Những Mảnh Đời Đen Trắng và Góc Nhìn Thời Đại


Kim Đức, sinh viên năm thứ Ba, Đại học California tại Berkeley – Hoa Kỳ


Mỗi xã hội hiện đại ngày nay đều đi lên từ những va vấp hoặc sai lầm. Sai lầm xảy ra trong quá trình dò tìm hướng đi thích hợp cho mỗi đất nước là điều hiển nhiên khó tránh, đặc biệt khi xuất phát điểm của nó không phải là “Thì Hiện Tại”. Có nghĩa là chúng ta phải đặt mọi thứ đúng với bối cảnh lịch sử của nó. Càng lùi sâu vào lịch sử, chúng ta càng thấy sự khó khăn tăng dần trong việc tìm lối đi đúng đắn cho mỗi quốc gia. Đặc thù về vị trí địa lý và các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào đã biến Việt Nam thành miếng mồi béo bở trong tầm ngắm của bọn xâm lược. Dù cho việc thường xuyên phải chống trả các cuộc xâm lăng kéo dài đã khiến cho xã hội Việt Nam đi chậm hơn so với những nước khác, chúng ta vẫn có quyền tự hào với những bước đi lên khó khăn nhưng vững chãi đó.


Không may thay, đến lúc chúng ta gần tiếp cận với thế giới văn minh của loài người thì sự du nhập của Chủ Nghĩa Cộng Sản đã đẩy lùi sự đi lên của xã hội Việt Nam. Việc tiếp nhận học thuyết của Karl Marx và Lenin một cách phiếm diện của những kẻ không đủ khả năng lĩnh hội đã làm tan hoang các giá trị văn hoá, đạp đổ khái niệm gia đình truyền thống đồng thời hạn chế tối đa quyền tự do con người. Nguyễn Quang Lập với Những Mảnh Đời Đen Trắng đã phần nào thuật lại những trải nghiệm đáng xấu hổ của xã hội Việt Nam trong giai đoạn những thập niên 1960 vì sự lên ngôi của Chủ Nghĩa Vô Sản Đần Độn. Những Mảnh Đời Đen Trắng là bằng chứng cho một giai đoạn ung nhọt trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Bối cảnh được Nguyễn Quang Lập tập trung lột tả là cuộc sống của một thị trấn nhỏ bên dòng sông Linh. Ở đó, cuộc sống của người dân không được tả như lối tả của văn học truyền thống chúng ta thường thấy. Cụ thể là không xuất hiện những ông giáo già hiền hậu hay những người nông dân chất phác với cuộc sống cày cấy thanh bình. Mà thay vào đó là bức tranh nhoè nhoẹt bao gồm thành phần trí thức thức thời dưới sự ‘dìu dắt’ của liên quân chân đất cùng gậy tầm vông vô sản. Họ là tầng lớp lãnh đạo mới được sinh ra từ những cánh rừng. Sự ngu dốt và thiển cận của tầng lớp con người mới đã tạo ra sự xáo trộn xã hội mạnh mẽ. Nó đã làm xáo trộn mọi trật tự từ gia đình đến xã hội. Sự lên ngôi của tầng lớp lãnh đạo yếu kém cả về năng lực lẫn đạo đức và sự thiếu hiểu biết đã xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do cá nhân cũng như tạo ra bi kịch cho người dân ở thị trấn Linh Giang. Cách nhìn hạn hẹp và đầy tính mọi rợ đã tạo ra những cuộc bố ráp, áp giải các cặp tình nhân như những tội phạm nguy hiểm. Ngay cả ông nông dân chất phác trong văn học thủa nào nay trở thành những tay phá án: “một lão nông dân kiên trì rình rập ba ngày trời mới bắt được. Viên sĩ quan kia dễ dàng giẫy khỏi tay ông lão, cao chạy xa bay. Nữ học trò “xấu số” bị lão nông dân cởi quai nón cột chặt hai tay lại.”

Sự xuất hiện của cách mạng theo cách viết của Nguyễn Quang Lập đã khuấy đảo trật tự xã hội và sự bình yên của mọi gia đình trong bức tranh của thị trấn Linh Giang. Từ một kẻ ba đời ăn xin trở thành người đứng đầu thị trấn như Lê Đức Huy, một kẻ cơ hội với nhiều trò dơ bẩn như Trần Hới lại ung dung bước trên bậc thang danh vọng. Ngược lại người có học thức và biết nhận ra người tài như ông Thanh bố của Hoàng liền bị loại ra khỏi liên minh của bọn vô sản. Hay Tư, một hoạ sĩ có tài hết lần này đến lần khác bị bắt bớ quấy nhiễu vì không chịu vẽ những bức tranh theo đơn đặt hàng. Ông bị những kẻ vì thù hằn cá nhân hay không đủ trình độ để hiểu giá trị nghệ thuật đằng sau mỗi bức tranh bắt bớ, giam cầm hết lần này đến lần khác. Họ thậm chí còn cho ông là phản động khi nhìn vào bức tranh “Trăng thượng huyền”. Vì theo Đại uý Thìn “mặt trăng là cái nơi Liên Xô nghiên cứu khoa học đặng áp dụng những thành tịu mới nhất cho hạnh phúc nhân loại thì chúng đòi nhảy lên đó tằng tịu.”

Nhận thức yếu kém, lệch lạc của bộ phận lãnh đạo của thời kì này đã tạo ra bi kịch không chỉ cho người thân mà cho chính bản thân mình. Đại uý Thìn là thí dụ tiêu biểu cho sự trung thành mù quáng và tuyệt đối đối với Đảng bần nông của ông. Ông và những ‘đồng chí’ của ông đã chuyển đổi mối quan hệ truyền thống: gia đình - tổ quốc sang đồng chí - đảng. Ông Thìn đã từ chối cha mình và quy chụp cho người sinh ra mình là tư sản. Hay, mặc dầu là anh em cùng cha khác mẹ nhưng ông Thìn đã gán em mình là hoạ sĩ Tư cái mác tư sản và đẩy em mình sang bên kia chiến tuyến. Ông tìm mọi cách để hãm hại hoạ sĩ Tư như những người có thâm thù truyền kiếp chỉ vì em trai ông không chịu vẽ tranh tuyên truyền theo đơn đặt hàng và có suy nghĩ không giống ông. Nhận thức thiển cận của ông Thìn tiếp tục phá vỡ cuộc sống bình yên của gia đình ông. Bà Hoa, vợ ông, từ chấp nhận sống và suy nghĩ theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” của chồng chuyển sang thầm lặng đối kháng. Và cuối cùng là cuộc chạy trốn của bà Hoa khỏi chính tổ ấm của mình. Sự bỏ trốn của bà Hoa là một sự phản kháng tất yếu đối với sự đàn áp tư tưởng từ ông Thìn. Đối với ông chỉ có Đảng và ông là đại diện của Đảng. Mọi lời nói, suy nghĩ và hành động của ông là chuẩn mực. Ông sẵn sàng đẩy bất kì ai không cùng quan điểm với mình sang bên kia chiến tuyến cho dù đó là cha, em hay vợ con của chính mình. Vì cách suy nghĩ thiển cận và cực đoan của mình, ông Thìn đã dần dần đẩy mình ra khỏi những mối quan hệ thiêng liêng và gần gũi nhất mà ông đã có. Đổi lại, ông có những mối quan hệ khác đó là những “anh em” là “đồng chí” những người có cùng chung xuất thân vô sản. Từ sự mù quáng này đã tạo ra sự bất hạnh cho mỗi thành viên và chia rẽ sâu sắc gia đình ông. Cuối cùng ông đã trả giá cho niềm tin mù quáng bằng cái chết của mình.

Những đồng chí của đại uý Thìn, theo ông nhận định, là những người có xuất thân trong sạch. Những đại diện cho sự tinh tuý và trí tuệ của hơn mười vạn người dân của thị trấn Linh Giang là ông Huy, ông Lanh, ông Hớn, ông Thìn, ông Thanh… Khi nhắc đến tên những nhân vật lãnh đạo cốt cán này, chúng ta thấy thương cho người dân. Họ như một bầy cừu lầm lũi đi trong đêm một cách lầm lũi và vô định. Sự mụ mị về niềm tin, nghèo nàn về kiến thức và lở loét về nhân cách từ những kẻ lãnh đạo là dấu hiệu của một thời kì tối tăm cho xã hội Việt Nam.

Câu chuyện kết thúc với một khung cảnh tan hoang của mỗi nhân vật. Ông Thìn tìm đến cái chết với một niềm tin bất diệt. Ông Thanh là một người có suy nghĩ tiến bộ và có tri thức cuối cùng phải đối diện với bức tường vì tìm thấy mình ở trong đó. Chỉ có bức tường mới kiên nhẫn lắng nghe và không làm hại ông. Ngoài kia, những kẻ từng là đồng chí của ông sẵn sàng hãm hại lẫn nhau bất cứ lúc nào. Ông đã đối diện với giả dối, đã im lặng, đã dùng nụ cười để thoả hiệp. Và rồi ông cũng không thoát khỏi nanh vuốt ma mãnh của Trần Hới, một kẻ mưu mô xảo trá và là tay lừa tình chuyên nghiệp. Ông Lanh, một kẻ “ngu chân thành” đã trở thành con rối trong tay Trần Hới, con rể ông. Lê Đức Huy, với xuất thân ba đời ăn mày, với những lời nói dối đã giúp ông tiến nhanh trên con đường hoạn lộ. Và khi chiến tranh xảy ra, những lời nói dối đã bóc trần con người ông. Chúng đã trả ông về trở về điểm xuất phát và hiện nguyên hình là loài dã thú. Bà Hiền, vợ ông, không chịu đựng nổi cú sốc khi nhận diện được con người thật của chồng mình, đã phát điên.

Linh và bà Hoa, hai thế hệ có chung một nỗi đau đó là phải chịu đựng người đàn ông có niềm tin mù quáng vào Đảng và đặt Đảng lên trên mọi bậc thang giá trị. Họ đều yêu cuồng nhiệt nhưng không thể sống với tình yêu mình chọn. Hoàng và hoạ sĩ Tư, cả hai đều là những người có trí thức trong xã hội thời bấy giờ, đã tham gia cách mạng, cống hiến cho cách mạng và khi trở về đều bị mất người yêu vào tay kẻ không xứng đáng. Duy chỉ có Bỉ là người khôn giả dại nên mới thoát được những cặp mắt tị hiềm của những kẻ kém hơn mình.

Nói tóm lại, qua truyện của Nguyễn Quang Lập , chúng ta hiểu hơn về sự cơ cực của người dân Việt Nam thời kì những năm 1960. Ngoài việc chống chọi với sự tàn phá của các cuộc chiến tranh, người dân thời bấy giờ còn hằng ngày phải vật lộn với sự nhiễu nhương trớ trêu của thời thế. Câu chuyện khẳng định lại bản chất cam chịu và dễ phục tùng của người dân Việt Nam. Họ muôn đời hiền lành chất phác nhưng khi đất nước cần thì họ có thể xả thân cho quê hương. Còn những kẻ bất tài vô dụng lãnh đạo đất nước người thì như người mù đi đêm, kẻ thì cố thoát thân một cách hèn hạ. Họ hô hào theo khẩu hiệu một cách sáo rỗng nhưng thực chất họ chỉ biết lợi ích cá nhân. Họ dùng suy nghĩ thiển cận của cá nhân mình để làm khuôn mẫu cho xã hội. Và cho đến ngày nay, kể từ khi học thuyết của Karl Marx và Lenin được áp dụng ở Việt Nam, dù cho mức thu nhập bình quân đầu người có tăng so với trước đây nhưng quyền tự do của cá nhân vẫn còn rất hạn chế. Những vụ bắt bớ vì bất đồng chính kiến như trường hợp của hoạ sĩ Tư vẫn xảy ra nhan nhản. Việc căn cứ vào xuất thân gia đình để đề bạt cán bộ vẫn còn tồn tại. Người dân Việt Nam vẫn hiền lành sống và chấp nhận như cha ông bao đời nay. Thời gian luôn có câu trả lời thích đáng. Vậy thì khi nào sẽ có câu trả lời cho tự do Việt Nam?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét