Một lần diễn kịch


Tản văn

Mình diễn kịch không tồi, thậm chí giỏi nữa, he he, nhưng giọng mình hơi bẹt, nói lại hơi nhanh và lắp nên mình đã tránh làm nghề diễn viên. Thuở bé thì mê đủ thứ, mê lái xe tải, mê làm thợ mộc, mê múa, mê vẽ tranh, diễn kịch thì quá mê.

Vở kịch mình được xem lần đầu trong đời là vở Đêm tháng bảy năm 1970. Khi đó mình đang học lớp 7, Đoàn kịch nói Trung ương về dựng rạp ngay sân trường mình ở làng Pháp Kệ diễn kịch cho bộ đội và dân xem. Chỉ nghe giới thiệu thế thôi chứ không biết rõ thực là đoàn nào. Ngày xưa thì bất cứ ai từ Hà Nội về đều gọi là trung ương hết.

Việc một đoàn kịch trung ương về làng là sự kiện có một không hai, trong đời chỉ thấy đúng một lần, dân các xã lân cận đến xem đông nghịt, cả vạn con người chật kín sân trường, còn leo lên cây, trèo lên nóc nhà để xem. Xem kịch còn đỡ, xem xiếc mới kinh hồn, năm 1974 Đoàn xiếc Trung ương về diễn ở làng Quảng Long, gần ba vạn người chen lấn xô đẩy nhau hòng kiếm một chỗ, từng đợt sóng người tràn lên cả sân khấu. Thế cùng người ta chỉ diễn được mấy trò bay lượn trên không, trèo lên cây cao để diễn rất đáng sợ.
Hình như đêm đó là đêm Noel thì phải, vì mình nhớ là hơi lạnh, thường thì dịp Noel hay Tết mới ngừng bom đạn một hai ngày, người ta mới dám dựng rạp diễn kịch. Cả đời mới biết kịch nói là thế nào, lâu này toàn nghe kịch trên đài, mấy ai được mục sở thị, mình cũng thế. Bây giờ chả nhớ kịch của ai, câu chuyện như thế nào, chỉ nhớ nhất màn mấy ông lính cộng hòa tung hứng chai rượu rất điệu nghệ. Lại còn mấy ả lính cộng hòa mặc váy ngắn đi lại ưỡn ẹo, ngực to đùng, đùi trắng phau, thẳng ro, ai nấy lịm sườn.
Con nít mê nhất màn ngậm xăng phun lửa. Để làm khói lửa người ta ngậm xăng phun qua mồi lửa, một khối lửa đỏ hồng bay vụt lên, rất đã. Hôm sau đứa nào cũng kiếm xăng ngậm phun lửa. Thằng cu Lợi ngậm xăng, chuẩn bị phun thì cười sặc, xăng tràn khắp mặt, lửa bám nhanh, cái mặt nó thành một khối lửa đỏ rực. Nó chạy hoảng loạn, va phải cột rơm, lửa bén rơm cháy bùng. May người lớn kịp thời nhảy ra cứu, đưa đi viện. Nó thoát chết nhưng bị hai khối sẹo lớn tràn từ mép xuống cằm. Từ đó nó có tên là Lợi râu.
Chỉ sau một đêm diễn kịch ấy người ta biết kịch là gì rồi, làng nào xã nào cũng bày trò diễn kịch. Làng Đông bé tí hin, có 3 đội sản xuất thế mà có cả 3 đội kịch, mở hội diễn làng xôm trò cả mùa hè 1971. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ Lòng dân với Nổi gió vì kịch bản có in trong sách giáo khoa, sau anh Thắng nhà mình mò đâu ra hai kịch bản nữa là Mỹ cút đi và Chiếc va ly, chỉ mấy vở ấy thôi diễn đi diễn lại năm nay sang năm khác người xem vẫn đông nghịt.
Nhà mình hồi đó chỉ có anh Thắng (Nguyễn Quang Thắng) nổi lên có khiếu văn thơ, nổi tiếng khắp làng. Hôm chợ làng Đông bị bom Mỹ chết mấy trăm người, anh làm bài thơ Nhớ lấy thù này, thằng cu Tỏa ngâm, cả làng khóc rưng rức. Anh còn làm bài hát, nhạc lý nhạc leo chẳng biết, chỉ lẩm nhẩm thành bài rồi đem ra tập cho thanh niên trong làng, nghe cũng êm tai ra phết. Ca từ đại loại Ôi làng Đông yêu thương/với truyền thống quật cường… nhưng dân chúng nghe mê man, trên hát dưới há mồm lắc lư lắc lư như say thuốc phiện.
Hồi đó anh Thắng oách lắm, đang học cấp III thôi nhưng chỉ huy thanh niên cả làng ngày làm thủy lợi, đêm tập văn nghệ. Ở trường anh cũng oách, phó bí thư Đoàn trường, vào Đảng năm học lớp 9, đứng trước cả ngàn học sinh cấp III hô một tiếng ai nấy làm theo răm rắp. Ba mình khi nào cũng đem anh Thắng ra nêu gương cho cả nhà, anh là niềm tự hào vô bờ bến của ba mình, khi nào ông cũng nói thằng Thắng nói thế này thằng Thắng làm thế kia, nghe sốt cả ruột. Ba mình đã về chín suối, nếu ông nghe tin anh Thắng bây giờ nổi tiếng sợ vợ khắp huyện chắc ông không thể tin nổi, hi hi.
Mình sợ anh lắm, thèm diễn kịch muốn chết nhưng không dám nói. Anh Thắng làm đạo diễn kịch Nổi gió, hôm nào mình cũng mò ra sân kho hợp tác xã xem anh tập kịch, trương mắt nhìn anh khẩn thiết, chỉ mong anh gọi vào cho đóng một vai nhưng anh lờ tịt. Chỉ một vai thằng mật thám giả danh Việt cộng ra sân khấu nói đúng một câu: Chị Vân chị Vân, đúng 12 giờ đêm nay… Thế mà anh cũng không cho đóng, tức kinh.
Thằng cu Á diễn dở òm, chỉ được cái to xác lại được anh chọn. Nó đóng vai thằng mật thám giả danh Việt cộng, tối nào diễn lại đeo cái kính râm to đùng, nhảy ra nói có một câu thế mà quên ngược quên xuôi. Có lần vừa ra sân khấu, vừa mở mồm nói Chị Vân chị Vân… Chợt nó đứng khựng lại trố mắt nhìn xuống khán giả nơi chị Du ngồi. Nó mê chị Du (chuyện này mình đã kể trong Kí ức vụn), bất kể lúc nào có chị Du là mắt nó không sao bỏ đi chỗ khác được. Nó thấy chị Du ngồi trên hai bàn chân của một chú bộ đội, hai ngón chân cái chú bộ đội đang ngo ngoe ngo ngoe…
Nó đứng trợn mắt há mồm nhìn hai ngón chân cái chú bộ đội đang ngo ngoe ngo ngoe, người ngợm cứng đơ như Từ Hải chết đứng. Mọi người cười ầm. Chị Hòa đóng vai chị Vân thấy nó cứ đứng trơ không nói, tức, vỗ đít nó một phát, nói thằng tê, nói đi để tau nói, câm à. Nó sực tỉnh nói đại xong câu rồi nhảy ào xuống chạy thẳng xuống chị Du, lôi cổ chị ngồi chỗ khác, vừa đi vừa mắng chị Du, nói có l. không biết giữ, ngu ngu! Hôm đó làng xóm được bữa cười no.
Mình tưởng anh Thắng sẽ đuổi thằng Á không cho nó diễn kịch nữa nhưng anh không đuổi, đêm đêm vẫn cho nó lên sân khấu chỉ vì nó khỏe như trâu, làm thủy lợi cực giỏi, hôm nào cũng được nêu gương. Một hôm mình bắt được quả tang nó ăn trộm dứa chín vườn nhà anh Đố, nó sợ lắm kéo tay mình khẩn khoản, nói tau lạy mi đừng méc anh Đố rồi tau cho mi đóng kịch thay tau.
Tất nhiên mình ok liền, lập tức lấy cái kính râm to đùng của nó, tám giờ đêm diễn, bốn giờ chiều mình đã lấy nhọ nồi vẽ râu xong xuôi, đi đi lại lại sau nhà, nói đi nói lại một câu Chị Vân chị Vân, đúng 12 giờ đêm nay... đến thuộc như cháo chảy. Mạ mình bắt gặp, nhìn cái mặt đầy nhọ nồi của mình bà trố mắt đứng sững, nói mần chi rứa con, thằng ni e điên. Hi hi…
Tối đó mình đến cực sớm, vênh vênh váo váo đi lại sau hậu đài, nôn nao chờ đến giờ diễn. Anh Thắng trông thấy, nói mi mần chi đứng đây, mình nói thằng Á cho tui đóng vai của hắn. Anh Thắng trợn mắt xua tay, nói không được không được, mi còn nhỏ đóng răng được vai mật thám. Rồi anh đuổi mình xuống sân khấu, gọi thằng Á vào thủ vai. Mình bỏ về, vừa đi vừa khóc, tức quá bỏ ăn đúng một ngày, ai hỏi gì cũng không nói. Bụng nghĩ thầm từ nay cạch đến già, ẻ vô kịch với cót.
Chẳng ngờ mười tám năm sau mình trở thành nhà biên kịch. Vở Mùa hạ cay đắng là vở kịch đầu tay của mình bảy tám đoàn dựng, Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên cũng dựng, anh Xuân Đàm đạo diễn vở này rất hay, có thể nói ăn đứt bảy tám đoàn kia. Mình nhớ năm 1987, một chiều diễn ở Sở Giao thông (Huế), chuẩn bị mở màn thì thằng Bình (Ngọc Bình) đóng vai Hoàng lên cơn đau thận phải đi cấp cứu. Nó đóng vai chính, nói lia xia từ đầu đến cuối, trong đoàn không ai thuộc được lời vai Hoàng trừ mình. Mình là tác giả, xem đi xem lại cả trăm lần nên vai nào cũng thuộc.
Không thể hoãn diễn, mình nhảy đại lên diễn liều thế mà trót lọt, lại được khen. Cái Hoa (Tiểu Hoa) vợ Ngọc Bình đóng vai Thùy Linh rất lo khi phải đóng cặp với mình trong vai Hoàng người yêu của Thùy Linh. Hết lớp một ra hậu đài, nó đấm mình một phát cười hi hi, nói anh bỏ viết đi diễn kịch cho rồi, không ngờ anh diễn ngon cực.
Mình càng diễn càng bốc, nhiều phen khán giả vỗ tay khen ngợi, sướng mê đi. Hết nửa vở mình ra hậu đài thấy ba bốn người đứng xúm lại thì thầm mặt mày lấm lét, thỉnh thoảng lại nhìn trộm mình. Mình đi tới hỏi chuyện chi rứa, mọi người nói không không rồi tản đi. Bỗng anh Thắng từ đâu chạy tới ôm mình khóc òa, nói Lập ơi ba chết rồi. Mình đứng trơ, nghẹn đắng.
Mình ở tình thế tiến thoái lưỡng nan, bỏ đi không được ở lại diễn không xong. Tiểu Hoa cầm tay mình run run, nói em lạy anh đừng bỏ đoàn lúc ni. Mình chạy vào phòng vệ sinh đứng khóc một hồi rồi rửa mặt nhảy ra nghiến răng diễn tiếp. Chẳng ngờ mấy lớp cuối tâm trạng của Hoàng giống tâm trạng của mình lúc đó, mình diễn xuất thần đến nỗi anh em trong đoàn hết thảy đều trợn mắt há mồm.
Hết kịch chào khán giả xong, không đợi nhận hoa hoét mình chạy ào đi. Mình với anh Thắng ra Cầu Mới xin đi nhờ xe, xin từ 6 giờ chiều đến 8 giờ tối mới có xe cho đi nhờ. Về đến nhà đúng 5 giờ sáng, khi đó người ta đã đóng nắp quan tài mất rồi. Nghĩ cái số kiếp của mình sao mà giống y chang anh Kép Tư Bền trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đến thế, giống cho đến tận bây giờ, hu hu.
Rút từ Bạn văn 2



0 nhận xét:

Đăng nhận xét