Một lần dũng cảm


Tản văn

Trước mình đang ngồi uống bia tươi ở Lion, bia ở đấy ngon, cái view thoáng, nửa vỉa hè nửa sân nhà, rất thích. Kẹt cái hay bị gặp người quen nên dần dần mình cũng bỏ.

Một buổi chiều năm ngoái mình ngồi một mình nhấp li bia đợi bạn. Một ông bệ vệ xách cặp từ trong nhà đi ra, sau lưng có hai ba ông trợ lý hay đàn em chi đó cung cúc đi theo. Mình không để ý lắm, ở đâu chẳng có mấy ông bệ vệ, ở Sài Gòn thì nhiều như quân Nguyên.

 Ông này đã đi qua  chợt quay lại chỗ mình chia tay lịch sự, nói chào Nguyễn Quang Lập, khỏe không. Mình bắt tay, nói tôi khỏe, cảm ơn anh và cố vắt óc ra cố nhớ xem người này là ai nhưng chịu. Mãi khi về nhà, nhìn lên ti vi thấy có ông mặt sẹo đang nói gì đấy, thốt nhiên mình nhớ ra thằng Chinh. Đúng là thằng Chinh, nó cũng có cái sẹo vắt ngang cằm, cái sẹo đó do mình gây ra….

Chuyện thế này.


Những năm sáu mươi ở miền Bắc có thứ kì thị rất tức cười, đó là kì thị tầng lớp ăn sổ gạo. Dân phi nông nghiệp được Nhà nước phát cho sổ gạo, một người mỗi tháng được 13 kg đến 15 kg. Dân nông nghiệp ghét đám ăn sổ gạo lắm, họ cho đó là đám vô tích sự chuyên ăn bám lúa gạo của nông dân. Chỉ là  số ít thôi, đa số dân nông nghiệp không có mặc cảm này. Nhưng phàm ai đã ghét thì ghét cay đắng, ghét và khinh rẻ như người da trắng khinh ghét dân da đen vậy.

Từ ngày nhà mình sơ tán lên làng Đông, ai ai cũng yêu thương đùm bọc, trừ vợ chồng ông mẹt Lưu. Họ không bao giờ nhìn sửa mặt ba mạ mình, sáng sáng vác cày đi, tối tối dắt trâu về họ đều đi qua ngõ nhà mình. Ông chồng khạc một cái nhổ toẹt bãi nước bọt, nói đ.mạ dân tư sản, ngồi mát ăn bát vàng, sướng hè sướng hè. Bà vợ vén quần đứng đái xói hàng rào, nói dân sổ gạo sướng chi sướng lạ, sướng rồi còn mò lên đây mần chi hè. Họ muốn nó gì thì nói, ba mạ mình như điếc chẳng ai nói gì.

Ba mình nói đừng trách họ, chẳng qua họ không hiểu. Ông đe con cái trong nhà không được đôi co hay làm bất  kì việc gì với họ. Mình tuân theo nhưng trong bụng không phục.  Mình mới chục tuổi đầu, bị chửi đồ chó đồ mèo không tức, hễ bị chửi đồ ăn sổ gạo là tức điên lên, cảm giác bị làm nhục bị khinh rẻ trào lên nghẹn cổ. Rất nhiều khi mình tính vác đá ném vào mặt ông mẹt Lưu. May mình nhịn được không thì rầy rà to. Nhất định mình bị ba cho ăn đòn, ba mạ mình nhất định bị làng cho ăn đòn, thế nào người ta cũng nghi ba mạ mình xui con trả thù.

Thằng Chinh là con ông mẹt Lưu, học  lớp bốn cùng trường với mình, nó học 4a mình học 4c. Thằng này không lếu láo, ít khi gây sự với đứa nào. Riêng mình thì khác, nó khinh mình ra mặt, có cơ hội là nó gây mình liền, chỉ vì mình là dân ăn sổ gạo. Chuyện gì nó cũng kiếm cớ gây sự. Đi học muộn nó bảo dân sổ gạo sướng rứa mần chi mà đi trễ? Đi học sớm nó bảo dân sổ gạo còn lo chi nữa mà đi sớm? Khi không có cớ gì nó cũng đi ngang qua nhổ toẹt bãi nước bọt trước mặt mình. Hơn chục lần mình xông vào nó, tức cái lần nào cũng có người can ngăn.

Ba mình biết chuyện, ông cho mình chuyển trường rồi chuyển nhà ra xóm Bàu ở. Từ đó nhà mình thoát nạn vợ chồng ông mẹt Lưu, mình thoát nạn thằng Chinh, nhẹ cả người. Được ít lâu lại gặp thằng Chinh ở Cồn Rưới. Lũ trẻ chăn bò mấy thôn quanh đấy đều tụ tập về Cồn Rưới. Mình không phải chăn bò cũng mò ra đấy chơi, không chơi với đám chăn bò chẳng biết chơi với ai nữa.

 Trước đây thằng Chinh không bao giờ có mặt ở Cồn Rưới, từ ngày ba nó tậu thêm  một con bò đực nó mới gia nhập hội chăn bò. Vừa thấy mặt mình nó đã vênh mặt lên gây sự, nói dân sổ gạo biết cứt chi mà đòi ra đây chơi hè. Mình không chấp, chả đôi co với nó làm gì, cứ lặng lẽ chơi. Chơi vụ ( con quay), đánh khăng, ù muỗi, kéo co … không trò nào mình chơi tồi. Riêng trò đánh du kích trên lưng bò thì mình chịu.

Chưa thấy ở đâu chơi trò này, nó na ná trò đua tài trên lưng ngựa của hiệp sĩ của xứ tây, chả hiểu sao con nít làng Đông lại mê. Trò này rất hấp dẫn nhưng  khá  nguy hiểm. Cũng chia ra phe, tất cả ngồi trên lưng bò, ai nấy đội nơm rạ phủ kín mình và cho bò phi về phía nhau. Khi gặp nhau phải lập tức “bắn” ngay, tức gọi tên đối phương thật nhanh thật chính xác.  Ai “bắn” trước và “bắn”, trúng kẻ đó thắng. Muốn đánh lừa được đối phương phải đổi bò và nơm rạ cho nhau. Trong  những đám bụi bốc mù mịt, các đấu thủ vừa cho bò chạy thật nhanh vừa nhảy qua lưng bò của nhau hoặc ném đổi nơm rạ cho nhau.

Muốn đổi bò và nơm rạ mà không bị phát hiện cũng phải giỏi đánh lừa. Hai đứa cùng phe cưỡi bò chay trước, vừa chạy vừa đổi bò và nơm rạ, sau đó chúng lùi lại để cho hai đứa khác cưỡi bò vượt lên . Hai đứa này vừa đổi bò và nơm rạ vừa che cho hai đứa lùi lại để chúng đổi bò và nơm rạ một lần nữa. Chúng có thể đổi thật hoặc vờ như đổi để đánh lừa đối phương tùy theo tình huống diễn ra khi đó.

 Cái khó là trong khi diễn trò đổi bò và đổi nơm rạ mình phải quan sát thật nhanh và kĩ trò đổi bò và nơm rạ của đối phương, nếu không mình chẳng biết tụi nó đổi bò và nơm rạ khi nào, dễ “bắn” tầm bậy. Đứa nào nhảy sang lưng bò không thạo, chỉ chăm chú việc nhảy bò mà không để ý đến đối phương nhảy bò ra sao, thể nào cũng bị thua.

 Mình mê trò chơi này kinh khủng nhưng tụi nó không cho chơi. Cưỡi bò không khó nhưng cho bò “ phi nước đại” thì không dễ, lơ mơ ngã gãy dò không phải chuyện đùa. Khó hơn nữa là việc nhảy bò. Vừa thúc cho bò chạy thật nhanh vừa tung mình nhảy sang  lưng bò khác, đấy là việc của hiệp sĩ. Thế mà con nít làng Đông đứa nào cũng làm được, trừ mình.

 Mình không phải dân chăn bò. Muốn cưỡi bò đánh trận phải tập, mình đã tập nhảy bò khi bò đứng im được rồi nhưng đến đoạn nhảy bò trong khi bò chạy thì chịu, không dám. Bò chạy chậm mấy cũng không dám.  Mình đành phải làm khán giả đứng xem chúng nó chơi. Thấy mình không dám chơi, thằng Chinh đắc ý lắm, tha hồ khạc nhổ trước mặt mình.

Nó cho bò rượt qua mặt mình, khạc một cái nhổ toẹt một cái, nói răng không chơi Lập ơi, sợ à. Lại cho bò vòng trở lại, khạc một cái nhổ một cái, nói nhát gan rứa thì về bồng em, đứng chi đây hả thằng tê! Không nhịn được nữa mình nhảy vào phe thằng Diệp đòi chơi. Thằng Diệp mừng lắm, nó nhường bò nhà nó cho mình, đi kiếm con khác. Bò nhà thằng Diệp khôn ngoan nhanh nhẹn nhất hội, được cưỡi bò thằng Diệp mình cũng yên tâm.

Mình và thằng Diệp song đôi xông lên. Pha đổi nơm rạ khá dễ dàng, đến lượt nhảy bò mình hết sức căng thẳng. Thằng Diệp cho bò chạy gần sát bò mình, nói nhảy đi nhảy đi. Mình dợm nhảy hai ba lần đều không dám. Thằng Diệp sốt ruột lại dục, nói nhảy đi nhảy đi. Vừa lúc bò phe thằng Chinh xông tới, nó “ bắn” mình chết tươi, thằng Lập chết nha. Vừa xông trận đã bị loại, xấu hổ chết được.

Thằng Chinh phỡn chí hét toáng lên, nói a ha ha… thằng ăn sổ gạo không dám nhảy bò thằng ăn sổ gạo sợ chết! Lại cười toáng lên, nói a ha ha… thằng ăn sổ gạo quá hèn… thằng ăn sổ gạo hèn quá bay ơi. Mình rú lên một tiếng tưởng rách họng, nói a thằng chó đẻ, mi nói ai hèn và thúc bò đuổi theo thằng Chinh. Nó không sợ vừa thúc bò chạy vừa vênh mặt lên cười cười, thằng ăn gạo tê, có giỏi thì sang đây. Mình nhảy phốc một phát sang lưng bò thằng Chinh, ôm cổ nó cho văng khỏi lưng bò.

Thât không ngờ mình có cú nhảy tuyệt vời đến vậy. Nó vừa chiếm lĩnh được lưng bò vừa tóng cổ đối phương rơi xuống đất. Trong đám chăn bò Cồn Rưới chỉ có thằng Diệp là nhảy được, ngoài ra chẳng đứa nào dám. Mình cũng chỉ nhảy được một lần ấy thôi, nhng lần sau có cho kẹo cũng không dám, hi hi.

Thằng Chinh ngã lộn nhào, cằm đập vào hòn đá nhỏ, rách một múi dài, từ đó nó có biệt danh thằng sẹo bò lộn, gọi riết thành thằng bò lộn. Xấu hổ vì cái biẹt danh thằng Chinh bỏ đám chăn bò Cồn Rưới, từ đó không bao giờ bén mảng.  Mình cũng không gặp lại nó cho đến bốn chục năm sau tại nhà hàng Lion. Cũng nghĩ chỉ tình cờ gặp nhau lần đó thôi, ai dè chủ nhật tuần vừa rồi lại gặp nó.

Có bạn từ Hà Nội vô, hú mình tới nhà hàng Hoa Lư. Đang đi lại lơ ngơ trong nhà hàng tìm bạn, chợt có người vỗ vai thật mạnh, nói à ha quả đất tròn quay Lập hè. Ngoái lại té ra  thằng Chinh. Nó lôi mình tới bàn nhậu của nó giới thiệu mình với mọi người, rồi ngoảnh mặt hỏi như thầy giáo hỏi học trò, nói vừa nãy tôi nói chuyện đến đâu rồi. Một gã đàn em nói dạ… anh hai nói đến đoạn đấu tranh chống bao cấp. Nó gật gù, nói đúng đúng. Tôi biết đấu tranh chống bao cấp gần nửa thế kỉ trước, từ năm 12 tuổi tôi đã có ý thức dẹp bỏ bao cấp. Ai không tin cứ hỏi ông nhà văn này.

 Thằng Chinh vỗ vai mình đánh bốp, nói có phải không nhà văn. Mình chỉ biết cười trừ.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét