Bạt
của LÊ THANH PHONG
Xin
bắt đầu từ những ký ức vụn để đến với “Kiến, chuột và ruồi”.
Những
mẩu chuyện rất vụn của Nguyễn Quang Lập quăng tưng tửng lên các trang văn của
anh đã thu hút lượng bạn đọc rất lớn. Bạn đọc say với những mẩu chuyện vụn của
Lập, và tuồng như, anh đã phát hiện được thị hiếu thẩm mỹ của bạn đọc, để từ đó
định hình một lối viết mới, tạm gọi là “phong cách ký ức vụn”.
Và
Nguyễn Quang Lập đã sử dụng phong cách này cho tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi”.
Từ đầu đến cuối tiểu thuyết, không có đoạn văn nào dài, đoạn nào cũng vài chục
chữ. Đoạn nào dài lắm chỉ trên 100 chữ. Với bạn đọc hiện đại, cách viết văn
chia từng đoạn ngắn này rất phù hợp vì dễ đọc, không chán, nhất là khi đọc trên
các thiết bị công nghệ.
Văn
phong của “Kiến chuột và ruồi” giản dị, gần gũi. Tác giả sử dụng nhiều ngôn ngữ
đời thường, văn nói quen dùng. Kể chuyện những năm 50 của thế kỷ trước nhưng
văn phong hiện đại. Chữ nghĩa dung dị, không tả cảnh tả tình mất thời gian,
không đại ngôn, không triết lý cao siêu, không dông dài lý luận. Bạn đọc bị các
loại tiểu thuyết đại ngôn, đại tư tưởng làm cho mệt mỏi và lắm khi sợ hãi. Cho
nên, cách khai mở cho tiểu thuyết hiện đại bằng con đường đơn giản ít khoa
trương có lẽ cũng rất cần. Mỗi thời đại, văn hóa đọc khác nhau, người thời nay
không cần răn dạy, họ có nhiều công cụ và tri thức để tự dạy mình. Triết lý ẩn
trong những câu chuyện, bạn đọc sẽ tự tìm thấy và tự khai ngộ. Nhà văn không
nên áp đặt triết lý cho người đọc như một thứ thần quyền mà người đọc là thần
dân. Đây là một điểm thành công của tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi”của Nguyễn
Quang Lập.
Câu
thuần triết lý như: “Đánh thức tính nhân văn trong con người chính trị thật khó
như đơm đó ngọn tre nhưng không phải không có những ngoại lệ” rất hiếm trong tiểu
thuyết “Kiến, chuột và ruồi”. Thay vào đó, Nguyễn Quang Lập rất chú trọng xây dựng
nhân vật. Nhân vật của Lập được ký họa bằng ngôn ngữ rất tài hoa. Nét nào ra
nét đó, chỉ cần một đoạn văn ngắn mấy chục chữ là xong. Đặc biệt là nhân vật ác
như “Thủ trưởng”, “Đội trưởng”. Lối đặc tả bằng vài nét bút như đường dao cực
bén rất gây ấn tượng, găm vào đầu người đọc ngay, không phai được.
Một
lũ quan lại ngu dốt, lật lọng và độc ác gồm Thủ trưởng, Trần Ngô Đống tiên
sinh, Đội trưởng, lão kéo xe lôi làm phó chủ tịch thị trấn nhưng đọc chữ không
thạo, được tác giả viết một cách rất đơn giản, không cay độc, có khi rất hài hước,
nhưng rõ nét đến tận cùng, thối tha đến tận từng tế bào.
Nếu
tách ra các nhân vật như Kiểm Hát, Tiên sinh Trần Ngô Đống, anh Tư, anh Cả, chị
Hiên, vợ Phạm Vũ… thành từng chuyện cũng là những “ký ức vụn” theo phong cách
văn chương Nguyễn Quang Lập, đọc rất thú vị và có không ít điều để nghiền ngẫm.
Cho
dù nhân vật nào, độc ác tới đâu, hung dữ đến mấy, bi kịch của con người và xã hội
dù thật đau đớn, thì trong tiểu thuyết không thiếu những đoạn văn hài hước,
ngôn ngữ chân quê Quảng Bình trở thành đặc sản Nguyễn Quang Lập không nhầm lẫn
với ai khác. Những đoạn văn đó làm người đọc bật cười thích thú, nhưng ẩn giấu
đằng sau tiếng cười là những cay đắng, suy tư.
Nguyễn
Quang Lập đặc tả một đám dân bị nhồi sọ, bị biến thành bầy cừu, bị lên đồng tập
thể với giọng văn trào phúng nhưng càng đọc càng xót xa. Ví dụ như đám rước của
anh Tư, trẻ con cũng bị nhồi sọ, nhắm mắt hô đả đảo và muôn năm. Để sau này chỉ
biết đấu tố, hò hét giết người theo đám đông. Lúc đó, họ hoàn toàn mất đi nhận
thức cá nhân. Con người bị tước đoạt đi cái tôi cá nhân để tàng hình vào tập thể
gọi là quần chúng từ khi còn là đứa trẻ.
Tuyến
nhân vật trong tiểu thuyết đơn giản, không đan chéo nhiều không gian và thời
gian khác nhau nên người đọc dễ “quản lý” nhân vật. Nhân vật “tôi” dẫn dắt câu
chuyện, làm “trạng sư” phân tích hết tâm lý của từng nhân vật, phán xét cái
công án thời đại qua độc thoại của chính mình. Nhân vật ấy là cậu bé trước khi
trồi ra ở cửa mình của mạ chỉ thấy cái chuồng bò và cái háng của bà đỡ.
Cảm
tưởng tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi” là một tự truyện, hình như phần lớn
nhân vật đều là nguyên mẫu của chính gia đình, làng xóm của tác giả, không cần
phải hư cấu thêm nhiều. Nếu không phải vậy thì cũng là những nguyên mẫu có thực
ở ngoài đời. Và cuộc sống làng quê của tác giả chính là nguyên liệu, chất liệu
cho tiểu thuyết. Cái làng đó, cái chuồng bò đó là điển hình cho mọi làng quê,
thôn xóm của xã hội miền Bắc một thời và hơn thế.
Thị
trấn Kô Long trong “Kiến, chuột và ruồi” chật hẹp, ngột ngạt hơn cái làng Vũ Đại
của Nam Cao từng xây dựng. Ở làng Vũ Đại, cùng lắm chỉ có một gã say hay phá
phách và một lão Bá Kiến gian manh. Còn thị trấn Kô Long của Nguyễn Quang Lập,
không phải là một gã say mà ngược lại, có nhiều thằng tỉnh táo, khôn ngoan, mưu
chước, thủ đoạn và độc ác.
Trong
cái không gian bức bí của thị trấn Kô Long, có một cái chuồng bò của ông chủ tịch
Phạm Vũ còn tối tăm hơn. Cái chuồng bò hôi hám như vậy, mà con người phải sống,
phải chịu đựng, phải làm nơi trú ẩn cho chính mình. Vợ và con chủ tịch Phạm Vũ
không dám phản kháng, chỉ biết vâng theo lệnh ông để sống chui rúc trong cái
chuồng bò.
Về
phía chủ tịch thị trấn Kô Long – ông Phạm Vũ – thừa biết cái chuồng bò là bẩn
thỉu nhưng ông vẫn bắt vợ con sống. Bởi vì ông cũng biết rất rõ, chỉ trung
thành với cái chuồng bò đó ông mới chứng minh được thành phần bần cố nông của
mình. Ba chữ “bần cố nông” chính là tấm giấy thông hành cho ông trèo cao hơn.
Phạm Vũ không dám từ bỏ cái chuồng bò, ông khư khư bám vào nó cho dù vợ con ông
quá khốn khổ, quá chán ngán, quá sợ hãi mùi tanh hôi và sự gớm ghiếc của nó.
Nhưng mà Phạm Vũ đã đúng, hiểu theo nghĩa chức tước tạm thời, từ cái thành phần
đặc biệt bần cố nông và trung thành với chuồng bò, ông ngoi lên tới chức chủ tịch
tỉnh.
“Kiến,
chuột và ruồi” cũng là một câu chuyện kể về sự kiện cải cách ruộng đất của thị
trấn Kô Long, được lột tả qua hai nhân vật là Phạm Vũ và bà Mai. Chủ tịch Phạm
Vũ khi bị bắt giam trong xà lim, trong bóng tối, ông lần tay xuống nền nhà và
mò mẫm ra dòng chữ “Tôi bị oan”. Khi có ánh sáng, trên khắp bốn bức tường của
nhà ngục chi chít ba chữ “Tôi bị oan”. Tất cả những người đi qua xà lim này chỉ
ghi lại được ba chữ đó trước khi bị “Đội trưởng” hành hình bằng một mệnh lệnh
là đập vỡ ống thuốc lào. Hết.
Số
phận và mạng sống con người phụ thuộc hoàn toàn vào một tay “Đội trưởng” vô học
và tàn ác cùng sự lên đồng a dua của một đám quần chúng mê muội. Bà Mai đã bị
giết chết man rợ đến con chó Ba Đốm của bà cũng phải phẫn nộ. Con Ba Đốm lao
lên như tỏ thái độ phản kháng hành động giết người và để được chết cùng với chủ.
Đọc
tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi” của Nguyễn Quang Lập có cảm giác bị hụt hẩng.
Hình như sau hơn 170.000 chữ, nhà văn chưa vẽ bức tranh trọn vẹn của thời đại.
Bởi vì, không chỉ thị trấn Kô Long với cái chuồng bò những năm 50, mà còn cả một
giai đoạn mấy chục năm về sau với những cái chuồng bò khác.
Nhưng
không, bữa ăn văn chương chỉ đến thế, đủ để suy tư và đau buồn. Cái khái quát
nhất từ thị trấn Kô Long chật hẹp chính là luôn có một lũ gian ác khoác áo đạo
đức giả khắp nơi. Người làm quan có chút thiên lương như chủ tịch Phạm Vũ, nếu
không đạo đức giả được thì sẽ thần kinh, và rồi chỉ làm được cái việc diễn thuyết
dông dài vô bổ và bắt ruồi.
Đi
theo con đường bám riết cái chuồng bò mà chủ tịch Phạm Vũ chọn, thì trên đầu
luôn có một bóng ma rùng rợn, ám ảnh đến nỗi mỗi lần nghe đến là Phạm Vũ chảy cả
nước đái. Bóng ma đó là một ông “Thủ trưởng” độc ác và dối trá. Bên cạnh ông ấy
luôn có một sát thủ giết người không gớm tay là “Đội trưởng” với cây dao phay
man rợ sẵn sàng xuống tay theo mệnh lệnh của Thủ trưởng. Nỗi ám ảnh đó ngày nay
vẫn nguyên xi.
“Kiến,
chuột và ruồi”, cái tựa như truyện ngụ ngôn. Có thể đúng, nhưng không phải ẩn dụ
để rút ra bài học làm người đơn giản như thường thấy của ngụ ngôn.
Hãy
nhìn một cái chuồng bò, gồm những thứ dơ bẩn nhất, hèn mạt nhất, gớm ghiếc nhất,
phá hoại nhất, đó là kiến, chuột và ruồi; và tự hỏi có nên thiêu hủy nó như ông
Kiểm Hát đã làm để gia đình ông chủ tịch Phạm Vũ có cơ hội được ở trong một căn
nhà mới.
Vẫn
còn đó cái chuồng bò với những đàn kiến, lũ chuột và bầy ruồi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét