Tiên sư Bọ Lập!

Nguyễn Thị Tịnh Thy



Kiến, chuột và ruồi nhung nhúc, dày đặc trong thị trấn KôLong của tiểu thuyết, nhưng không tanh tưởi bằng máu người, không tanh tưởi bằng con người. Những sinh vật bé nhỏ đó cũng không gớm ghiếc bằng con người. Con người trong các phong trào cách mạng với những trò đấu tố, sửa sai thật đáng kinh sợ.



Cả một ngàn hai trăm người của thị trấn KôLong đều mơ ước được như anh Cu Đái ngơ ngơ ngất ngất đầu đường xó chợ. Vì anh là người duy nhất được xem là thành phần bần cố nông. Bần cố nông thời này là một danh hiệu khiến anh được tôn trọng, được xem là người cách mạng nhất trong những người cách mạng. Không được bần cố nông, người đàn ông Phạm Vũ cố bám lấy cái chuồng bò lúc nhúc kiến, chuột và ruồi, bắt vợ con chui rúc trong đó để giữ lấy thành phần dân nghèo như một lá bùa hộ mệnh cho bước đường thăng quan tiến chức của mình. Ông trở thành chủ tịch tỉnh - một chủ tịch mắc chứng liệt dương, hay giật mình và đái són trong quần… Thông qua cuộc đời chìm nổi của ông, lịch sử đất nước trong nửa cuối thế kỷ XX hiện lên với vô số chuyện thật đến khó tin. 



Nguyễn Quang Lập gọi tiểu thuyết KIẾN, CHUỘT VÀ RUỒI là “Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi”. Có thật, bởi truyện mang linh hồn và dáng dấp của Ký Ức Vụn mà Nguyễn Quang Lập đã từng công bố trên nhiều hình thức. Bịa đặt, bởi truyện sẽ mở thêm nhiều cánh cửa vào hiện thực tanh mùi người mà Nguyễn Quang Lập cất giữ như “của để dành” cho văn chương của mình. 



Tất cả những “có thật” và “bịa đặt” đó được dẫn dắt bởi một Nguyễn Quang Lập tếu táo, thâm thúy một cách tự nhiên như người nông dân kể chuyện trạng. Nguyễn Quang Lập cứ tưng tửng thẳng đuộc ra như thế, hồn nhiên, bất cần, bạo liệt và thô tháp với bọ mạ cứt đái ỉa ẻ lờ cặc, tụt quần, dạng háng… rặt giọng Quảng Bình làm người ta phì cười rồi lại thấm đau. 



Người kể chuyện của tiểu thuyết là một đứa trẻ tinh quái sinh vào ngày lịch sử 30/04, bị bệnh đầu to.Chưa rời khỏi chuồng bò, nó đã biết tất cả mọi chuyện, kể cả chuyện quốc gia đại sự đến chuyện trong đầu lẫn dưới đũng quần của người khác. Nó cũng có con chó thân thiết tri âm, tốt bụng và thông minh hơn con người. Nó cũng sử dụng cách kể có sự hỗ trợ của thủ pháp liên văn bản với giọng điệu giễu nhại. Nó có vẻ giống đứa trẻ kể chuyện trong tiểu thuyết Sống Đọa Thác Đày của Mạc Ngôn (Trung Quốc). Câu chuyện của thằng bé này sẽ nhắc nhở chúng ta về câu nói của văn hào G.Flaubert: “EM YÊU, RỒI MỘT NGÀY EM SẼ BIẾT MÁU NGƯỜI TANH ĐẾN THẾ NÀO”.

Và, chắc chắn bạn sẽ vỗ đùi đánh đét: "Tiên sư Bọ Lập!"

0 nhận xét:

Đăng nhận xét