Tính gây nghiện của văn chương Nguyễn Nhật Ánh

Nhân đọc: “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh


Tôi không biết cuốn: “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”  là cuốn sách thứ bao nhiêu của Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn thứ 100 hay 101? Có thể nhiều hơn có thể ít hơn, nhưng cũng như các cuốn sách đầu tiên Chú bé rắc rồi, Bàn có năm chỗ ngồi …cho đến cuốn này, Nguyễn Nhật Ánh luôn luôn cho tôi những bất ngờ thú vị. Câu chuyện hai anh em Thiều và Tường, người anh ích kỉ hẹp hòi người em giàu lòng vị tha với những ghen tuông và đố kị, yêu thương và đùm bọc thủa “ yêu và ăn”, tưởng chỉ có thể viết được một truyện ngắn nho nhỏ chừng một hai nghìn chữ cũng đã giỏi lắm rồi, chẳng ngờ “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là cuốn sách dày dặn gần 400 trang đã buộc tôi sấp mặt vào đó từ trang đầu đến trang cuối.

            Trong văn học và điện ảnh, nếu một tác phẩm chỉ tóm gọn trong một câu hấp dẫn và tìm đến bất kì một một trường đoạn nào ta cũng bắt gặp ít nhất một chi tiết thú vị thì đảm bảo đó là một tác phẩm hay. Kinh nghiệm nửa thế kỉ đọc sách và xem phim của tôi, điều này chính xác đến 90%. “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là câu chuyện của người anh kể về người em, đó là cậu bé Tường, hay nói khác đi, số phận của người em dưới cái nhìn của người anh. Cậu bé Tường tuồng như sinh ra để hy sinh và nhường nhịn cho người khác, và cuộc đời đã ban tặng cho cậu hạnh phúc ngọt ngào mà cậu mong mỏi. Trong khi anh trai của cậu, một cậu bé ích kỉ hẹp hòi tưởng có được tất cả thì hoá ra chẳng có gì. Bài học đó thú vị ở chỗ, nó do chính người anh ích kỉ hẹp hòi rút ra chứ không phải ai khác.
            Với một giọng kể chân chất hồn hậu, khi dí dỏm khi ngọt ngào, cả tếu táo và nghịch ngợm nữa, mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh giống như một ống kính vạn hoa. Với các em, chỉ cần xoay khẽ một chút các em sẽ thấy biết bao quen thân và lạ lẫm để rồi ngồi cười khúc khích với nhau, hoặc lặng đi, nhìn nhau rưng rưng tiếc thương một cái gì đã mất. Còn với tôi, mỗi lần xoay khẽ kính vạn hoa kia, cả tuổi thơ lộng lẫy và đau đớn tưởng đã chìm sâu khuất lấp vào lãng quên bỗng rực lên trước mắt tôi làm cho tôi lắm khi khó cầm được nước mắt. “ Được tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ”, Nguyễn Nhật Ánh đã nói vậy và anh đã đúng.
            Có thể nói mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh như mỗi chuyến tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là mỗi bất ngờ mỗi thú vị mỗi háo hức mỗi say mê, khi làm ta bật cười khi làm ta rưng rưng, hoặc ngồi lặng đi suy ngẫm. “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng vậy. Ở toa này ta gặp những câu chuyện hài hước vui nhộn, chuyện ông Cả Hớn trúng vé xổ số, chuyện cu Tường làm chim Xanh hay chuyện lá thư tình đầu đời của cu Thiều chẳng hạn. Ở toa khác ta lại gặp những câu chuyện ngậm ngùi, thương xót. Chuyện cha của bé Mận bị bạo bệnh đã trốn nhà ra đi vì không muốn vợ con khốn khổ vì mình, chuyện ông Tám Tàng giả điên làm vua vì đứa con gái tâm thần luôn nghĩ mình là công chúa, ai đã đọc rồi dù muốn quên đi cũng rất khó.
 Khi ta nhớ về kí ức không chỉ để mà nhớ, chính là ta đang tự kiểm điểm đời mình, rút ra bài học nhân sinh để sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn. Có một lần nào đó Nguyễn Nhật Ánh đã nói: anh viết sách cho các em nhưng hướng tới người lớn, đến bây giờ tôi mới thật sự hiểu câu nói đó. Hoá ra anh viết cho chính anh, cho chính thế hệ của anh, điều đó giải thích vì sao không chỉ các em mà ngay cả người lớn cũng vậy, ai đã đọc sách của anh rồi thì như một kẻ nghiện, khó lòng rời bỏ các trang sách của anh được.
             Tính gây nghiện của văn chương Nguyễn Nhật Ánh trước hết là triết lý sống vì nhau xuyên suốt trục sáng tác của anh, với các em nó là bài học luân lý, là sự khám phá về cái gọi là tình người; với người lớn nó là chìa khoá mở ra biết bao nỗi ăn năn. Ai cũng vậy thôi, ít nhất một lần trong đời gây khổ đau cho người khác vì sự vô tâm, tắc trách của mình. Chìa khoá sống vì nhau đã giúp cho tâm hồn con người tìm về những nỗi ăn năn để thao thức cùng với nó. Những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh nói với chúng ta rằng, tôi đã ăn năn như thế đấy, còn bạn thì sao? Cậu bé Thiều trong cuốn sách có thể không phải là Nguyễn Nhật Ánh thủa bé thơ nhưng chắc chắn đó là một nỗi ăn năn của chính anh, chính thế hệ của anh. Cái chết con Cu Cậu đã làm cho cậu bé Thiều hoảng loạn không phải chỉ vì cái chết  một con cóc, nó là sự tước đoạt niềm vui của kẻ khác. Khi bạn tước đi niềm vui của người khác thì một phần trong trẻo trong tâm hồn bạn cũng sẽ chết theo, vì thế nó sẽ ám ảnh bạn đến trọn đời. Nào ai có dám chắc trong đời không một lần vô tình hay hữu ý đã tước đi niềm vui của người khác?
            Trong diễn từ đọc tại lễ trao giải thưởng văn học ASEAN tại Thái Lan, Nguyễn Nhật Ánh đã nói: “Mỗi dân tộc  đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên, bằng văn chương.” Và thế là, với ““ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, quả chuông của Nguyễn Nhật Ánh lại rung lên. Khi đã theo con tàu của Nguyễn Nhật Ánh để đi về tuổi thơ một lần, tôi tin mỗi lần Nguyễn Nhật Ánh rung chuông, người ta khó lòng bỏ qua một tấm vé để lại được cùng anh háo hức lên tàu.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét