Con chim xanh biếc bay về… tuổi yêu




Trước đây tôi đã ví văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh như một con tàu hơn một trăm toa - mỗi toa là một cuốn sách - đi từ ga mộng mơ của tuổi lên mười, qua ga rắc rối của tuổi teen, tới ga tình của tuổi yêu. Đến nay vẫn thấy đúng nếu hiểu ga và toa của “con tàu văn chương” Nguyễn Nhật Ánh theo thời gian của ký ức, không theo thời gian xuất bản sách.
Theo đó, ga tình cũng có hai chặng. Chặng đầu cho tuổi chớm yêu với Cây chuối non đi giày xanh, Bảy bước tới mùa hè, Hạ đỏ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh... Chắc sẽ còn nhiều nữa, vì viết cho tuổi chớm yêu là sở trường của Nguyễn Nhật Ánh. Chặng sau cho tuổi yêu, chặng quyết liệt nóng rãy nhất cũng là chặng ngọt ngào đằm thắm nhất, bắt đầu với Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây, Ngày xưa có một chuyện tình, và bây giờ là Con chim xanh biếc bay về.
Con chim xanh biếc bay về Lối đi riêng của Nguyễn Nhật Ánh

Viết cho tuổi yêu không là “độc quyền” của Nguyễn Nhật Ánh. Hầu hết các nhà văn đều viết cho tuổi yêu như Margaret Mitchell (Mỹ), Emily Bronte (Anh), hay dành cả đời mình cho tuổi yêu như Murakami (Nhật Bản)... Điều đó cho thấy nhà văn của tuổi thơ  đang gặp thử thách không hề nhỏ. Nhưng tuồng như Nguyễn Nhật Ánh không phải lo lắng gì, anh có sẵn lối đi cho tuổi yêu của riêng anh, một tình yêu khởi nguồn từ tuổi thơ, có nguyên cớ từ tuổi thơ, cùng triết lý nhà Phật từ - bi - hỷ - xả dành cho mỗi người trước ngưỡng cửa tình.
Có thể gói gọn mối tình trong Con chim xanh biếc bay về trong bốn chữ từ - bi - hỷ - xả với mối tình tay tư trong một bối cảnh Sài Gòn ngày nay; đó là hai khác lạ so với tất cả toa tình lớn bé trước đó của con tàu văn Nguyễn Nhật Ánh.
Khác lạ dễ thấy nhất là bối cảnh, ấy là một quán ăn nho nhỏ với mấy cái chợ quen quen giữa Sài Gòn thời nay. Bối cảnh thật khô khan với chuyện tình, không non xanh nước biếc, không mờ ảo sương khói của quá vãng như mọi chuyện tình khác của mọi nhà văn, và của Nguyễn Nhật Ánh. Ngay cả Murakami viết chuyện tình tới bậc thượng thừa cũng chưa bao giờ dám dùng một bối cảnh khô khan như thế.
Dám dùng bối cảnh khô khan đó để chuyên chở chuyện tình là một nỗ lực đáng khen của Nguyễn Nhật Ánh nhằm gỡ bỏ thói quen, tìm kiếm một lối riêng không giống mình và không giống ai. Rất mừng anh đã thành công. Chuyện tình tay tư rối như canh hẹ được chứa trong một bối cảnh quá ư đơn giản vẫn lãng mạn như thường, vẫn hút hồn người ta suốt 396 trang sách, kể cả hơn 100 trang trữ tình ngoại đề luôn có trong sách Nguyễn Nhật Ánh.
Tình trong Con chim xanh biếc bay về không là tình đau, tình đắng, tình cay, thứ tình muôn năm trong muôn ức vạn chuyện tình với niệm chú “yêu là chết trong lòng một ít” (Xuân Diệu) vốn được coi như một lẽ đương nhiên. Những chuyện tình đau-đắng-cay quen đến nỗi rất khó được bạn đọc cho là chuyện tình nếu thiếu một trong ba món đó, ấy vậy mà Nguyễn Nhật Ánh đã dám không xài. Ấy là sự khác lạ thứ hai.
Không có đau-đắng-cay nhưng hương vị của chúng vẫn đầy ắp trong câu chuyện tình tay tư này. Nói khác đi, những đau, đắng, cay thoắt xuất hiện thoắt biến mất nhờ nỗ lực sống vì nhau của mỗi người lấy tứ vô lượng tâm nhà Phật làm căn bản, chính là từ - bi - hỷ - xả. Tình nhờ vậy “không chết trong lòng một ít” mà còn đầy thêm lên, chan chứa tình người, tình đời.
Nói thêm cho rõ, tình trong Con chim xanh biếc bay về vẫn chỉ là tình tay ba như mọi chuyện tình xưa nay vì Tịnh trong câu chuyện không tham gia với tư cách người tình, nhưng Tịnh là chìa khóa của bộ ba Sâm - Khuê - Quyền; cô là người không thể thiếu khiến mối tình tay ba nghiễm nhiên trở thành mối tình tay tư. Thú vị là ở đó!
Trở lại với sự khác biệt thứ hai. Tình trong Con chim xanh biếc bay về là tình đầy, tình của từ - bi - hỷ - xả. Các nhân vật trong đó có thể lấy làm biểu tượng của tứ vô lượng tâm. Sâm là biểu tượng Metta (từ), sống vì người, yêu để dâng hiến. Bị xa lánh, bị mất mẹ, bị thù ghét, chưa một lần Sâm than thở, đừng nói giận hờn. Khuê là biểu tượng Karuna (bi), bền gan rũ bỏ buồn đau ra khỏi mình và ra khỏi người mà mình yêu thương. Với Khuê, mọi bực bõ, giận hờn với Sâm với Tịnh, cả với Quyền nữa, chỉ là nguồn gốc của yêu thương, của tha thứ. Tịnh là biểu tượng Mudita (hỷ) suốt đời lấy vui sống làm căn bản. Tất cả niềm vui của Khuê, Sâm và Quyền đều là niềm vui của cô. Quyền là biểu tượng Upekkha (xả), tự mình thoát khỏi sai lầm, vượt qua nỗi đau mất bố mẹ giàu sang, tìm hạnh phúc yêu thương với người bố nghèo khó. Hạnh phúc được làm con là hạnh phúc to lớn nhất trần đời, bất kể bố mẹ là ai. Cái “xả” của Quyền thật cảm động.
Từ - bi - hỷ - xả đã giúp cho Quyền - Khuê - Sâm có được không chỉ một mối tình mà bốn mối tình đầy. Cả bốn người không ai mất gì cả, trái lại mỗi người có gấp đôi hạnh phúc mà họ mong đợi. Bí mật này đọc đến trang cuối bạn đọc sẽ nhận ra. Đấy cũng là bí mật cho thấy vì sao đội ngũ người hâm mộ Nguyễn Nhật Ánh ngày một đông đúc trong hơn ba chục năm anh cầm bút.
 (Sài Gòn, ngày sinh nhật con gái)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét