HE HE, NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG LẬP “ĐẠO VĂN”!

FB Thong Dang
No photo description available.
Như đã nói hôm trước, tôi rất thích đọc Nguyễn Quang Lập (thực ra là “nghe audio”), nhất là các truyện ngắn của anh như những truyện trong tuyển tập “Ký ức vụn” (truyện dài của anh tôi cũng có đọc (he he, chính xác là “nghe audio”) một hai cuốn, chẳng hạn như “Những mảnh đời đen trắng”, cũng hay nhưng không xuất sắc). Thế nên, khi thấy quyển “Chuyện đời vớ vẩn” của anh trong tủ sách của tôi không biết mua hay ai cho hồi nào mà chưa đọc, lại lật sơ xem qua thấy có nhắc đến nhiều cái tên tôi biết, nên thích lắm, thích đến độ tôi phải tháo bìa và dùng kim đóng gáy lại cho chắc để cầm cho đã tay và để giữ sách được lâu. Đóng dán xong xuôi, đang tính đọc ngay vào sáng hôm sau thì lại nhận được một quyển sách khác cần đọc gấp, nên đành gác lại, đến hôm qua mới đem Nguyễn Quang Lập ra đọc, và cũng đọc một lèo.
“Chuyện đời vớ vẩn” dầy 400 trang ghi lại 59 mẩu hồi ức vụn. Nguyễn Quang Lập gọi chúng là “tạp văn”, nhưng tôi muốn gọi chúng là “hồi ức vụn” vì tính chất “người thật việc thật” và vì tính rời rạc của chúng. Đọc những hồi ức này tôi thấy thú vị vì biết thêm nhiều điều mới về giới văn nghệ sĩ. Hoá ra anh chị em văn nghệ họ biết nhau cả. Việc Nguyễn Quang Lập biết Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thành Phong, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phạm Xuân Nguyên, thậm chí cả Trịnh Công Sơn (chỉ nêu tên vài người tôi có đọc có biết) thì không lạ bởi những tác giả này đều ở miền Bắc hoặc miền Trung là nơi anh xuất thân hoặc có nhiều liên hệ. Nhưng tôi rất lạ là anh biết cả Đỗ Trung Quân, người ở Ông Tạ là quê hương tuổi thơ của tôi. Tôi cũng lạ là sao không nghe anh nhắc đến Tạ Duy Anh, hình như hai người khá thân nhau, cũng như sao không nghe anh nhắc đến Trần Mạnh Hảo và Bùi Chí Vinh, không biết anh có quen hai vị này không?
Trong các người được nhắc đến trong ‘Chuyện đời vớ vẩn”, có lẽ Phùng Quán là người anh Lập thân thiết nhất nên có đến ba hồi ức về nhà văn này, hồi ức nào cũng khiến ta ngậm ngùi: Chẳng hạn, “Sự tích chiếc xe trâu của Phùng Quán” kể về việc vì muốn có chiếc đồng hồ báo thức cho con gái mà Phùng Quán viết bài và nhờ người em họ ở Nghệ An đứng tên gửi dự “Cuộc thi viết về Lênin” khiến cậu em sau này phải một phen xếch bếch xang bang. “Bí mật 30 năm” thì còn ngậm ngùi hơn, nói về việc sau khi viết “Lời mẹ dặn”, Phùng Quán đã bị “đánh hội đồng” mà “đánh đau nhất, độc nhất” là trong một bài thơ khác có tựa “Lời mẹ dặn – thật hay không” của nhà thơ Trúc Chi. Đọc đến câu “ba chục năm qua mình chỉ làm một việc là tìm cho ra Trúc Chi là ai... vì đời mình tan nát cũng chính ông này chứ không ai khác” tôi thấy thật xót xa. Cũng may là cuối cùng Trúc Chi đó chính là Hoàng Văn Hoan. Tôi nói “may” là vì đó không phải là nhà thơ Trúc Chi rất dễ thương mà tôi từng quen biết ở Sài Gòn mấy chục năm về trước.
Qua sự giới thiệu của Phùng Quán, Nguyễn Quang Lập đến thăm Trần Dần. Trong hồi ức “Nhớ Trần Dần”, Nguyễn Quang Lập kể lại chuyện anh phê bình Trần Dần đã “phịa” trong tiểu thuyết “Người người lớp lớp”, rằng không phải Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo mà chẳng qua khi kéo pháo lên dốc, dây kéo bị đứt khiến khẩu pháo lao xuống dốc núi ầm ầm, Tô Vĩnh Diện “chạy không kịp nên bị chèn thôi”. Nghe phê bình thế, Trần Dần “ngồi yên hồi lâu rồi hơ hơ, ngừng vài giây sau lại hơ hơ, vài giây sau nữa mới hơ hơ hơ thành một tràng, vỗ tay đánh bốp kêu to: Hay! Giỏi! Thông minh!” He he, chuyện vui thật.
Nhưng những chuyện anh kể tiếp thì lại chẳng vui, đó là chuyện một hôm đang đi bộ về phía Hội Nhà Văn, Nguyễn Quang Lập chợt thấy Trần Dần “chống gậy đứng ở phố Nguyễn Du lom lom nhìn ra đường, mấy sợi râu rung rung như sợ hãi như giận dữ”, hoặc chuyện Trần Dần “ngồi bệt trên vệ cỏ bờ hồ [Ba Mẫu], ngồi im như một pho tượng gỗ xù xì, mốc meo”. Riêng chuyện Trần Dần lúc nào cũng ngồi dựa tường trong nhà, “mắt nhìn như thôi miên tường bên kia... ngồi chỗ đó ba chục năm rồi [đến độ] bức tường in bóng anh, bốn xung quanh tường uá vàng, riêng có hình anh ngồi dựa tường trắng nhỡn”. Chuyện này nghe mới thật là xót xa.
Trong “Ông tất nhiên rồi”, Nguyễn Quang Lập nói về việc nhà báo chống tiêu cực để kiếm ăn. Thật quá tệ. Ý này được anh nói rõ hơn trong “Ông quan trọng”, kể về việc các nhà báo “hễ được mời gói thuốc lá Sông Cầu mắt đã sáng trưng, nếu được mời bữa cơm có chai rượu trắng, điã lòng lợn thì gọi là phúc lớn”, để rồi sau đó “khi phát hiện ra giá trị nước bọt, [họ bèn] bỏ chữ buôn nước bọt, trúng cực kì, chưa thời nào buôn nước bọt trúng như thời này, dại gì không buôn...” Nghe những chuyện như vậy của Nguyễn Quang Lập, tôi lại thêm khẳng định về những điều trước giờ mình vẫn nghĩ về cánh nhà báo đã qua và chắc cũng vẫn còn khá nhiều ở Việt Nam ngày nay, và thấy chán.
Cũng chán không kém là những chuyện trong “Nhà văn nhà veo”, kể về các vụ bầu bán Ban Chấp hành Hội Nhà văn với cảnh “ông nào ông nấy hầm hè nhau, ông này nghi ông kia lậu phiếu, rất căng thẳng...” Đọc hồi ức này, tự dưng tôi lại nhớ lại cảnh bát nháo, cãi nhau như mổ bò trong những lần Đaị Hội Nhà Văn hình như anh Trần Mạnh Hảo một lần có kể lại trong một bài viết. Cũng may là Nguyễn Quang Lập còn ghi chú vớt vát thêm là riêng các cụ lão làng như Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Hoàng Trung Thông, v.v. thì “đến đây chỉ để vui bạn vui bè... mấy thứ phi văn các cụ ớn lắm, sợ lắm, đời các cụ ngấm đòn cũng đã nhiều rồi...”
Dĩ nhiên không phải hồi ức nào nghe cũng xót xa, cũng chán. Có những hồi ức rất vui, chẳng hạn như “Nhà văn chơi blog”. Nguyễn Quang Lập bắt đầu chơi blog năm 2007. Đọc hồi ức này tôi không nhịn được cười khi tác giả tiết lộ là nhờ có blog mà anh viết hăng hơn, nhiều hơn, “bốn năm viết blog, số trang viết gấp đôi số trang viết 30 năm cầm bút cộng lại, thật tuyệt vời”. Nhưng mắc cười nhất là đoạn anh thú nhận chơi blog riết rồi “nghiện, nghiện nặng... nói ra dại mồm, bỏ vợ còn được chứ bỏ blog là không thể, đi đâu lâu lâu là nôn nao muốn về nhà để vào blog xem sao, xem được bao nhiêu còm, bao nhiêu lượt truy cập, thấy nhiều người còm, lượng truy cập tăng vù vù, sướng cái lỗ rốn kinh khủng”. He he, nhà văn có tiếng như Nguyễn Quang Lập mà sao cũng “tầm thường” thế, cũng “đời” thế không biết!
“Khách văn” thì lại càng vui. Trong hồi ức này, Nguyễn Quang Lập kể về các người đang tập tành viết văn muốn tác phẩm của mình được đăng báo đến độ, như trường hợp của một anh từ Đà Nẵng lặn lội mua vé tầu ra Hà Nội, đã “khóc oà, nói nếu anh không đăng thì em tự tử chứ không dám về quê”. Nếu chưa đến mức “khóc oà dọa tự tử” thì cũng nịnh nọt để mong được các đàn anh văn nghệ chiếu cố bằng cách khen các anh rậm rịt, nào là “Ôi cái tên anh Nguyễn Quang Lập, anh Nguyễn Thành Phong (tác giả tập thơ “Đêm ngồi ngã ba sông”), anh Nguyễn Quang Thiều (anh Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, chắc giờ này đang bận vót vót, dán dán, phết phết lồng đèn Trung thu cho các cháu nội ngoại), anh Hồng Thanh Quang (tác giả bài thơ “Khúc mùa thu” được Phú Quang phổ nhạc)... các tên anh mới “đẹp làm sao, đẹp làm sao!”
Cũng trong hồi ức này, Nguyễn Quang Lập còn kể thêm hai chuyện vui. Chuyện thứ nhất là về bệnh “nói dai, nói dài” (hy vọng là không “nói dở”) của các cụ văn nghệ sĩ, chẳng hạn như cụ Vũ Đình Liên nổi tiếng với bài “Ông đồ”, hoặc như cụ Tế Hanh của “Quê hương tôi có con sông xanh biếc / Nước gương trong soi tóc những hàng tre / Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè / Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng...”, và lý do của tật “nói dai, nói dài” này là “đang sáng chói trên văn đàn, tự nhiên các cụ bị rơi rất nhanh vào quên lãng... tự nhiên người ta hết quan tâm, ngại quan hệ, thế thôi.” Nghe về bệnh “nói dai, nói dài” của các cụ lão làng văn nghệ thì vui, nhưng hiểu về lý do tại sao các cụ bị “tự nhiên người ta hết quan tâm, ngại quan hệ” thì thấy buồn quá.
Chuyện thứ hai, cũng liên quan đến các cụ nhưng lại “đá vui” cánh nhà văn trẻ (trẻ hồi đó, giờ hết trẻ rồi), đó là chuyện các anh này rất khoái “khoe” được quen biết với các nhà văn đàn anh, khoe được nhà văn này “mời về nhà chơi”, “mời đi ăn bún ốc”, được nhà văn kia “mời đi ăn bún chả”, “mời đi ăn thịt chó” hoặc “mới đi chơi với nhà văn này về”. Đọc đoạn này tôi lại nhớ ngay đến Trần Mạnh Hảo, về tật này chắc anh Hảo là vô địch. Nhưng Nguyễn Quang Lập không đá động đến Trần Mạnh Hảo, mà chỉ đá động đến Nguyễn Thành Phong, bầu Phong là “thằng quen được nhiều người nổi tiếng nhất”! He he, để có dịp gặp Nguyễn Thành Phong, tôi phải “cậy” anh giới thiệu cho làm quen với các “người nổi tiếng” đất Hà Thành mới được. Nhưng mà thôi, chả dại, gặp họ nói chuyện lại mắc công sinh sự, nên chỉ xin được uống chén rượu lạt và thưởng thức món tiết canh của anh mà theo lời Tạ Duy Anh là “danh bất hư truyền” thôi, he he.
Hồi ức “Nghiện thơ” nói về tật thích biểu diễn đọc thơ của chính mình cũng vui không kém: “Làm ra bài thơ, không ai đọc cho, nghe cho thì khó chịu lắm, cứ bứt rứt không yên”, và hễ có dịp ngồi vào chiếu rượu thì “ngồi uống cứ nhấp nhổm chờ ai đó nhắc đến tên mình, rồi khi được chào mời, thì giả đò khiêm tốn, đợi người ta nèo thêm chút nữa, tóm lại rồi đọc cả, vừa đọc vừa ngó liếc mặt người nghe, thấy người ta chăm chú thỉnh thoảng gật đầu đã sướng, nếu ai đó chậc lưỡi, đập đùi khen câu này câu kia hay thì sướng muốn chết, lại tương bài khác ngay, có người tương cả chục bài!” Cuối cùng ai được mời nghe đọc thơ cũng ớn, ra điều kiện “mày muốn đọc thơ thì bỏ tiền ra trả nhuận nghe cho tụi tao, một bài ba ngàn”, vậy mà có người không tự ái, sẵn sàng trả tiền cho người khác ngồi nghe thơ mình, trong sách anh Lập có nêu tên cẩn thận!
Đọc những dòng này, tự dưng tôi nhớ đến anh Đinh Khắc Thiên Chương ở cùng xóm Khuông Việt ngày trước, cứ gặp mặt là anh níu lại bắt nghe anh đọc thơ, làm được kha khá bài rồi thì xoay sở tiền chỗ này chỗ khác để “rô-nê-ô” tập thơ phát khắp xóm! Thấy anh lành tính mà cũng có tài, nên ai nhận thơ biếu của anh cũng vui vẻ góp chút “ấn phí” cho anh. Cũng nhớ luôn các anh Trần Mạnh Hảo, anh Bùi Chí Vinh, ít nhiều hình như cũng có tật này, cũng may là thơ các anh cũng hay, nên nghe mấy anh đọc (trên youtube và facebook thôi) cũng không đến nỗi oải. Riêng anh Đỗ Trung Quân, người cùng khu Ông Tạ xưa của tôi, không biết có “tật” này không, nếu có thì tôi cũng muốn được một lần trực tiếp nghe anh đọc “Tạ lỗi Trường Sơn” và “Quê hương”, là những bài tôi rất thích.
Cực vui có lẽ là mấy hồi ức dính dáng đến thời trai trẻ “khù khờ vác lu mà chạy” của Nguyễn Quang Lập. Chẳng hạn như “Yêu và ăn”, nói về những ngày anh mới đậu vào Đại học Bách Khoa từ quê Quảng Bình lớ ngớ ra Hà Nội như một anh cả quỷnh. Ở chốn “ngựa xe như nước áo quần như nêm” này, Lập nhà ta nhìn gì cũng thấy ngất ngây, cũng thấy lạ, lạ từ cái cầu chì đến cái xí bệt trong trường, lại không dám “tựa lan can, sợ chẳng may lan can gẫy một phát ngã lộn cổ xuống đất thì tiêu”. Rồi bia hơi uống vỉa hè cũng thấy lạ vì trong đời chưa từng được uống, giờ hăm hở uống cho ra vẻ “tay chơi”, nhưng mới uống ngụm đầu đã “lập tức bụm mồm, mặt nhăn như bị, nói đ. mạ, như nước đái bò”! Riêng chỉ việc ăn cơm ở ký túc xá trường là không lạ, nhưng mới được chút “mì ổ nóng dòn, thịt kho đậu phụ, canh cá mè nấu chua” là đã “ngon thật là ngon” rồi. He he, quả là quá tội.
Riêng về chủ đề yêu, có hồi ức “Ba lần yêu cô giáo” cũng cực vui, nhưng không biết ở đây nhà văn của ta có bốc phét không, chứ sao lần gặp em nào cũng đều đại loại là “em sà vào ngực mình, đấm đấm cấu cấu, nói ghét lắm ghét lắm, mình bế xốc em vào nương ngô gần đấy, thế là yêu nhau tới bến”. He he, không biết em nào mà “dễ thương quá chừng chừng” như vậy? A, ra đó là em giáo viên ở Quảng Ninh lúc Lập ở bộ đội. Riêng em ở Quảng Trị, cũng là giáo viên, thì “thơ mình em rất thích, thành thử mình về đó có ba ngày thì cưa đứt đục suốt, hi hi đã đời”. Hình như còn nhiều em nữa, như em Sơn Tây mà “cứ chiều thứ Bảy mình lại nhảy xe ca lên, cơm no bò cưỡi đến chiều Chủ Nhật mò về”. Đại khái là thế, kể về em nào Lập ta cũng khoe được “yêu tới bến”, “cưa đứt đục suốt”, “cơm no bò cưỡi” (chữ của Lập, khá thô tục, he he) khiến tôi cũng đâm nghi hoặc, không biết cha nội này “nói chơi hay nói giỡn”. Nhưng mới đây, Nguyễn Quang Lập có đưa tấm ảnh thời trai trẻ lên facebook, nhìn thấy đẹp trai phong độ ra phết, nên cũng chẳng biết chừng!
Chuyện trai gái thời trẻ thì tôi cũng đã trải qua, tuy không được “em yêu tới bến” vì không “đẹp giai phong độ” như Nguyễn Quang Lập nhưng cũng không lạ gì lắm cái trò “táy máy” chút đỉnh của mấy thằng con trai. Nhưng hồi ức “Nhậu nhẹt ba miền” nói về “văn hoá nhậu” khác nhau giữa ba miền thì tôi chưa biết nên thấy đúng là một bất ngờ thú vị. Chẳng hạn anh nhận xét dân văn nghệ Miền Nam thì “làm cật lực đến chiều mới đi nhậu, ai mời nhậu người đó trả tiền, mà đã nhậu rồi là nhậu tới số”, còn dân miền Bắc thì “túc tắc đến sở... vật vờ ra vào” cho hết giờ, khi gọi nhau đi nhậu thì “nhậu xong ai có tiền thì trả, thành thử đến giờ thanh toán cứ nhìn nhau nói cười nhàn nhạt, nhiều anh cứ đúng giờ đó thì nhìn đồng hồ đứng dậy, nói mình có việc phải về sớm, bí quá thì nhảy đại vào toilet, hi hi...” Có lẽ hồi đó cánh anh em văn nghệ nghèo quá, nên vậy, giờ chắc khác nhiều.
Riêng dân miền Trung thì “nhậu nhẹt bất tử, bất kể giờ nào miễn có tiền” và “vẫn giữ được thói quê, bạn bè từ xa đến không thể không mời về nhà, làm mâm cơm đãi bạn, nhậu nhẹt ở nhà chán chê rồi mới đi ra quán”. Dễ thương thế. Nhưng bất ngờ nhất là khi anh tiết lộ thêm hai nét “rất độc” trong “văn hoá nhậu” của miền Trung. Nét thứ nhất rất “độc đáo”, nên nhân rộng, là như sau: “Vì ngày nào cũng nhậu, nên ít ai có khả năng bao sân, thành ra có kiểu nhậu nối dài, anh đến sau bảo, kể từ đây là phần của tôi nhé... [cứ thế cứ thế] mỗi anh chịu một khúc”. Nét thứ hai lại rất “độc địa”, chẳng biết phải nói sao, đó là “kiểu nhậu bắt Fulro, nhậu giữa chừng thì “mời” chủ doanh nghiệp hoặc các quan chức tỉnh ra nhậu chơi để họ trả tiền hộ... Mấy ông này lập tức hiểu ý, vọt ra làm đôi ba chén rồi giành lấy bill thanh toán cái rẹt”. Nghe kể về nết nhậu này mà chỉ biết cười méo xẹo. Cũng may là các anh ấy còn biết kiểu nhậu bắt Fulro là “lụy đến đạo đức nghề nghiệp”!
Trong “Chuyện đời vớ vẩn” còn nhiều nhiều các hồi ức đáng đọc khác, có cái đọc thấy ngậm ngùi như “Chuyện củ khoai khổng lồ”, có cái đọc thấy thương như “Thuở nhỏ đi xem phim”, “Bánh Trung thu”. Đọc hai hồi ức về xem phim và ăn bánh này tôi chợt nhớ đến truyện “Con chó Giôn” của anh mà tôi dùng làm bài đọc cho sinh viên Mỹ. Khi biết mẹ mình quyết định bán con chó có tên là Giôn cho người ta làm thịt để có tiền trả nợ, Lập viết: “Mình ngồi ôm nó khóc theo. Ngồi ước sao bỗng nhiên được mười đồng. Ngồi ôm con Giôn giữa cát nắng chang chang, khóc mãi, khóc khan cả cổ, nói đi nói lại, ui trời ơi …răng nhà tui nghèo ri hè.” Thấy thương quá. Cuối cùng là mấy hồi ức có thể gom vào dưới cái tên chung là “vớ vẩn, tào lao”, đúng như chữ dùng của anh. Trong các mẩu tào lao vớ vẩn này, có chuyện kể để minh oan cho Hoàng Phủ Ngọc Tường về những gì xảy ra hồi Mậu Thân ở Huế.
He he, nẫy giờ cứ nói dông dài thành thử quên béng mất “chủ đề” chính của bài viết này là Nguyễn Quang Lập “đạo văn”. Chuyện là như vầy, tôi đang đọc ngon trớn bỗng tự dưng khựng lại, lẩm bẩm: “Chết cha, đoạn về Trịnh Công Sơn này mình vừa đọc rồi mà? Hay mình quên đánh dấu trang nên vô tình đọc lại trang đã đọc?” Thế nên tôi vội rà ngược lại. Không, hồi ức này rõ ràng mình chưa đọc, nhưng riêng đoạn này thì quen lắm. Sao vậy cà? Liền tẩn mẩn dò lại các hồi ức phía trước, thì đây, cùng một đoạn đã xuất hiện trong “Chơi thơ”, giờ lại xuất hiện y chang đến từng chữ trong “Tết văn nhân”! Thôi được, cũng chỉ có một lần, có lẽ nhà văn đãng trí, thông cảm cho qua.
Thế rồi đọc tiếp, thế rồi lại khựng lại. Câu chuyện về “thằng Tý làng Đông bị mù hai mắt” đã xuất hiện trong “Tết về lại nhớ”, giờ lại thấy trong “Tết của người bạn mù”! Rồi chuyện được “múc nước giếng cho Ái Vân rửa chân, sướng rêm người” đã được viết trong “Xóm nhỏ của tôi” sau lại được “copy” y chang trong “Chuyện đời vớ vẩn”. Riêng “Chuyện ma” về “hai bộ hài cốt bộ đội, một nam một nữ” ôm nhau chết dưới hầm thì càng không thể nhầm lẫn bởi câu truyện rất nhân văn này tôi cũng dùng làm bài đọc cho sinh viên Mỹ, vậy mà sao bây giờ lại có nguyên một đoạn dài ngắt ra in xen vào đây? Thật là quá đáng! Cứ thế cứ thế, tôi đếm được trong “Chuyện đời vớ vẩn”, Nguyễn Quang Lập có tất cả 7 lần “đạo văn”. Dĩ nhiên ở đây anh chỉ đạo văn của chính mình, nhưng đạo văn bất cứ đâu và của bất cứ ai thì cũng vẫn là đạo văn, he he.


Bình luận
Chia sẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét