Vòng tròn của cát

( Đọc tiểu thuyết "Tình cát" của Nguyễn Quang Lập)

NGUYÊN PHƯƠNG



"Hoàng hối hả bới cát theo hướng con cú vừa lao xuống. Đây rồi thanh củi cháy dở. Đây rồi những cọng rơm lẫn với vỏ trứng gà. Đây rồi những mảnh sành vỡ. A có tiếng đàn cò, tiếng đàn cò rất gần. Lúc này ở đây là buổi trưa, biết đâu dưới đáy cát là nửa đêm....Ba giờ chiều một đoàn người ở biển Củ Từ đi kiếm củi từ núi Ngậm Ngùi trờ về, phát hiện ra hai bàn chân của Hoàng nhô lên trên cát. Họ vội vã xúm lại kéo anh lên. Hoàng đã chết khô, trên tay anh còn nắm chặt thành củi cháy dở." ... Hoàng đã chết, cơn mộng mị dai dẳng một phần tư thế kỷ của Hoàng đã khép lại. Cái xóm Cát nhỏ bé giữa mệnh mông cát ấy là nơi 20 năm trước anh đã rời đi trong nỗi buồn bực, tuyệt vọng, xốc nổi của một chàng trai trong sáng, đầy đam mê. Kết thúc tác phẩm bằng cái chết của nhân vật chính là ráp nối lại hai điểm đầu cuối của vòng tròn bức bối, bế tắc kia. Kết cấu tiểu thuyết " Tình cát" của mình như thế Nguyễn Quang Lập khiến người đọc phải “quay” theo mà không thể đoán trước kết cục, một “cố tật” của văn xuôi và kịch bản Việt một thời. Sự chặt chẽ, rành mạch cả từ những mẩu viết ngắn "vụn", hay " vớ vẩn" như cách nói của ông. Khơi khơi, chơi chơi thế nhưng đố tìm nổi cái mối buộc của "sàn bê tông" kết cấu có vẻ lỏng lẻo mà vô cùng chắc chắn ấy.
Như số phận, những vòng tròn trớ trêu, nghiệt ngã của đời sống cứ cuốn lấy Hoàng, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, mà xoay anh : Ly Ly người tình bây giờ là con Thùy Linh người yêu ngay xưa của Hoàng. Trần Hới, thầy giáo của Thùy Linh, cha đẻ của Ly Ly ( mà cô không bao giờ biết) giờ là Phó chủ tịch văn xã của huyện Tuy - đối thủ cô tìm cách tiếp cận lấy cho bằng được những thông tin đầu mối cho loạt phóng sự chống tiêu cực mà cô quyết tâm thực hiện
"Tình cát" chính là sự nối dài từ "Những mảnh đời đen trắng" của Nguyễn Quang Lập. Chỉ khác nếu ở "Những mảnh đời đen trắng" là sự xung đột giữa hai tầng lớp xã hội, hai quan niệm sống, hai thế hệ khác nhau thì ở "Tình cát" là sự vật lộn trong một con người để tự biết mình là ai, thực ra mình muốn gì, một kiểu người khá phổ biến trong đời sống. Hoàng loay hoay, ngơ ngác và từ bỏ cuộc sống này bởi tiếng gọi da diết mà ma quái của thẳm sâu xóm Cát, ký ức cát. Hoàng chạy trốn khỏi xóm Cát và trở về chết vùi trong cát, trong cô độc với hân hoan, mộng mị của kẻ tìm lại nơi chốn mà với anh vừa như thiên đường vừa như địa ngục...
Hoàng hiện ra trong hình hài của nhận vật lưỡng tính, trong tương quan với Ly Ly. Cô là mẫu người tiêu biểu của thì hiện tại, đam mê công việc, quyết liệt và thực tế một cách trần trụi "Chẳng thù ghét chẳng giận ai, cũng chẳng hi vọng nhờ phóng sự của mình mà xã hội tốt đẹp hơn lên" (tr34). Cô viết chỉ vì tiền. Trong yêu đương cô cũng dễ dàng bập vào hay buông bỏ theo sự dẫn dắt của xúc cảm, bản năng. Đến cả nỗi nhớ luôn hành những kẻ yêu nhau sống dở chết dở khi cách xa với Ly Ly chỉ là trò phù phiếm "Lúc nào cũng nhớ nhớ, nhéo nhéo...Cứ làm như không nhớ là không thể thành người" (tr 14). Cô không tự phụ nhưng cực kỳ tự tin, không phí phạm đời mình, biết tận hưởng cuộc sống, sống cho mình và như mình muốn "Ai khen ai chê ai chửi mắng cũng thây kệ. Miễn là cô không sai, miễn không phải đi đối chất với đương sự....Kệ. Ly Ly là Ly Ly. Kệ sư bố các người, ai trọng ai khinh ai thương ai ghét" ( tr 35).Hoàng thì ngược lại, anh không chịu nỗi những tán dương sáo rỗng, những đong đưa lộ liễu mà anh biết chắc sau đó là gì. Vì đọc vị được hầu như tất thảy đối tượng giao tiếp nên trong cuộc gặp gỡ nào anh cũng thản nhiên, quan sát và thích thú thấy kẻ đối diện lộ dần bản chất đúng như những gì anh dự đoán. Quan sát thôi, không bao giờ hòa nhập hay "ra đòn". Chỉ một điều luôn khiến Hoàng phải giật thót, toát mồ hôi nếu bất ngờ bị hỏi, ngày trước anh ở đơn vị nào. Ngày trước ấy là cả một quá khứ đeo bám Hoàng dai dắng. Ngày anh tham gia trận chiến hoàn toàn không như đám đông, tình cờ và đầy may rủi.Tầng ký ức ngổn ngang không đầu không cuối quay quanh xóm Cát nhỏ bé ngày xưa liên tục dội lên trong Hoàng. Ở đấy là tình yêu đầu đời, là sự nhục nhã của kẻ trốn tránh, là sự bất lực trước tại họa xảy ra với Xóm Cát... Anh lang thang trong suốt phần đời còn lại sau chiến tranh chỉ sống với hoài niệm. Những cơn hoang tưởng lúc đầu thưa thớt, sau mỗi ngày một dày hơn khiến Hoàng mất dần khả năng sống đúng nghĩa với thực tại. Anh ngại va chạm với ngóc ngách đời sống, thờ ơ với thời cuộc, vô tâm với mình. Hơn một lần Hoàng nửa khuyên nửa ép Ly Ly bỏ loạt phóng sự về hai nghìn ngôi mộ giả trong nghĩa trang huyện mà cô quyết tâm theo đuổi. Hoàng có ba cuốn sách từng làm nên tên tuổi anh trên văn đàn và anh không có ý định viết cuốn thứ tư. Bốn tư tuổi Hoàng vẫn không thể định vị cuộc đời mình, anh đang kết thúc hay mới bắt đầu. . Không đến mức vật vã "đi tìm thời gian đã mất" để ngộ ra " Thiên đường thật là những thiên mất đường đã mất" (Marcel Froust) nhưng Hoàng có thể quay ngoắt trở về sống cùng quá khứ bất cứ khi nào nếu hiên tại vô tình phát ra tín hiệu gợi nhắc. Khi trở lại thực tại sau cơn bộc phát không thể kiềm chế, nhớ lại những cái tên, lời van nài, tiếng gọi vọt ra từ vô thức đủ làm đau bất kỳ người đàn bà nào trót gắn bó với Hoàng khiến anh ngượng ngùng, bứt rứt. Kinh hãi nhất là cả khi ân ái, lúc con người được là mình nhất Hoàng vẫn là kẻ đồng sàng. Ngay cả Ly ly người dám chấp nhận cả thói tật, sự điên khùng của Hoàng cũng luôn tự biết cô chỉ là phiên bản từ Thùy Linh, Lý, Nụ, Rá ...nào đó trong quá khứ của Hoàng. Anh như đã ở thế giới khác "thế giới đã chết" theo cách nghĩ của Ly Ly... Hoàng cũng như thím Hoa hay họa sĩ Tư của "Những mảnh đời đen trắng" như những con vượn lạc bầy luôn lệch ra khỏi đám đông, gặp nhau là ríu rít ngôn ngữ riêng, hạnh phúc vì nghẹn ngào nhận ra mình còn đồng loại, còn được nói, còn được hiểu chứ không phải sự câm lặng trong đơn độc, chịu đựng sự phí lý dày đặc vẫn bao quanh mình. Họ hoặc không được đời sống dung nạp hoặc tự nhận thấy những điều không thể dung hòa và lặng lẽ chối bỏ đời sống theo thước đo thông thường...
Chọn thì nào trong ba thì (quá khứ, hiện tại, tương lai) để sống là quyền của mỗi người song ngụp lặn mãi trong quá khứ hay chỉ ngong ngóng về tương lai mà bỏ qua thực tại thì vô hình chung anh không chỉ đánh đắm mình vào nó mà còn làm ảnh hưởng, tổn thương người khác, tự biến mình thành vô nghĩa. Tương tự một nhà văn hay một cộng đồng quá tự mãn về những gì làm được trong quá khứ thì anh ta sẽ chết chìm trong sự tự mãn ấy và cộng đồng ấy sẽ tự đánh mất khả năng tiếp cận hiên tại, điều này đồng nghĩa với sự thụt lùi...
Hoàng trốn tránh thực tại nhưng rốt cuộc anh vẫn phải đâm bổ vào nó để cố giành giật sự sống cho Xê trưởng, người mà anh cho rằng vì loạt phóng sự của Ly Ly phải chịu sự liên lụy oan khuất. Và anh đã bị chính hiện tại mà anh chối bỏ đánh bật lại phía sau. Xê trưởng vẫn phải nhận án tử, Ly Ly bỏ anh mà đi, Phó chủ tịch văn xã giờ là Bí thư huyện ủy ra đòn hiểm với Hoàng, điểm trúng huyệt vào kẻ trọng danh dự có tỳ vết phải che dấu suốt bao năm qua với tội đảo ngũ là anh. Trong đau đớn, tuyệt vọng Hoàng lại rơi vào cơn hoang tưởng mọi khi. Anh đi theo tiếng rúc của con cú què, tiếng đàn cò của ông Rúm, tiếng ru con của Thùy Linh.... Lần này anh vĩnh viễn nhập hẳn vào "thế giới đã chết " bao năm qua của anh, khép lại vòng tròn sau cơn lốc xoáy của đời người như hạt cát vô danh, mong manh giữa trảng cát trắng mênh mông...
Vẫn có một phần không nhỏ là bối cảnh chiến tranh (hồi ức về chiến tranh của Hoàng chiếm tới 1/3 dung lượng tác phẩm) trong đó không thiếu những cái chết tức tưởi phi lý, cảnh tan hoang của thiên nhiên, xóm làng sau dày đặc bom rơi, sự hèn nhát, dũng cảm hay ngu dốt của người lính khi phải đối mặt với cái chết. Nhưng "Tình cát" không chỉ thuộc về vệt đề tài này. Hai truyện ngắn "Tiếng lục lạc" và "Hạnh phúc mong manh" đủ để người ta phải điểm danh Nguyễn Quang Lập khi cần minh chứng cho cái nhìn mới của văn chương về thân phận con người sau chiến tranh rồi. Hoàng khác Kiên trong "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, Hai Hùng trong "Ăn mày dĩ vãng" của Chu Lai. Hơn cả một nạn nhân chiến tranh Hoàng mang thiên chức nhà văn. Anh phải trở về đối mặt với thực tại, không thể ngụp lặn mãi trong quá vãng. Hoàng vừa đáng thương vừa đáng trách. Anh đáng thương vì những ân tình sâu nặng với xóm Cát, những phận người như cát trên mảnh đất này mà không thể làm gì cho họ. Đáng trách vì Hoàng luôn kéo dài quá khứ để đo thực tại, tinh tường trong nhìn nhận, thạo cả bếp núc và bàn tiệc của việc viết lách và đời sống nhưng không ứng dụng. Trong truyện chỉ một lần Hoàng "xuất chưởng" vì buộc phải cứu mình và Ly Ly khi bị quân của Phó chủ tịch văn xã truy đuổi hòng hủy diệt chứng cứ....Với cả hai thì sống này Hoàng đều là người không đi đến tận cùng số kiếp mình, luôn lửng lơ, mờ nhòe...
Cứ thế nhà văn bình thản kể, “đọc bệnh” mà không có ý định “bốc thuốc” cho nhân vật. Thương hay trách là do điểm nhìn và trải nghiệm của người đọc, khép lại phần đời đã qua để thực hiện phận sự của mình là việc của người trong cuộc, của con người trong đời sống nếu họ không muốn không ai có thể giúp được họ....
Vòng tròn của cát, vòng tròn bế tắc của thân phận người siết vào suy tưởng, cảm xúc của người đọc qua giọng điệu giễu cợt mà thẫm đẫm chất trữ tình vốn là đặc trưng của văn phong Nguyễn Quang Lập. Và nếu xem giọng điệu riêng biệt của nhà văn trong tác phẩm là một tiêu chí quan trọng để phân biệt anh ta với cả dàn đồng ca những người sáng tác thì qua "Tình cát" nhà văn đã cất lên chất giọng dẫn dụ, quyến rũ ấy tự nhiên như nhiên, đủ sức làm mới một đề tài không mới. Bởi vậy vòng tròn của phận người thì khép lại mà sự rung ngân từ tác phẩm thì liên tục mở ra những vòng sóng mới....

0 nhận xét:

Đăng nhận xét