Đơn Dương, kiếp sau nhé!




 Chiều nay Hồng Ánh gọi điện cho mình, nói anh Đơn Dương mất rồi. Mình lặng đi mấy giây rồi hỏi, mất làm sao, vì sao mất? Ánh nói anh Dương bị tai biến,  ảnh kêu đau đầu rồi lịm đi. Đưa bệnh viện cấp cứu, bệnh viện mổ xong, ảnh đã tỉnh. Nhưng chỉ vài giờ sau thì hôn mê, bệnh viện bó tay.


Thế là xong một kiếp người.

Mình quen Đơn Dương từ  năm 1998, khi anh đóng phim Đời Cát. Theo mình Đơn Dương là diễn viên nam xuất sắc nhất của nước ta hiện thời. Với các  phim Mê thảo thời vang bóng. Ba Mùa, Đời cát, Chung cư, Cỏ lau có thể nói chắc cho đến bây giờ chưa ai thay thế được anh.

Đơn Dương bỏ nước đi Mỹ cũng vì phẫn chí. Sau các phim Rồng xanhchúng tôi là người lính Đơn Dương bị chửi bới, nhiếc móc, thóa mạ cùng với những qui kết chính trị rất nặng nề đã khiến anh cảm thấy không còn có đất sống. Anh đi Mỹ chỉ vì thế và cũng chỉ vì thế mà thôi. Khi Đơn Dương lâm nạn mình bị tai nạn nằm bẹp một chỗ, không cách nào lên tiếng bảo vệ anh như là bảo vệ một tài năng hiếm hoi của Đất nước. Dù biết một nghìn tiếng nói của mình cũng chẳng ăn thua, nhưng thà cất lên một tiếng nói còn hơn ngồi nhìn bạn mình bị làm nhục.

Bây giờ nghĩ lại cứ muốn khóc òa.

Xưa Đơn Dương hay đùa, nói, Đơn Dương là con dê cô đơn. Ai gần anh mới biết anh không phải là con dê. Nếu là dê cũng thuộc dê yếu ớt. Nhưng cô đơn thì đúng quá. Ở trong nước đã cô đơn, sang Mỹ càng cô đơn. Bao nhiêu chuyện không đâu làm rối tung số phận anh, bị kiện cáo, bị đánh đập, thậm chí suýt bị vào vòng lao lý. Buồn thật là buồn.

Nhớ Đơn Dương những đêm mưa phùn Hà Nội bá vai nhau vừa đi vừa hát nghêu ngao. Nhớ những lần rượu say thách nhau vật tay cười nghiêng ngả, những buổi karaoke hát váng trời. Nhớ lắm.

Giao thừa tết năm ngoái  đột nhiên nhận được điện thoại Đơn Dương. Mình hỏi, có về nước không? Đơn Dương nói, có chứ. Nhất định em sẽ về. Cứ nghĩ tết này Đơn Dương sẽ về, đang mừng là mình đã ở Sài Gòn, thế nào cũng được vui tết cùng anh. Ai ngờ anh đã đi, đi cực nhanh, nhanh đến nỗi  không cho ai kịp gửi một lời chào.

 Chào nhé Đơn Dương! Thôi kiếp này không sống được ở nơi đây thì hẹn nhau kiếp sau vậy.

Related Posts:

  • Ông già nghiện sách thiếu nhiChân dung Từ khi đi làm việc đến giờ mình được làm việc với ba ông sếp, đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Văn Lợi và Nguyễn Thắng Vu, cả ba mình đều&nbs… Xem thêm
  • Tiến Hợi Chân dung Lâu ngày không đến Nhà hát kịch Hà Nội, hôm nay đến chẳng gặp ai, chỉ gặp mỗi Tiến Hợi.        &… Xem thêm
  • Nhớ Trần Dần Chân dung Hồi bé chẳng biết gì về anh, chỉ nghe anh Thắng, ông anh trai mình, nhắc đi nhắc lại câu thơ phản động của Trần Dần: Chúng tôi đi khôn… Xem thêm
  • Chuyện nhỏ hai người bạnChân dung Gần anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) mới biết anh quí trọng anh Sơn (Trịnh Công Sơn) như thế nào. Gặp nhau thì vẫn gọi ông tôi, nhưng … Xem thêm
  • Nhớ Hải Bằng Chân dung Anh Hải Bằng làm thơ từ thời kháng Pháp*, nổi tiếng như cồn ba tỉnh Bình Trị Thiên. Anh hay ra Ba Đồn chơi, lần nào anh ra một vạn dâ… Xem thêm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét