Nguyễn Quang Lập
Ngày nào trên thế gian đều là ngày đáng nhớ của người này, ngày đáng quên của người khác; ngày đặc biệt của người này, ngày bình thường của người khác. Ngày 30.4 cũng vậy. Nó là ngày đáng nhớ của George Washington, Tổng thống Mỹ đầu tiên. 30.4.1789 trên ban công Tòa nhà Liên bang Phố Wall thành phố New York, G. Washington đọc lời tuyên thệ nhậm chức Tổng thống dân cử đầu tiên của Hoa Kỳ. Với Gerald Ford, Tổng thống Mỹ thứ 38, ngày 30.4.1975 là ngày đáng quên, khi ông đã trực tiếp điều hành một cuộc tháo chạy nhục nhã nhất lịch sử nước Mỹ.
Nhà văn Duyên Anh gọi ngày 30.4.1975 là “Ngày Sài Gòn dài nhất”. Học theo Hans Speidel, Duyên Anh cũng viết một cuốn sách có tên “Ngày dài nhất”. Chỉ khác “Ngày dài nhất” của Hans Speidel là ngày mở đầu chiến dịch Overlord của quân Đồng Minh nhằm tiêu diệt Phát xít Đức, chiến dịch tấn công từ biển vào đất liền lớn nhất trong lịch sử, trận Normandie ngày 6.6.1944; “Ngày dài nhất” của Duyên Anh là ngày kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, chấm dứt thể chế Đệ nhị Cộng hoà.
Dù thế nào mặc lòng, với người Việt đó là một ngày khó quên.
*
Trốn chạy khỏi Đà Nẵng ngày 30.3.75. Ảnh: David H. Kennerly.
0g.Trong một ngôi nhà nhỏ Xóm Lách – Yên Đổ (chứ không phải cư xá Chu Mạnh Trinh quận Phú Nhuận, nơi nhiều văn nghệ sĩ Sài Gòn vẫn sinh sống), Duyên Anh ngồi im lìm với chai rượu Rémi Martin đã rỗng và cái gạt tàn lớn đầy vun mẩu thuốc lá. Sài Gòn yên tĩnh sau cơn hôi của điên khùng chiều qua (29.4), chỉ còn tiếng máy bay trực thăng rền rĩ phía Đại sứ quán Mỹ trong chiến dịch Frequent Wind (được dịch lung tung: Gió lớn, Gió đều, Gió thường xuyên) lúc 11g51 ngày 29.4 để di tản nốt hơn 10.000 người Mỹ và người Việt “có nguy cơ cao”.
Khi tất cả đường băng Tân Sơn Nhất bị hỏng, máy bay có cánh không thể cất cánh hạ cánh được, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger trực tiếp chỉ huy chiến dịch Talon Vise di tản bằng máy bay có cánh C141, C130 gọi về Nhà Trắng, nói như hét: “Vì Chúa, đề nghị dùng máy bay lên thẳng!”. Nhà Trắng chuyển sang “Lựa chọn 4”, dùng tất cả trực thăng ở Hạm đội 7, chiến dịch Talon Vise chuyển sang chiến dịch Frequent Wind cho máy bay trực thăng. Đô đốc Noel Gayler, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương huy động 81/85 chiếc trực thăng, trong đó có 36 chiếc Chinook loại lớn. Đài phát thanh Quân đội Mỹ ở “Nhà số 7” đường Hồng Thập Tự phát sóng mật hiệu, cứ cách mười lăm phút lại thông báo: “Nhiệt độ ở Sài Gòn là 105 độ F và đang tăng”. Tiếp liền là giọng ca Bing Crosby hát bài “Noel tuyết trắng”.
Giờ này Bing Crosby vẫn hát: “Tôi đang mơ về một Giáng sinh trắng…”, Chiến dịch Gió lớn vẫn chưa ngưng. Duyên Anh đoán Phạm Duy đã bay được nửa chặng đường. Cả ông và Phạm Duy đều bị USIS, Sở Di trú Hoa Kỳ tại Sài Gòn, cho nhỡ tàu. Lần đầu tiên bị Mỹ lừa, hai văn nghệ sĩ nổi tiếng bậc nhất Miền Nam sốc nặng. Nhờ con, Phạm Duy cũng leo lên được máy bay. Trước đó ông đã rối rít tìm cách gọi cho Duyên Anh: “Tìm lối thoát lẹ đi, đừng tin Mỹ. Bọn Mỹ chó đẻ lắm.” Rốt cuộc Phạm Duy đành phải theo bọn “chó đẻ”.
Phạm Duy còn may mắn hơn nhà văn Chu Tử, chủ nhiệm báo Sống. Chu Tử ghét Mỹ hơn cả Phạm Duy, sức tàn lực kiệt, đi đứng còn không vững, vậỵ mà cũng “Get out”. Ông theo tàu Việt Nam Thương Tín rời sông Lòng Tàu (Cần Giờ) chừng vài hải lý thì bị một viên đạn cối bắn đuổi theo tàu. 4000 sinh mạng trên tàu không ai chết, mỗi Chu Tử chết. Tháng Tư 1966 một số kẻ bợ đỡ Đệ Nhị Cộng hoà căm hờn bút lực Chu Tử đã ám sát ông bằng bốn viên đạn súng lục xuyên qua cổ răng miệng. Vậy mà ông không chết. Tháng tư 1975 ông lại chết vì một mảnh tạc đạn vu vơ, lãng xẹt.
0g, Duyên Anh chìm trong rượu, Chu Tử chìm xuống đáy biển Cần Giờ. Bạn đọc của Chu Tử trên tàu Việt Nam Thương Tín đã thuỷ táng cho ông. Duyên Anh vẫn thức. Ông ráng ngồi đợi cái kết của cuộc chiến 30 năm. Ừ thôi, không đi được thì ngồi xem nó kết ra làm sao, âu cũng là thiên chức nhà văn. Trước khi bị USIS cho ăn quả lừa, Duyên Anh không bao giờ ngồi đợi điều không muốn, giờ đây là niềm an ủi đắng cay của ông.
Thời khắc ấy tại Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh ở Ấp Căm Xe (nay là Ấp Tân Định) xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương, Đại tướng Văn Tiến Dũng cũng hút thuốc uống rượu nhưng không say khướt chẳng buồn thiu như Duyên Anh. Tướng Dũng và các cộng sự của ông đang phấn khích. Chưa khi nào các ông ra trận mà tốc độ “di tản chiến thuật” của quân lực Cộng hòa còn nhanh hơn cả mức tấn công của bộ đội. Ngày 5.2.1975 trước khi lên chiếc Antonov 24 bay vào Đồng Hới, khởi đầu Chiến dịch 275, ông còn nhìn thấy nơi giáp ranh Hà Nội – Giáp Bát bên phải quốc lộ 1, cây cột cây số đã tróc sơn màu đỏ trắng trổ một dòng chỉ dấu: “Sài Gòn 1789km”, thấy nó xa vời vợi. Chẳng ngờ giờ này ông đang ở nơi cách Sài Gòn chưa đầy 40km, chỉ trưa mai thôi ông sẽ tới Sài Gòn. Khó nói gì hơn hai tiếng thần kỳ. Giờ G. bắt đầu từ 0g 29.4, đại quân của ông chia thành năm cánh xuất quân tiến về Sài Gòn. “Đến 24 giờ 00 ngày 29-4-1975, toàn thể lực lượng tiến công vào Sài Gòn sẵn sàng như một chiếc búa thần đã vung lên, kẻ địch sắp bị trừng phạt co rúm lại, run sợ nhìn chiếc búa thần đang bổ xuống.” Tướng Dũng đã viết vậy trong sách “Đại thắng mùa xuân.”
Đại sứ Graham Martin tiễn phu nhân lên máy bay lúc 0g, khi không thể lùi được nữa. Cầm chịch cuộc di tản, Matrin muốn người Mỹ ra đi thong thả, tránh một cuộc tháo chạy hỗn loạn “làm mất mặt nước Mỹ”. Martin cấm cả phu nhân đại sứ, bà Dorothy Martin mà mọi người thương mến vẫn gọi là Dottie, không được đóng gói đồ đạc, người ngoài trông thấy sẽ đồn ầm lên: “Ông bà Đại sứ chạy rồi.” Bà Dottie chỉ được 11 phút chuẩn bị, vừa đủ một túi xách nhỏ lên máy bay. Cập rập vội vàng bà quên cả việc nấu cho chồng món lagu thịt bò tươi Củ Chi, khiến bà băn khoăn suốt chặng đường về nước Mỹ. Chồng bà đã thức trắng từ chiến dịch Talon Vise đến chiến dịch Frequent Wind, ngót nghét 74 giờ.
2g. Đại sứ Graham Martin gọi điện cho người trực tiếp điều hành trực thăng, Đô đốc Noel Gayler, ông cần 30 chuyến trực thăng CH53 chứ không phải 19 chuyến CH46. Gayler báo cho Martin hay, tình báo quân đội Mỹ cho biết cánh Tây Bắc Cộng quân chỉ cách Sài Gòn 20 km, và nói: Ngài định ở lại đón cộng sản sao? Martin làm như không có vấn đề gì, cố đùa, nói, không lo. Sứ quán Mỹ sát ngay Sứ quán Pháp, cùng lắm tôi phóng xuyên tường qua xin Đại sứ Mérillon tá túc. Và nếu bà Mérillon xinh đẹp không đi Ba Lê thì tôi xin tá túc ở phòng bả. Gayler mật báo cho Nhà trắng: Martin chưa chịu kết thúc cuộc di tản, “Ông ta đòi tát cạn cái giếng không đáy.”
Vừa xong câu chuyện với Gayler, Martin bỗng đùng đùng chạy bộ về đường Phùng Khắc Khoan, không ai hiểu chuyện gì. Giờ này ông Đại sứ ra đường là cực kì nguy hiểm. Hai trung sĩ cận vệ Jim Daisy và Colin Broussard hớt hải đuổi theo. Hoá ra Đại sứ về tư thất tìm con chó nhỏ Nit Noy lông đen xù, người bạn yêu quí của Janet con gái ông. Martin có bốn con, con trai cả vừa chết vì tai nạn ô tô. Con nuôi Glen Dill Mann, trung uý lái máy bay trực thăng, tử trận ở Tây Nguyên năm 1965, khi ông đang làm Đại sứ Thái Lan. Còn hai con gái là Janet và Nancy, bốn cháu nội, ngoại. Tất cả đều yêu Nit Noy. Martin ôm lấy con Nit Noy quay về Tòa Đại sứ, để lại toàn bộ đồ đạc trong nhà cho bọn hôi của.
Khi ấy ở Biên Hoà, Chuẩn tướng Trần Quang Khôi, Tư lệnh lữ đoàn 3 kỵ binh, Quân lực Cộng hòa nhận được điện Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh sư đoàn 18 bộ binh, qua máy bộ đàm PC 25: “Báo anh hay tôi bị quân địch tràn ngập, Long Bình đã bị chúng chiếm.” Khôi hỏi: “Anh hiện giờ ở đâu? Có cần gì tôi không?” Ðảo đáp: “Tôi hiện ở gần nghĩa trang Quân Ðội, đang rút đi về hướng Thủ Ðức.” Sau đó không còn liên lạc được với tướng Đảo nữa. Người hùng trận Xuân Lộc vang dội khắp Miền Nam, trận duy nhất Quân lực Cộng hoà cầm cự với Cộng quân được ba ngày, bỗng nhiên mất tích. Đồn rầm lên tướng Lê Minh Đảo tử thủ đến cùng và bị bắt. Không phải, tướng Đảo đã giả trang thường dân nhảy xe lam về Sài Gòn. Trên xe có hai bộ đội trinh sát mặc quân phục bộ đội, công khai nói họ là ai và động viên người trên xe cứ bình tĩnh, đừng hoảng sợ. Đến ngã ba Tam Hiệp (Biên Hòa), hai bộ đội nhảy xuống và trả tiền xe đàng hoàng. Tướng Đảo nghĩ bụng, mình thua là phải rồi. Quân mình chưa đánh đã cướp giật tùm lum, quân người ta như vầy. Ông về Sài Gòn trốn biệt không làm gì hết, đợi ngày ra trình diện.
2g30. Trong phòng ngủ cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ở Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh vẫn ngồi thức chờ đoàn đi sứ trở về. 17g30 chiều qua, tức cách đây 7 tiếng, Dương Văn Minh quyết gỡ gạc cú chót cái gọi là “hoà hợp – hoà giải và chính phủ liên hiệp”. Vốn là hậu vệ bóng đá nổi tiếng tuyển Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương, Dương Văn Minh quyết giữ khung thành đến cùng dù khung thành đã bỏ trống, sân bóng chỉ còn mỗi ông và khung thành, trong khi đối phương còn nguyên cả 11 cầu thủ. Ông gửi một sứ đoàn đến trại David, trụ sở của “Phái đoàn quân sự bốn bên” đóng gần sân bay Tân Sơn Nhất, nơi Đại tá Võ Đông Giang đại diện Chính phủ Lâm Thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam (CPLTCHMNVN) thường trực. Sứ đoàn gồm có Luật sư Trần Ngọc Liễng, Giáo sư Châu Tâm Luân và Linh mục Chân Tín. Họ đã được Đại tá Võ Đông Giang tiếp đãi lịch sử bằng món chuối chín truyền thống “của nhà trồng được” và trả lời vừa thật lịch sự vừa thật phũ phàng: “Không có chuyện thương thuyết. Chính quyền Cách mạng sẽ xoá bỏ chính quyền Sài Gòn.” Sứ đoàn được mời ngủ qua đêm để tránh bom rơi đạn lạc, khéo léo giữ lại để làm con tin. Ông Minh không nhận được thông tin, chẳng có ai gọi điện cho ông, sốt ruột ông cứ ngồi bó gối trông ra cho đến sáng.
Từ trái qua phải: Giám đốc CIA William Colby, Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger và Chủ tịch Ban tham mưu liên quân – Đại tướng George Brown,
19g30 (giờ Hoa Thịnh Đốn) ngày 28.4.1975 khi nghe tin Việt Cộng bác bỏ đề nghị ngừng bắn của Tổng thống Dương Văn Minh. Ảnh: David H. Kennerly.
Đại sứ Martin cũng không ngủ. Cú điện thoại của Kissinger dựng Martin dậy vào lúc 2h30. Kissingger yêu cầu “cho Tổng thống biết” con số di tản còn lại cuối cùng tại Toà Đại sứ. Martin nói phứa “ngay và luôn”: cả thảy 729 người bao gồm có 500 người Việt, 173 thuỷ quân lục chiến (TQLC) và 53 người Mỹ dân sự. Kissinger nhẩm rất nhanh, chỉ cần 9 chuyến trực thăng CH53 sẽ bốc hết. Lúc này tại Hoa Thịnh Đốn là 14g ngày 29.4, Kissinger vui vẻ ước tính 2 giờ nữa là xong, ông cho Ron Nessen Thư kí báo chí Nhà Trắng thông báo cuộc họp báo dự kiến lúc 14g sẽ cho lùi lại lúc 16g.
Nửa giờ sau Martin lại gửi công điện cho Nhà Trắng cho biết còn 1.100 người Việt chứ không phải 500 người. Kissinger ngao ngán hết nổi, không thể hiểu con số cuối cùng của Martin là sao nữa. Ron Nessen nói đùa, ông Martin sẽ di tản 1.100 người Việt cuối cùng trong số 500 người Việt cuối cùng. Dù biết Martin đang cố di tản càng nhiều càng tốt người Việt, ngoài việc giữ sĩ diện cho nước Mỹ, là một chút tình của ông với người Việt, con ông đã chết trận ở nơi đây. Nhưng không vì thế mà để mặc cho Martin tát “cái giếng không đáy”, tiếp tục báo các con số ma, Tổng thống Ford quyết định chấm dứt cuộc di tản.
3g15. Trực thăng CH46 đáp xuống sân thượng, viên phi công trao cho Martin thư viết tay của Đô đốc Gayler cho biết lệnh Tổng thống: Chỉ có 9 chuyến trực thăng nữa, không hơn. Đại sứ phải lên trực thăng chuyến cuối cùng. Mặt Martin bạc trắng. Eva Kim, thư ký riêng của Đại sứ chào ông và lên máy bay. Đi sau cô là nhà báo George Arthur, phóng viên báo Los Angeles Times trong tay ôm cái bọc nhỏ giấu con Nit Noy. Martin sợ người ta trông thấy con chó ông Đại sứ được lên máy bay trong khi bao nhiêu người Việt đang kẹt lại.
3g30. Kissinger gọi điện cho Martin cho hay kể từ giờ phút này trực thăng chỉ chở người Mỹ di tản. “Ông và các vị anh hùng của ông bây giờ là phải trở về nhà.” Dứt lời Kissinger đặt máy, sợ Martin lại phân bua xin xỏ. Martin biết khi ông chưa lên máy bay thì cuộc di tản chưa chấm dứt, nên ông đã cố dây dưa nhiều lần. Với Kissinger, cuộc di tản là của người Mỹ chẳng của ai khác, kể cả Đại tướng Đại Hàn đang kẹt trong Tòa Đại sứ Mỹ. Như Charles de Gaulle chỉ biết đội nước Pháp lên đầu, dù là người Do Thái, Kissingger vẫn coi nước Mỹ “là riêng là thứ nhất”. Frank Snepp, chuyên viên CIA, tác giả cuốn “Cuộc tháo chạy tán loạn”, kể: Nhiều công chức ở Nhà Trắng nói, nếu dân Mỹ ai cũng như Kissinger thì quốc kỳ Mỹ không cần vẽ 50 ngôi sao mà vẽ một con rắn với lời chú: “Xin đừng giẫm lên tôi.” Vậy mà ngài Ngoại trưởng còn than thở với các nhà báo, nếu biết trước việc cắt giảm viện trợ của Quốc hội Mỹ, (thì ông) đã không thương thuyết Hiệp định Paris. Lời than sặc mùi đạo đức giả.
3g40. 12 chuyên viên cuối cùng của Tòa Đại sứ lên máy bay, trong có Frank Snepp, ông viết: “Máy bay vượt qua trung tâm Thành phố, theo đường Vũng Tàu, con đường quen thuộc Chủ nhật tôi vẫn thường đi. Máy bay vừa qua Biên Hòa, rẽ vào hướng Đông, thì tôi thấy kho Long Bình nổ, một loạt nấm nhỏ nguyên tử bốc lên. Trên hệ thống đường từ Sài Gòn đi Xuân Lộc, hàng nghìn xe vận tải, xe tăng, chắc là của Bắc Việt Nam, đang chạy từ từ về Biên Hòa, xe nào cũng sáng đèn.”
3g45. Tom Polgar, trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn, gửi công điện về Nhà Trắng: “Chúng tôi đề nghị đóng cửa Tòa Đại sứ lúc 4g30 vì còn nhu cầu phá huỷ hết máy móc truyền thông. Đây là công điện cuối cùng của Tòa Đại sứ Sài Gòn.”
Martin đi xuống sân Tòa Đại sứ. Còn 420 người Việt đang chầu chực được lên máy bay. Ông bị viêm phổi, nói không còn ra tiếng: “Kể từ giờ này sân thượng đón máy bay CH46 chở người Mỹ, còn máy bay CH53 lớn hơn sẽ đáp xuống đây đón quí vị.” Đó là lời nói dối cuối cùng của ông Đại sứ với người Việt. Sau đó đám lính TQLC lùa hết người Việt xuống sân, họ chốt hết các cửa cầu thang lên sân thượng. Tiếng la hét rân trời của 420 người Việt, họ biết ông Đại sứ nói dối. Martin đứng ngây như kẻ điếc. Chiến tranh làm người Sài Gòn nhạy bén hơn về sự nói dối, làm người Mỹ dối trá thành thục hơn.
4g42. Chiếc CH46 có tên “Lady Ace 09” viết bằng sơn xanh hai bên hông, đáp xuống sân thượng Tòa Đại sứ. Viên phi công to như con gấu, Đại úy Jerry Berry hiền lành cố làm ra vẻ lạnh lùng nói với Martin: “Thưa ngài, Tổng thống Ford ra lệnh cho tôi đưa ngài lên trực thăng này, nếu ngài không tự nguyện leo lên. Đây là lúc phải rời đi.” Martin hiểu nếu ông không chịu đi thì chính viên phi công này sẽ bế ông lên ném vào máy bay.
Graham Martin cúi mặt để cho Jerry Berry dìu lên trực thăng. Sau ông có Tuỳ viên báo chí John Hogan, Chi nhánh trưởng CIA Tom Polgar và Đại tá George Jacobson, cố vấn đặc biệt của Đại sứ. Như một xác chết di động, Martin lần từng bước lên cầu thang máy bay. Người đàn ông miền Nam nước Mỹ cao ráo đẹp trai như một cao bồi xinê, quyến rũ đến nỗi phu nhân tướng John Murray, chỉ huy quốc phòng Mỹ tại Sài Gòn, đã phải rên lên: “Không có ai đáng mê bằng Martin!”, hơn hai năm ở Việt Nam đã thành cái xác không hồn, da dẻ tái nhợt mặt mày xám xịt. Đôi mắt từng làm rụng cuống tim bao nhiêu phụ nữ giờ đây u tối lạnh lẽo.
Qua pha đèn người ta thấy ông Đại sứ đang lên máy bay, 420 người gào thét thất thanh réo gọi tên ông. Vì một tai nạn giao thông, Martin không quay được từ trái ra phía sau, trong khi cầu thang máy bay chếch về hướng phải, ông không nhìn được sau lưng mình 420 người Việt lần cuối. Martin!… Martin! Tiếng kêu đau đớn giận dữ xé rách Sài Gòn nửa đêm về sáng, khiến trời cũng phải khóc. Một cơn mưa nhẹ rải khắp Sài Gòn. Ở Xóm Lách Duyên Anh đứng giữa sân ngửa mặt đón cơn mưa. Ông viết: “4g30: Trời lất phất mưa. Không phải sương rây. Sẽ xảy ra chuyện gì những giờ sắp tới?”.
4g48. Máy bay “Lady Ace 09” rời nóc Toà Đại sứ. Trên cao, sở chỉ huy nhỏ trong máy bay C130 phát tín hiệu: “Cọp (Tiger)!! Cọp! Cọp!”. Nhận được tín hiệu báo tin ông Đại sứ đã bay, Đô đốc Noel Gayler gọi cho Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger, Schlesinger báo cho Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger. Lúc ấy ở Hoa Thịnh Đốn là 17g, Kissinger bước vào phòng họp báo với vẻ tự tin sảng khoái, ông nói: “Đại sứ của chúng ta đã ra đi, và cuộc di tản có thể được nói là hoàn tất.” Một nhà báo hỏi ngay: “Không còn một người Mỹ nào ở Sài Gòn?”. Kissinger đáp: “Đúng vậy”. Tiếng vỗ tay rần rần. Các nhà báo rào rào túa đi gửi tin.
5g. Sài Gòn đang ngủ, chưa thấy nhà ai mở cửa. Đường phố vắng hoe. Không lẽ cơn hôi của điên khùng chiều hôm qua khiến mọi người khó ra khỏi giường giờ này? Không phải. Số hôi của không tới một phần nghìn. Nhà báo Jean Lartéguy nói đúng: Giờ này 3 triệu người Sài Gòn đang nín thở dò đài Giải Phóng để nghe phản ứng hoà hay đánh từ phía bên kia.
“Phía bên kia” hết thảy đang thức, đại quân tướng Dũng đang hăm hở tiến quân. Sách “Một thời nhiễu nhương” của Bạch Hạc Trần Đức Minh cẩn thận chép: “Vào lúc 5 giờ sáng ngày 30 tháng 4 các cánh quân của Quân đội Bắc Việt đồng loạt tiến công.” Cả thảy năm cánh quân. Cánh quân Tây Bắc tiến đánh phi trường Tân Sơn Nhất. Cánh quân phía Bắc tiến chiếm Bộ Tổng tham mưu. Cánh quân Tây Nam tiến chiếm Bộ Tư lệnh biệt khu Sài Gòn và Tổng nha Cảnh sát. Cánh quân phía Đông từ Biên Hoà theo Quốc lộ về Sài Gòn. Cánh quân Đông Nam từ cầu Đồng Nai theo xa lộ Biên Hoà về Dinh Độc Lập.
6g00. Hoa Thịnh Đốn là 18g. Kissinger vừa ra khỏi phòng họp báo gặp ngay Chánh văn phòng Nhà Trắng Donald Rumsfeld, ông này nói vừa nhận được điện của Schlesinger, hãy còn 11 người lính TQLC canh giữ Tòa Đại sứ. Kissinger phát điên quát tháo ầm ĩ, chửi thẳng cái tên Schlesinger. Chửi rồi bỏ đi, không thèm quay lại phòng họp báo đính chính. Donald Rumsfeld kể, ông đã trực tiếp gặp Tổng thống Ford, nói: “Cuộc chiến tranh này đã có quá nhiều lời nói dối. Không nên chấm dứt cuộc chiến bằng một lời nói dối.” Ford đồng ý để cho Thư kí báo chí Nhà Trắng Ron Nesson đính chính lại điều này.
6g30. Hoa Thịnh Đốn là 18g30. David Hume Kennerly, Nhiếp ảnh gia Tổng thống Ford chụp được bức ảnh thời khắc Kissinger và Brent Scowcroft, Phó cố vấn an ninh quốc gia cùng đưa tay xem đồng hồ. Họ đang chờ đợi thông tin 11 lính TQLC đã được cứu khỏi Tòa Đại sứ Sài Gòn hay chưa. Tổng thống Ford coi Kennerly như người nhà. Nhờ vậy mà Kennerly được sang Việt Nam chuyến 20.4.75 và ông có cả một chùm phóng sự ảnh để đời về Việt Nam những ngày cuối cùng của cuộc chiến, xứng danh nhiếp ảnh gia giải Pulitzer. Trước khi đi Việt Nam, vì buổi tối không rút được tiền, Kennerly hỏi mượn Ford và bất ngờ thâý trong ví tổng thống số một thế giới còn có mỗi 47 đô. 27.4 Kennerly trở về, ông trả lại Ford 47 đô cùng thông báo: “Tin tốt là chiến tranh đã qua đi. Tin xấu là chúng ta đã bị thua.”
Kissinger và Brent Scowcroft cùng đưa tay xem đồng hồ. Ảnh David Hume Kennerly.
7g. Trung tướng Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng; Trung tướng Trần Văn Trung, Tổng cục trưởng Chiến tranh chính trị; Đại tá Trần Ngọc Huyến và một số sĩ quan khác lên đoàn xe rời Bộ Tổng tham mưu đến Công xưởng hải quân, dùng một chiếc tàu hư duy nhất còn để ở xưởng vượt sông Sài Gòn ra biển. Tướng Vĩnh Lộc thay chức Tổng tham mưu trưởng của Đại tướng Cao Văn Viên. Đại tướng Viên đã bỏ chạy chiều ngày 28.4 cùng với Chuẩn tướng Trần Văn Thọ, Trưởng phòng 3 Bộ Tổng tham mưu. Tướng Viên ra đi để lại đơn từ chức đặt lên bàn làm việc, lấy trụ cờ hiệu nhỏ dằn lên. Không ai biết ông đi lúc nào, kể cả viên phi công lái máy bay trực thăng cho ông.
Đáng ra Cao Văn Viên nên từ chức Tổng tham mưu trưởng ngay khi ông vừa nhậm chức này năm 1972. Olivier Todd, tác giả cuốn “Tháng Tư nghiệt ngã”, nhận xét: “Từ năm 1965 đến 1973, các tướng tá ở Miền Nam trong tất cả mọi cuộc hành quân từ nhỏ tới lớn, từ việc đi tuần tiễu, đi mở đường, nằm đường, đến các cuộc tìm và diệt địch, chạm súng, chiều ngang hay chiều sâu, nhảy dù hay trực thăng vận v.v. tất cả đều có nhu cầu được hoả lực pháo binh, trực thăng vũ trang hay oanh tạc cơ yểm trợ tối đa, nếu không được pháo đài bay B52 từ Thái Lan, đảo Guam hay từ Phi luật Tân qua trải thảm trước… Họ đã quá tùy thuộc và còn đang tùy thuộc vào hỏa lực yểm trợ của phi pháo và không trợ.” Một quân đội ra trận kiểu đó đến Chúa làm tư lệnh Bộ Tổng tham mưu cũng chào thua. Napoléon nói rồi: “Chúa chỉ đứng về phe nào có các tiểu đoàn lớn nhất, mạnh nhất”, chứ không phải các đội quân chưa xông trận đã cầu viện. Tướng Viên nhìn nhận Bộ Tổng tham mưu của ông chỉ có nhiệm vụ tư vấn mà thôi, mọi việc đã có Tổng thống Thiệu bắt tay chỉ ngón. Bất kì lúc nào cấp dưới đề đạt lên, ông chỉ có hai câu: “Anh đã trình Tổng thống chưa?”, “Anh cứ trực tiếp làm việc với Tổng thống đi.” Tổng thống cũng không bằng người Mỹ, khi các tướng tuỳ viên quân sự Mỹ, John Murray hay Fred Weyand, gọi sang, ông chỉ có hai tiếng: “OK, thanks!”. Đại tướng Cao Văn Viên quá hiểu quân đội của ông đánh đấm theo châm ngôn Hoa Kỳ: “Ai chi tiền người ấy chỉ huy”. Thế thì chiều 28.4 tướng Viên mới ra đi là quá trễ.
Tướng Lộc cầm chức tướng Viên liền đọc Nhật lệnh nghiêm trị những quân nhân đào ngũ, gọi các tướng bỏ nước cầu vinh là những kẻ phản bội. Sài Gòn lại lên cơn hy vọng. Vĩnh Lộc mê văn Duyên Anh, thuộc lòng vài cuốn sách của Duyên Anh khiến nhà văn hết sức mến yêu và tin tưởng vị tướng này. Vào giây phút tướng lĩnh đua nhau tháo chạy, tối qua trên màn ảnh nhỏ của đài Truyền hình Việt Nam băng tần số 9, tướng Vĩnh Lộc đang chắp tay sau lưng đi đi lại lại mắng mỏ kẻ bỏ chạy, Duyên Anh nức nở mừng thầm: “Của tin còn một tướng này làm ghi”. Ai dè sáng nay tướng Vĩnh Lộc cũng chạy nốt.
Dù gì Tướng Vĩnh Lộc cũng là một trong các tướng tá bỏ chạy muộn nhất, chỉ khi nước đến chân mới chịu nhảy. Tướng Nguyễn Cao Kỳ từng thề với Đài BBC: “Tôi còn cái quần đùi cũng ở lại Việt Nam đánh nhau với cộng sản” đã bỏ chạy từ 10g sáng hôm qua bằng trực thăng Huey của riêng ông. Tướng Kỳ còn lôi theo cả tướng Ngô Quang Trưởng, vị tướng tài ba nhất Quân lực Cộng hòa, người đã từng thề trước ba quân: “Ai muốn lấy Đà Nẵng hay bước qua xác Trưởng này.” Con rể nhà văn Thạch Lam từ khi đáp xuống Soái hạm Blue Ridge tự nhiên cấm khẩu, cứ đứng yên một chỗ nhìn vô bờ, ai hỏi gì cũng không nói.
Nguyễn Cao Kỳ (giữa), Ngô Quang Trưởng (phải) vừa đáp trực thăng xuống tàu sân bay Midway ngày 29.4.1975 (sau đó được đưa sang soái hạm Blue Ridge). Ảnh: Internet.
7g30. 11 Lính Mỹ TQLC trên nóc Tòa Đại sứ chờ đợi mòn mỏi hơn hai giờ, đến nỗi họ tính phải chui qua Đại sứ Pháp xin tị nạn. Cuối cùng máy bay cũng đã đến. Chiếc CH46 đáp lên nóc, vẫn Đại úy Jerry Berry đón họ. Viên phi công này đã bay 18 giờ rưỡi trong tổng số 20 giờ của Chiến dịch Frequent Wind. 11 lính Mỹ cuối cùng leo lên trực thăng cuối cùng. Trung sĩ Juan Valdez đẩy đít người đi trước và hét lên: “Tôi là người cuối cùng!”.
Máy bay cất cánh lúc 7g53 phút, vừa lúc nhiều người Việt leo lên được nóc Tòa Đại sứ. Họ lao vào trực thăng CH46 khi nó đã bay lên. Thế là hết. Những người Việt bị bỏ rơi cuối cùng nằm sấp ngửa ngổn ngang trên sân thượng, lặng ngắt.
Giờ ấy Hoa Thịnh Đốn là 20g01 29.4. Tổng thống Ford lẻn khỏi bữa tiệc tối chiêu đãi Quốc vương Jordan, ngài Hussein, tới Phòng đưa đón khách của Nhà Trắng sát ngay đó để nhận điện thoại Bộ trưởng Quốc phòng Schlessinger báo tin về 11 lính Mỹ TQLC đã được cứu thoát. Kennerly cũng chụp được ảnh này, ông viết: “…sự dính líu của Mỹ tại Việt Nam giờ đã thực sự chấm dứt. Tổng thống cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm.”
Nhưng đó cũng chỉ là tin vịt. Còn nhiều người Mỹ ở Miền Nam vì nhiều lý do khác nhau đã không tham gia cuộc di tản. Sách “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà”, nhà nghiên cứu Lịch sử – Mỹ thuật, giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ chép: “Những người bị bỏ lại có cả 70 người Hoa-Kỳ, một số khá lớn những người Việt làm việc cho Tòa Đại sứ đến phút cuối cùng. Họ được hẹn đến điểm tập trung nhưng không thấy xe bus và trực thăng đến đón. Ngoài ra họ còn bỏ quên hai xác của TQLC Mỹ chết trong vụ pháo kích ở trụ sở DAO và còn quàn tại nhà Bịnh viện Cứu thế.” Hai lính TQLC Mỹ này là Hạ sĩ Darwin Judge và Hạ sĩ Charles McMahon. Họ mới đến Sài Gòn hơn chục ngày để phục vụ di tản và trúng đạn pháo 130 ly vào lúc 4g30 sáng ngày 29.4.
Hạ sĩ Darwin Judge (trái) và Hạ sĩ Charles McMahon. Hai lính Mỹ chết trận cuối cùng ở Việt Nam. Ảnh: Alan Dawson.
Trong số 70 người Mỹ nói trên có một trung uý Mỹ, không rõ tên gì. Dân đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng) thấy ông chiều 29.4 nhảy lên nóc nhà cầm cái chổi phất trần xua đuổi những trực thăng Mỹ đi đón dân di tản bay tới, hét thật to: Cục cứt! Cục cứt… Cút! Cút!
8g. Sài Gòn tứ phương súng nổ. Quân tướng Dũng chiếm thế thượng phong. Tăng bộ đội bao vây bốn hướng. Tăng sư 304 vượt được cầu Long Bình. Tăng đại đội 7 tiểu đoàn 5 trung đoàn 24 sư đoàn 10 chiếm được Bệnh viện Vì Dân. Bộ đội sư 323 đánh bật sư 25 Quân lực Cộng hòa chiếm được Khiên Cương, đang tiến vào Xa lộ Đại Hàn. Tăng của Binh đoàn I đang đánh vào Bến Cát.
Nội thành Sài Gòn vẫn yên tĩnh. Đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) nhiều quán phở gà vẫn mở. Đường Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo B) khách vẫn vào ra các quán hủ tiếu. Đường Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi) vẫn đầy những quán bánh mì. Quán cà phê hai vỉa hè đường Nguyễn Huệ vẫn đông Khách. Sáng nay Sài Gòn hầu như không quán cà phê nào đóng cửa dù đường phố có vẻ vắng hơn ngày thường.
Sài Gòn thật lạ. Yên hàn chỉ một tiếng súng là bao nhiêu người bu tới xúm đen xúm đỏ, giờ súng nổ rân trời ai nấy tỉnh như không. Đường phố nhiều nhà đóng cửa, nhà nào còn ở lại gia chủ vẫn ra sân thong thả tưới hoa. Ở nơi đang diễn ra chiến sự, cà phê vỉa hè vẫn có người ngồi. Thấy bộ đội ôm súng rật rật chạy qua người ta chỉ dè dặt ngó theo, không ai hoảng sợ bỏ chạy. Có người còn vui vẻ gọi với: “Quí anh giải phóng mạnh giỏi!”, “Cà phê đã mấy chú Giải phóng ơi!”…
Lúc này ở Dinh Thủ tướng số 7 Đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), Tổng thống Dương Văn Minh họp Tân nội các của Vũ Văn Mẫu, ông nói: “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai hoạ đã xảy ra như ở Đà Nẵng, mà còn có thể tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ Lâm thời Miền Nam Việt Nam”. Không ai lên tiếng phản đối hay đồng tình. Im lặng như một nấm mồ. Thế là hậu vệ Thủ Dầu Một quyết định không chỉ trao cầu môn mà trao cả sân bóng cho đối phương.
8g30. Vẫn như mọi ngày Phạm Xuân Ẩn ngồi ở café Givral nằm ở góc đường Tự do (nay là Đồng Khởi) và Lê Lợi. Quán cà phê trứ danh, từng được Graham Green đưa vào tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng”. Và những vị khách trứ danh, trong đó có “Điệp viên hoàn hảo” khét tiếng Phạm Xuân Ẩn và con chó Berger biết nghe tiếng Pháp. Lúc này không có Cao Giao, Trịnh Công Sơn hay những người bạn khác, ông Ẩn ngồi một mình trầm ngâm. Giờ này ông vẫn trong vai phóng viên báo Time. Vợ con đã gửi sang Mỹ, mình ông ở lại cùng con chó Berger. Ai hỏi vì sao không đi ông đều bảo bà già đang ốm. Kỳ thực ông ở lại để đón ông Mười Hương, chỉ huy trực tiếp của ông. Nhờ bám trụ đến cùng café Givral, Phạm Xuân Ẩn đã cứu được Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ Đệ Nhất cộng hòa thời Ngô Đình Diệm một bàn thua trông thấy.
Vì chủ quan nghĩ rằng cỡ như ông người Mỹ không bao giờ bỏ, Trần Kim Tuyến bỏ mất nhiều cơ hội để ra đi. Vợ của ông, bà Jackie, và các con đang ở Singapore, ông Tuyến nhởn nhơ đến ngày 29.4 mới biết người Mỹ đã cho ông nhỡ tàu. Thế cùng ông phải chạy đến nhờ Phạm Xuân Ẩn. Suốt ngày 29.4 ông Ẩn không cách gì đưa được ông Tuyến vào trong Toà Đại sứ. 16g, khi đã tuyệt vọng, thốt nhiên ông Ẩn nhớ đến trùm CIA ở Sài Gòn, ông Thomas Polgar. Lập tức ông gọi cho Polgar. “Đưa ngay đến 22 Gia Long, nhanh lên, chuyến bay cuối cùng đó!”, Polgar đáp gọn. 22 Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) là tư thất của John Pittman, phó của Polgar. Đây là nơi CIA Mỹ dùng để đón những cộng tác viên của họ để di tản. Phạm Xuân Ẩn kéo Trần Kim Tuyến chạy đến 22 Gia Long vừa lúc cửa kéo đang từ từ hạ xuống. Ông Ẩn lao tới đỡ lấy cánh cửa khi nó còn cách mặt đất chừng 1m, hét lên: “Theo lệnh của Đại sứ, phải cho người này vào!”. Không cần biết lính bảo vệ đồng ý hay không, Phạm Xuân Ẩn miệng nói tay đẩy ông Tuyến chui vào. Thân già da cóc, ông Tuyến chạy cầu thang bộ lên sân thượng đến cầu thang máy bay thì kiệt sức, không leo lên được, nằm sấp dưới chân cầu thang. Từ trên máy bay Trung tướng Trần Văn Đôn trông thấy, ông tụt xuống cầu thang quắp lấy Trần Kim Tuyến, cứ thế chạy ngược lên máy bay. May ông Tuyến nhỏ bé ông Đôn còn quắp được. Chuyến trực thăng cuối cùng ở 22 Gia Long cất cánh đúng 18g20. Chuyện như phim hành động.
Nhiều người nhầm đây là nóc nhà Toà Đại sứ, không phải, nó là nóc nhà 22 Gia Long. Vào lúc 18g ngày 29.4.1975 người cuối cùng là ông Trần Kim Tuyến.
Khi đó Trung tướng Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn đã leo lên được máy bay. Ảnh Hubert Van Es.
Ngã Bảy Chuồng Bò (quận 10) dân chúng đã căng biểu ngữ: “Hoan hô Quân giải phóng chiến thắng!”. Nhiều cờ xanh đỏ của Mặt trận Giải phóng, có cả cờ đỏ sao vàng. Từ hôm qua đến giờ này Sài Gòn chỉ có hai loại cờ, một là ở những công sở người ta treo những tấm vải trắng ngụ ý cờ trắng, hai là cờ tam tài của Pháp ở những công thự nước ngoài. Ngã Bảy Chuồng Bò là khu vực cắm cờ giải phóng sớm nhất. Sau tuyên cáo đầu hàng của Dương Văn Minh, khu vực này rợp cờ xanh đỏ và cờ đỏ sao vàng.
9g. Dương Văn Minh tiếp ông François Vanuxem, tướng Pháp hồi hưu, thạc sĩ triết học. François Vanuxem từng có nhiều cố vấn cho cả Diệm và Thiệu. Ngồi cạnh ông Minh là Lý Quý Chung vừa được đưa vào Chính phủ Vũ Văn Mẫu, chức Tổng trưởng, tức Bộ trưởng, Bộ Thông tin. Tướng Vanuxem cố vấn cho Tổng thống Minh chạy sang phía người Tàu. Nếu Chính quyền Việt Nam Cộng hoà lên tiếng cầu cứu người Tàu, người ta sẽ đem quân đánh chiếm Miền Bắc để Việt Nam Cộng hoà có cái mà thương thuyết. Không biết đúng sai thật giả ra sao, ông Minh nghe đến người Tàu đã nhăn mặt. Ông lịch sự chối khéo, đuổi khéo. Vanuxem vừa quay lưng ông Minh đã quay lại cười cười nói với Lý Quý Chung: “Mình làm tay sai cho Pháp, rồi tay sai cho Mỹ, giờ còn làm tay sai cho Tàu, chắc chết.” Nghe sao mà thương.
9g30. Ông Vũ Ánh, Giám đốc Sở Thời sự Đài phát thanh Sài Gòn, người trực Đài suốt ngày đêm kể từ ngày 28.4 khi mà lãnh đạo nhà đài đã bỏ chạy. Trong bài “Giây phút hấp hối của Việt Nam Cộng hòa”, Vũ Ánh kể: “Chúng tôi uống cà phê, ăn mì gói, hút thuốc đến khoảng 9 giờ 30 (sáng 30-4) vừa định vào phòng tin tức thì Thư ký trực hốt hoảng chạy từ trên lầu xuống: “Ông ơi, văn phòng Tổng thống điện thoại xin cử người sang thâu băng hiệu triệu”.Vừa lúc ấy nữ phóng viên Yến Tuyết vào đài. Cô đòi đi theo kỹ thuật viên sang thu thanh nhưng tôi không cho. Tôi chỉ định Lê Phú Bổn và một kỹ thuật viên là anh Hồ Ổn sang Phủ Thủ tướng, số 7 đường Thống Nhất, Tổng thống Dương Văn Minh và Nội Các chờ họ ở đó.
Bổn thu thanh và mang vào Đài vài phút trước 10 giờ sáng và nói: “Đầu hàng rồi. Tổng thống lệnh cho phát ngay, không cần hoàn chỉnh”. Tôi đưa cuốn băng cho Vũ Thành An. Nội dung cuốn băng chỉ dài chưa đầy 5 phút, trong đó Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân, cảnh sát và các lực lượng bán quân sự “giữ vị trí, buông súng để bàn giao chính quyền trong vòng trật tự”. Bản hiệu triệu này do chính Tổng thống Dương Văn Minh đọc theo một script do chính ông viết trên một mảnh giấy. Nhưng cuốn băng chỉ phát được một lần vào lúc 10 giờ 15 phút sáng 30-4-1975.”
Ông Vũ Ánh nói Đài phát thanh Sài Gòn chỉ phát bản “Hiệu triệu” một lần, tại sao người ta nghe được nhiều lần? Ấy là vì các Đài phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài BBC và Đài VOA đã thu từ Đài Sài Gòn và phát lại nhiều lần.
9g45. Trước khi sang Dinh Độc Lập để đón “Phía bên kia”, Tổng thống Dương Văn Minh nói với Tân nội các: “Bắt đầu từ giờ phút này sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người hoàn toàn tự do theo quyết định sự chọn lựa của mình.” Không ai khóc cũng không ai cười.
Sau đó Dương Văn Minh và Tân nội các sang Dinh Độc lập. Toàn bộ tám chiếc mô tô cảnh sát danh dự, hộ tống xe Tổng thống. Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng Dương Văn Minh được hưởng chế độ vi hành trên đường phố của một Tổng thống.
10h15. Đài phát thanh Sài Gòn phát bản “Tuyên cáo” đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Nhà sử học trứ danh Tạ Chí Đại Trường trong cuốn “Một khoảnh Việt Nam Cộng hoà nối dài” đã chép: “…lúc radio loan tin Tổng thống Dương Văn Minh loan báo “chờ bàn giao chính quyền”, tôi bật dậy: “Đầu hàng rồi!”. Cả hẻm ồ lên: “Hết chiến tranh!”. Giản dị quá.”
10g30. Bộ đội trung đoàn 24 sư đoàn 10 chiếm được cổng số 5 Sân bay Tân Sơn Nhất. Lính Cộng hoà ôm súng ngồi ngẩn, họ đã nghe tuyên cáo của Tổng thống. Bộ đội cũng đã biết tuyên cáo này, họ đối xử rất nhẹ nhàng với lính Cộng hoà. Bộ đội tập trung tù binh lại yêu cầu lính Cộng hoà nộp vũ khí, cởi hết quân phục, rồi ai về nhà nấy. Lính Cộng hoà làm theo nhưng rất ít người về. Họ ngồi lại, không ai nói với ai, có người khóc.
Lữ đoàn 203 tăng – thiết giáp qua cầu Sài Gòn. Một dàn tăng M48 của lính Cộng hoà nghênh chiến. Tàu chiến Quân lực Cộng hòa giữa sông đang lao tới. Đúng lúc Dương Văn Minh đọc tuyên cáo. Tất cả khựng lại. Thừa dịp tăng Lữ đoàn bộ đội 203 tiến vào Hàng Xanh, chục chiếc tăng chia làm hai ngả. Năm chiếc vào đường Hồng Thập Tự (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Thị Minh Khai), năm chiếc vào đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ). Cả hai cánh đều hướng về Dinh Độc Lập.
Một trung đội lính Cộng hoà ngồi dưới chân cầu Sài Gòn, họ hút với nhau một điếu thuốc rồi giải tán. Giản dị như cày xong thửa ruộng.
Khắp các đường phố ngổn ngang áo quần mũ mão giày dép lính Cộng hoà. Từng tốp năm ba người lính Cộng hoà mặc quần đùi lủi thủi đi bên vỉa hè.
Nhà báo Jean Lartéguy, tác giả cuốn “Vĩnh biệt Sài Gòn”, kể về ít phút sau lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh trên Đài phát thanh Sài Gòn, ông viết: “Và bỗng nhiên, từ nơi quan sát, tôi trông thấy một đơn vị Dù (Quân lực Cộng hòa) di chuyển dọc hai bên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) theo đội hình chiến đấu. Súng cầm tay, họ điều động trong một trật tự hoàn hảo. Khi các sĩ quan ra dấu, họ ngừng lại, núp sau những cánh cửa rồi tiến lên. Sắp giao tranh tại Sài Gòn chăng? Trông những người lính này quyết tâm lắm. Khi tới ngang nhà hàng Continental họ quẹo về hướng chợ Bến Thành. Một hiệu lệnh được ban ra. Thế là họ trút bỏ hết quân phục và khí giới với đồ trang bị rồi bỏ chạy.”
Sau tuyên bố tan hàng của Dương Văn Minh, một đại tá Quân lực Cộng hòa và hơn 100 biệt động quân rút về Đại học Vạn Hạnh, định chiếm nơi này làm nơi tử thủ. Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Sài Gòn, cùng nhiều sinh viên đã ngăn cản nhóm biệt động quân này. Đại tá ra lệnh cho các biệt động quân bỏ khí giới và quân phục. Nguyễn Hữu Thái đã cấp cho mỗi người một giấy chứng nhận ronéo, ghi: “Binh sĩ này đã nộp súng và được phép về nhà”. Ký: Uỷ ban sinh viên – học sinh Cách mạng.
11g. Chiến sự ở Tân Sơn Nhất đã tạm yên, bộ đội đã làm chủ hoàn toàn. Cổng chính vào sân bay nhiều lính Cộng hoà mặc quần đùi túm tụm đứng ngồi hút thuốc uống nước. Gần đấy có bức tượng nhỏ tạc lính Mỹ TQLC với hàng chữ: “Sự hy sinh cao cả của Người lính đồng minh không bao giờ bị lãng quên”. Nghe nói Tổng thống Thiệu cho dựng tượng này vào năm 1970 để nhớ những lính Mỹ chết trong chiến tranh, chủ yếu để nịnh Mỹ.
Giờ này ông chủ bức tượng lính Mỹ kia, cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đang ăn cơm với anh trai là Đại sứ Nguyễn Văn Kiểu ở Đài Bắc. Không biết trong bữa cơm ông Thiệu nói những gì, chắc chắn sẽ có chửi Mỹ trong câu chuyện. Năm 1973 sau Hiệp định Paris ông Thiệu đã chửi Kissinger là “Thằng chó đẻ”. Tất nhiên là chửi sau lưng nhưng Kissinger nghe được, ông thề sẽ không bao giờ ghé lại Sài Gòn. Tổng thống Richard Nixon ra sức xoa dịu Kissinger, dỗ như dỗ con nít, nói: “Không có gì đâu. Rồi ông sẽ thấy ông không phải là con chó đẻ.”
Giờ này ngày hôm qua 29.4, bà Anna Chennault từ Mỹ bay sang Đài Bắc gặp Thiệu. Người đẹp quí bà này là quả phụ tướng Claire Chennault – Cựu tư lệnh Không đoàn 14 Phi Hổ (Flying Tigers) nhóm tình nguyện của Mỹ nổi tiếng trong Đệ nhị thế chiến (ông này đã tặng ảnh có chữ kí cho Hồ Chí Minh năm 1945 ở Côn Minh, nhờ vậy mà thiên hạ đồn rầm lên Việt Minh được Mỹ ủng hộ). Chồng chết, bà Anna Chennault hoạt động lobby cho Đài Loan với Mỹ, năm 1968 bà đã xúi Thiệu tẩy chay Hội nghị Paris giúp Richard Nixon Đảng Cộng hoà đả bại Hubert Humphrey Đảng Dân Chủ, đắc cử Tổng thống. Bà Chennault gửi lời nhắn của Nhà Trắng không cho Thiệu tị nạn: “Tổng thống nên đi nơi khác, nhưng gia đình có thể vào Hoa Kỳ được.” Mỹ có đem kiệu rước ông Thiệu cũng không thèm vào đất nước của “Thằng chó đẻ”. Ông Thiệu nhếch mép cười, nói: “Làm kẻ thù của Hoa Kỳ thì dễ, nhưng làm bạn của họ thì thật khó.” Khó dễ tuỳ ở ông, khi người ta không muốn làm bạn với ông nữa thì khó lắm.
Nữ ký giả Ý Oriana Fallaci xếp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào một trong 10 lãnh tụ giỏi nhất thế giới. Lãnh tụ giỏi nhất thế giới coi “Tổ quốc” của ông tương ứng với các khoản viện trợ Mỹ. 1,4 tỷ đô từ sông Bến Hải vào đến Mũi Cà Mau. 1,1 tỷ đô “hy sinh” 5 tỉnh phía Bắc, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. 900 triệu đô “hy sinh nốt 7 tỉnh Cao nguyên và 5 tỉnh duyên hải Nam miền Trung. 750 triệu đô “Tổ quốc” của ông Thiệu “Đầu nhỏ đít to” Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long và cái đầu nhỏ Tuy Hoà. Từ “Quyết không nhường một tấc đất” đến “Giữ được bao nhiêu hay bấy nhiêu”, ông Thiệu đã “bảo vệ Tổ quốc” theo cách các cò đất. “Ta có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như mất đất vậy”, chân lý của tướng John Murray cũng là chân lý “cò đất” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Chân lý ấy chống lại “Tổ quốc” của ông Thiệu nhưng giúp ông và tướng lĩnh kiếm được khẳm tiền. Khi bỏ nước ra đi, ông Thiệu chỉ mang theo 200 ngàn đô và một ít nữ trang của phu nhân Tổng thống, bà Nguyễn Thị Mai Anh. Nhưng sách “55 ngày & 55 đêm – Cuộc sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa” của Chính Đạo Vũ Ngự Chiêu, cho hay: “Ngoài số vàng 5 triệu Mỹ kim ở Thuỵ Sĩ, tài sản Thiệu thu thập được qua việc trộm của công, buôn lậu nha phiến, vàng bạc, kim cương, và buôn bán các chức vụ Chánh Án, Tỉnh Trưởng, Tư Lệnh Sư đoàn, v.v. ước lượng vào khoảng 50 triệu Mỹ kim. Đường dây chuyển ngân là Công ty Hàng Không Việt Nam, do sui gia của Thiệu chỉ huy.”
Ông Thiệu và hệ thống ươn hèn vì tham nhũng của ông đã cho Quốc hội Mỹ một câu trả lời trước yêu cầu của Tổng thống Ford 722 triệu đô viện trợ quân sự và 250 triệu đô viện trợ kinh tế ngày 19.4.75, là: “Get out, fast” (Rút ngay, thực nhanh), không có câu trả lời thứ hai.
11g15. Tổng nha Cảnh sát tan hàng không còn một ai. Ông Thái Doãn Mẫn kể, khi cánh quân Ban an ninh T4 của Thành Uỷ Sài Gòn do ông dẫn đầu vào tới đây thì đã vắng vẻ. Một nồi cơm điện ăn chưa hết, cơm hãy còn nóng.
Trường đua Phú Thọ, hai xe tăng T54 bộ đội và M48 Quân lực Cộng hòa đấu nhau. Cả hai đều cháy dính vào nhau. Lính hai xe không ai sống sót.
Lăng Cha Cả một dàn xe tăng M48 Quân lực Cộng hòa sáu chiếc dàn hàng ngang đứng trơ giữa đường, lính tráng chạy đâu cả.
Sách “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà” của Nguyễn Khắc Ngữ chép: “Trên đường Gia Long, hai xe vận tải nhà binh chế tạo tại Nga mang hiệu Motolova, cho một trung đội Việt Cộng (VC) mặc quân phục đến chiếm Bộ Quốc phòng. Khi bộ đội VC chạy vào Bộ Quốc phòng thì một Trung tá Việt Nam Cộng hoà đang đứng ở cột cờ rút súng toan tự tử. Các bộ đội VC vội vàng chạy lại ôm lấy ông ta và giật lấy súng. Đó là Trung tá Nguyễn Văn Cung, một sĩ quan tác chiến thuộc sư đoàn 18 Bộ binh. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Nguyễn Văn Cung cùng ba sĩ quan khác lấy một xe Jeep chạy về Bộ Quốc phòng. Bộ đội VC đã vào đến Sài Gòn, ông hoàn toàn thất vọng định tự tử. Nguyễn Văn Cung bị VC bắt đi, ông đã nói thẳng với họ rằng: “Các ông là người thắng trận, chúng tôi là người thua trận. Các ông có chính quyền, có súng đạn trong tay, các ông đem tôi bắn bỏ, đời tôi cũng không ân hận.” Một cán binh VC đã bảo Cung: “Cách mạng không cần cái chết của anh. Cách mạng cần anh suy ngẫm về những tội ác mà anh đã phạm, làm lại cuộc đời một người dân lương thiện.”
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, người đã trực tiếp kiểm kê 16 tấn vàng Chính quyền Việt Nam Cộng hoà để lại (mà người ta đồn “Ông Thiệu đã mang đi.”) Ông Sơn cùng nhiều người dân túa ra hai bên đường Thống Nhất “xem bộ đội”. Ông kể: “Khoảng 11g tôi nghe tiếng gầm rít của xích sắt toán xe tăng đầu tiên tiến vào trung tâm thành phố từ ngõ Thị Nghè. Tôi và một số người khác kéo nhau đến sát tường rào trường Dược để xem. Đứng cạnh tôi là anh Đại uý dù Quân lực Cộng hòa, người chỉ huy đại đội dù đóng trên tầng ba Đại học Dược. Anh còn mặc nguyên bộ áo rằn ri của lính dù, chỉ để đầu trần. Đột nhiên, chiếc xe tăng cắm cờ giải phóng đi đầu quay ngoắt lại, leo lên lề đường, tiến sát vào bờ rào. Tôi có cảm tưởng như nòng pháo đang chĩa thẳng vào mặt mình. Tôi nhìn thấy rất rõ họng súng đen ngòm với những khía hình răng cưa ở miệng súng. Một người lính trên pháo tháp đột nhiên đứng dậy, rút khẩu súng K.54 ra lên cò và chĩa thẳng vào anh Đại uý dù đang đứng sát cạnh tôi. Thời gian bỗng như đông lại trong đầu tôi. Tôi có cảm giác sẽ nghe tiếng súng nổ, và người lính dù đổ gục xuống. Nhưng một người lính khác cũng đang đứng trên pháo tháp, có lẽ là người chỉ huy, đưa bàn tay gạt khẩu K.54 xuống. Anh từ tốn hỏi người lính dù: “Đã đầu hàng rồi, sao anh còn ở đây?”. Người lính dù cũng bình tĩnh trả lời: “Chúng tôi đã tuân lệnh buông súng, tôi chỉ đứng đây xem thôi.” Người chỉ huy phất tay ra hiệu, chiếc xe tăng đột nhiên quay ngoắt ra nhanh không kém và chạy ầm ầm về phía trước, hướng về Dinh Độc Lập. Đoàn xe tăng gồm năm, sáu chiếc tiếp tục kéo theo sau, tiếng xích sắt kêu rít mặt đường nhựa. Sau một lúc tôi nghe tiếng ầm thật lớn. Tôi cứ nghĩ là tiếng đại bác nổ, sau này mới biết là tiếng xe tăng húc đổ cổng dinh.”
Đó là chiếc xe tăng 390 của lữ đoàn 203, người chỉ huy hỏi viên Đại uý dù là thiếu uý Lê Văn Phượng. Người chụp được bức ảnh độc nhất vô nhị chiếc tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập là nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder, người mẫu nghiệp dư, nhà báo cũng nghiệp dư. Bà đã bám theo Dương Văn Minh vào dinh. Khi trung tá Nguyễn Văn Binh ra đóng cổng Dinh, bà chạy ra và phục sẵn. Nửa giờ sau, xe tăng 390 lao đến húc cổng. Thế là Demulder có bức ảnh để đời.
11g25. Không xác định được giờ xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập: 12g05? 10g45? 11g10? 11g15? 12g10? 11g30?, vì không có bằng chứng xác thực để xác định là giờ nào? “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức kể chuyện treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập, sách này chép: “Phải mất khá lâu, ba người đi cùng mới giúp Bùi Quang Thận hạ lá cờ ba sọc vàng xuống bởi nó khá lớn và được buộc dây chắc chắn. Bùi Quang Thận kéo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng nửa xanh nửa đỏ có sao vàng ở giữa lên, sau khi viết và ký tên vào: “11g30 ngày 30-4. Thận”. Cứ tin ông Thận có đồng hồ, trước khi ký tên vào cờ ông có nhìn đồng hồ. Căn cứ vào giờ treo cờ có thể đoán thời gian ông Thận tới Dinh Độc Lập là khoảng 11g20-11g25, cùng thời gian với xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh.
“Hồi kí không tên” của nhà báo Lý Quý Chung, người luôn bên Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập trưa 30.4, sách này chép: “Khoảng hơn 11g30 sáng, chiếc tăng đầu tiên loại T.54 xuất hiện ở từ đầu kia đại lộ Thống Nhất, phía Thảo Cầm Viên. Tổng thống Minh và các thành viên chính phủ cùng một số dân biểu nghị sĩ ra đứng tiền đình của Dinh Độc Lập để chuẩn bị đón tiếp. Chiếc tăng to lớn tiến gần, đến khoảng Nhà thờ Đức Bà thì đột ngột bắn chỉ thiên hai phát đại bác gây hoảng hốt cho tất cả mọi người đang đứng chờ ở tiền đình. Thế là tất cả lui vào phòng làm việc của ông Thiệu và lo lắng chờ.
Chỉ ít phút sau, tiếng chân người vang dội trong đại sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô to từ phía đại sảnh: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!”… Người bước ra khỏi phòng trước tiên là Tổng thống Dương Văn Minh. Tiếp theo là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Ông Minh và ông Mẫu đều rất bình tĩnh, sự bình tĩnh của hai ông cũng truyền sang tôi. Tôi trao cái cặp da xách tay của tôi cho Dân biểu Thạch Phen rồi mạnh dạn bước theo.
Chúng tôi vừa ra hành lang để đi đến đại sảnh thì ở đầu kia có nhiều bộ đội cầm súng và hô to: “Mọi người giơ hai tay lên!”. Ông Minh, ông Mẫu và tôi cùng mọi người đi phía sau đều nhất loạt giơ tay. Ra đến đại sảnh, tôi thấy có nhiều người mặc thường phục cũng có mặt lẫn với bộ đội. Tôi nhận ra một số gương mặt quen thuộc, đã từng hoạt động báo chí hoặc trong các phong trào đấu tranh học sinh sinh viên. Tôi nhớ hình như có anh Nguyễn Vạn Hồng (tức Cung Văn), Triệu Bình, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng, v.v. Ai đó, tôi không nhớ rõ, chạy đến ôm tôi nâng lên khỏi mặt đất và nói to trong sự mừng rỡ tột cùng: “Mình thắng rồi!”, trong lúc hai tay tôi vẫn giơ cao trong tư thế đầu hàng. Nước mắt tôi trào ra, tôi khóc…”
Tin rằng đó là những giọt nước mắt thành thật của nhà báo Lý Quý Chung, sau này là Thư ký Toà soạn báo Lao Động, bút danh Chánh Trinh.
11g30. Đại uý Bùi Quang Thận là người treo cờ giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập vào 11g30, việc này có vật chứng là chữ ký ông Thận ghi ngày giờ trên lá cờ. Nhưng ai là người đưa ông Thận lên nóc Dinh Độc Lập để treo cờ? Có năm người tự nhận chính mình. Có lẽ cả năm đều không nói dối. Trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30.4 có nhiều cờ Giải phóng được treo lên sau lá cờ của Bùi Quang Thận. Cả năm người đưa năm bộ đội khác nhau vào năm thời điểm khác nhau lên nóc Dinh Độc Lập. Chẳng ai biết tên các bộ đội mình đã dẫn đường. Ngày hôm sau 1.5.1975 báo chí đăng tên bộ đội Bùi Quang Thận treo cờ thì cả năm người đều tin bộ đội được mình đưa đi treo cờ tên là Bùi Quang Thận. Vì thế mới có chuyện giờ treo cờ cũng khác nhau: 12g30, 11g30, 11g, 12g15. Còn việc đâm bổ vào kính tường và sợ vào cầu thang máy, thời điểm đó bộ đội nào cũng vậy cả.
Vẫn “Hồi ký không tên”, nhà báo Lý Quý Chung viết: “Một người bộ đội (tôi không rõ quân hàm) nói với Tổng thống Minh: “Anh chỉ cho tôi đường đi lên để hạ cờ ngụy quyền.” Ông Minh quay qua tôi đứng bên cạnh: “Chung, toa hướng dẫn người này lên sân thượng.” Sau này tôi mới biết đó là Đại uý Bùi Quang Thận. Nói về sự kiện 30.4 tại Dinh Độc Lập có một bài viết kể tên một ai đó đã đưa bộ đội lên hạ cờ. Tôi không biết ở Dinh Độc Lập còn có một nơi nào khác treo cờ hay không ngoài cột cờ sân thượng. Năm 1990, khi kỷ niệm 15 năm giải phóng Miền Nam, một hãng truyền hình Nhật có mời tôi và Trung tá Bùi Quang Thận cùng tái hiện lại những giây phút tôi đưa Đại uý Thận lên sân thượng Dinh Độc Lập để hạ cờ của chế độ Sài Gòn.”
Câu chuyện của ông Lý Quý Chung làm tôi tin chính ông là người dẫn đường cho Đại uý Bùi Quang Thận. Dù có mấy phút gần nhau và đã 15 năm ông Thận có thể quên, nhưng khi tái hiện cùng nhau, quay đi quay lại nhiều lần, nhất định ông Thận sẽ nhớ. Nếu không phải Lý Quý Chung dẫn đường, Bùi Quang Thận sẽ lên tiếng.
11g40. Tại Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hoà, Trung sĩ Trần Văn Minh đã tự sát bằng súng Colt 45. Trung sĩ Huỳnh Hồng Hiệp kể: “Sau lưng tôi, Minh khóc và nói một mình “Thôi rồi, mất nước rồi.” Nói xong anh Minh bước tới gần cột cờ, nghiêm chỉnh đưa tay lên, chào xong móc khẩu Colt 45 bên hông kê lên màng tang. Một tiếng nổ đơn độc vang lên. Tôi chắc tiếng nổ đó đã hòa tan trong tiếng máy của hàng trăm chiếc xe Honda, Vespa, Suzuki. Minh ngã xuống.”
Trước đó 10 phút, 11g30, dưới chân tượng đài TQLC, đối diện với toà nhà Quốc hội Việt Nam Cộng hoà Trung tá cảnh sát Nguyễn Văn Long cũng tự sát bằng súng Colt 45. Trung tá Nguyễn Văn Long sinh tại Phú Hội, Huế ngày 1 tháng 6 năm 1919, 56 tuổi, là người cao tuổi nhất trong số các vị tuẫn tiết.
Một danh sách 38 tướng tá tự sát trong ngày 30.4. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam 11g30. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng 20g45. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ 11g. Chuẩn tướng Trần Văn Hai 12g đêm. Thiếu tướng Phạm Văn Phú 12g trưa. Còn lại là 31 sĩ quan cấp tá, trong đó có Trung tá Nguyễn Văn Long.
12g. Ông Nguyễn Hữu Thái, người có mặt từ khi bộ đội vào Dinh Độc Lập 11g30 cho đến khi Đài phát thanh Sài Gòn thu phát xong tuyên cáo Đầu hàng vô điều kiện 13g30. Ông Thái đã kể cho con gái ông những gì xảy ra từ 12g-13g30, đăng trong sách: “30.4.75 Sự kiện & Đối thoại của một gia đình”, xin trích đoạn: “Binh lính bảo vệ Dinh Độc Lập đã bị dồn lại tập trung trên bãi cỏ trước Dinh, để tay lên đầu, không ai bị còng tay. Các chỉ huy cấp thấp Quân giải phóng cũng có người muốn trói các thành viên trong nội các Dương Văn Minh. Nhưng Chính uỷ xe tăng 203 Bùi Văn Tùng xuất hiện, ông khá hoà nhã nhưng cương quyết, chỉ mời các ông Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh nói lời đầu hàng. Chính uỷ Bùi Văn Tùng thảo ra lời đầu hàng. Tướng Minh có đề nghị chỉ nêu chức danh Đại tướng để nhân dân có cảm tình hơn, không nên dùng chữ “Tổng thống” dân không ưa. Nhưng ông Tùng không chịu, yêu cầu nêu cả chức danh tổng thống thì mới ra lệnh được cho cả quân sự và dân sự. Dù sao ông Minh cũng làm Tổng thống được ba ngày rồi.
Các bên đều mệt mỏi, mất ngủ nên Tổng thống Minh đọc va vấp mấy lần. Máy Đài vẫn chạy nhưng nhân viên Đài đã biến đi đâu mất cả. Khi Chỉnh uỷ Tùng thảo lời đầu hàng cho Tướng Minh đọc, sinh viên phải chạy đi tìm kỹ thuật viên, nhà ở gần đài, đến vận hành. Nội dung phát ba phụ trách, làm luôn MC, chủ yếu phát đi các lời của Tổng thống Minh, Chính uỷ Tùng, cùng Thủ tướng Mẫu kêu gọi công nhân viên chức bàn giao cho Cách mạng và sinh hoạt bình thường.”
12g30. Kissinger đòi trả lại nửa giải Nobel Hoà Bình 1973 (nửa giải còn lại thuộc về Lê Đức Thọ nhưng ông đã không nhận từ đầu). Nhà báo Olivier Todd, tác giả cuốn “Tháng Tư nghiệt ngã”, cho hay: Cũng trong ngày 30 tháng 4 này, ông Kissinger viết thư cho bà Lionnaes, thư ký của giải Nobel về Hoà Bình. Ông mong muốn được trả lại cả giải thưởng và số tiền. Nhưng Uỷ ban ở Na Uy từ khước. Olivier Todd bình luận: “Đối với ông Kissinger, với tư cách con người, và một người của chính quyền, sự kiện Sài Gòn thất thủ đã thể hiện một sự thất bại thật to lớn, thật rõ ràng và thật nặng nề cho sự nghiệp của ông ta.”
13g. Dương Văn Minh đọc tuyên cáo “Đầu hàng vô điều kiện” cho Nguyễn Hữu Thái ghi âm, chấm dứt nhiệm kì Tổng thống ngắn nhất lịch sử thế giới, cũng có thể ngắn nhất lịch sử loài người.
13g30. Nghe tuyên cáo “Đầu hàng vô điều kiện” của Dương Văn Minh phát trên Đài Sài Gòn, nghe cả tiếng MC Nguyễn Hữu Thái, biết Nguyễn Hữu Thái đang ở Đài, Trịnh Công Sơn, Huỳnh Ngọc Chênh và một số sinh viên chạy đến Đài. Nguyễn Hữu Thái quyết định làm một chương trình phát thanh. Nguyễn Hữu Thái mở đầu: “…Cách mạng Sài Gòn, Chợ Lớn Gia Định và chúng tôi xin công bố là thành phố Sài Gòn đã được giải phóng lúc 12 giờ ngày hôm nay, 30 tháng 4 năm 1975. Chúng tôi xin đồng bào hãy bình thản và bình tĩnh tiếp tục cuộc sống bình thường. Quân đội cách mạng đã làm chủ hoàn toàn thành phố và hiện tại chúng tôi […]. Như thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn và toàn quốc đã biết, chúng tôi xin giới thiệu anh Sơn có thể nói vài lời và cũng là hát cho quý vị nghe một bài ngăn ngắn.” Trịnh Công Sơn phát biểu: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này… Tôi xin hát một bài. Hiện tại ở trên đài thì không có đàn guitar, tôi xin hát lại cái bài “Nối vòng tay lớn”. Hôm nay, thật sự cái vòng tay lớn đã được nối kết. Và Trịnh Công Sơn đập nhịp hát cùng vài anh em: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…”
Tàu Trường Xuân là tàu ra đi cuối cùng. Khi Trịnh Công Sơn và nhóm sinh viên hát “Nối vòng tay lớn” trên Đài phát thanh Sài Gòn, con tàu trọng tải 2.500 tấn, dài 85m, rộng 12m, chở 4000 ngàn nhân mạng rời Thương cảng Sài Gòn, không ai ngăn cản. Chẳng may tàu chết máy trôi dạt ngoài khơi mấy ngày liền. Không nước không thực phẩm, bốn ngàn người đói khát phơi nắng, không ít người chết và tự tử. May có tàu hàng Đan Mạch của Thuyền trưởng Olson phát hiện và cấp cứu, đưa về Hương Cảng lúc 19g ngày 4.5.75.
Tàu Trường Xuân 13g30 ngày 30.4.1975. Ảnh: Internet.
14g30. Nhiều người cứ tưởng chiến tranh đã chấm dứt lúc 13g30, giờ mà Trịnh Công Sơn trực tiếp hát “Nối vòng tay lớn” trên Đài phát thanh Sài Gòn. Nhưng không. Cuộc chiến vẫn còn ở một góc Thành phố.
Ở sân bay Tân Sơn Nhất, một nhóm lính Cộng hoà với một khẩu M.60 và hơn chục khẩu AR15. Bộ đội trung đoàn 24, sư đoàn 10 ra sức dùng loa và bụm tay kêu gọi đầu hàng nhưng họ vẫn không chịu, đáp lại hàng tràng súng máy và M79. Không thể buộc nhóm lính Cộng hoà tan hàng, bộ đội điều tới một tăng T.54 với họng súng DK.100 ly trực chỉ vào ổ kháng cự nã độc một phát viên đạn xuyên (không phải đạn phá, để không tiêu diệt cả ổ). Đó mới là viên đạn cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng là viên đạn cuối cùng của chiến tranh, vừa đúng 14g30.
Khoảng 10g sáng ngày 30-4-1975, bộ đội từ hướng Hóc Môn tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn đang đi ngang qua đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ) quận 3. Ảnh Nguyễn Đình Đạt
Bộ đội Đại đội 7, tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư 10 vừa chấm dứt cuộc chiến nói trên, đi bộ thành hàng trên vỉa hè, mặt mày ai nấy nhàu nhĩ nhem nhuốc ám khói. Họ mệt mỏi lầm lì đi. Từ quán cà phê một cô gái chạy ra chặn lấy anh bộ đội trắng trẻo đẹp trai đi cuối, chụp lấy tay anh, nói: “Cho em bắt tay chú giải phóng!”. Rồi cô le te chạy, vừa chạy vừa cười. Anh lính trẻ mỉm cười tẽn tò, nhìn theo cô gái. Đó là Trung sĩ Hoàng Ấu Phương, 20 năm sau là nhà văn Bảo Ninh, tác giả cuốn tiểu thuyết bất hủ: “Nỗi buồn chiến tranh.”
Củ Chi 17.3.2023
NQL
vì không thể comment bên FB của nhà văn nên tôi góp ý ở đây: về giờ giấc ngày 30/4/75, lúc đó giờ của Saigon đi trước giờ của Hà Nội 1 giờ nên có thể có sự không thống nhất về giờ giấc là vậy. Ngoài ra khi nhớ lại các tác giả có thể nhớ không chính xác.
Trả lờiXóaCám ơn nhà văn vì đã có một bài tổng kết phong phú về cái ngày đáng nhớ (đáng quên ấy)