NGUYỄN CẢNH BÌNH
Trong chuyến thăm Quảng Bình đầu năm 2023, món quà tuyệt vời nhất tôi được tặng là cuốn sách "Ba Đồn mạn thuật" do nhà văn Nguyễn Quang Lập soạn. Thoạt đầu tôi rất ngạc nhiên với bìa và tên sách Mạn thuật lạ lẫm này nhưng khi về Hà Nội, có thời gian tôi mới đọc kỹ thêm và càng đọc càng ngạc nhiên, càng cảm thấy lý thú, và càng thêm hâm mộ những người đã làm nên cuốn sách, đặc biệt là nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Là người viết sách, xuất bản sách đã 20 năm, tôi cảm nhận thật hiếm có cuốn sách nào được soạn công phu, kỹ lưỡng và sâu sắc, thú vị như vậy. Một cuốn sách có hồn người và đất, có dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử và thời gian trong đó.
Như có bài báo viết: “Đọc Ba Đồn mạn thuật, nhà văn chuyên viết về nông thôn Hoàng Minh Tường thốt lên: ‘Bằng cuốn sách này, phải phong tặng Nguyễn Quang Lập danh hiệu Giáo sư, Tiến sĩ’’’. Một vị giáo sư, tiến sĩ, là ông Trần Ngọc Vương, cũng là người vùng Ba Đồn, nói: “Công trình này ngang tầm cỡ kết quả tâm huyết của một viện nghiên cứu uy tín, phải thực hiện không dưới 10 năm, kinh phí vài chục tỷ đồng”. Nguyễn Quang Lập đã tập trung trong tổng cộng 500 ngày để hoàn thành ấn phẩm dày nặng hơn 600 trang này. Theo lời nhà văn Nguyễn Quang Lập, cuốn sách là cuốn dư địa chí “tung hoành trong sáng tạo” hay “tác phẩm cuối cùng của đời mình”.
Đọc Ba Đồn mạn thuật rồi mới thấy quả thực như vậy! Bao nhiêu cuốn địa chí được làm ra đầy tính công nghiệp, nghèo nàn tư liệu, thiếu sinh động và không thể nào tái hiện được đúng tinh thần, hồn cốt của một vùng đất. Phải là con người có trái tim ấm nóng, tình yêu sâu đậm với quê hương lắm lắm, với từng rẻo đất, với truyền thống văn hóa - con người cùng với trí tuệ, kiến thức uyên thâm, sâu sắc trong nhiều lĩnh vực mới làm nên được một cuốn địa chí như vậy.
Ba Đồn là quê Nguyễn Quang Lập, ban đầu chỉ là một cái làng cổ, tên là Phan Long, lập nên từ thời Hậu Lê, ở bờ bắc sông Gianh. Sở dĩ có tên Ba Đồn là vì đời Hậu Lê, Chúa Trịnh có lập ba đồn lính đóng ở xung quanh trấn này (đồn Trung Thuần, đồn Phan Long và đồn Xuân Kiều). Đây là vùng đất chịu nhiều va đập và biến cố lịch sử, nổi tiếng đến ngày nay với ngôi chợ cổ, nón lá Ba Đồn và trong nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, địa thế, phong thủy… đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng, giao thương – buôn bán, sản vật... Tất cả những gì diễn ra ở đây, từ những sự kiện lớn lao, trọng đại đến ngọn lạch nguồn sông, con tôm con cá đều hiện lên sống động dưới ngòi bút sung sức, tự tại, dưới các lớp tư liệu ngồn ngộn và lời kể duyên dáng, lý thú nhưng thâm trầm, sâu sắc của nhà văn Nguyễn Quang Lập.
"Ba Đồn mạn thuật" không những giúp tôi hiểu hơn về con người, truyền thống văn hóa của vùng đất Ba Đồn tầm vóc, hiên ngang, mạnh mẽ với lịch sử 500 năm mà còn khiến tôi cảm nhận được tình yêu, sự gắn bó sâu nặng của những người con Ba Đồn hôm nay với quê hương, bản quán. Chính vì thế, khi đọc cuốn sách này, tôi ước ao có thêm thật nhiều những cuốn dư địa chí như thế về những vùng đất khác, thậm chí cả về Đống Đa - Trung Liệt, nơi đầy những kỷ niệm tuổi thơ của tôi. Với suy nghĩ và mong muốn đó, tôi đã bàn với nhà văn Nguyễn Quang Lập tái bản cuốn Ba Đồn mạn thuật với nhiều cập nhật, sửa chữa của ông trong lần in này.
Dù Nguyễn Quang Lập khẳng định đây là cuốn sách “cuối cùng của đời mình” thì tôi vẫn tin là ông sẽ còn tiếp tục viết, tiếp tục có những đóng góp lớn lao trong sự nghiệp cầm bút của mình. Tôi thực sự mong muốn Ba Đồn mạn thuật trở thành hình mẫu tham khảo cho những cuốn dư địa chí khác nối tiếp ra đời.
Với riêng tôi, cuốn sách tuyệt vời này quá xứng đáng được trao giải thưởng Sách Quốc gia, một cuốn sách đầy ắp tình yêu quê hương, yêu con người, yêu mảnh đất của cát, của nắng, của gió Quảng Bình mà nhà văn Nguyễn Quang Lập đã đặt trọn trái tim của ông trong đó.
Tháng 2 năm 2024
Nguyễn Cảnh Bình
0 nhận xét:
Đăng nhận xét