Sông Gianh quê tôi bắt đầu từ núi Cô Pi phía đông dãy núi Giăng Màn, chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, xuôi về biển. Nơi hẹp nhất 60 - 70m, rộng nhất trên 1000m. Làng tôi ở ngày trước khúc sông rộng nhất ấy, gọi là Cửa Hác. Nhà tôi ở giữa làng, đối diện với cửa Hác, cách bến sông chưa đầy 800m.
Ký ức tôi bắt đầu từ năm hai tuổi. Có lẽ sớm hơn, khi tôi mới nói được dăm ba tiếng và chỉ được phép đứng trên giường trông ra cửa sổ. Chị tôi nói, sông đó em tề! Từ cửa sổ nhìn ra tôi thấy một vùng sông nước mênh mang, ngút tầm mắt. Sự mênh mang choáng ngợp khiến tôi nghẹt thở, muốn hét lên. Tôi không biết thế nào là “sông”, chỉ thấy trước mắt mình là mênh mang. Sáng mênh mang man mát, mênh mang yên tĩnh. Trưa chiều mênh mang như rỗng ra, như bay lên. Hoàng hôn mênh mông sẫm màu, bé dần cho đến khi mất hẳn.
Bốn tuổi được phép theo chị ra tận bờ sông. Nhận rõ hơn sông quê. Ngày ấy chợ Ba Đồn vẫn còn là chợ lớn nhất miền Trung. Từ sáng sớm thuyền bè qua lại ngày một nhiều lên. Vào những ngày có chợ phiên, thuyền bè lâm sản từ nguồn về, thuyền buôn hàng tạp phẩm từ cửa biển vào giăng đầy như mắc cửi. Thích nhất là tàu thủy Hải Quân từ biển lên nguồn, từ nguồn xuống biển, rẽ sóng băng băng, cờ bay phấp phới. Mênh mang sầm uất, dạt dào niềm vui sống.
Tám tuổi bỗng nhận ra dòng sông không chỉ đáng yêu, nó còn đáng sợ. Trận bão lụt tháng 10 năm Giáp Thìn 1964 làm tôi biết sợ sông và dè chừng với nó. Gió quật rú rít suốt đêm. Sáng ra thấy nước tràn làng xóm hai bờ, suýt ngập lút cả con đê. Chẳng ngờ con đê làng tôi cao lớn vững chãi là thế, trước lũ lụt mới yếu đuối làm sao.
Lần đầu và duy nhất trong đời, tôi nhìn thấy vòi rồng. Khoảng chín giờ sáng dòng sông đầy mưa bỗng xuất hiện vòi rồng từ cửa sông đi vào. Nó giống như cái phễu cao với cái vòi hơn 30m, càng xuống thấp càng bé lại. Cả làng ồ lên một tiếng và im bặt, ai nấy nín thở hồi hộp theo dõi đường đi của vòi rồng, trò ảo thuật hấp dẫn và nguy hiểm của tạo hoá. May sao vòi rồng chỉ đi giữa sông, cuốn hết cá tôm ở đáy sông đưa thẳng lên trời. Hôm sau, dân huyện đầu nguồn sông được hưởng trận mưa tôm cá đã đời.
Dầu vậy, dòng sông vẫn hấp dẫn suốt tuổi thơ tôi, đến nỗi có cảm tưởng tuổi thơ tôi sẽ trắng xoá nếu không có dòng sông.
Chín, mười tuổi bơi lội ngụp lặn trong mênh mang ấy. Sáng ra bến Ván bắt rạm bè (con giống cua đồng ở bờ sông nước lợ). Không hiểu sao cứ sáng sớm là chúng cứ đơ ra, thấy bóng người không chạy, từng nhóm túm tụm lại với nhau cho lũ trẻ hót đầy rá, đầy rổ. Buổi trưa ra bến lâm sản, đò nào bè nấy đầy ắp hoa quả cung cấp cho chợ Ba Đồn. Lũ trẻ vờ bơi lội tắm táp quanh đó, rồi bất ngờ nhô lên quờ tay hất cho cam quýt rơi xuống sông, hò nhau đem lên bờ đê đập bụng ăn no quên cả về nhà ăn cơm. Chiều muộn rủ nhau vừa tắm vừa dậm bắt cua. Đứa nào kém cũng được dăm con. Tối vác nò đi đơm tôm. Đến tuổi lớn còn theo cha, anh đi cất rớ tàu cho tới khuya. Trọn một ngày mênh mang.
Lớn lên chút nữa thấy mênh mang cả bốn mùa. Mùa nào với tuổi yêu đều đáng nhớ, dù lắm khi thật đắng cay.
Mười tám tuổi mùa hè nắng vàng tươi, nước sông trong xanh tươi rói, trai gái ngụp lặn tha hồ bến sông. Vẫn ngụp lặn cùng nhau từ thuở lên mười có thấy gì đâu, giờ chạm vào nhau bỗng lặng đi. Từ đó nhìn nhau khác đi, gọi nhau cũng khác đi.
Mười chín tuổi mùa thu mênh mang nước bạc, cùng nhau đi bắt cá tôm. Chẳng bắt được con nào, chỉ dính vào nhau dưới gốc bần nước ngập ngang ngực. Lần đầu trong đời biết thế nào là hôn. Nụ hôn ngập trong nước bạc sao mà da diết quá.
Hai mươi tuổi mùa đông mênh mang gió bấc trong lều cỏ bỏ không của người lái đò. Gió ngập trong gió, em ngập trong anh. Rúc rích… rúc rích, chỉ có dòng sông nghe hết, biết hết, “không có ai mô”.
Hai mốt tuổi mùa xuân mênh mang mưa dầm. Đoàn rước dâu đi trong mưa trắng xoá xuống bờ sông nơi bến Ván. Cô dâu bước xuống con đò đưa dâu đầy hoa. Cả hai biết thế nào là sang ngang. Nàng sang ngang gương mặt ngập tràn hạnh phúc. Đau quá là đau. Cổ họng chàng đắng ngắt, muốn hét thật to nhưng không được. Trời sao còn sinh ra nỗi đắng cay?! Con đò khuất dần giữa mênh mang mưa dầm, chàng chìm trong nước mắt. Trời và sông đều khóc.
Tạo hóa cho đời đủ vị hỉ nộ ái ố, sông quê cũng được hưởng đủ vị hỉ nộ ái ố từ thuở nó có tên Thọ Linh, Đại Linh Giang rồi Linh Giang. Người làng tôi kể lại hai trăm năm về trước, những năm 1820 - 1834, hai ông giải Nguyên vẫn uống rượu ngâm thơ nơi bến chợ mom sông, đó là Nguyễn Hàm Ninh và Nguyễn Danh Dy. Nguyễn Hàm Ninh người làng Phù Kinh đỗ tú tài năm 1929, đỗ cử nhân giải Nguyên năm 1931. Nguyễn Danh Dy người làng Phan Long đỗ tú tài năm 1931, đỗ cử nhân giải Nguyên năm 1834. Chiếu rượu bến chợ mom sông thù tạc thỉnh thoảng có thêm một người nữa là Cao Bá Quát, người phủ Thuận An trấn Kinh Bắc. Họ là bạn lều chõng với nhau. Về sau Nguyễn Danh Dy đi làm quan án sát ở Nam Định, quan bố chánh ở Thái Nguyên nổi tiếng thanh liêm khắp kinh kỳ. Còn lại Nguyễn Hàm Ninh và Cao Bá Quát thơ rượu với nhau, họ trở thành bạn chí thiết, nổi tiếng “thi bá” khắp ba miền. Một người vừa làm thơ vừa dạy vua, một người vừa làm thơ vừa mắng vua. Đời thế mới vui.
Bốn chục năm sau, Giáp Tuất 1874, nơi chiếu rượu bến chợ mom sông có nhà soạn tuồng Đào Tấn và môn sinh. Ông là Đào Đăng Tấn làm tri phủ phủ Quảng Trạch ba năm, sau vào Huế làm Phủ Doãn tỉnh Thừa Thiên. Ba năm vừa đủ để ông gây dựng dòng ca trù hát bội, sau này gọi là tuồng, rộng khắp tỉnh Quảng Bình. Phụ tử bổn phi đổng tộc tánh/Công khanh đồ thị giả tu mi (Cha con vốn không cùng họ/ Vua quan chỉ cần bộ râu giả mà thôi) Câu hát ấy đến giờ người hai bờ dòng sông quê tôi vẫn còn lưu giữ.
Tri phủ Đào Tấn ra đi, tri phủ Hồ Sĩ Tạo từ Ninh Bình được bổ về chấp chánh phủ Quảng Trạch. Hồ Sĩ Tạo người huyện Thanh Chương khét tiếng học giỏi, đỗ cử nhân Giải Nguyên năm 1868, đến nỗi Phan Bội Châu cũng phải thần phục - "Tôi là con rắn, Hồ Sĩ Tạo là con rồng". Ông có mối tình giang dở với Bà Đèn, người làng Sài huyện Nam Đàn nổi tiếng xinh đẹp hát hay. Chẳng biết ngài Tri phủ nhớ thương ai, chỉ biết chiều chiều ngài từ phủ đường ra bến Ván, đứng chờ cô gái xinh đẹp nức tiếng nam sông Gianh. Bà tên Cúc, gái thôn Đoài làng Vĩnh Lộc.
“Em bước lên bờ thơm lừng Bến Ván.” Lần này tình yêu của ông tri phủ thành hôn nhân, con đàn cháu đống. Hậu duệ được biết là cháu nội Hồ Thanh Chương, đại tá, nguyên giám đốc Học viện an ninh nhân dân TP.HCM. Hai con trai ông Chương tên Quảng và Bình đều cấp đại tá hiện đang sống ở Hà Nội. Bí mật của dòng sông thời nào cũng có.
Thế còn thời chiến thì sao? Thì đội xã tắc lên đầu mà lâm chiến, ấy là tâm huyết người sông quê tôi từ thuở “đẻ đất đẻ nước”. Ngay từ những năm 40 sau Công nguyên, người sông Gianh dám cầm mã tấu vác đại đao đi từ quận Nhật Nam ra quận Cửu Chân xa ngàn dặm ủng hộ khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43 sau Công nguyên), chống quân nhà Hán. Vì xã tắc cả vạn người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tới phong trào Cần Vương (1883-1896), cũng vì xã tắc cả vạn người Sông Gianh lại coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Một ngày tháng 6 Đinh Hợi 1887, dòng sông quê chứng kiến buổi sáng chợ Thổ Ngọa đầu lãnh binh Cử Khương bị chém rơi ra cách mép sông chưa đầy 200m, buổi chiều Miếu Cá Ông đất Phan Long đầu lãnh binh Phạm Tường bị chém rơi ra cách mép sông chưa đầy 30m. Những cái chết bất tử của dòng sông quê tôi.
Sáng mùa thu 1948, anh hùng tuổi trẻ Nguyễn Tiến Nhẫn đất Phan Long bị dẫn ra pháp trường, góc sân đình chợ, sau lưng bến Ván. Anh là tình báo viên từ 16 tuổi, 18 tuổi bị bắt. Giặc tra tấn dã man, anh cắn răng đứt lưỡi không một lời khai. Một vạn dân chợ men sông tận mắt thấy anh hô to năm tiếng “Hồ Chủ Tịch muôn năm!” trước khi 5 phát đạn xé nát ngực anh.
Xương máu đổ xuống dòng sông quê tôi nhiều không kể xiết, có thể nói không dòng sông nào chứa nhiều xuơng máu như Sông Gianh, khi nó là ranh giới cuộc chiến tranh huynh đệ đẫm máu kéo dài 52 năm (1620-1672).
Giờ đây chiến tranh đã hết, đau thương khổ đau đói nghèo tai hoạ mọi thời dòng sông đã cuốn hết, trôi hết, chảy hết, tan hết… Chỉ còn lại mênh mang. Mênh mang như câu hát Trịnh Công Sơn đêm hè năm 1978, cũng trên chiếu rượu bến chợ mom sông này, khi anh tìm về quê bà nội của anh (1). Đêm ấy trăng rất sáng, khuya lắm rồi Trịnh vẫn chưa say. Anh tìm về nguồn cội lại hát bài “Biết đâu nguồn cội”, hát đi hát lại mãi câu này: “Em đi qua chuyến đò, trăng nay đã già/Trăng muôn đời thiếu nợ, mà sông không nhớ ra”
Không phải “sông không nhớ ra” anh Sơn ơi, chính là dòng sông quê ta muốn quên và cố quên. Quên hết bao nhiêu đạn bom khói lửa, bao nhiêu hận thù, cả xương máu nữa cũng cố quên. Quên hết đi để không còn “Hát trên những xác người” nữa. Chỉ còn lại tình đời, tình người chảy mãi khôn nguôi.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập)
.....................................
(1)Bà Đinh Thị Vớ, còn gọi là bà Biện, con gái ông Đinh Xuân Thịnh người họ Đinh làng Thọ Linh (Quảng Sơn). Bà Vớ vào Huế lấy chồng họ Trịnh, sinh ra Trịnh Công Thanh là cha đẻ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét