TRẦN CHẤN UY
Tôi mất 36 tiếng, gần như thông đêm, thông trưa để ngốn hết 355 trang của cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn tài năng Nguyễn Quang Lập. Nói là mới nhưng thực ra Lập đã khởi thảo " Kiến chuột và ruồi" từ năm 2010 khi Lập còn ở Linh Đàm- Hà Nội cho đến 2015 khi ông đã vào định cư ở Thảo Điền tp Hồ Chí Minh. Có lẽ đứa con tinh thần này cũng ra đời gian nan lận đận như cái nhân vật " Tôi" thuộc loại đẻ khó trong cuốn sách.
Không phải là một nhà lý luận phê bình văn học nên tôi cũng không có tham vọng mổ xẻ, phân tích và nâng lên quan điểm này nọ với những câu từ mang tính lý luận hàn lâm có tính chất hù doạ và làm bóng những khái niệm mơ hồ, trừu tượng của thế giới phê bình trích dịch, quy chụp, quy kết trên lập trường tư tưởng nhiều khi rất ngớ ngẩn và khiên cưỡng.
Tôi chỉ nói lên một vài cảm nhận của một người đọc sách bình thường và thoát ly hẳn cái quy định về ba chức năng: Nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ của văn học có từ trong hệ thống lý luận lúc tôi và cả tác giả chưa ra đời. Nghĩa là nó rất kinh điển và cổ điển.
Tôi đọc cuốn tiểu thuyêt KIẾN CHUỘT VÀ RUỒI với tâm thế bạn bè.
Với 36 tiếng liên tục, cuốn sách lôi cuốn đến mức tôi không buông ra được. Nguyễn Quang Lập là một trong số không nhiều nhà văn đương đại làm được điều này.
Từng đọc khá nhiều tiểu thuyết, lịch sử, tư liệu, hồi ký về cải cách ruộng đất, tức ( cuộc cách mạng long trời lở đất ) từng làm chết oan mấy trăm ngàn người trên những cánh đồng xơ xác của miền Bắc Việt Nam vào những năm 1950-1955, nên tôi cũng đã hiểu được những nỗi bi hài, ấu trĩ của một thời khốc liệt. Tiểu thuyết: " Kiến chuột và ruồi" về mặt thời gian cũng mở đầu từ cuộc cải cách ruộng đất đến ngày giải phóng miền Nam, hai cuộc cải tạo tư sản và kéo dài tới hiện nay, tất cả gần 60 năm. Về mặt không gian nó diễn ra ở một thị trấn nhỏ ở miền Trung. Dù gần như chỉ gói gọn trong một không gian nhỏ, cuốn sách đã khái quát toàn bộ những sự kiện gắn liền với vận mệnh của đất nước với những số phận đau đớn, oan khốc cùng sự tha hoá và đốn mạt phi nhân tính của một tầng lớp được tạo ra bởi cuộc chém giết, tranh giành địa vị, quyền lực, tiền và gái.
Với một lối kể chuyện rất giản dị , đời thường, văn phong khẩu ngữ, ít triết lý nặng nề, Nguyễn Quang Lập đã dựng nên một bức tranh sống động, hấp dẫn người đọc từ trang đầu đến trang cuối. Là một người viết có nghề, các nhân vật được ngòi bút ma mị của Lập khắc hoạ một cách hoàn hảo đôi khi chỉ bằng một vài nét phác thảo rất tài tình.
Cuốn sách sẽ mang đến cho người đọc sự ám ảnh, sự ám ảnh kinh hãi của số phận mỗi con người hết sức mỏng manh bởi những thế lực và quyền lực, bởi thứ chủ nghĩa bầy đàn, man rợ trung cổ, còn kinh tởm hơn cả sự trừng phạt ác độc của thời trung cổ.
Tôi không tin các nhận định của các ngài mũ cao áo rộng trong các cuộc hội thảo văn chương mang tính hình thức, hành chính: Rằng văn hoá đọc đang xuống cấp, người dân quay lưng lại với văn chương, chưa có tác phẩm lớn tương xứng với thời đại vv . Chẳng phải thế, chẳng qua hiện có rất ít nhà văn tài năng và những tác phẩm văn học xuất sắc đủ sức hấp dẫn người đọc. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó sự cởi trói cho văn học nghệ thuật vẫn chỉ là những khẩu hiệu mang tính vuốt ve, đội ngũ nhà văn công chức nhà nước hùng hậu đẻ trứng kiểu gà công nghiệp cho ra đời những tác phẩm đèm đẹp, thuận nhĩ các nhà quản lý. Rất nhiều cuốn sách in rất đẹp, dày dặn nhưng khi đọc được chục trang, người đọc đành thở dài, buông bỏ, nó èo uột trôi tuột vào đâu đó trong cỗ máy nghiền giấy vụn. Nói chính xác, trên văn đàn thỉnh thoảng xuất hiện một số tên tuổi và một số tác phẩm gây được dư luận, nhưng rồi những cuốn sách ấy bị cấm vì một công văn nào đấy, một cấp ngành nào đấy. Và để có được những cuốn sách này, lại phải ra phố sách Đinh Lễ Hà Nội, thậm thụt với cánh sách lậu như buôn ma tuý.
Trong bối cảnh như thế KIẾN CHUỘT VÀ RUỒI của Nguyễn Quang Lập xuất hiện, hấp dẫn, ma mị, ám ảnh, tôi đã đọc một lèo 36 giờ đồng hồ và ước mong, một ước mong cháy bỏng, rằng trên quê hương đất nước thân yêu sẽ không bao giờ còn xẩy ra một cuộc cách mạng long trời lở đất một lần nữa.
TRẦN CHẤN UY
Theo fb Trần Chấn Uy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét