Dù đã chuẩn bị tâm thế cho việc đọc Bọ Lập, bởi đã thấu cái bi kịch đáng thương và đáng trách trong Những mảnh đời đen trắng, bi kịch của một cách tư duy nghiệt ngã, đặt con người vào những mô hình cứng nhắc, lạnh lẽo như những nấm mồ đợi bản án đã định sẵn trong phương thức bổ đôi phân cực đen - trắng, địch - ta; đã cười đấy rồi lặng đau đấy với những entry rất vụn rất đời, rất buồn và rất buồn cười trong Kí ức vụn; cũng đã bị nhấn chìm ngợp giữa những trảng cát thấm máu và nước mắt của bao kiếp người trong sự tác quái đáng sợ của cái ác trong Tình cát..., vậy mà vẫn không lường nổi sức ám ghê gớm tới vậy của Kiến, chuột và ruồi - tác phẩm khiến người đọc nó có cảm giác: ái ố hỉ nộ vẫn là quá chật hẹp cho những cung bậc cảm xúc của con người!
1. Tiểu thuyết, nếu có thể gọi tác phẩm này như thế, thực ra giống một tập hợp những "chuyện đời vớ vẩn", thoạt đọc, chỉ thấy như những mảng đứt nối, lộn xộn về thời gian, không gian, nhân vật, các tình tiết nhiều khi buông lửng, miên man, xa hút rồi bất ngờ như những người bạn phùng trùng, như kẻ thù oan gia ngõ hẹp, ngẫu nhiên gặp nhau, hé mở, tháo gỡ, giải đáp, thanh minh..., kết thành những mối nối cho hiện dần tấm lưới đời, lưới trời. Nhìn qua tấm lưới khi mờ khi đậm, khi lành khi rách, thấy cả một thời, và nhiều cuộc đời, thấy cả cái nhân quả công minh của trời lẫn cái ngang trái bất minh của đời! Đó là cái tài của kết cấu!
2. Tiểu thuyết được trần thuật từ ngôi thứ nhất, ngôi kể không mới trong văn chương, nhưng có lẽ chưa từng có ngôi kể nào dị biệt đến thế - người có thể dệt tấm lưới cốt truyện với chằng chịt các mối nối, các mắt lưới ứ đầy máu, nước mắt, đan cài ghê rợn đầu người bị chém lẫn đầu chó bị chặt, bâu đen những kiến chuột ruồi, tấm lưới ẩn hiện ma quái cả người và bóng, cả người thật và nhân bản..., người có thể làm được việc đó lại là một hạt tấm ở vị trí thứ 105 trong buồng trứng của người mẹ khi vừa được cấp chứng chỉ làm người, lớn dần trong bụng mẹ, ra đời, cho tới khi là cậu bé bốn tuổi.
Sự dị biệt không dừng lại ở chi tiết này mà còn thể hiện ở các vai của ngôi kể - tuy vẫn sử dụng các đại từ nhân xưng của một đứa trẻ ( như mạ tôi, ba tôi, anh Ba, anh Chín...), nhưng thực chất điểm nhìn trần thuật luôn di chuyển linh diệu từ bào thai trong bụng mẹ đến hài nhi đang chuẩn bị chào Đời ( thực chất là chào cái chuồng bò hôi hám!), từ đứa trẻ bốn tuổi đến các nhân vật trong và ngoài chuồng bò... Và do đó, câu chuyện được kể pha trộn không phân ranh giới giữa ngôi thứ nhất của đứa trẻ với ngôi thứ ba có khoảng cách của một "vị thần biết hết" trong kiểu trần thuật khách quan - sự pha trộn này khiến điểm nhìn trần thuật di chuyển từ bên trong để quan sát, suy ngẫm, phân tích... tới bên ngoài để tạo sự khách quan linh hoạt!
Điểm nhìn trần thuật này còn đặc sắc ở sự phi lí của vai kể - đứa trẻ bốn tuổi, thậm chí khi mới là hạt tấm thứ 105 (!) đã có cái tò mò tinh quái, có sự minh triết thấu trải, còn có khả năng giả bộ trẻ thơ - đứa trẻ ấy khi trần thuật đã không hề giấu sự thương hại với những ngây thơ của ba, của các anh mình... ( Mà những ngây thơ ấy, hoặc ngây thơ thật, hoặc do nỗi sợ hãi tự tiềm thức ép đông cứng mọi ngờ vực thành khuôn hình ngây thơ, để khi mọi ý nghĩ trôi từ tiềm thức ra ý thức thì mặc nhiên ngờ vực thành tin tưởng, khinh bỉ thành thương mến, sợ hãi thành kính yêu...!).
Đọc xong cả cuốn sách, nhớ tới câu nói của đứa trẻ trong Bộ quần áo hoàng đế của H. Andersen, nhớ Nỗi sợ hãi mầu nhiệm của Nguyễn Mạnh Tuấn, chợt lờ mờ phỏng đoán: phải chăng nhà văn muốn thông qua điểm nhìn và giọng điệu của một đứa trẻ để có thể nói thật những sự thật đã được nhận chân bằng trải nghiệm của cả cuộc đời mình, cuộc đời ba mạ, các bác, cuộc đời dị nhân Kiểm Hát hay bác Đông trai...
Đó là cái tài của nghệ thuật trần thuật!
3. Cũng như nhiều tác phẩm văn học hiện đại, không gian và thời gian nghệ thuật trong các tác phẩm của Nguyễn Quang Lập... rất linh hoạt, đặc sắc, khôn lường... Các mảng thời gian đồng hiện nhập nhoà giữa quá khứ và hiện tại, trượt ra ngoài khả năng trần thuật của ngôi kể mang nặng tính ước lệ, đó là cách giúp nhà văn tái hiện cả một cuộc đời, nhiều cuộc đời, trong một chặng thời gian có quá nhiều biến cố lịch sử với cả cá nhân và cộng đồng.
Không gian nghệ thuật là một trong những yếu tố ấn tượng của tác phẩm - dù trong hay ngoài chuồng bò, những không gian ấy vẫn khiến người đọc ngột ngạt, bức bối, ghê sợ... bởi sự chật chội, hôi hám, bởi dầy đặc những kiến chuột ruồi..., bởi những ánh mắt lạnh lẽo hàng đêm găm trên mọi khe hở vách chuồng bò, đều đặn hơn cả chương trình của đài phát thanh...
4. Linh hồn của mỗi tác phẩm tự sự đương nhiên là nhân vật. Thế giới nhân vật trong Kiến, chuột và ruồikhông chỉ đa dạng mà còn cực kì ấn tượng. Có người và vật, có thực và ảo, sự đan kết nhòa mờ khiến người đọc không khỏi liên tưởng tới Hoá thân của Kafka, không khỏi nghĩ ngợi về một thế giới hỗn độn tới ma quái, thế giới mà người mang dáng nét, giọng điệu của vật, khi là điềm báo ( như đàn kiến bu dầy đặc quanh các thùng phiếu bầu Chủ tích tịch tỉnh); khi là hiện hữu trạng thái tâm lí hoảng loạn ( như hai ống quần đầy ruồi khi "ba tôi" sợ hãi!); khi đưa tới sự cảm giác an toàn, ấm áp cho con người giữa cái lạnh lẽo của cộng đồng người (như bức vách ken đầy chuột quanh chuồng bò hay tấm chăn chuột trên người anh Bảy); khi là sự ứng chiếu cho thấy cái hèn hạ độc ác của con người - đó là hình ảnh con Ba Đốm của bà Mai, con Lu của bác Đông trai bị kẻ ác chặt đầu, chết rồi, đôi mắt chó vẫn trừng trừng căm giận nhìn cả kẻ ác và khinh bỉ nhìn kẻ hèn, chết rồi vẫn không cam tâm mà lại tái sinh để trả thù, để rồi thất vọng khi lẽ nhân quả theo cách nghĩ hiền minh của chó hoá ra không được thực thi trong thế giới của người!
Các nhân vật dù các đường nét ẩn hiện, không liền mạch theo cách kể vẻ như dông dài, tuồng như ngẫu hứng của một đứa trẻ, vậy nhưng nét nào hiện hữu là lập tức khắc khía vào tâm khảm người đọc, tựa vết chém vào cột gỗ, xót buốt, hoặc đau đớn, hoặc ghê sợ! Đọc xong, hình dung thế giới dù trong hay ngoài chuồng bò, từng nhân vật, người im lìm như khối nước mắt đóng đá; kẻ như kì nhông biến hình, giả dối, tàn bạo trong hai vai "thủ trưởng này" và "thủ trưởng kia"; người dùng lốt dị nhân với hát, với cười, với say như điên dại để gói bên trong cả nghĩa tình và thấu trải - luôn minh triết như bậc hiền nhân dân gian, chứng kiến, suy ngẫm...; kẻ tiểu nhân tăm tối ngu muội vênh vang đắc ý, và khi cái ngu muội đắc ý gặp thời, nó sẽ tàn bạo hơn bất kì kẻ tàn bạo có chữ nào bởi lẽ thường "bất học bất tri lí"!
Điều đáng chú ý là các nhân vật phản diện hầu hết không có tên riêng, chỉ được gọi theo chức vụ hoặc danh xưng như Đội trưởng, Thủ trưởng, nhân vật có số má... Có phải nhà văn muốn nói với người đọc: dạng người như chúng có thể ẩn khuất, tàng hình, biến hình, dạng người như chúng rải khắp nhân gian, rất khó nhơ mặt đặt tên, do vậy mà khó lường, khôn đoán... Một điều nữa, chúng như giống côn trùng dơ dáy nhưng (hoặc nên!) khả năng huyền thoại hóa hoặc tái sinh rất cao - tên Thủ trưởng dù bị chết nhục nhã bởi đám rắn lục trong tay vợ, nhưng ảnh kẻ sát nhân bất nghĩa bất nhân, kẻ giả dối hai mặt đáng ghê sợ ấy vẫn được treo trang trọng trên bàn thờ, trong sự sùng kính ngưỡng mộ của con gái, chứng nhân biết nói và thấu tỏ tội ác của hắn thì im lặng, con chó trung nghĩa lại không thể bắt con người mở miệng, cũng không thể mượn tiếng người mà nói, đành trút căm hờn vào tiếng sủa rồi tuyệt vọng rời bỏ cõi người - tương lai, đám hậu sinh của tên Thủ trưởng chắc vẫn đời đời kính cẩn truyền lại cho nhau những huyền thoại mỗi lúc mỗi dầy thêm về công đức của hắn! Còn tên Đội trưởng, gã du côn vô học chuyên cầm dao phay đi đòi nợ thuê cho cường hào trước đây, gặp thời đắc chí, sau lộ diện những tưởng vĩnh viễn không ngẩng đầu nổi, vậy mà rồi hắn lại vênh vang áo mũ, chi tiết liên quan tới khả năng đàn ông của hắn hé mở môt viễn cảnh ghê sợ: những đội trưởng con, đội trưởng cháu, đội trưởng chắt..., những hậu duệ của hắn vẫn sẽ tiếp tục sinh sôi như ruồi nhặng kiến chuột dơ dáy trải đầy ngập ngụa không gian này! Người đàn bà dâm đãng tên Hiên chỉ có duy nhất một cách tiến thân của me Tư Hồng, cộng thêm năng lực vô tận của sự độc ác vô sỉ, thị đã leo từng bước vững chắc "từ vai trò buôn cám lợn đến vai trò cán bộ đầu tàu", dưới đồng thời vài gã đàn ông mà trên hơn vạn người thị trấn Kô Long! Gã hoạn lợn không có được nửa chữ cắn đôi, trở thành "trí thức", thành "tiên sinh" nhờ tiền kiếp là vẹt... Người xưa mượn thuật ngữ "chấm phá" của hội họa để nói về khả năng nắm bắt và tái hiện thần thái của mỗi bức chân dung chỉ bằng vài nét phác - đó cũng chính là tài hoa tuyệt vời của nhà văn khi ông vẽ chân dung những kẻ có nhân cách đê tiện kém cỏi nhưng lại rất đáng sợ về khả năng ẩn hiện biến hóa này! Các nhân vật phản diện của Kiến, chuột và ruồi khiến tôi nhớ tới bộ phim Mĩ kể về một kẻ biến thái giết người hàng loạt, cảnh sát vất vả tứ đốm tam khoanh mới bắt được thủ phạm, nhưng phim kết lại bằng hình ảnh: khi họ đang xếp hồ sơ về hắn thì bất chợt nhìn ra đường, kẻ thủ ác thực sự chụp chiếc mũ trên đầu, nháy mắt và nhanh chóng biến mất vào đám đông, hoá ra cảnh sát chỉ bắt được người giống như hắn, na ná hắn chứ không phải là hắn - phim kết đúng như cái diễn tiến luôn bất an của cuộc đời, không khoanh gọn cuộc đời trong những cái kết thúc có hậu giả dối của cổ tích!
Đó là cái tài của khắc họa nhân vật!
5. Một trong những yếu tố ấn tượng nhất đóng vai trò quan trọng cho thành công của tác phẩm chính là giọng điệu quen thuộc trong văn phong "Bọ Lập", đó là chất khẩu ngữ và giọng giễu nhại trào lộng. Khẩu ngữ khiến cuộc sống như tràn trên trang sách, cựa quậy, phập phồng, run rẩy..., khi cười cợt, khi nhức nhối, nó gỡ bỏ tất cả những rào cản hàn lâm, để cuộc sống hiện ra như nó vốn có, không che phủ, không trau chuốt, sơn vẽ...
Còn giọng giễu nhại đã cấp thêm nghĩa cho hầu hết các câu chữ - không ngoa khi khẳng định: gần như không có chi tiết nào trong tiểu thuyết chỉ là nó, tự nó, mang nghĩa của chính nó - nên, đọc Kiến, chuột và ruồi, hình như ta không chỉ đọc một cuốn sách 360 trang, số trang ta thực sự "đọc" được chắc phải nhân lên rất nhiều lần, tuỳ theo trải nghiệm! Mà cái lạ là tất cả những chi tiết đan kết lên tấm lưới cốt truyện, tạo hình nên những chân dung, cứ như ngẫu nhiên, không thấy dấu vết sắp đặt, không thấy bàn tay dụng công, tác giả vẫn cứ thủng thẳng, như tiện đâu kể đó, nhớ gì ghi nấy, giọng văn cứ tưng tửng, buông tuồng như đang ngồi nơi quán xá khóc cười, mà thật ra chỉ cười, cười nhại, cười ruồi, có khi cười "rền vang" ( chữ của Bọ!), có khi cười cay đắng, người kể chuyện hình như cười, người đọc thực sự cười, nhưng sau thẩy đều khóc, rồi đau, và sợ hãi! Khiến người đọc cười, chưa ngưng đã khóc, đã sợ, đã đau, người kể không thể bình yên, nhưng có thể dùng cái tưng tửng buông tuồng để gói nỗi đau, chờ những người đọc biết mở, dùng tiếng cười như suồng sã, như thô phàm để gợi ra chiêm nghiệm, đợi những người đọc biết suy... đó là cái tài trong văn phong, giọng điệu làm nên "thi pháp Bọ"! Không hằn học, không khóc than, chỉ cười cợt, nụ cười trong tiểu thuyết Kiến, chuột và ruồi khiến tôi nghĩ tới Người đàn ông có bộ mặt cười của Victor Hugo.
Khi đọc Tình cát, tôi có nói những trang sách của tác giả Nguyễn Quang Lập được viết bởi một ngòi bút đầy ma lực. Giờ mới hiểu: viết về ma quỉ, không có kính chiếu yêu đầy ma lực, viết sao!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét