1
Bắt
đầu từ ngày 5-6-1995.
Ngày
thứ nhất về quê Hoàng. Lần đầu biết thế nào là gió Lào cát trắng. Biết cả nắng
cực, một kiểu nắng... rất miền Trung.
Dù
làm tình trên cát thật thích, trai xứ này cũng hay nhưng mình thề sẽ không bao
giờ làm dâu xứ này.
Phát
hiện thứ nhất: Hoàng không yêu quê, không nhớ quê. Hắn chỉ nhớ cái xóm vu vơ
nào đó có tên là Xóm Cát mà thôi. Phát hiện thứ hai: Hoàng đeo lấy mình vì mình
giống một bà tên là Thùy Linh. Đúng ra Hoàng đã mượn mình để yêu bà Thùy Linh
nào đó mà thôi.
Cả
hai phát hiện đều không quan trọng, mình không chấp.
*
Cát chạy từ làng Yên Khê tới làng Mắm ngót nghét mười
sáu cây số, tỏa rộng từ chân núi Ngậm Ngùi tới biển Củ Từ cũng mười sáu cây số.
Chỉ có cát trắng phau và những đám cây phi lao còi cọc mọc vống ngược xuống, bò
lây lan như rau muống từng đám xanh nhợt nhạt, vàng úa.
Thỉnh thoảng một vài con chôông xanh lét vọt ra từ một
bụi phi lao, chạy như bơi trên trảng cát, chui tọt vào bụi phi lao khác. Còn lại
là hoạt động khá tấp nập của cỏ lông chông. Những đám cỏ lông chông khô khốc
túa ra từng chùm lá nhọn hoắt, chạy loong toong từng đàn trông thật dễ thương,
nhờ chúng mà trảng cát sinh động hẳn lên.
Thật khó tin người ta có thể sống được ở nơi đây. Sống
làm sao giữa trắng phau và bỏng rát? Những con chôông và đám cỏ lông chông cũng
còn khó sống, chúng ngày mỗi vợi bớt đi, con người sống thế nào sống ra sao?
Vậy mà Xóm Cát đã từng sống gần trọn một thế kỷ.
Chỉ cần đào xuống chừng vài chục vốc cát, Hoàng đã bắt
gặp những thanh củi cháy dở. Đào sâu xuống chừng dăm mười nhát xẻng thấy những
cọng rơm lẫn với vỏ trứng gà, và tha hồ những mảnh sành vỡ. Nếu tiếp tục đào nữa,
khoảng chừng bốn năm mét, thế nào Hoàng cũng gặp lại một vài mảnh, mà biết đâu
là tất cả cái Xóm Cát, nơi anh đã sống trọn vẹn mùa hè năm 1972, cách đây đã
hai mươi ba năm...
Mười một nóc nhà dính nhau, bếp nhà nọ xọ bếp nhà kia
quây thành một vòng elip, nằm lọt thỏm giữa trảng cát mênh mông. Ở giữa xóm là
suối Mật rộng chừng hai mét, bắt nguồn từ vô số mạch nước ngầm chảy ra từ gốc của
một cây đa già.
Không hiểu sao giữa trảng cát mênh mông này lại mọc
lên cây đa cao lớn lạ thường. Nó đã quá già. Thân và cành cũ kỹ mốc meo, nếu
không có dăm bảy chục chiếc lá cũng đã úa vàng phất phơ trên ngọn người ta dễ
nhầm nó là thứ cây chết đứng đã lâu ngày.
Tất cả chỉ có vậy và đã
chết, đã chết vùi trong cát.
Hoàng nằm trên cát. Nền
trời xanh ngắt đang sẫm dần, sao trời đang dần ló ra, nhấp nháy nhấp nháy...
Chuyện gì đã xảy ra với Xóm Cát dẫn đến cái chết điêu
đứng của nó?
Nghe nói một trận B52 đã làm đảo ngược mười một nóc
nhà, cây đa và suối Mật xuống đáy cát trong vòng mười lăm phút. Lại nghe nói
chính là bom Napan đã đốt cháy rụi Xóm Cát chứ không phải bom B52.
Những người dân ở chân núi Ngậm Ngùi kể lại: Vào một
ngày nào đó cuối năm 1972, Xóm Cát bỗng nhiên bốc cháy, từng đụn khói vói thẳng
lên trời suốt mấy tiếng đồng hồ.
Không phải vậy.
Nghe đâu chính những người dân
Xóm Cát còn sống sót sau trận B52 đã phát hỏa đốt nhà mình, đốt luôn cây đa và
lấy cát vùi lấp tất cả trước khi tha phương cầu thực một nơi khác.
*
Tối rồi anh ạ. Ly Ly sà xuống cạnh Hoàng. Cô nằm sấp,
tì cằm lên ngực anh. Tụi mình chỉ ở đây có năm ngày thôi. Hôm nay mất hẳn một
buổi chiều, còn bao nhiêu là việc... Hoàng nhắm nghiền mắt không nói. Sao?
Anh tính nằm đây tới khi nào thì bảo! Sao chỉ có năm ngày? Hoàng hỏi. Thế ở
lâu để làm gì? Hoàng lấy thuốc hút, trầm ngâm nhìn theo khói thuốc. Ừ nhỉ, ở
lâu làm gì nhỉ...
Ly Ly về đây làm báo, năm ngày là quá đủ để cô có một
phóng sự bốn kì. Hoàng bám theo cô chỉ để về thăm Xóm Cát, anh không định viết
lách gì. Xóm Cát đây rồi. Còn gì nữa đâu? Giá có ở thêm chục ngày nữa anh cũng
không hy vọng gặp được ai. Ở lâu để làm gì, Ly Ly nói quá đúng. Có điều khi đã
về đây rồi tự nhiên Hoàng hết muốn đi đâu.
Em biết không, ngày xưa cứ vào giờ này anh lại ra nằm
trên cát, có khi ngủ cho tới sáng... Vậy ha anh? Ừ. Món ký ức nhạt phèo Hoàng
có thể nhâm nhi cho đến sáng mai. Ly Ly không muốn làm Hoàng cụt hứng, cô trườn
lên nằm úp lên Hoàng. Nằm một mình hay nằm với ai? Khai ra mau!
Tóc Ly Ly xõa xuống trùm lên mặt Hoàng,
thơm thơm mùi hoa bưởi. Tóc Thùy Linh cũng dài cũng mượt cũng thơm
thơm mùi hoa bưởi. Cả nước da nữa. Nước da trắng ngần ngời lên giữa đêm trăng.
Nhưng Thùy Linh dịu dàng đằm thắm hơn. Ai dịu dàng đằm thắm hơn? Ủa, anh vừa
nói vậy à? Hoàng dướn mày kêu khẽ. Ly Ly nguýt ngang, dẩu môi. “Anh vừa nói vậy
à!”... Ghét anh lắm!
Hoàng biết anh vừa nói to ý nghĩ của mình, điều tệ hại
thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Thường khi như vậy Hoàng không hề nghe được những gì
mình vừa nói, cứ như các ý nghĩ vừa văng ra khỏi mồm Hoàng và chui ngược vào
não, không hề lọt vào tai anh. Đây có phải là triệu chứng bệnh tâm thần hay
không? Chưa khi nào Hoàng chịu đi khám để nghe bác sĩ nói thế nào.
Ly Ly tuột khỏi Hoàng, cô xoay lưng ngồi bó gối nhìn
xa xăm về phía đỉnh Chóp Chài. Lúc này Ly Ly giống Thùy Linh như tạc. Mỗi khi
giận dỗi Hoàng một điều gì Thùy Linh cũng “ghét anh lắm” và xoay lưng ngồi bó gối
hệt như thế. Mắt hờn nhìn xa xăm, cái mũi hếch lên, cặp môi dày chun
lại. Và những sợi tóc xanh bay phất phơ trước mặt. Giống không thể tả! Chỉ khác
Thùy Linh có lúm đồng tiền chấm phẩy, Ly Ly thì không.
*
Hoàng nhớ một ngày cách đây năm năm, ngày Ly Ly lần đầu
bước chân đến tòa soạn. Vừa nom thấy cô, Hoàng đã lặng người, suýt nữa anh đã
buột miệng kêu lên. May là Ly Ly nói giọng Bắc và là con một gia đình quyền quí
vào hạng nhất nhì Hà Thành, nếu không Hoàng nhất định nói với Ly Ly: cô chính
là Thùy Dương, con gái của Thùy Linh, không Ly Ly Liếc Liếc gì sất.
Em đáng để ngắm lâu thế cơ à? Cái mũi hếch hất lên rõ
đáng ghét. Bị tấn công bất ngờ Hoàng chỉ biết cười trừ. À không... Em nhận việc
mấy ngày rồi? Ngày thứ nhất. Ban nào? Em không biết, hình như là ban kinh tế.
Thế a? Ban ấy khó gặm nhưng dễ giàu. Miễn là giàu, khó mấy em cũng gặm được.
Hoàng bật cười, anh ném cái nhìn giễu cợt về phía cô phóng viên chíp hôi.
Ly Ly không chấp, cô có vẻ thích
thú là đằng khác. Túc tắc đi lên phòng Tổng Biên Tập, Ly Ly đàng hoàng gõ cửa,
đàng hoàng nói chuyện tay đôi với sếp, nhanh chóng gọi sếp bằng anh dù bố cô
còn thua Tổng Biên Tập mấy tuổi. Đôi khi Ly Ly còn gọi trống không tên cúng cơm
Tổng Biên Tập với vẻ dịu dàng pha chút nũng nịu làm lão sướng đỏ mặt.
Hoàng phục Ly Ly quá. Anh nhìn như soi vào căn phòng
chỉ có hai người vào lúc sâm sẩm tối. Phòng có máy điều hòa, Tổng Biên Tập tất
nhiên không muốn khép cửa, Ly Ly chắc cũng vậy. Nhưng luôn bắt gặp cái nhìn xoi
mói của Hoàng rất khó chịu, Ly Ly ung dung ra khép cửa. Cô liếc xéo về phía
anh, nhếch mép cười tươi như muốn nói: “Đấy nha, tha hồ mà tưởng tượng!”
Mười lăm phút sau Ly Ly ra khỏi phòng, cô quay lại cố
tình chĩa mông vào mặt Hoàng, nhô đầu vào cửa tươi cười với Tổng Biên Tập. Huy
còn nợ Ly Ly một bữa cơm tối nhá. Chiều mai Ly Ly tới đòi đấy, nghe chửa! Hoàng
rụt cổ thè lưỡi. Để xem thái độ sếp thế nào.
Tai Tổng Biên Tập đỏ tía, lão xòe răng cười ngẩn. Con
người sành sỏi cả ngàn mối quan hệ lại rất ngớ ngẩn với phụ nữ. Thâm tâm Tổng
Biên Tập muốn ăn thịt hết lượt đàn bà con gái thuộc quyền, khốn thay lão không
biết phải làm thế nào để động đến một sợi lông chân của họ. Lão đành đóng vai
uy nghiêm, đi lại nói năng nghiêm ngắn giữa dập dìu mông vú.
Đám nữ phóng viên là lũ quỉ cái khát máu, họ biết tỏng
sếp muốn gì và không phải không muốn xỏ mũi sếp hòng kiếm chác chút lợi riêng,
tuy chẳng ai mê Tổng Biên Tập - một gã đàn ông dài ngoẵng, khô đét và nhạt
hoét. Hết thảy đều không dám tấn công vỗ mặt, ném cái nhìn “khát máu” ngay phút
gặp gỡ đầu tiên như Ly Ly. Những nữ phóng viên gạo cội của Tòa soạn, vừa có
công vừa có duyên, cũng chưa bao giờ dám ăn nói với sếp như thế.
Hoàng mắt tròn mắt dẹt với Ly Ly. Cô túc tắc đi tới
búng nhẹ mũi anh, cái mặt vênh vênh cái mũi hênh hếch. Anh thích em, đúng
không? Đó không phải lối khiêu khích táo tợn của đám gái quê uống nước tiểu thị
dân sống mòn ở Phố Cổ, thái độ của Ly Ly cho thấy cô đang đối xử độ lượng với
loại đàn ông dâm đãng nhưng nhút nhát vụng về. Hoàng để mặc Ly Ly khoác tay lôi
ra quán cà phê. Anh nổi tiếng từ thủa em còn để tóc đuôi sam cơ. Thủa đó thằng
nào em cũng gọi bằng chú.
Quả thật Hoàng chưa gặp nữ nhà báo nào như Ly Ly.
*
Lần đầu hoan hỉ với Ly Ly, sau giấc
ngủ mê mệt Hoàng tỉnh dậy nhìn sang cô và giật mình thảng thốt. Giấc ngủ Ly Ly
giống hệt Thùy Linh: Gối chỉ kê dưới hõm gáy. Mặt ngửa về phía sau. Hai tay duỗi
thẳng. Môi hơi hở, chót lưỡi đỏ hồng hơi nhô ra. Hơi thở phập phồng từ bộ ngực
tươi hồng, rắn chắc đang chảy ngược lên vai. Đấy là giấc ngủ bé con, của những
đứa bé chưa đầy tuổi tôi khi đã no sữa mẹ.
Năm mười bảy tuổi cùng Thùy Linh phá phách vườn cấm,
Hoàng đã ngồi ngắm giấc ngủ bé con ấy hàng giờ liền. Họ nằm gác chân lên nhau
trên hòn đá Trịnh-Nguyễn phân tranh mép bờ sông Ninh những đêm trăng
sáng. Hòn đá hai trăm năm, bao nhiêu cặp tình nhân đã nằm gác chân lên nhau
trong những đêm trăng sáng như thế này, giờ đến lượt Hoàng và Thùy Linh...
Ước chi nầu? Lái xe! Ước
chi nữa nầu? Phi công! Chi nữa? Hết rồi. Rứa không ước làm chồng em
à? À... quên quên! Hì hì.... Còn cười nữa, vô duyên! Ghét anh lắm.
Thùy Linh xoay lưng ngồi bó gối, mắt hờn nhìn xa xăm. Cái mũi vếch lên. Cặp
môi dày chun lại. Sao giống thế nhỉ, bố khỉ!
Đấy, lại nói! Nói gì? Anh hay nói một mình lắm cơ, như
thằng hâm! Ly Ly dẩu môi. Nói một mình thì sao nào? Hoàng kéo tóc Ly Ly.
Chẳng sao cả nhưng em sợ. Ly Ly biết mình lỡ lời, không dưng lại giở giọng khó
chịu. Cô ẩn nhẹ ngực mình lên ngực Hoàng tự nhủ khâu mồm lại không được nói, lỡ
buột mồm nói ra điều gì đó, mất vui.
Trời đã chuyển sang màu tím than, li ti những ngôi sao
mờ. Gió từ bến Yên Khê bắt đầu chuyển mình, thoạt tiên phơ phất như có như
không có, sau dần cuộn lên từng đợt ngờm ngợp, cứ vài ba phút dừng lại như để lấy
hơi, rồi lại cuộn lên ngờm ngợp...
Mát lạnh râm ran. Ly Ly mân mê vành tai Hoàng. Cô cắn
nhẹ mũi Hoàng day day. Hoàng hiểu Ly Ly muốn gì. Anh kéo mặt cô úp vào mặt
mình, và hôn. Những chiếc hôn ngọt và nhẹ lướt trên mặt nhau, đủ kéo nhau vào
nóng lạnh. Ly Ly khéo léo kéo tuột những gì vướng víu của cả hai người. Những
chiếc hôn trôi dần về phía dưới, nong nóng và ươn ướt. Hoàng vùng dậy quật Ly
Ly rơi xuống cát. Anh chồm lên.
Trận tình ướt cát mù mịt cát. Không tiếng ô tô bất chợt
chói tai. Không tiếng dép ngớ ngẩn loẹt quẹt ngoài hành lang. Không chuông điện
thoại réo lên vô duyên giữa lúc đang lên cơn. Cả tiếng gõ cửa xin lửa ngu xuẩn
cũng không. Những chiếc hôn bỗng gợi cảm lạ thường. Cả cái quờ tay rậm cát vào
da thịt cũng rên xiết một cảm giác khó tả. Hoàng rướn lên, rướn lên nữa và rơi
xuống. Rười rượi gió, mát đến tận từng chân tóc.
Tuyệt quá anh ạ! Ly Ly nằm sấp rồi lật ngửa, miệng
chóp chép mắt long lanh. Bao nhiêu năm em mới khám phá ra anh. Thế à? Ừ. Chúi đầu
vào nách Hoàng, Ly Ly nằm ngoan lành như một chú mèo con. Để em bảo xếp dời tòa
soạn đến đây, nhá?
Ý tưởng thật ngộ nghĩnh. Ly Ly cười hé he hé he, tiếng
cười vừa khả ố vừa dễ thương.
*
Có vẻ Ly Ly chẳng quan tâm đến những kỉ niệm của
Hoàng. Nhiều lần cô đã cười vào mũi Hoàng về những dằn vặt tiểu thuyết “sến and
nhạt” của anh. Không trách được Ly Ly. Mới hai sáu tuổi, ba năm làm báo, chạy
ngược ngước xuôi vào Nam ra Bắc, ca ngợi nơi này chống tiêu cực nơi nọ. Viết rồi
quên, cô chỉ lo gom góp thật nhiều tiền để kéo cổ Hoàng hú hí hết trận này sang
trận khác.
Cũng như việc viết lách, Ly Ly yêu
Hoàng trong từng thời khắc cô chợt nhớ và thích, xong rồi quên. Nhớ để làm gì?
Ly Ly búng mũi Hoàng nhân một lần Hoàng buột miệng hỏi có khi nào cô nhớ anh
không? Thời này chỉ có anh là dở hơi nhất hạng. Lúc nào cũng nhớ nhớ nhéo
nhéo... Cứ làm như không nhớ là không thể thành người được hay sao!
Thế à?
Chứ sao!...
Chiều hôm trước cũng vậy. Ly Ly đến. Thấy Hoàng nằm
trùm chăn, cô liền kéo tuột chăn, đẩy Hoàng lật ngửa. Ốm hả? Giời ạ!... Có phải
phí công em bốc phét với sếp, trốn họp tới đây không chứ! Hoàng không buồn mở mắt.
Ốm iếc gì đâu. Thấy chan chán vậy thôi... Ly Ly áp tai vào ngực Hoàng, cô vờ
nghe nhịp tim anh, nghe rất nghiêm túc và ngẩng lên mồm miệng méo xẹo. Biết ngay
mà! Bố mẹ ơi, anh tôi đang thổn thức!...
Hoàng với tay tìm gói thuốc, xòe lửa châm thuốc. Ly Ly
nhảy lên ngồi trên bụng anh nhún nhún, cúi xuống cắn tai Hoàng rõ đau, nhét vào
tai anh từng tiếng một. Tóm lại, nếu còn vướng víu với kỉ niệm thì anh chẳng
bơi kịp thiên hạ đâu! Bộ cô không có kỉ niệm chắc? Cũng có. Nhưng em vứt béng
đi rồi. Nếu không, làm sao thỉnh thoảng em đến đây rủ anh làm vài trận mây mưa
được?
Ly Ly nhảy ra khỏi giường, tụt váy ném vào mặt Hoàng.
Cô nhún nhẩy trước tấm gương lớn, nỉ non một bài hát tiếng Anh không rõ là bài
gì. Vừa hát vừa ve vuốt kĩ lưỡng thân thể mình, Ly Ly hiện nguyên hình một ả
dâm đãng và hiếu thắng.
Phải thừa nhận Ly Ly khá đẹp, một vẻ đẹp không hề gia
cố. Mọi đường cong đều sáng mềm nóng rẫy, lúc nào cũng sẵn sàng chuyển động nhịp
nhàng. Ngực và mông vống lên khiêu khích.
Anh thấy em có được không? Ly Ly nheo mắt hất hàm.
Cũng được. Hoàng cũng nheo mắt đáp trả. Trường túc bất chi lao đấy, đừng đùa!
Thế à? Thôi đi ông mãnh ơi!
Thoắt cái, Ly Ly đã chồm tới, đè nghiến lấy Hoàng.
Hoàng nằm thả lỏng toàn thân, nhắm nghiền mắt tận hưởng
cảm giác đê mê Ly Ly kì công thực hiện từ gót chân đến đỉnh đầu. Không biết học
ở đâu từ lúc nào, Ly Ly thành thục kĩ thuật ái ân đến phát sợ. Khinh bỉ lối thụ
động đạo đức giả, cô luôn chủ động tấn công người tình. “Đàn bà làm thế đỡ nhục
hơn”, có lần cô đã rủ rỉ bên tai Hoàng như thế. Không vờ vịt đùn đẩy, không hấp
tấp vội vàng, mềm mại và hung hãn, như con rắn khôn ngoan trước con mồi ngờ nghệch,
Ly Ly chủ động tấn công con mồi bằng bản năng giống cái cùng kinh nghiệm tình
trường cô luôn luôn đầy ắp.
Hoàng nóng lên từng giây, anh lật mình vồ lấy Ly Ly.
Chỉ cần có thế, Ly Ly liền cuốn theo anh, lúc bám lúc buông, lúc dấn lên lúc lẩn
tránh, dẫn dụ Hoàng theo cô cho hết trận tình.
Thú quá anh nhỉ? Hoàng tủm tỉm cười, nụ cười đắc thắng
của con đực trước giống cái. Châm cho anh điếu thuốc, nhanh lên. Tuân lệnh hot
boy. Ly Ly bò dậy, lại leo lên ngồi trên bụng Hoàng. Cô nhét điếu thuốc vào miệng
anh, tự tay châm lửa. Ly Ly cũng hút. Khói thuốc tỏa vào mặt nhau.
Bây giờ kỉ niệm của anh đã tan thành mây khói rồi nhé!
Một câu đùa nhạt thếch. Còn lâu! Hoàng muốn văng tục. Vậy thì bao giờ tiêu diệt
hết kỉ niệm của anh, em mới chịu buông tha anh đấy nhá! Ly Ly ngoáy ngoáy mũi
Hoàng. Hoàng thấy khó chịu. Anh nhăn mặt hất nhẹ tay cô. Đấy là góc riêng
của anh, em buồn cười...
Ly Ly sững lại. Thôi không nói nữa, cô ngồi bó gối
nhìn Hoàng. Hoàng nằm yên đăm chiêu nhìn khói thuốc. Thực sự lúc này anh
chỉ muốn được một mình. Em nói chơi vậy, anh đừng giận. Ly Ly vuốt nhẹ ngực
Hoàng. Thao thức với kỉ niệm thì có lỗi gì đâu. Tốt là đằng khác. Tại em hay dị
ứng với bọn ma cô, chúng làm ra vẻ lương thiện với quá vãng sau khi đã làm nhục
nó. Em đừng nói chuyện này nữa, được không? Vâng.
Ly Ly ngoan ngoãn nằm duỗi lên Hoàng, búng nhẹ mũi
anh. One more thêm? Hoàng giơ hai tay đầu hàng. Ly Ly nhảy xuống đất, vơ vội áo
quần tấp vào người. Cô ném cho Hoàng một nắm tiền. Cầm lấy mà tiêu xài với
kỉ niệm. Ba giờ chiều mai em vẫn chỗ này nhé! Lỡ hẹn em cho mấy cái tát.
Ly Ly kéo cửa đánh rầm, mất hút trong nhốn nháo đời
thường, để lại cho Hoàng một khoảng không rỉ sét hoen ố câm lặng.
*
Ngay khi Ly Ly kéo cửa đánh rầm, lối ra thực tại của
Hoàng liền đóng sập. Vụt hiện trước mắt anh chiếc xe gát tả tơi trên đường
15 đang lao sầm sập xuống dốc. Nó không có phanh, hoặc không có người giữ
phanh, như một con bò điên cứ nhắm thẳng Hoàng mà lao tới. Hoàng nhảy đại sang
một bên. Chiếc xe gát bất ngờ tạt ngang, đổ kềnh, lăn không biết mấy
vòng xuống khe cạn.
Hoàng chạy tới, ngó quanh quất chẳng có ai. Anh đứng
phân vân trước chiếc xe lật ngửa, bẹp dúm đang phun xì xì một thứ khói khét rẹt.
Chuồi ra từ một lỗ thủng cabin một cánh tay đen thui, đầy máu. Ngay sau đó, qua
tấm kính cabin, Hoàng trông thấy một cái mặt rách nát, nhầy nhụa máu. Lẫn trong
máu và rách nát là đôi mắt sống mở to nhìn Hoàng cầu khẩn.
Hoàng ngó ngược ngước xuôi. Nhác thấy một cây gỗ dài bằng
bắp chân cách đấy không xa, anh chạy đến ôm lấy cây gỗ quay trở lại đập tan
tành tấm kính. Chui vào cabin kéo người lái xe ra, Hoàng phát hiện ra người lái
xe đã bị kẹt cứng trong sắt thép. Hoàng dùng cây gỗ nẩy đống sắt thép đang kẹp
chặt người lái xe. Cây gỗ gãy đôi. Người lái xe thình lình lật sấp, toàn thân
nhầy nhụa máu đè lên Hoàng. Hai chân người lái xe đã bị cưa đứt, một chân đang
nằm dưới tấm sắt nặng nóng rực, một chân không biết ở chỗ nào. Từ hai ống chân
cụt ngang bẹn máu phun như xối.
Hoàng lôi người lái xe nhoài ra khỏi cabin. Chiếc xe nổ
tung, đẩy anh và người lái xe ngã dúi dụi, rơi xuống một hố sâu. Lửa khói đá sỏi
trùm lên hết thảy. Hoàng khiếp đảm nằm đè lên người lái xe, tự hỏi không biết
mình đã chết chưa. Im lặng rợn người. Hoàng như đang nằm trong nấm mồ đã vùi lấp.
Có khi mình chết thật rồi.
*
Một người túm cổ áo lôi Hoàng dậy. Đấy là một nữ Thanh
niên xung phong to lớn phốp pháp lạ thường. Hoàng chưa bao giờ thấy một cô gái
nào to lớn như thế. Chưa chết. Tiếng nữ Thanh niên xung phong lạnh tanh, như thể
cô đang kiểm tra việc sống chết của hai con bò hoang.
Hoàng bám chặt tay nữ Thanh niên xung phong leo lên hố.
Cô này nhảy xuống hố kiểm tra người lái xe, túm tóc người lái xe day qua day lại.
Anh này chết rồi! Khổ, chân cẳng chẳng còn. Chắc là kẹt cứng trong xe. Cô xốc
người lái xe đẩy lên miệng hố.
Trên miệng hố còn có hai nữ Thanh niên xung phong nữa.
Họ ngồi xổm bên người lái xe, lật túi anh lôi ra một vài giấy tờ rồi hè nhau
ném anh xuống hố cái bịch. Nấm mộ dã chiến làm xong trong chốc lát. Họ cắm
lên nấm mộ một thanh gỗ, một hòn đá.
Anh là phụ xe à? Một nữ Thanh niên xung phong quay lại
hỏi Hoàng trong khi chờ hai người kia đi rửa ráy hay đi vệ sinh dưới khe cạn.
Không ạ. Em chỉ tình cờ thấy thôi. Cô gái mím môi nhịn cười khi nghe Hoàng xưng
em. Cô chừng hai mươi tuổi, đôi mắt lươn quệt qua dưới mày như hai nét mực đen.
Anh ở đơn vị nào? Hoàng đực mặt, anh nghĩ mãi không ra
nên nói thế nào. Hoàng đi tới đây không phải vì muốn tới đây, thực ra anh cũng
chẳng biết mình đi đâu nữa. Cuộc chạy trốn quê nhà đã đem Hoàng đến đây, giá
tìm được đơn vị bộ đội nào để xin đi theo thì anh chẳng đứng đây làm gì. Nhưng
nếu nói thật người ta sẽ tống cổ anh trở về quê nhà ngay lập tức.
Cuộc bỏ trốn khỏi quê nhà xảy ra trong chốc lát sau
cơn điên bột phát. Buổi chiều cãi cọ giận dữ với Thùy Linh, Hoàng thấy chán
ghét tất cả. Buổi tối quay về nhà, ba Hoàng vẫn ngồi ngoảnh mặt vào vách thì thầm
vào cái bóng của mình. Thật không gì ngán ngẩm hơn.
Cuộc trò chuyện kì quặc diễn ra ngày này qua ngày khác
từ khi ba Hoàng về hưu non. Nghe nói ông bị mất chức. Hoàng cũng chỉ nghe người
ta nói thế chứ chưa khi nào ba Hoàng nói với anh vì sao bỗng dưng ông rời văn
phòng Bí Thư Huyện Ủy về ngồi im lìm trong bóng tối.
Suốt ngày dính chặt vào cái ghế hình lục lăng, ông cứ
nhìn vào bóng mình mà nói, nói miết. Cả khi ngủ ông cũng ngủ ngồi. Tay quờ lấy
cái bóng trên tường như cố ý giữ chặt lấy, sợ bỗng nhiên cái bóng biến mất. Thi
thoảng ông lại giật mình bừng tỉnh, dụi mắt mấy cái và nói, nói liên miên với
cái bóng.
Thảm thương cái bóng của ba Hoàng ngày mỗi hom hem méo
mó, hiu hắt trên bức tường ám khói, bụi bặm.
Lật lồng bàn, mâm cơm trống trơn. Chạy xuống bếp, nồi
niêu ngổn ngang rỗng không. Hoàng văng một tiếng tục tĩu. Ba Hoàng nhìn Hoàng
như nhìn cái bóng của ông, cái nhìn lạnh lẽo vô hồn. Hình như ông không còn biết
anh là ai.
Hoàng xách gói ra đi. Anh đã hết
khả năng chịu đựng những gì lạnh lẽo ma quái trong căn nhà một thời là chốn vào
ra tấp nập đám công bộc dưới trướng của ba anh.
Qua đò ngang, vượt một cánh đồng, một cánh đồng nữa, cứ
hướng dãy núi Phượng Hoàng mà đi. Đi miết cho đến tận nơi đây.
Hoàng hình dung trên những đoạn đường Trường Sơn là những
đoàn quân rùng rùng tiến về Nam, áo quần mũ mão xanh rờn, vòng lá ngụy trang
rung rinh, súng ống nai nịt gọn gàng. Hóa ra trống trơn những quả đồi trọc cháy
sém. Đường 15 đỏ quạch nham nhở đất đá, loăng quăng vòng vèo quanh những cánh rừng
hoang tàn không một bóng người.
Đứng ngồi giữa trống trơn từ sáng
sớm đến xế chiều Hoàng nghe tiếng xe chạy, anh mừng rỡ chạy ra đường đứng
ngóng. Chiếc xe gát bị trọng thương ở đâu không biết lao sầm sập xuống dốc,
chết tang thương trước mắt anh.
Chiến tranh là thế này a?
*
Anh về đâu? Nữ Thanh niên xung phong bỏ đi đâu vừa
quay lại. Hoàng lấm lét nhìn. Cô gái có khuôn mặt trắng hồng, rực lên những
thèm khát vu vơ. Về đâu? Đẹp trai thế mà không có miệng. Hoàng vẫn không biết
trả lời thế nào. Về hay đi? Về đâu và đi đâu? Chịu.
Nữ Thanh niên xung phong, sau này Hoàng biết cô tên là
Lý, lững thững đi xuống khe cạn. Được vài bước, cô quay lại lừ mắt với Hoàng.
Không biết về đâu thì về chỗ chúng tôi nghỉ, rồi tính. Hoàng vẫn ngồi đực mặt,
anh chẳng biết tính sao.
Bốn chiếc F4H từ mé tây dãy núi Phượng Hoàng sầm sập
lao ra. Chúng bay theo hình tam giác, từ tốn vượt núi rừng đi ra biển. Hoàng
không để ý đến Lý, anh mải miết nhìn bốn chiếc F4H. Chúng đang chui vào
đám mây xám xịt phía Đông.
Mau về, chúng quay lại đấy! Lý lật đật vác cuốc chạy về
phía khe cạn. Mau lên anh kia, sao còn ngồi đó! Giọng Lý chua loét, đôi mắt
lươn nhọn lên. Hoàng vẫn ngồi không nhúc nhích. Lý bỏ mặc Hoàng phăm phăm bỏ
đi, lẩn nhanh vào đám cây lúp xúp dưới chân đồi.
Chúng quay lại thật. Từ trong đám mây xám xịt bốn chiếc
F4H lao ra, lần lượt bổ nhào dúi dụi về phía Hoàng. Một loạt bom sát thương kéo
rê dọc đường 15. Tiếng bom nổ chát chúa lẫn với tiếng rú rít điên cuồng hết đợt
này đến đợt khác.
Không một tiếng súng bắn trả. Con đường nằm trơ ra hứng
bom, nó rung lên bần bật, thỉnh thoảng bật cong, giãy nảy. Hoàng nằm sấp bịt chặt
tai. Đất đá vùi dập tha hồ. Khí nóng quật hùn hụt khét rẹt. Nghẹt thở, nghẹt
thở quá!
Một khối lửa hất tung Hoàng lên cao, tiếp liền một cú
va đập cực mạnh. Không còn biết gì nữa. Hoàng cảm thấy mình đang tụt xuống một
hố sâu hun hút, mát lạnh.
Sống rồi! Tiếng reo của một đám đàn bà con gái. Hoàng
mở mắt. Mắt lươn, mắt trâu, mắt sáo, mắt bồ câu... Mắt lươn, mắt trâu, mắt sáo,
mắt bồ câu... Mắt lươn, mắt trâu, mắt sáo, mắt bồ câu... Và những cái miệng đàn
bà: cái ướt rượt, cái khô cong, cái mỏng dính, cái dày xộp bay lượn mơ hồ trước
mắt anh.
Thằng này lính tráng mà ngu, đã bảo chạy đi, cứ ngơ
ngơ như bò đội nón. Hoàng mặc nhiên trở thành người lính kể từ sau câu nói ấy.
Cuộc nhập ngũ nhớ đời.
*
Quên! Quên! Quên!
Ly Ly nháo trở lại. Cô dựng Hoàng dậy. Suýt nữa thì em
quên. Có một vụ rất hay ở một tỉnh Khu Bốn. Tiêu cực hả? Hoàng ngáp. Chứ còn gì
nữa. Ly Ly nhét vào túi Hoàng một gói Dunhill cô vừa mua khi quay lại
đây. Vụ này hay lắm. Hôm qua có thằng nhà quê ra tòa soạn báo cáo, cung cấp ít
tư liệu nhưng chưa đủ. Khui ra được vụ này, báo mình tia-ra tăng thêm hai vạn
là cái chắc. Sáng mai tụi mình đi anh nhé?
Hoàng lại ngáp, anh nằm xuống, lấy gói thuốc Ly Ly vừa
đưa, bóc ra một điếu. Chà... anh ớn ba vụ tiêu cực tiêu keo của em lắm rồi.
Không. Nhưng vụ này cực đặc biệt: tham ô hài cốt mộ liệt sĩ! Thế a? Ở đâu thế?
Như điện giật, Hoàng ngồi ngay dậy. Ly Ly vỗ vỗ bụng Hoàng. Biết ngay mà, trúng
quả kỉ niệm của anh rồi!
Đi nhé, mai... Nhưng mà ở đâu mới được chứ? Quên, lại
quên! Ly Ly cười toe. Không hiểu vì sao dạo này cứ gặp giống đực là em như con
mất hồn! Hoàng cốc nhẹ vào trán Ly Ly. Nào, quên cái gì thì nói đi! Ly Ly
kéo banh tai Hoàng, thủng thẳng rót thẳng vào đấy từng tiếng một. Ở huyện Tuy,
cách cái xóm khốn khổ khốn nạn của anh có bảy cây số đường chim bay thôi! Em đã
hỏi kĩ rồi.
Thì ra Ly Ly lại biết đến cái Xóm Cát của Hoàng. Có
khi nào anh kể cho cô đâu nhỉ? Mấy món kỉ niệm cũ rích ấy thường vẫn bị Ly Ly gạt
phăng ngay khi anh vừa mở miệng. Rất có thể Hoàng lại để tuột ý nghĩ của mình
ra miệng. Có thể lắm.
Hoàng biết Ly Ly muốn nhổ anh ra
khỏi bốn bức tường ám khói, đẩy cuộc tình của họ ra một không gian rộng hơn.
Khi người ta không thể thay đổi được người tình, việc chuyển dịch không gian
cũng là cách làm mới cuộc tình. Dỗ được Hoàng đi đâu là việc rất khó, kể cả
một chuyến đi Đông Âu hay nước Mỹ. Hoàng thuộc típ người ghét xê dịch. Đời lính
lang thang rày đây mai đó đã làm anh ớn đến tận cổ cái sự đi. Ly Ly biết vậy,
cô đã tìm đúng địa chỉ mà Hoàng không thể thoái thác. Cô ả khôn thật.
Đi anh nhé?
Ừ, thì đi.
2
Mình
có yêu Hoàng không? Không. Khi xa nhau mình có hề nhớ hắn đâu mà yêu.
Mình
chẳng cần Hoàng như cần một người thầy, chưa khi nào mình thấy cần học hỏi hắn
một điều gì. Mình cũng chẳng cần Hoàng như một kẻ giúp việc, riêng chuyện này hắn
cần mình nhiều hơn mình cần hắn. Về khoản sex Hoàng thuộc loại trung bình yếu,
trừ một vài cú đột xuất còn lại như mèo mửa. Để chọn một con đực tất nhiên
không ai ngu chọn Hoàng.
Nhưng
bất kì khi nào mình cũng muốn có Hoàng ở bên mình. Thế là thế nào?
*
Con tàu lao nhanh với một tốc độ đáng khen. Ly Ly đang
ngoảnh mặt ra ngoài cửa sổ huýt sáo. Nhìn nghiêng cô càng giống Thùy Linh. Giống
đến rùng mình. Thùy Linh không huýt sáo. Chưa bao giờ Hoàng thấy Thùy
Linh nhọn mỏ huýt sáo vô tư lự như Ly Ly. Chỉ có một người huýt sáo hệt Ly
Ly, đấy là Lý, cô Thanh niên xung phong mắt lươn đã cứu Hoàng trong trận bom đầu
đời lính.
Ở đại đội Thanh niên xung phong năm mốt cô gái, Lý trẻ
nhất. Cô hơn Hoàng ba tuổi, nói cười suốt ngày. Người Thanh Hóa nhiều cô nói
nghe rất hay, không biết Lý ở huyện nào mà phát âm tiếng nào cũng méo xệch -
“Em ờ Thên Huớ!”. Hoàng nhại lại trêu Lý, cô ré lên một tràng cười như gà non cục
tác, nguẩy đít le te chạy.
Lý gọi Hoàng bằng anh, xưng em. Hoàng vừa thích vừa
ngượng. Mỗi lần Lý réo ba tiếng “Uớ anh ui!” là tai Hoàng chuyển màu. Ở cái tuổi
hơn một ngày hay một điều, việc một cô gái hơn hẳn Hoàng ba tuổi cứ kiên trì gọi
Hoàng bằng anh nghe thật trớ trêu, nó báo trước một âm mưu. Hoàng vừa thích vừa
sợ.
Lý làm như không màng đến mấy trò yêu đương nhăng nhít
nhưng gương mặt hồng tươi, cặp môi dày ướt rượt lúc nào cũng muốn mơn trớn một
cái gì sẵn sàng tố cáo tâm địa cô. Lý huýt sáo bất kì lúc nào, vui cũng như buồn,
lặp đi lặp lại mỗi giai điệu ca khúc của Xuân Giao về các cô gái mở đường, đi
giữa trời khuya sao đêm lấp lánh... Tiếng huýt sáo đã kéo cổ Hoàng bám theo
cái gáy trắng muốt của Lý sấp ngửa đi ra khúc vắng suối Voang như kẻ mộng du.
Sáng sớm Lý xách xô áo quần đi qua Hoàng, đánh mắt
sang anh như hỏi: “Em đi tắm đây, anh có theo không?” Hoàng nằm ra vẻ chán chường,
không mấy quan tâm. Lý vừa đi khuất anh bật dậy lén bám theo liền. Lối xuống suối
rất hẹp, chỉ vừa đủ đặt chân, ngoằn ngoèo khúc khuỷu, dốc và trơn. Lý đi như lướt
trên lụa. Cái gáy trắng muốt lấp loáng trong lá cây. Đi giữa trời khuya sao
đêm lấp lánh, tiếng huýt sáo dìu dặt khuyến dụ Hoàng dũng cảm tiến lên. “Em
ở đây... lối này cơ!...”
Hoàng bám theo cái gáy trắng muốt lúc ẩn lúc hiện dần
tụt dần xuống suối Voang. Khúc suối rộng xanh ngăn ngắt dưới những tàng cây
săng lẻ. Nắng sớm mai vàng tươi lẫn trong sương núi mơ hồ. Lý khỏa thân vẫy
vùng giữa suối. Trên bờ, Hoàng ngồi núp sau bụi cây nhìn như nuốt thân hình trắng
nuột nà đang dâng lên mỗi lúc mỗi gần.
Lý thừa biết Hoàng đang ngồi ở đâu, sau bụi cây
nào. Chỉ có Hoàng là chắc mẩm chẳng ai biết mình đang rình rập xấu xa ở đây.
Lúc lúc Lý đứng dậy, mắt hướng vô tình phía Hoàng, nụ cười sáng tươi, bộ ngực
căng tròn dưới nắng mai.
Hoàng biết Lý muốn gì, càng biết anh càng thu mình sau
bụi cây.
Không trông đợi được một chút gì ở Hoàng, Lý leo lên tảng
đá giữa suối, nửa nằm nửa quì, toàn thân đổ nghiêng, rũ ra như vừa đánh mất một
điều gì thật lớn lao. Nước chảy tràn trên mọi đường cong, mái tóc và tấm lưng
trần óng ả được chiếu sáng bằng thứ nắng vàng tươi, hệt bức tượng đá cẩm thạch
của Rodin về người đàn bà bị đày xuống địa ngục, bị buộc phải đổ đầy nước vào
cái thùng không đáy, ngời lên vẻ đẹp đau buốt trong một khoảnh khắc tuyệt vọng.
Hoàng ngồi thu lu trong bụi, nửa muốn bỏ đi nửa muốn
nhảy xuống suối ôm chầm lấy Lý rồi muốn ra sao thì ra. Chẳng ngờ Lý đã đến bên
anh từ lúc nào. Cô túm tóc anh kéo giật một cái. Về! Hoàng giật bắn. Anh ngước
lên, bắt gặp cái nhìn xói giận dỗi lẫn chút coi thường. Như đứa bé ăn vụng
bị bắt quả tang, Hoàng cúi gầm mặt, hai tai đỏ nhừ. Về! Còn ngồi đó làm gì nữa!
Lý bỏ đi. Tiếng huýt sáo vang lên khe khẽ, chìm dần trong lá rừng. Hoàng lại lủi
thủi bám theo tiếng huýt sáo trở về hang đá.
Thì biết làm thế
nào, khỉ thế cái tuổi mười bảy.
*
Gì mà tủm tỉm thế hot boy? Ly Ly cấu mạnh lưng Hoàng.
Anh ngớ ra một lúc mới hiểu Ly Ly nói gì. Em theo dõi anh kĩ thế? Thèm vào theo
dõi anh! Hoàng bẹo má Ly Ly. Mặt em trông rất là extri. Cái gì? Ly Ly vằn mắt
lên. Em có biết bệnh female hysteria không?
Sao tự dưng lại hỏi thế? Ừ nhỉ. Hoàng cười xoẹt, cái cười rõ vô duyên.
Hoàng vừa nhớ đến Lý và cái hang
đá của năm mốt cô gái Thanh niên xung phong, nơi vẫn bùng nổ những cơn extri tập
thể. Mặt những cô gái extri thường căng phồng lên tái dại vào thời điểm cao
trào, khi bắt đầu lên cơn quả thật rất giống mặt Ly Ly lúc này, ngơ ngáo và khó
chịu.
Sau này Hoàng mới biết đấy là nỗi thống khổ của đàn
bà. Những thèm khát lương thiện đã bị giáo lý đương thời bủa vây, lâu ngày kết
tủa thành khối u chèn ngang ngực, đau buốt. Đau quá hóa điên...
Ừ, sợ quá đi mất.
Đang giữa bữa cơm trưa, một chị bỗng
đứng vụt lên, mồm cơm đầy phun ngược. Và cười. Chị ném cái bát xuống đất, quay
ba vòng. Để tao diễn xiếc cho tụi bay xem! Chị cười ngặt nghẽo, vừa cười vừa lột
hết áo quần, cầm lấy cái quần khua khua, cứ thế chạy rối loạn trong hang đá.
Thoạt tiên là thế. Ba phút sau có đến hai chục chị nhất
loạt ném bát cơm, nhất loạt cười ngặt nghẽo. Tiếng cười rú rít đột khởi bung
ra, đập vào vách đá dội vang đến buốt óc. Tất cả ù té chạy, đuổi nhau, vật
nhau, xé áo quần nhau, đè ngửa nhau ra. Họ vừa hét vừa cười vừa khóc vừa lột trần
nhau ra trước mắt Hoàng.
Ba chục chị còn lại ra sức đuổi bắt từng người một đè
dí xuống. May có chị Nụ người đã túm cổ áo Hoàng lôi ra khỏi xác người lái xe,
vẫn còn tỉnh táo. Đại đội trưởng Nụ, người chị to khỏe vâm váp nhất đại đội,
đang hò hét mọi người cố dẹp tắt cơn động rồ bất thường. Chị nhanh chóng túm
tóc từng người, bằng cái ngáng chân nhẹ nhàng, vật ngửa hết chị này sang chị
khác. Bị các chị tỉnh táo giữ chặt, các chị đang lên cơn tha hồ la hét giãy giụa.
Hoàng ngồi co ro há mồm nhìn đám tao loạn. Hoàng, tới
đây! Chị Nụ tay chỉ miệng quát. Hoàng đứng dậy dè dặt đi tới. Mày đàn ông đàn
ang gì mà ngu, thấy các chị thế này mà cứ ngồi trương mắt nhìn. Cởi áo ra, mau
lên! Hoàng chưa kịp hiểu cái lệnh quái quỉ này là thế nào chị Nụ đã kéo phăng
áo cô gái đang lên cơn. Tràn ra một bộ ngực trắng nõn. Cởi áo ra mau lên, ơ cái
thằng này!
Chị Nụ sấn tới kéo phăng áo Hoàng, đè cổ Hoàng nằm úp
lên cô gái. Nằm ép chặt vào! Hoàng chực vùng dậy lập tức bị chị ấn mạnh xuống.
Một chị đi tới cùng chị Nụ giữ chặt Hoàng. Thằng này còn nhỏ chị ạ. Nhỏ cái gì!
Chị Nụ gắt. Nó thừa sức cho mày có chửa đấy. Thì chị cũng phải giải thích cho
nó hiểu. Thời gian đâu mà giải thích! Chị Nụ lại ẩn cổ Hoàng xuống. Mau lên!
Hoàng ngoan ngoãn làm theo lệnh
đại đội trưởng. Dù thế nào anh cũng đã là lính, quân lệnh như sơn, bài học lính
tráng đầu tiên anh được học. Hôn chị mày đi em, hôn vào cổ ấy, mạnh dạn vào...
Đặt tay lên ngực chị mày đi... Thế! Thế!...
Hoàng làm theo như cái máy, lóng nga lóng ngóng chẳng
hề có một cảm giác gì. Chúng mày nhắm mắt đi cho nó làm! Chị Nụ quay lại mấy chị
đang ngồi xung quanh, quàu quạu nhìn họ. Mấy cô gái đứng cạnh sợ sệt tản ra cả.
Chị Nụ nghiêm mặt nhìn quanh xem có ai cười không.
Không ai cười. Cười làm sao khi tất cả đang diễn ra trong hỗn loạn, giữa gầm
gào, hú hét chói tai. Nắn mạnh tay vào, thằng ngu! Mày làm gì mà như sờ cóc chết
thế hả! Chị Nụ gắt gỏng. Hoàng run lên, vục mặt vào bộ ngực tràn. Mùi sữa non
hoi hoi sực lên, anh chực ngóc đầu, bàn tay cứng như sắt của chị Nụ đè nghiến
xuống.
Mấy phút sau người bệnh mềm dần, chùng hẳn xuống, bộ mặt
thất thần biến mất. Chị khẽ đẩy Hoàng ngồi dậy ngơ ngác nhìn xung quanh. Chị có
vẻ ngượng, quay mặt đi, vội vàng quờ tìm áo mặc. Hoàng vừa lồm cồm bò dậy liền
bị chị Nụ kéo tay lôi đi. Mau sang người khác! Hoàng lẽo đẽo chạy theo chị Nụ.
Những lần sau Hoàng mạnh dạn hơn, thành thục hơn. Dần
dà anh trở thành kẻ mặt dày, trơ trẽn hành sự không chút nao núng mỗi khi trong
hang có người lâm thứ bệnh điêu đứng này. Hoàng đã ôm ấp hầu hết các cô gái
trong hang đá, sờ nắn hết thảy những bộ ngực trinh nữ. Những bộ ngực được gìn
giữ nâng niu, gói ghém giấu giếm kỹ càng suốt tuổi thanh nữ, bỗng chốc bị bóc
trần trong một giờ lâm bệnh.
Một cái véo sườn đau điếc tai. Hoàng giãy nảy. Ban
ngày ban mặt, ngồi trên tàu mà ngủ mơ trời ạ! Ly Ly cau mày ngán ngẩm. Đây là
đâu? Hoàng hỏi. Ơ cái anh này! Ly Ly cười hắt. Đây là đâu, nói đi. Tự dưng
Hoàng nổi cáu. Sắp vào hang lèn rồi hot boy ơi!
À...
*
Sắp về! Nửa giờ nữa tàu sẽ dừng ga Minh ít nhất một
phút, Hoàng biết chắc như vậy, dù đây là tàu tốc hành và ga Minh chỉ là ga xép.
Đơn giản vì gỗ của bọn lâm tặc đã phủ phục ở đấy từ tối hôm trước. Một phút vừa
đủ cho Hoàng kéo Ly Ly rời tàu, từ đấy cuốc bộ về Thị Trấn Ninh Giang chừng bảy
cây số. Nghĩa là khoảng hơn một giờ nữa Hoàng sẽ có mặt ở nơi anh đã sinh ra.
Đời người có mấy bể dâu? Mười bảy tuổi ra đi, bốn tư
tuổi trở về. Ai hỏi vì sao lâu thế, Hoàng chịu không biết nói thế nào. Bảy
trăm cây số tàu xe thuận lợi, đâu gọi là xa? Mỗi tuần một nghìn bảy trăm chữ nộp
tòa soạn, đâu phải là bận? Tiền bạc không nhiều nhưng cũng đủ thong dong một
chuyến về quê. Bà con cô bác chẳng còn ai, người tình năm xưa cũng đã tha
phương, nhưng hãy còn phần mộ ba anh ở quê nhà.
Mẹ Hoàng mất từ lúc anh mới sinh ra, phần mộ bị lá rừng
phủ kín ở chiến khu Việt Bắc. Hoàng không biết nơi mẹ nằm đích xác ở đâu. Thuở
nhỏ mải chơi, chỉ biết mẹ mất ở Tây Bắc, cũng không cần biết Tây Bắc là ở nơi
đâu. Đến tuổi trưởng thành liền trốn nhà ra đi. Ba năm sau trở về, đó là cơ hội
cho Hoàng hỏi ba anh tường tận về mẹ nhưng ba anh đã trở thành một con người
khác. Cái nhìn vô hồn của người cha trọn vẹn tuổi ấu thơ anh vẫn coi như thánh
sống khiến ngực Hoàng đau nhói. Anh biết không thể hỏi ông được một điều gì.
Đến ngày hay tin ba anh mất, Hoàng mới ngộ ra việc trốn
nhà ra đi của mình na ná một hành động bất lương. Khi đó Hoàng đang trú quân ở
lưng chừng núi Giàng phía tây Trường Sơn. Anh nằm úp mặt lên chiếc võng dù khóc
thầm. Nỗi đau mất cha cùng với nỗi đắng cay khi biết mình thực ra là một thằng
con vô phúc làm Hoàng không gượng dậy nổi.
Mấy chục năm qua, đau khổ dần tan đi nhưng đắng cay
thì còn mãi, cơ hồ ngày mỗi đầy lên.
Có một sự thật này muôn năm Hoàng cũng không dám nói
ra: Hoàng không về vì không dám đối diện với quê nhà khi biết anh đích thực là
một thằng đào ngũ. Anh đã trốn nhà để xin vào quân ngũ và rời bỏ quân ngũ hòng
trốn chạy về quê nhà. Cả hai đều không thành, nhà chẳng dám về, quân ngũ
cũng không mong trở lại.
Bao nhiêu năm anh sống và làm việc như một tên man
khai lý lịch. Người ta chỉ biết anh là nhà văn một thời mặc áo lính. Qua đống
chữ nghĩa rối bời trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của anh được bàn tán mấy năm
rồi chưa dứt, người ta đoán anh đã một thời trận mạc, và hình như là một tay
đánh đấm không đến nỗi tồi. Trong tất cả cuộc giao du, Hoàng sợ nhất câu hỏi:
“Hồi là lính, ông ở đơn vị nào?”
Không có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ bị vạch trần...
*
Xuống! Xuống! Xuống mau!
Tàu chỉ đỗ hai phút. Hoàng nhảy phốc qua cửa sổ, quay
lại đỡ Ly Ly. Cô đang nhoài người chờ anh. Ly Ly thừa sức phóng mình qua cửa sổ,
cô vẫn muốn Hoàng bế xuống trước dăm bảy cặp mắt háu đói đang nhìn. Cô còn cố
tình làm tuột váy lên tận bẹn. Ly Ly thích thế, lối thích rất con nít mỗi khi
biết có kẻ đang muốn ăn tươi nuốt sống mình.
Anh đợi em chút. Ly Ly giật cái máy ảnh của Hoàng vụt
chạy. Thoắt cái Ly Ly đã mất hút, mười phút sau trở lại, khoác tay Hoàng mặt
mày hí hửng. Em vừa kiếm được chín trăm nghìn. Cái gì vậy? Phóng sự về bọn lâm
tặc hợp tác với tàu hỏa. Em vừa chụp ảnh chúng tuồn gỗ lên tàu. Hoàng cười nhạt.
Rõ ngao ngán cho cô bạn ngựa non của mình, lúc nào cũng sẵn sàng gây sự.
Trong tòa soạn, Ly Ly chỉ thua mỗi lão Bốn, tay nhà
báo già đời chuyên về phóng sự pháp đình. Khác với lão Bốn viết để xác quyết
tên tuổi mình trong giới chính khách và luôn lấy làm tự hào ngày một giao du rộng
rãi với những tên tuổi lớn, Ly Ly viết chỉ vì tiền.
Chẳng thù chẳng ghét chẳng giận ai, cũng chẳng hy vọng
nhờ phóng sự của mình mà xã hội sẽ tốt đẹp hơn lên, mỗi phóng sự chín trăm
nghìn, mười phóng sự chín triệu, đơn giản thế thôi. Ai khen ai chê ai chửi mắng
cũng thây kệ. Miễn là cô không sai, miễn là không phải đi đối chất với đương sự.
Một đêm đùa nghịch thỏa thuê, Ly Ly ngồi tách ra xòe
tay giả cách đếm tiền, cái mặt phởn như say. Ôi tiền ơi, sao tao yêu mày thế! Hoàng
quá ngạc nhiên. Hiếm khi thấy công nương đỏ lại khát tiền như Ly Ly. Hầu hết
thái tử đỏ, công nương đỏ chỉ loay hoay làm thế nào xài hết đống tiền chưa kịp
vơi đã đầy của nhà mình. Lắm kẻ như cuồng một đêm đốt cả tỉ đồng vẫn còn tiếc rẻ
không có gì nữa để mà đốt.
Ly Ly vẫn chơi bời với đám thái tử đỏ, công nương đỏ.
Chơi để tỏ cho thiên hạ biết cô là ai, cô chẳng bao giờ a dua theo bọn đó ném
tiền qua cửa sổ. Ly Ly không hề quan tâm đến đống của cải nhà cô, cả tương lai
của cô bố cô kỳ công sắp đặt cô cũng không để ý. Ly Ly về tòa soạn một tháng Tổng
Biên Tập mới biết cô là con ông lớn. Tổng Biên Tập xuýt xoa tiếc rẻ, giá lão
làm khó dễ để bố cô gọi điện cho lão có phải hay không.
Nhiều người chê Ly Ly bỏ qua cả núi phú quí vinh hoa
lăn lóc ra đời bươn chải kiếm sống như kẻ thất cơ lỡ vận, có phải dại dột
không? Ly Ly bỏ ngoài tai không thèm phân bua, cô vẫn ra sức chạy đua với bọn
nghèo hèn nhặt nhạnh mấy đồng tiền còm công tác phí và nhuận bút. Ly Ly nhặt rất
chăm và rất tham, thấy cô sôi sục kiếm tiền như kẻ sắp chết đói đến nơi cả tòa
soạn ai cũng ngạc nhiên.
Ly Ly hất mặt đi qua những xì xào, người bụm miệng cười
ruồi kẻ nhếch mép cười khinh. Kệ. Ly Ly là Ly Ly. Kệ sư bố các người, ai trọng
ai khinh ai thương ai ghét.
Có lần đọc phóng sự của Ly Ly về sự tha hóa nhân cách
vì đồng tiền với giọng đay nghiến chì chiết, Hoàng ôm bụng cười. Anh cười cái
gì? Em biết anh cười cái gì rồi nhá! Ly Ly nhào tới bịt miệng Hoàng và ngã lăn
ra cười. Ha ha... một kẻ hám tiền đi chửi một kẻ hám tiền khác. Thế mới gọi là
cuộc đời, thế mới gọi là đàn bà! Thế hả? Hoàng phát vào đùi cô. Vâ... âng! Ly
Ly khua tay như múa. Anh không biết chứ, cứ cô nào hay ngồi chê bai bà này bà nọ
trốn chúa lộn chồng, đích thị cô ả cũng như vậy, có khi còn gấp mười! Thế hả?
Vâ... âng!
Ly Ly là vậy đó, cô thích tự vạch trần trước khi
người khác xía vào.
3
Hi
vọng được Hoàng yêu là hy vọng hão. Tất cả những ai được Hoàng yêu đều đã chết.
Đó là một sự thật.
Cũng
có thể Hoàng đang sống cho một thế giới khác, một thế giới đã chết. Nếu không
phải như vậy thì Hoàng đang mắc một bệnh gì đấy. Hoàng có bệnh không? Đã đến
lúc phải nghiêm túc với câu hỏi này.
Chưa
cặp với thằng nào mà nghĩ ngợi nhiều đến thế này. Bực cả mình.
*
Hòn đá Trịnh-Nguyễn phân tranh đấy a? Thuyền
chưa cập bến Ly Ly đã đứng thẳng lên chỉ tay về hòn đá to lớn láng bóng như một
cái trán vĩ đại đang nằm ở mép bờ sông, gần kề lối lên đê. Ừ, nó đấy. Hoàng chực
đỡ Ly Ly xuống bến, cô hất đi, nhảy đại xuống chạy ù tới hòn đá. Xem kìa, dáng
chạy cũng giống hệt Thùy Linh...
Đọc sách anh, em cứ hình dung nó ghê gớm lắm. Ly Ly ngồi
chồm hổm trên hòn đá ngửa mặt nhìn Hoàng. Thì anh viết có gì ghê gớm đâu? Hoàng
ngồi xuống cạnh Ly Ly ngó nghiêng ngắm nghía bốn xung quanh. Bao nhiêu năm rồi
vẫn thế, vẫn không có gì cũ đi, chẳng có gì mới lên. Con đê cỏ xanh rì, bờ sông
trắng lấp lánh vỏ sò vỏ hến. Và hòn đá Trịnh-Nguyễn phân tranh nằm im
lìm như đợi ai đã mấy trăm năm rồi.
À nữa, rặng bần! Chúng vẫn mọc tràn trề dọc bờ sông. Lứa
bần trước đã lụi tàn, lứa sau kịp sinh ra vô số đúng nơi bố mẹ chúng đã sinh ra
và chết đi, vẫn xanh tươi mơn mởn, thô tháp xù xì như bao nhiêu thế hệ bần đã
sinh ra và chết đi.
Tiếng con gì kêu trong những khóm cây bần nghe rờn rợn.
Thoáng nghe khi như tiếng rên của người già, khi như tiếng trẻ con khóc mớ. Bao
nhiêu năm chẳng ai biết là tiếng gì.
Còn tiếng chim “Đi... soạn cho hết!” nữa, nó đâu rồi?
"Đi... soạn cho hết!”. Không
biết chim gì, tiếng kêu của nó lảnh lót như một lời nhắn, một thành ngữ mơ hồ.
Sau ngày Thị Trấn Ninh Giang bị máy bay Mỹ tấn công, tiếng chim ấy xuất hiện.
Không ai nhìn thấy con chim ấy méo tròn ra sao, chỉ nghe nó kêu. Mới đầu không
ai để tâm, về sau bom nổ nhà cháy người chết liên miên, ai nấy sợ hãi nhận ra
con chim đang kêu mấy tiếng này: “Đi... soạn cho hết!”. Người ta kháo nhau chừng
nào còn nghe tiếng chim ấy, nhất định chiến tranh vẫn còn. “Đi... soạn cho hết”,
nghe hệt tiếng người, như tiếng loa phóng thanh kêu gọi bỏ chạy, như tiếng thét
thất thanh của tổ tiên đâu đó giữa trời xanh.
Khốn nạn, biết chạy đi đâu, có mà chạy đằng trời. Dân
Thị Trấn Ninh Giang táo tác dọn nhà tấp lên bãi cát ba ngàn hecta cách Thị Trấn
không đầy một cây số. Lại vang lên tiếng chim “Đi... soạn cho hết”. Lại chạy.
Chạy mãi. Một vạn sáu dân ở nơi đây tan tác chín phương trời...
Tiếng chim vẫn không dứt, mỗi ngày mỗi nhiều hơn,
không chỉ một con, rất nhiều con. Tiếng kêu râm ran khắp trời Khu Bốn. Khi tàn
cuộc chiến, tiếng chim cũng mất tăm, vẫn không ai nhìn thấy chúng. Thật lạ quá.
Bây giờ có kể lại thật khó có người tin. Nhưng Hoàng sẽ viết, nhất định thế.
Không viết không chịu được.
Hễ nghe một tiếng gì bất chợt ở trên không là Hoàng lại
nhớ đến tiếng chim kia.
Tiếng chim lảnh lót trong sương núi dọc suối Voang lại
được Lý “dịch” ra thành khẩu ngữ thúc giục yêu đương. Yêu... rồi sẽ biết... Hứ
hư. Lý rên lên cùng tiếng chim. Yêu... rồi sẽ biết... Hứ hư... Khi đã no tình,
Hoàng hỏi Lý tại sao lại rên lên như thế. Lý lật sấp bưng mặt cười hí hi hi.
Ờ Lý, đúng rồi Lý, nhớ Lý quá...
Này! Ly Ly giật áo Hoàng. Mình lại
vừa thất thố một điều gì rồi, Hoàng nghĩ. Anh vừa nói gì à? Mệt với ông quá! Ly
Ly ngửa mặt dẩu miệng. Nói lại anh nghe xem nào? Giọng năn nỉ của kẻ
không biết nịnh, cố gồng lên để nịnh nghe rất buồn cười. Anh nhớ về một cô
Lý nào đó, rõ chưa! Thế à... Lý nào nhỉ? Ly Ly cười thầm, đàn ông lắm khi chẳng
khác gì con nít. Thôi đi! Ly Ly nguýt ngang. Nhà văn nhớn cứ tiếp tục nhớ
nhớ nhung nhung, không ai ghen tuông đâu mà lo.
Ly Ly nằm ườn ra hòn đá, vén áo lên tận cổ. Cô chẳng cần
ý tứ với Hoàng. Vào lúc hoàng hôn bờ sông Ninh vắng hoe, có ai đâu mà sợ. Ly Ly
che miệng ngáp, chỉ vài giây sau cô đã rơi vào giấc ngủ sâu.
Hoàng nằm bên Ly Ly, ngửa mặt nhìn trời. Không có tiếng
chim nào cả. Chỉ có tiếng huýt sáo của Lý. Hoàng ơi, Hoàng ngốc lắm. Lý thích
anh cơ mà! Lý đã kéo cổ Hoàng xuống suối, riết lấy anh trong hổn hển. Những chiếc
hôn sặc nước, đốt nóng cả hai trong lòng suối ban mai.
Hoàng đẩy Lý tựa vào vách đá, dí mặt vào ngực Lý dúi dụi.
Anh rướn lên. Ối mẹ ơi! Lý thét to, tiếng thét xé ruột. Một quầng màu hồng từ
lưng chừng suối dần dâng lên, chậm rãi tan hòa vào trong vắt. Lý giấu mặt
khóc rưng rức. Có việc gì không? Hoàng lo lắng hỏi. Lý khẽ lắc đầu, cô ngước
lên nhìn Hoàng, cái nhìn trách móc và hàm ơn.
Rốt cuộc Lý đã mất và đã được, dù mất cái chưa đáng mất,
được cái chưa nên được. Thôi mặc. Biết sống chết thế nào mà tính toán thiệt
hơn. Có việc gì không? Nhi che vô. Cái gì? Nhi che vô... Nhi che vô là cái gì? Lý cười hí hi hi. Cô cắn
nhẹ vào vai Hoàng.
Anh hay chưa, sao cắn em? Ly Ly vùng dậy cau có. À,
anh xin lỗi. Hoàng tẽn tò vuốt vuốt xoa xoa vết cắn trên vai Ly Ly. Hất vai khỏi
tay Hoàng, Ly Ly chực mắng té tát Hoàng, cô nhịn được. Ly Ly thoáng nhận ra
mình đã sai lầm khi đưa Hoàng về nơi này. Vùng kí ức của Hoàng như vực thẳm, đã
rơi xuống đấy rồi rất khó thoát thân.
Hoàng không nhận ra, anh đang rất hạnh phúc.
*
Sáng nào Lý cũng nhúng Hoàng xuống suối, thúc ép anh
ngập vào những trận tình sũng nước. Không biết ai bày cho Lý cách tránh thai là
nhúng dan díu vào nước lạnh. Nước suối ban mai lạnh buốt nhưng Lý biết cách đốt
nóng Hoàng. Khúc suối bị quấy đảo sôi sùng sục.
Chem bôn se/ chem lút se! Lý kéo giật Hoàng cùng với
những tiếng kêu lạ tai. Anh biết đó là một câu tiếng Nga nhưng không hiểu nó muốn
nói gì. Qua hơi thở gấp, những cú giật nẩy lên của Lý, anh mơ hồ nhận ra cái tiếng
Nga nặng trịch kia đang kêu gọi người ta dấn tới. Hoàng điên cuồng dập theo nhịp
ba từ, khẩu lệnh điên rồ của Lý. Chem bôn se/ chem lút se! Chem bôn se/ chem
lút se...
Có tiếng gì như tiếng cối xay lúa, nằng nặng trầm trầm.
B52! Ba chiếc B52 lừ đừ trườn qua đỉnh dãy núi Phượng Hoàng. Sao hôm nay chúng
đến sớm thế nhỉ?
Chúng quặt trở lại rồi. Bom! Nó thả bom đấy, chạy đi!
Không kịp nữa rồi. Một loạt tiếng nổ đanh chát chạy vùn vụt dọc suối Voang. Sau
đó là những cú dội ngược trầm và nặng, không còn nhận rõ đó là bom từ trên trời
rơi xuống hay ngàn vạn quả mìn chôn sâu dưới đáy suối đồng loạt phát nổ. Suối
Voang bị bẻ gập, giật nảy, rã ra từng khúc. Nước suối nóng bỏng.
Lý ôm chặt Hoàng trong ba mươi giây. Ba mươi giây đủ
cho cô kịp kéo quần lót lên, kịp nói với anh hai tiếng “Đừng sợ!”. Sau đó cả
anh và Lý bị tung bổng lên trời. Hoàng rơi tụt xuống đáy suối, đầu đập vào đá.
Anh không thấy đau, không kịp nhận biết đầu anh đã rách toác sau cú đập trời
giáng, một lần nữa anh lại bị tung bổng lên trời.
Hoàng xỉu đi chừng mươi phút trên bờ suối Voang, mở mắt
bỗng thấy một khoảng rừng trống hoác, sáng chói. Im lặng tuyệt đối. Khoảnh khắc
im lặng sau trận B52 thật lạ, nó cho ta cảm giác hình như ta không còn sống,
hình như nơi ta nằm là đáy mồ lạnh ngắt. Không có ai thấy được khoảng im lặng
tuyệt đối như thế này, nếu không trải qua một trận B52. Trận bom chỉ mười lăm
phút không hơn, có cảm tưởng nó kéo dài ngót mấy tiếng đồng hồ.
Hoàng gắng ngồi dậy. Anh đờ đẫn nhìn quanh. Một không
gian rỗng toếch, trống trơn đến kì dị. Suối Voang không còn dấu vết, nó chỉ là
những đám nước đọng giữa trống rỗng. Những rặng cây đại thụ um tùm hai bờ suối
biến đi đâu mất, để lại những xác cây cháy rời rã, ngổn ngang, lấm láp bùn đất,
tro than.
Hoàng chống gối đứng dậy, chợt anh ngã dúi dụi về phía
trước. Bây giờ Hoàng mới biết một mảng da đầu bên trái bị bom phạt sắc lẹm,
phơi ra trắng hếu. Máu ướt đẫm toàn thân. Anh úp tay vào mảng da đầu bị bom phạt
lảo đảo lội qua suối, cứ thế đi như một kẻ mất hồn. Hoàng không hề nhớ tới Lý,
không một phút giây nào, kể cả việc ra suối để làm gì anh cũng không hề nhớ.
Mãi tới khi thấy một nhúm tóc dài dập dềnh trước mắt
Hoàng mới giật mình sực nhớ. Anh chạy vội đến, nhấc nhúm tóc lên. Nhúm tóc dính
với cái sọ trọc lóc, trắng nhỡn. Mặt Lý bị vạc đi một nửa, chỉ còn đôi mắt nhắm
nghiền và cái trán nhăn nhúm, méo mó. Có cái gì rát buốt chạy từ gót chân lên đỉnh
đầu, dội ngược xuống ứ đầy ở lồng ngực. Hoàng đánh rơi cái sọ, đứng chết điếng
không biết bao lâu.
Ối trời ơi!
Tiếng rú như một tiếng sét đánh
ngang, đập vào vách núi bốn phương tám hướng, dội vang cho đến vô cùng. Đó là
tiếng lồng ngực Hoàng vỡ toác chứ không còn là tiếng rú. Có một tiếng bục trầm
đục từ đáy ngực dội lên. Và mát rượi.
Hoàng chỉ nhớ có thế, những gì
sau đó anh không còn biết.
Hoàng muốn khóc quá. Anh nấc lên và khóc. Anh khóc được
rồi. Hoàng nằm úp mặt vào tảng đá Trịnh-Nguyễn phân tranh nhói lên từng
tiếng nấc dài.
Ly Ly nằm im bên Hoàng. Cô không dám lên tiếng, không
dám hỏi vì sao, ngay cả việc đưa ra một lời an ủi cũng không dám. Ly Ly biết rõ
tính Hoàng. Bất kì một lời nào Hoàng nghe được lúc này cũng thúc đẩy anh làm những
chuyện điên rồ. Cô vuốt nhẹ lưng Hoàng, ôm lấy anh, để cho anh vục mặt vào ngực
mình mà khóc. Ối trời ơi! Hoàng gào lên thảm thiết, nước mắt ướt đẫm hõm ngực
Ly Ly. Có đau đớn thế nào, một người hơn bốn chục tuổi đầu mới khóc thảm đến
thế này.
*
Hoàng là ai là thế nào, lạy
Chúa... Ly Ly không biết!
Hoàng thuộc típ người dễ lôi kéo nhưng khó nắm bắt. Muốn
ngủ với anh thật chẳng khó nhưng để yêu anh hay để được anh yêu thật khó vô
cùng.
Cái vẻ mặt khinh khỉnh trước những cám dỗ đời thường của
Hoàng không nói lên điều gì. Bởi vì có lần Ly Ly đã nom thấy ánh mắt Hoàng sáng
lên khi biết có cấp trên đang để ý đến mình. Tâm thế bất an lúc nào cũng sẵn
sàng nổi điên đạp phá không thương tiếc bất kì cái gì trước đó anh hết sức nâng
niu cũng không nói lên điều gì. Bởi vì nhiều lần Ly Ly đã chứng kiến Hoàng bình
tĩnh đến lạ lùng, với những lý lẽ sắc bén đến lạ lùng, trước những kẻ du côn
văn hóa chợt sinh ra chợt biến mất trong vùng văn hóa không rường cột đang rối
loạn nhân tâm.
Hoàng là con đẻ của quá vãng nhưng anh đâu chỉ sống
cho quá vãng. Anh chỉ sống cho riêng anh, cho những thèm muốn ích kỉ của riêng
anh. Bằng chứng là Hoàng không thèm để ý đến những kí ức vinh hạnh của người đời,
đôi khi anh còn tỏ ra khinh bỉ chúng.
Hoàng không có thần tượng, anh cũng chẳng yêu mình đến
mức tự phong thánh cho mình. Anh là nhà văn tam bản, chỉ ba cuốn sách đã làm
choáng ngợp bọn cần lao nhưng chỉ ba cuốn ấy thôi, mong chờ mỏi mắt cũng chẳng
thấy anh cho ra thêm cuốn thứ tư.
Hoàng chẳng tỏ ra đắm đuối với
văn chương, không mảy may hi vọng nhờ văn chương anh sẽ được người đời vồ vập.
Nhưng những trăn trở của anh đích thị là những trăn trở của văn chương, kì lạ
thay anh lại da diết với chúng.
Những người lính thoát qua chiến
tranh như Hoàng thường chứa trong mình một khối u liêm sỉ. Trong khi anh đem
máu ra hòng tìm kiếm những gì vĩ đại thiêng liêng giờ đây anh không thể không
chạy đua vơ vét những tầm thường, nhiều khi bẩn thỉu. Khổ thân những người lính
như Hoàng.
Ly Ly ngoảnh mặt ra sông. Gió sông đang tràn về, mát
quá. Thôi ngủ, một hai ba bốn năm sáu... ngủ ngủ ngủ.
Hoàng đã thôi khóc, anh nằm yên
thở đều, cố gắng vãn hồi tâm tính. Không biết từ lúc nào, cái lối khóc trẻ nít,
rú gào, giãy giụa trở thành căn bệnh thê thảm của anh. Sau cơn khóc là những
phút ngượng ngập và lo lắng. Anh sợ mình mắc một thứ bệnh gì đó như là chứng
điên kịch phát.
Hoàng xoay mình
ôm lấy Ly Ly, kéo cô vào lòng. Ly Ly đã ngủ say. Gió rười rượi, trăng miên man
và tiếng sóng vỗ nhè nhẹ dễ ru người ta vào giấc ngủ. Ừ, phải ngủ thôi.3.
Lạy trời có thể ngủ được ngay! Một
hai ba bốn năm sáu...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét