Bảo Sinh

Chân dung

Cách đây sáu bảy năm chi đó, một hôm Nguyễn Huy Thiệp mời mình đến nhà ăn cơm, nói, ông đến đi, hôm nay có một nhân vật hay lắm. Mình đến, thấy một ông nho nhỏ thâm thấp đen đen ngồi nói chuyện tay bo với đám văn tài khét tiếng ba miền đầy tự tin không một chút kiêng dè, biết ngay đó là người mà Thiệp nói hay lắm.

         Thiệp giao du thật lắm quái nhân, mỗi ông một nết hay, tài thật không ai lẫn với ai, ông này chắc cũng thế. Thiệp chìa tay giới thiệu với mình, ông này là Bảo Sinh bạn tôi. Chỉ nói vâỵ thôi không nói gì thêm. Nhưng chỉ hơn mười phút sau mình biết ngay Bảo Sinh là nhà thơ Folklore trứ danh, Thiệp đã từng có bài khen, suốt buổi nhậu hôm đó chỉ ngồi nghe  Bảo Sinh đọc thơ cười lăn cười lóc.


         Văn nghệ có cái hay, phàm đã thích nhau thì chỉ cần gặp một lần đã coi như quen nhau từ vạn kiếp. Mấy hôm sau Bảo Sinh đến nhà mình chơi, tặng mình bốn năm tập thơ, đọc sướng rêm. Một đời thơ người ta chỉ mong có vài câu thơ đóng đinh vào trí nhớ người đời là mừng lắm rồi, ông này có đến vài chục câu, thậm chí vài trăm câu, phục lăn.

  Té ra cái câu được truyền tụng lâu nay: Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì là của Bảo Sinh, câu Vợ là cơm nguội nhà ta/ Lại là phở tái thằng cha láng giềng cũng của Bảo Sinh nốt. Nhiều câu cười  buồn, cười đau, cười đắng… vui và hay, tài. Có lẽ hay nhất câu này: Cùng chung một chuyến đò ngang/ Kẻ thì sang bến người đang :trở về/ Lái đò lái mãi thành mê/ Sang về chẳng biết mình về hay sang.  Thơ như vậy mà báo chí ngại in, nghĩ cũng lạ.

 Gặp nhau nhiều lần, lần nào Bảo Sinh cũng nói, khi nào ông đến thăm khách sạn chó của tôi nhé. Mình bận lắm việc cù nhằng, cứ vâng vâng nhưng không đến được. Cũng tưởng là anh nói chơi thôi, làm gì có khách sạn chó nên cũng không mặn lắm chuyện thăm thú. May nhờ có Nguyễn Việt Hà kéo đến tận nhà Bảo Sinh mới ngả ngửa người, té ra có khách sạn chó thật.

         Nhà anh ở phố Trương Định, một mình cai quản cả khuôn viên rộng rinh rang, đầu ngõ treo cái biển to đùng: Khách sạn chó. Thật táo gan. Mình nói với Bảo Sinh, chỉ riêng cái biển này cũng đủ cho người ta xách cổ anh lên phường năm lần bảy lượt, đúng không. Bảo Sinh cười hì hì, ôi nhiều chuyện lắm... nhiều chuyện lắm.

         Vào đấy mới biết người chỉ ở một góc, còn lại toàn chó mèo, đủ loại chó mèo, con bé tí bằng nắm tay, con to đùng như con nghé… Ở góc xa cuối vườn là nghĩa địa chó mèo được xây cất rất là… cung kính. Hi hi. Hèn gì Bảo Sinh có biệt danh vua chó kể từ 1990, ai muốn có giống chó mèo tốt cứ hỏi anh, nhà ai có chó mèo ốm đau bệnh tật cứ hỏi anh là xong hết.

         Khuôn viên được chia ra nhiều ngăn, trên các lối đi rải đá răm, thỉnh thoảng có những phiến đá xanh đựơc mài nhẵn bóng khắc thơ Bảo Sinh, thơ yêu lẫn thơ thế sự, thơ thiền lẫn thơ bố nhắng rải đều trên các phiến đá vườn nhà anh.

         Cái hồ rộng chừng hai sào là thế giới hỗ lốn vửa lạ vừa vui, chỗ thì ngỗ nghĩnh chỗ thì đẹp mắt. Dưới hồ là dãy tượng đoàn thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh. Trên bờ có Tiên đồng Ngọc nữ, có Cửu trùng đài đắp tượng 18 vị La hán xếp thành hàng bên tường rào,  mỗi vị một bát hương, một phiến đá đề thơ Bảo Sinh. Bên này hồ là tượng Phật uy nghi, bên kia bờ hồ là tượng Bảo Sinh cũng uy nghi không kém, cả hai đều tay bắt quyết miệng nam mô, he he.

         Chó và mèo, người và ngợm, phật và ma… cả một thế giới lạ hoặc giữa phố phường Hà Nội, ai đã tới thăm một lần suốt đời không thể quên. Trong cái thế giới ấy ông chủ uống rượu đọc thơ, bà chủ tụng kinh niệm phật, chó sủa gâu gâu, mèo kêu meo meo… vui hơn tết. Khu vườn chỗ cây cổ thụ toả bóng râm mát, chỗ cỏ cây bụi bờ chen chúc trong nắng vàng hoe. Mùi hoa lan, hoa nhài hoa huệ lẫn trong mùi mèo mùi chó mùi người…  vừa thơm vừa tục.

         Bảo Sinh nói, tôi đi bộ đội thoát chết trận mạc là nhờ tiên nhờ Phật, ra quân thoát chêt đói là  nhờ mèo nhờ chó, còn vui vẻ đến giờ là nhờ người  nhờ thơ,  người ta ơn huệ đôi ba người còn tôi mang ơn cả thế giới.

         Có một chuyên anh ít kể nhưng ai hỏi anh đều kể rất vui, đấy là chuyện bố anh. Cụ là một trong những tay vẽ truyền thần đầu tiên của Hà Nội, khét tiếng một thời. Hôm Lê Thiết Cương tổ chức triển lãm tranh truyền thân, nhiều bức của cụ được bày ai cũng thích. Cụ vẽ truyền thần và làm thơ, dạy cho Bảo Sinh vẽ truyền thần và làm thơ, có lẽ dòng thơ đặc sản Bảo Sinh có ảnh hưởng nhiều từ thơ của cụ.

         Đến khi nghề vẽ truyền thần hết thời cụ cũng đã già, con cháu cũng đã ăn ra làm nên, có của ăn của để thì cụ mới đi truyền bá thơ cụ. Sáng sáng cụ ra Bờ Hồ đi bộ đôi vòng rồi tập hợp các cụ ông cụ bà yêu thơ tới nghe cụ đọc thơ, cụ trả tiền nghe thơ đàng hoàng, gọi là nhuận tai.

 Những người khen đúng chỗ bao giờ cũng được hưởng nhuận tai nhiều gấp đôi gấp ba người chỉ biết nghe không biết khen, hi hi. Bảo Sinh nói, nhuận tai của cụ tổng cộng lên đến mấy trăm triệu không phải chuyện bỡn. Ngày cụ chuẩn bị về trời, cụ gọi con cháu vào, tưởng là để nghe nói lời di chúc, hoá ra không, cụ hỏi thơ bố có hay không. Con cháu chẳng ai đọc thơ cụ nên lúng túng không biết nói sao, trừ Bảo Sinh, anh nói thơ bố hay lắm, con xin theo nghiệp bố. Cụ cười hắt một tiếng, nói, mày là thằng có hiếu. Nói xong thì đi, tay nắm chặt tay  Bảo Sinh.

Chuyện như phịa nhưng mà đúng vậy. Bảo Sinh nói, tôi bỏ nghiệp truyền thần theo “nghiệp chó”, chỉ có thơ là tôi quyết nối nghiệp bố tôi. Bố tôi mừng lắm, nói, làm nhà thơ dân gian thôi con nhé, đừng làm nhà thơ nhà nước rách việc lắm. Bố tôi yêu thơ đến chết, chắc rồi tôi cũng yêu thơ đến chết, chỉ có một cái khác thôi… Mình hỏi, khác cái gì? Anh trâm ngâm không nói.

Rất lâu sau Bảo Sinh mới nói. Anh uống đủ một chầu rượu ngon, ngẩng lên nhìn trời, nói, bố tôi suốt đời tôn thờ một cô gái, bức truyền thần đẹp nhất bố tôi vẽ là bức chân dung cô ấy. Cô ấy chết trẻ, kể từ đó ngaỳ ngaỳ bố tôi làm thơ, ra bưu điện gửi về đúng địa chỉ nơi cô ấy sống. Hơn nửa thế kỷ vật đổi sao dời, cái địa chỉ ấy chẳng còn, cụ biết nhưng cụ cứ kiên quyết không thay địa chỉ.


Mình nói, thế anh tôn thờ ai, làm thơ cho ai? Bảo Sinh nói, tôi tôn thờ cả thế giới, làm thơ cho cả thế giới. Rồi Bảo Sinh nhấp một chút rượu, ngâm nga: Cuối cùng tất cả chúng ta/Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân. Mình nói, đó là câu thơ dọa chết hay nhất. Anh mỉm cười lắc đầu, nói không không, tôi đang doạ người sống đó chứ. Và anh nhăn răng cười, cái răng sứt lộ thiên, mắt nhắm tít, đầu giật giật y chang  Đỗ Mục khi say, chẳng biết có đúng không nữa.

Rút từ Bạn văn 1

0 nhận xét:

Đăng nhận xét