường quay về nẻo chính của Chí. Nam Cao viết:
“Thị chống tay vào háng, vênh vênh cái mặt và tớn cái môi vĩ đại lên trút vào mặt hắn tất cả những lời của bà cô. Hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu. Hắn bổng nhiên ngẩn người. Thoáng một cái, hắn lại như hít hít thấy cái hơi cháo hành. Hắn cứ ngồi ngẩn mặt không nói gì. Thị trút giận xong rồi. Cái mũi đỏ dị xuống rồi bạnh ra. Thị hả hê lắm. Thị ngoai ngoái cái mông đít đi ra về. Hắn sửng sốt đứng lên gọi lại! Ai mà thèm lại!”
Có thể nói chính vì sự “dở hơi” này của Thị Nở mới có câu nói bất hủ của Chí ở cuối tác phẩm: “tao muốn làm người lương thiện nhưng ai cho tao lương thiện?”
Nói cách khác, đành rằng, Thị Nở đã từng yêu đắm say nhờ đó đã đánh thức tính người trong Chí nhưng thử hỏi nếu trong sâu thẳm bản chất của Chí không phải là lương thiện thì chắc gì tình yêu của Thị sẽ trở thành chất xúc tác cho “phản ứng” giết kẻ thù là Bá Kiến xảy ra? Hơn nữa, trong chuyện này, vấn đề mà nhà văn Nam Cao muốn nói là, Chí Phèo tuy là “đứa không cha không mẹ” nhưng với câu nói “ai cho tao lương thiện” ở cuối tác phẩm cho chúng ta thấy cách hành xử của Chí “đẹp” và chững chạc hơn gấp ngàn lần những kẻ có cha có mẹ và được cha mẹ dạy dỗ đàng hoàng! Điều này rất phù hợp với việc Nam Cao đề cập ở đầu tác phẩm, bản chất của Chí tuy là “đứa không cha không mẹ” không ai dạy bảo nhưng hắn sống rất thật thà, đến nỗi bị bà vợ Ba của Bá kiến mắng mỏ về sự thật thà ấy lúc mụ kêu Chí lên “bóp chân” và “bóp lên trên”.
Vì vậy, theo tôi nếu so sánh Nhà văn với một người “dở hơi” như Thị Nở e là không hợp lẽ cho lắm. Như thế thì tội cho những nhà văn nhất là những nhà văn chân chính quá! Nhà văn trước hết, phải là người tự ý thức về bản thân mình, là người phải biết tự thức tỉnh lương tâm mình trước khi muốn thức tỉnh người khác! Nhà văn ở phương diện nào đó nên giống như Chí Phèo hay anh Hộ trong Đời thừa thì có lẽ dễ chấp nhận hơn chăng?
Từ đây, trở lại vấn đề của Nguyễn Quang Lập, có thể nói ẩn sau những “câu chuyện đời vớ vẩn”, ẩn sau sự hoạt khẩu gây cười là một cái nhìn rất sâu sắc nhằm cảnh báo về những nhầm lẫn, ấu trĩ, tệ hại, xấu xa, đê tiện… của con người trong cuộc sống.Thậm chí, như đã nói, Nguyễn Quang Lập còn mang cả bạn bè và ngay bản thân mình ra để “trăn qua trở lại” xem coi có xứng đáng với chức phận của người cầm bút viết văn hay không (nhất là trong xã hội ngày nay)? Ở chỗ này, ta thấy Nguyễn Quang Lập rất tinh tế và cũng gần với Nam Cao ở chỗ dám tự sỉ vả mình (kiểu nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời thừa đã khóc và tự mắng mình là “thằng khốn nạn” vì đã viết ra thứ văn chương rẻ tiền, nhạt như nước ốc, đầu độc tâm hồn con người).
Viết văn được như vậy, theo tôi phải là người có tâm hồn trong sáng và luôn hướng về điều thiện; là người hết lòng phụng sự cuộc sống, phụng sự con người bằng tất cả sự chân thành trong sự phản tỉnh cao độ. Từ đây, trong cái nhìn so sánh với vô số những người cầm bút viết văn hôm nay, phải chăng Nguyễn Quang Lập là nhà văn may mắn vẫn còn giữ được một “thứ vũ khí sắc bén” bên mình (như tôi đã đề cập ở trên): những “LỜI MẸ DẶN”?
4.
Trong “Bút pháp của ham muốn” nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy trong khi bàn về trường hợp thơ của Chế Lan Viên, có đặt ra vấn đề: “phải chăng mặt nạ cũng là một bản chất của người nghệ sĩ?”. Tôi cho rằng, đây là nhận định rất hay! Quả đúng như vậy, nhà văn – người nghệ sĩ trong xã hội hiện đại” (nhất là ở những xã hội con người bị bao cấp về tư tưởng) có khi phải thường xuyên đeo “mặt nạ” để “ngụy trang”. Đây không hẳn là cách sống hai mặt hay muôn mặt mà có lẽ, trước hết là do “thời thế thế thời phải thế”. Và người nghệ sĩ trong xã hội hiện đại như Chế Lan Viên nói, đôi khi cũng giống như cái “tháp Bayon bốn mặt” trong đó buộc phải “ngụy trang” một mặt để sống vì vậy đã vô tình làm “đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”!
Tuy vậy, vấn đề là làm sao để nhận ra nhà văn chân chính, làm sao để nhận ra người nào đang đeo “mặt nạ” và ngụy trang dưới những con chữ nhưng không nhằm mục đích lừa dối con người, lừa dối cuộc đời? Theo tôi, trong chuyện này chúng ta nhất định cần phải bàn đến vấn đề nhà văn đó có phải và đồng thời là một trí thức thứ thiệt hay không? Hay thật ra chỉ là bọn “lưu manh trí thức” – những kẻ chỉ coi văn chương và dùng văn chương như một thứ công cụ không hơn không kém nhằm phục vụ cho thói háo danh và những lợi ích nhất thời, tầm thường của riêng họ? Nói cách khác, ở đây, có lẽ chúng ta phải trở về ở về với quan điểm của M.Gorki: “văn học là nhân học” để nhìn nhận và xem xét thôi!
Trong cái nhìn này, trong cảm nhận của riêng tôi, tuy Nguyễn Quang Lập vẫn chưa thể sánh ngang với trường hợp Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao nhưng phải khẳng định ông là một nhà văn, một nghệ sĩ, một trí thức đúng nghĩa trong thời đại ngày nay. Điều này thể hiện rất rõ không chỉ qua cái nhìn tự phản tỉnh của ông trong tản văn mà còn qua sự “hăng máu” khi ông quyết định dấn thân và chuyển sang làm một nhà báo chơi “bờ lốc, bờ leo” trong thời đại kỹ thuật số. Và hậu quả là, như chúng ta đã biết cái “bờ lốc bờ leo” ấy đã làm cho ông khốn đốn! Nhiều người (trong đó có tôi) buồn và đau xót cho ông về chuyện này nhưng có lẽ với ông – một trí thức bản lĩnh và chân chính có khi đó lại là “cơ hội” (dù không mong đợi) để trải nghiệm nhằm phục vụ cho việc viết văn của mình cũng không chừng!?
Chúng ta – những kẻ tầm thường và hèn nhát thường hay có nhiều mối lo và sợ sệt không đâu. Hoặc không thì lại có tâm lý muốn đeo mặt nạ của những nhà văn chân chính để rồi huênh hoang nói những lời nước thải vu vơ và sáo rỗng!
Trời ạ! Lắm khi nhìn lại mà thấy xấu hổ vô cùng!
Cần Thơ, 14/4/2015

0 nhận xét:

Đăng nhận xét