Nhớ Hoàng Câm

Chân dung

Mình vừa từ Sài gòn bay ra thì nhận được điện thoại của anh Toán ( Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán), nói cụ Cầm đi rồi, vừa đi lúc 9  giờ 12 phút. Mình ngồi thừ hồi lâu, buồn và ân hận. Trước đây mình đều thăm anh một năm đôi ba bận, hơn năm qua mình không đến thăm anh lần nào. Từ ngày anh bị ngã dập xương đùi, người già xương khó liền, hình như xương chèn dây thần kinh hai chân liệt hẳn. Trong căn phòng tầng 5 nhà anh ở 43 Lý Quốc Sư, ngày nào cũng giống ngày nào anh ngồi trông ra như đợi chờ một cái gì.

Anh ở cao quá, mình thì què, leo được 5 tầng để thăm anh thật toát mồ hôi hột, thở không ra hơi. Anh nhìn mình thương xót, nói thôi, thăm nom làm gì, Lập đừng cố leo trèo nữa, gọi điện thoại là được rồi. Mình lại thương anh, một người suốt đời tìmvề cả thơ lẫn đời bây giờ phải ngồi bó gối trông ra, vắng tanh người qua lại, anh một bên và cái máy giặt một bên, buồn quá là buồn.
Tính anh ham vui ham chơi, thời trẻ đem đoàn văn công lặn lội khắp  các chiến trường, gian khó cay đắng khổ nhục không thiếu nhưng đấy là thời kì rực rỡ nhất vui sướng nhất của anh, cứ mỗi lần nhắc đến thời này mắt anh sáng rực lên, lấp lánh hạnh phúc. Sau này gặp nạn Nhân văn, nhiều người cùng cảnh buồn nản chấm dứt cuộc chơi thì anh vẫn rong ruổi giữa đời chưa bao giờ biết chán.
 Hè năm 1993 mình ở Thị xã Quảng Trị, anh và anh Toán bất ngờ đến thăm làm mình sướng muốn ngất. Trước đó không quen anh, có gặp anh đôi lần nhưng chỉ dám khép nép ngồi ké nghe anh nói. Đối với mình anh là một tượng đài thơ chỉ ngước lên ngưỡng mộ chứ không dám tới gần. Một hôm mình đang họp ở Đông Hà, vợ gọi điện ra, nói bác Hoàng Cầm đến chơi. Mình sướng rêm, y chang như khi biết tin các bác Hoàng Thi Thơ, Lê Bá Đảng đến chơi nhà vậy.
Mình vọt về ngay, vừa gặp chưa kịp chào hỏi gì anh đã kéo tay mình, nói ở đây ai có điếu cày không, mượn giúp tôi cái, thèm thuốc lào quá. Mình huy động tám ông bạn rải khắp Thị xã truy lùng điếu cày, một giờ sau thì kiếm được, anh cầm điếu rít một hơi dài, ngửa cổ phà khói, nói đã!
Hỏi ra mới biết anh về nhà mình để đón hai ông đi bộ Hoà Vang và Nguyễn Lương Ngọc, nghe nói họ đã về Đồng Hới, đang trên đường về Quảng Trị. Anh và anh Toán đã bám theo Hoà Vang, Lương Ngọc vào đây. Cùng xuất phát từ Hà Nội, anh và anh Toán đi ô tô đón đầu từng chặng một. Mình nói anh đã bảy chục tuổi đầu còn rong ruổi đường trường với mấy ông trẻ, thật phục anh quà. Anh cười cái hì , nói đi cho tụi nó vui, để ngấm cái trẻ trung của tụi nó vào thân, ích lắm..
Hôm xuất quân tại báo Văn Nghệ, Hoàng Cầm nói đoàn ba con chó chuẩn bị lên đường. Ai cũng ngơ ra không hiểu sao, anh cười cái hì, nói tôi tuổi Tuất, Hoà Vang, Lương Ngọc cũng tuổi Tuất, chả phải ba con chó sao. Tôi là chó già, Hoà  Vang là chó anh, Lương Ngọc là chó em. Anh Toán nhăn răng cười, nói em cũng là chó, chó săn… ảnh.
 Buổi xuất quân hôm ấy thật xôm trò, anh Cầm dơ tay hô, nói đoàn bốn con chó lên đường! Hoà Vang Lương- Ngọc khoác ba lô hăm hở đi, anh em nhà văn chạy theo tiễn họ cho đến ga Giáp Bát mới thôi. Hôm sau báo chí ầm ĩ. Bạn bè thân thiết mừng thì ít lo thì nhiều, một khi báo chí để ý rồi, nếu đi đứng không đàng hoàng thì dễ toi cơm với dư luận lắm.
Chả biết hai ông Hoà Vang- Lương Ngọc đi bộ kiểu gì mà  nhiều đoạn còn nhanh hơn ô tô. Hôm ở Thị xã Hà Tĩnh, Hoà Vang còn điện tín cho học trò anh là vợ thằng Thịnh ( Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh), nói ngày nọ ngày kia thầy về Đồng Hới. Ai dè thầy về Đồng Hới hôm trước hôm sau điện tín mới tới tay trò.
Tối hôm ấy đón Hoà Vang- Lương Ngọc, ngồi nhậu với nhau trước sân nhà mình, Hoàng Cầm hỏi đi hỏi lại chuyện đi bộ của hai người từ Hà Nội vào Quảng Trị, nói các ông có nhảy cóc đoạn nào không đấy. Mình cười khì khì, nói mấy ông này đi mà không đi, không đi mà đi, ấy là đi vậy. Anh nhìn Hoà Vang- Lương Ngọc nghiêm mặt, nói đi đứng cho đàng hoàng nhé, không ai ép các ông đâu nhé, biết viết văn thật thì phải đi thật nhé. Hoà  Vang- Lương Ngọc thè lưỡi rụt cổ không dam s nói gì.
Sáng sau Hoàng Cầm vào Huế, anh kéo mình ra một góc, nói Lập cho người kèm sát anh ông tướng kia nhé, đừng để mất uy tín. Khi nào thấy chúng nó mệt quá thì chở chúng đi một đoạn, còn thì phải đi bộ cho bằng được. Mình vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện, thực bụng không tin hai ông có sức nuốt trôi hai ngàn cây số đường bộ, thôi thì lờ đi cho các ông vui vẻ đi tới nơi về tới chốn.
Nhưng mà sợ anh không dám nói, anh xưa nay sống thật chơi thật viết thật. Một lần uống rượu với anh, nhân có người nhắc câu Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng, anh cười cái hì, nói người ta khen tôi duy mỹ nhưng tôi lại thích được khen duy thật, duy đời.
Lại nói chuyện Lá diêu bông, nó nổi tiếng đến nỗi dù anh có cả trăm bài thơ hay nhưng nhắc đến anh không ai không nhắc đến Lá diêu bông. Một hôm anh Quốc ( Bùi Minh Quốc) gọi điện từ Đà Lạt, nói tao tìm được Lá diêu bông rồi nhé. Và anh đọc oang oang :Thôi ta chẳng thèm tìm lá diêu bông/ Cái lá vu vơ cái lá phiêu bồng/ Một thời ngu ngơ một thời trả giá/ Cái lá phiêu bồng cái lá không không/ Ta hái ven đường nụ hoa cứt lợn/ Làm thuốc phong trần chữa bệnh nhân gian/Vĩnh biệt nhé lá diêu bông huyễn tưởng/Em cầm che khuôn mặt bẽ bàng .

Anh Thanh Thảo cười khì, nói éo phải, lão Quốc không tìm được, tao tìm được hẳn hoi nhé. Thanh Thảo khịt mũi hai ba lần rồi đọc: Chết mẹ đây rồi cái lá diêu bông/Cái lá mu mơ cái lá mòng mòng/ Một thuở hào hùng anh đâm lút cán/Cái lá phập phù lành rách như không/ Ơ hờ diêu bông nhặt ở hội trường/Làm thuốc cường dương chữa bệnh ẩm ương/Welcome! Lá diêu bông mát quá/ Mỏng hơn lá lúa rắn hơn đồng.

Cả hai bài này mình đều in ở Cửa Việt, mình đưa cho anh xem, đọc xong anh cười cái hì, nói nhiều người hỏi mình lá diêu bông là lá gì, mình chẳng biết nói sao. Có lẽ đó là cái lá định mệnh, lá tình lá văn số kiếp của mình thôi. Anh ngồi rít thuốc lào hai ba điếu liền, nói ở nơi đồng không mông quạnh thế này mà làm được tờ Cửa Việt là giỏi lắm, ông với ông Tường ( Hoàng Phủ Ngọc Tường) cố mà giữ lấy nhé.

Nhưng mình và anh Tường không giữ được, anh Tường chạy vào Huế, mình chạy ra Hà Nội. Lần cuối cùng gặp anh, đang nói chuyện vui vẻ anh đột nhiên im lặng, rít mấy điếu thuốc lào liền, nói tờ Cửa Việt còn không. Mình nói vẫn còn anh ạ. Anh cười cái hì, nói báo chí bây giờ nhiều tờ còn mà không còn, không còn mà còn, ấy là còn vậy. Anh thở hắt ra, nói cũng như kiếp văn anh em mình thôi, còn mà không còn, khốn thế.
 Anh nhìn ra ngoài trời, đôi mắt mở to buồn thăm thẳm.

Rút từ Bạn văn 1


0 nhận xét:

Đăng nhận xét