13
Cả
tỉ người thương nhớ quá vãng, chỉ riêng Hoàng khát sống với quá vãng. Vì thế mà
hắn trở thành nhà văn chăng?
Nghe
người ta khen giỏi hơn Mạc Ngôn hắn hí hửng lắm. Còn khuya chàng nhé!
Hoàng
thông minh hơn mình tưởng, khôn ngoan hơn mình tưởng, đáng yêu hơn mình tường.
Và cũng đáng sợ hơn mình tưởng.
Đôi khi chờn chợn nghĩ Hoàng là ma.
Hu
hu... sao mình viết vớ vẩn thế này nhỉ?
*
Thích nhất trong các trận ốm là các giấc chiêm bao, bất
kể hãi hùng hay thơ mộng. Sợ nhất là thấy chó dại rắn độc bám đuổi nhưng cái kết
của nó thật tuyệt vời: giật mình bừng tỉnh và mừng húm thấy mình nằm trên giường.
Còn lại là những chiêm bao thật đáng yêu, đáng nhớ. Với Hoàng chẳng có chiêm
bao nào đáng ghét vì chúng đều cho anh cơ hội thấy lại được Thùy Linh. Cô xuất
hiện trong hầu hết chiêm bao của anh, dù nhiều khi cô chỉ lấp ló như một nhân vật
qua đường.
Hễ ốm là chiêm bao, chưa kịp nhắm
mắt đã chiêm bao.
Hoàng nghe rõ tiếng dép Ly Ly loẹt quẹt đi lại trong
phòng, hình như cô đang bưng thau áo quần đi giặt, anh đã nghe ai đó nói váng vất
giữa thinh không.
Tất cả thời gian còn lại mãi về sau chỉ là hậu quả của
những gì mày đã sống, thứ vĩ thanh nhàm chán và ngớ ngẩn, bởi vì mày không tha
thiết với tương lai. Ai vừa nói vậy ta? Nghe như giọng anh Chiến, không, anh
Chiến nói tục bỏ bà. Hay là Xê Trưởng? Càng không. Xê Trưởng chẳng khi nào triết
lý vòng vèo. Thằng Béo! Đúng rồi thằng Béo.
Ôm cái đài đi lùi dáo dác nhìn bốn xung quanh, thằng
Béo lùi một bước. Kiếp sống của mày đã chấm dứt từ tuổi hai mươi, ngay sau mùa
hạ cay đắng năm 1972. Thằng Béo lùi thêm bước nữa. Những gì sau đó cho đến bây
giờ có vẻ thừa thãi và vô nghĩa, nó na ná giấc mơ của kẻ đã chết. Tao chiết ní
hay không?
Thằng Béo cười to, vừa cười vừa đi lùi. Hai mươi năm
tiếp sau tuổi hai mươi của mày không đủ gom lại một nắm kỉ niệm đáng nhớ. Đúng
không nào? Thằng Béo cười hềnh hệch. Mày nói đúng đấy. Hoàng rầu rĩ đáp. Kiếp
này như cứt. Liên miên những cuộc tranh ăn và làm tình, hết ngày này qua ngày
khác. Từng ngày một có thể có một chút gì đó thú vị nhưng tóm lại nó chẳng
nghĩa lý gì hết.
Cái thằng Béo nay sao tự dưng nỏ mồm thế nhỉ!
Thôi đừng kêu ca nữa, gắng sống nốt đi. Dù sao sống vẫn
vui hơn chết. Tao đi đây. Thằng Béo ôm cái đài cúi mặt lúi húi đi. Nó quay lại
đưa tay vẫy vẫy chào. Tao cũng thế mày ạ, đéo ra gì đâu. Tao đi đây. Chào thân
ái và quyết thắng! Thằng Béo ù té chạy. Mày chạy đâu đấy? Hoàng đuổi theo thằng
Béo. Hòa bình rồi... mày còn chạy đâu Béo ơi! Thằng Béo đứng lại chờ Hoàng. Tao
đi trả cái đài cho Xê Trưởng. Xê Trưởng ở đây, ngay Thị Trấn này! Đéo phải. Đó
là anh Xuyến, không phải Xê Trưởng. Thằng Béo đứng khóc tu tu.
Thùy Linh đâu, sao chưa thấy? A thấy rồi! Thằng Béo
đang đứng khóc tu tu giữa chợ. Bao nhiêu người túm tụm quanh nó. Thùy Linh lấp
ló đó kìa. Tuổi mười sáu thật mê ly, tiếc là đã trôi qua nhanh qua, chưa kịp cầm
nắm đã trôi qua. Thằng Béo phát hiện ra cô bé xinh tươi đang nhìn mình, nó đứng
cười nhăn nhở. Thùy Linh cũng cười, lúm đồng tiền chấm phẩy hồng tươi. Có vẻ
như Thùy Linh thích thằng Béo.
Họ nhìn nhau đắm đuối rồi nắm tay nhau chạy ra bờ
sông, nơi có hòn đá Trịnh-Nguyễn phân tranh. Vô lý. Hoàng kêu lên. À
không phải thằng Béo kéo Thùy Linh ra bờ sông. Thằng Béo vẫn đứng khóc tu tu giữa
đường cái quan. Có thế chứ. May quá! Nhưng Thùy Linh đâu rồi, Thùy Linh đâu?
Cháo lươn nóng giòn đây nhà văn
nhớn ơi! Hoàng mở mắt thao láo. Không phải, đây là Ly Ly. Ăn nhé? Ly Ly cúi sát
mặt Hoàng. Ừ, ăn. Ăn và làm tình. Hoàng buột miệng nhắc lại lời thằng Béo. Cái
gì cha nội? Nắm đấm Ly Ly dứ trước mũi Hoàng. Anh khỏe thật rồi, thấy thèm thuốc
lá. Ly Ly nhăn mặt lườm Hoàng. Anh nói lạ. Tám giờ sáng đang lên cơn sốt mê sảng
tùm lum làm người ta cuống cả lên, bây giờ đã thấy khỏe là thế nào? Không, thật
đấy, anh thấy khỏe hẳn rồi. Kiếm cho anh điếu thuốc rồi anh nói em nghe kế hoạch
của anh. Ly Ly vỗ mông Hoàng đánh đét. Kế hoạch cái dzầy, nằm yên đi hot boy.
Há miệng ra giùm. Một thìa... hai thìa. Ngoan lắm. Chỉ
cần anh húp được cháo là em mặc kệ anh chạy theo việc liền. Mất toi ba ngày
không làm ăn được gì cả. Sếp gọi điện nheo nhéo. Gọi gì? Sếp nói mau vén hết việc
ở đây, ở Hải Phòng đang có vụ hay lắm. Thì em cứ đi đi, anh khỏe thật rồi mà.
Thật không? Thật chứ. Không tin, để em hỏi bác sĩ đã. Chẳng cần bác sĩ, kiếm
cho anh điếu thuốc, anh hút thấy ngon là chắc chắn khỏi bệnh. Cũng có lý! Ăn ăn
ăn!... Mau mau mau! Ăn mau rồi em mua thuốc lá...
Ly Ly hí hửng ra cổng bệnh viện.
Chả biết Hoàng đã khỏe thật chưa. Nếu thế thì phúc đức quá. Mau mau về Hà Nội,
nhớ Hà Nội lắm rồi. Chỉ cần xuống ga Hàng Cỏ là mình tuyên bố Cancel ông nhà
văn nhớn này. Không cần phải màu mè “em yêu anh nhưng mà...”, với Hoàng cứ huỵch
toẹt là hay nhất. Xong rồi kiếm một thằng chồng trẻ khỏe đẹp trai, ngu ngu một
chút càng tốt, chấm dứt thời kì cướp hiếp giết chuyển sang thời kì tiết hạnh khả
phong, thúc thủ thờ chồng, nuôi con. Chấm hết. I’ve been cheated by you
since I don’t know when/ So I made up my mind, it must come to an end. Ly
Ly nhảy chân sáo hát bài Mamma Mia, một bài hát của ABBA hiện thời đang
rộn ràng khắp thế giới.
Em đã bị anh lừa kể từ lúc nào em cũng chẳng biết/ Vì
thế em quyết định, điều đó phải đến hồi chấm dứt. Ly Ly chột dạ, tự trách mình ngứa mồm hát linh tinh,
dại quá. Ly Ly đinh ninh Hoàng thuộc tip ghét âm nhạc như nhà nông ghét cỏ, lại
dốt tiếng Anh tất nhiên không thể biết bài này. Nếu Hoàng hiểu được thì
sao? Rất có thể anh lên cơn điên đập phá tơi bời rồi xách túi một mình nhảy tàu
đi thẳng ra Hà Nội. Tình xong om nghĩa cũng mất hút, phí không. Ngu quá. Phải để
cuộc tình có cái kết có hậu, chí ít cũng kết lửng, không có hậu là cái kết Ly
Ly không muốn.
Ly Ly vừa ra khỏi phòng, Hoàng liền nhảy vào phòng tắm.
Bệnh viện huyện có phòng tắm thông phòng bệnh sạch sẽ thơm tho kể cũng lạ. Chắc
đây là phòng Vip. Tắm phát đã, ba ngày sốt li bì người ngợm khác gì cái hố xí.
Vòi sen phun nước hình nơm, Hoàng lột trần nằm giạng chân tay hứng nước. Đã bao
lần Hoàng nằm hứng nước dưới mưa thế này, thích lắm. Giá đây là cơn mưa thật nhỉ?
Ừ, giá đây là cơn mưa trên trảng cát, mình nằm hứng mưa cùng Thùy Linh. Thôi
không nhớ nữa, lỡ rơi vào hoang mê. Hoàng bò dậy. Tắm nhanh, ngâm nước lâu khéo
không ốm lại thì nguy.
Có tiếng kẹt cửa. Một cái bóng lẻn vào phòng. Cẩn thận
cái máy ảnh, vật duy nhất Phó Chủ Tịch Văn Xã đang cho quân rình rập, không biết
Ly Ly giấu ở đâu rồi? Hoàng tấp nhanh áo quần chui ra khỏi phòng tắm. Không có
ai cả. Rõ ràng có tiếng kẹt cửa và cái bóng lẻn vào? Quái lạ.
Đây rồi! Cái máy ảnh vẫn còn trong túi xách của Ly Ly,
cả cuộn phim vẫn không mất. Hoàng thở phào. Cậu Hoàng! Chị Giặt Chiếu đang thập
thò ở cửa ra vào. Ôi chị! Vào đi chị, sao đứng đó? Chị Giặt Chiếu rụt rè bước
vào. Tui vô phòng không có ai... Phải lui ra. Chị Giặt Chiếu khép nép ngồi xuống
mép giường. Cậu khỏe chưa? Em khỏe rồi chị, đang tính lên chào anh chị để về Hà
Nội. Chị Giặt Chiếu như bị điện giật. Đừng đừng... đừng vô nhà tui nữa cậu ơi.
Tui đến đây để báo cậu chuyện đó đây. Chuyện gì chị? Chị Giặt Chiếu vừa muốn
nói vừa không, hai bờ môi run run. Nói đi chị, chuyện gì?
Chị Giặt Chiếu run quá ngồi không
vững nữa, hai tay bíu chặt cọc màn. Tại anh Xuyến không tịch thu cái máy ảnh, họ
nghi anh Xuyến thông đồng với cậu. Họ có làm gì anh Xuyến không? Hoàng sững lại,
lo lắng. Không không. Chị Giặt Chiếu rối rít xua tay, mặt không còn giọt máu.
Không có chi mô... Không làm chi mô. Chị đi nhanh ra cửa. Coi như tui chưa nói
với cậu chi hết nghe... chưa nói chi hết nghe! Phút chốc chị mất dạng sau cánh
cửa ra vào.
Hoàng không đuổi theo Chị Giặt Chiếu hỏi cho rõ ngọn
ngành. Để người ta trông thấy có thể nguy hiểm cho chị, đang khi quân tướng Phó
Chủ Tịch Văn Xã đang rình rập. Tội nghiệp Chị Giặt Chiếu, chị lẻn được tới đây
chắc phải liều lắm. Chúng nó đã biết quan hệ của Hoàng và Xê Trưởng và đặt câu
hỏi nghiêm trọng về mối quan hệ này. Xê Trưởng đã “bắt” được Ly Ly trong khi
không “bắt” được Hoàng đã gây cho chúng nó một mối ngờ. Không tịch thu được cái
máy ảnh là mối ngờ thứ hai. Từ đó có thể kéo theo chục mối ngờ khác. Rất có thể
Xê Trưởng gặp nguy hiểm.
Gì mà ngẩn tò tè thế? Ly Ly tí tởn chìa mặt mình sát mặt
Hoàng. Thuốc lá của anh đâu? Khiếp, hỏi người ta như hỏi con ở. Ly Ly ném cho
Hoàng gói thuốc. Hoàng vồ lấy gói thuốc xòe lửa hút thuốc, rít mấy hơi liền, thấy
đã quá. Ôi khỏi bệnh rồi! Hoàng khoan khoái ngửa cổ phà khói thuốc. Anh nói thật
chứ? Ly Ly a tới ôm cổ Hoàng. Ừ, cho anh ra viện thôi. Có ba hoa không đấy hot
boy? Hoàng nhảy xuống giường làm mấy cú đá song phi. Anh bế xốc Ly Ly lên quay
ba vòng. Tuyệt cú mèo! Ly Ly cười toe toét. Đây không phải bệnh viện thì em cho
anh đã đời luôn.
Ly Ly tụt khỏi vòng tay Hoàng. Chưa có bao giờ đẹp
như hôm nay. Ly Ly nhảy tưng tưng líu lo hát bài hát cô luôn nhăn mũi chê
là giả dối.
*
Từ bệnh viện về Ủy ban huyện chưa đầy ba cây số, Hoàng
và Ly Ly túc tắc đi bộ, khỏi phải xe pháo gì. Kể ra gọi điện về huyện thể nào
Chủ Tịch Huyện cũng cho xe tới đón. Không nên. Càng đến ngày chuồn càng không
nên dính với mấy ông quan quê này bất kỳ việc gì. Hai người sẽ đi bộ thẳng tới
huyện chào họ một câu rồi nhanh chóng đi đò qua sông Ninh tiến thẳng tới ga
Minh, nhảy tàu tếch ra Hà Nội. Xong.
Em có quên gì ở nhà khách không?
Không. Em lấy đủ đây rồi. Máy ảnh đâu? Xời, vật bất ly thân lại còn hỏi! Ly Ly
moi máy ảnh ra chìa trước mũi Hoàng. Chiếc xe máy hai thằng ôn con từ phía sau
vụt qua, chúng giật ngay cái máy ảnh, phóng như điên về phía chợ. Cướp! Cướp!
Ly Ly lao theo chiếc xe máy. Hoàng chạy vượt lên Ly Ly, được trăm mét anh dừng
lại đứng thở. Ly Ly kịp đến. Không cần đuổi theo đâu. Sao không cần? Ly Ly níu
áo Hoàng. Anh không nhớ cuộn phim vẫn còn trong máy ảnh sao... hả hả!
Yên tâm đi, một giờ sau người ta sẽ trả lại cho em.
Cái mặt lạnh của Hoàng đã ghét lại càng ghét. Người ta là ai? Em đúng là thông
minh mà chậm hiểu. Hoàng tỉnh bơ. Máy ảnh là mục tiêu của thằng cận thị bốn
diop. Nó cho quân bám chặt tụi mình từ khi ra cổng bệnh viện nhằm tìm cơ hội cướp
lấy. Nếu em không chìa máy ảnh ra chúng sẽ giật cả cái túi. Nếu em giữ chặt cái
túi chúng sẽ đẩy em ngã nhào cho văng cái túi ra. Rất có thể em bị chấn thương.
May là em không việc gì.
Anh biết rõ ràng thế a, sao anh biết rõ ràng đến thế hả?
Ly Ly thộn mặt. Hoàng nhếch mép cao ngạo. Vì anh sinh trước em gần hai giáp.
Anh biết sao không nói với em? Xem cái mặt kìa, kinh! Ly Ly lên cơn bực bõ, cô
vùng vằng vượt lên trước. Hoàng đuổi theo Ly Ly. Tí anh báo công an huyện, bảo
đảm một giờ sau họ sẽ tìm ra kẻ cướp giật, trả lại máy ảnh cho em. Tất nhiên
không còn cuộn phim trong máy ảnh.
Thế thì nói làm gì! Ly Ly nổi điên. Em không cần máy ảnh,
thứ đó vứt đi em cũng không tiếc. Thì cứ bình tĩnh đã nào! Hoàng khoác vai Ly
Ly, cô hất ngay tay Hoàng. Em ghét cái sự bình tĩnh của anh lắm rồi, nói thẳng
em đã chán ngấy.
Hoàng cúi xuống nhìn như soi vào mắt Ly Ly. Anh biết rồi
mà. Nghe em hát là anh hiểu ngay. Chỉ cần xuống ga Hà Nội là em cancel anh,
đúng không?
Bố khỉ, thằng cha này lúc nào cũng đi guốc trong bụng
mình. Suýt nữa Ly Ly phun ra điều đó.
Hoàng ngửa cổ ngâm nga giai điệu Mamma Mia bằng
tiếng Việt, không thèm để ý người đi đường cái quan đang ngoái lại nhìn mình.
Em đã bị anh lừa kể từ lúc nào em cũng chẳng biết/ Vì thế em quyết định, điều
đó phải đến hồi chấm dứt. Thôi đi! Hát với chả hét, vô duyên! Ly Ly thúc
cùi chõ vào sườn Hoàng đau nhói. Vấn đề là cuộn phim, em chỉ cần cuộn phim nghe
rõ chưa! Nếu có cuộn phim em vẫn tiếp tục cancel anh chứ? Câu đùa vô lối, Ly Ly
phì cười. Thú thực chưa bao giờ em gặp câu hỏi ngu xuẩn đến vậy. Hoàng không tự
ái, cái mặt vẫn nhơn nhơn. Thì cứ trả lời đi.
Ly Ly lôi áo quần Hoàng trong túi ra nhét vào tay
Hoàng. Anh cầm lấy và biến đi. Tụi mình chia tay tại đây. Em hết chịu nổi được
nữa rồi. Hoàng lôi cuộn phim trong túi ra dí dí trước mũi Ly Ly. Nó đây này cô
bé khùng của anh. Ly Ly chụp lấy cuộn phim, cô nhảy lên ôm lấy cổ Hoàng. Ối cha
mẹ ơi thế mà em không biết. Có phải anh đoán chúng nó sẽ giật cái máy ảnh
không. Tất nhiên. Hoàng vênh mặt lên. Tuyệt vời! Mặt anh càng vênh càng đẹp. Ly
Ly khoác tay Hoàng mặt mày hí hửng. Thế mới biết vì sao bao nhiêu lần em muốn
cancel anh mà chẳng được.
Khoan mừng vội. Sao? Hoàng kéo tay Ly Ly. Chạy nhanh!
Tụi nó sắp tới đây. Là sao? Chúng kiểm tra máy ảnh thấy không có cuộn phim nhất
định chúng sẽ cho bọn xã hội đen truy bắt tụi mình, quyết lấy cuộn phim cho bằng
được. Thôi đúng rồi. Ly Ly tái mặt.
Chạy! Ly Ly bám theo Hoàng chạy
thẳng ra bến sông. Lên được đò là coi như thoát. Bến sông chỉ có một con đò,
chúng chẳng kiếm đâu ra đò thứ hai để bám đuổi theo. Hoàng nói. Liệu chúng có gọi
điện cho xã bên kia sông chặn tụi mình lại không? Ly Ly hỏi. Có thể. Nhưng cứ
sang đó rồi hãy tính.
Chạy mau!
*
Bến sông trước mặt, chỉ chừng ba, bốn trăm mét là tới.
Con đò đang cắm sào đợi khách. Mau, mau lên!... Em mệt quá rồi. Ly Ly đứng lại,
ngoái lại phía sau thấy một đoàn hơn chục chiếc xe máy đang đuổi theo. Kìa anh!
Ly Ly sợ hãi kêu lên. Em cứ để chúng nó bắt, chúng nó không làm gì em đâu.
Hoàng lao nhanh xuống bến. Không kịp. Đám bụi đời kịp đến, chúng cưỡi xe máy chạy
vòng quanh Hoàng.
Chúng mày muốn gì? Nói mau! Chúng không thèm đáp, xe
máy cứ chạy vòng quanh anh, vòng tròn mỗi lúc mỗi siết lại nhỏ hơn. Hoàng chìa
ra cuộn phim. Cái này phải không? Lập tức cả đám phanh kít. Thằng đầu băng giật
lấy cuộn phim. Anh trai cũng hiểu đời đó. Cảm ơn anh trai. Cả đám rú ga vù đi.
Ly Ly kịp chạy tới. Anh đưa cuộn phim cho chúng nó rồi
à? Hoàng kéo Ly Ly xuống đò, cô trì lại. Anh chưa trả lời em? Hoàng nhảy lên
đò. Lên đò nhanh lên, chúng nó lại mò tới nữa đấy! Ly Ly vùng vằng. Tưởng thông
minh lắm hóa ra vẫn zero, cuối cùng vẫn nộp cuộn phim cho chúng nó. Ly Ly cằn
nhằn mãi.
Đò rời bến được hơn chục sải nước
Hoàng chìa cuộn phim ra. Cầm lấy! Ly Ly há mồm tròn mắt. Nó vẫn đây a? Ừ. Anh
phải hy sinh cuộn phim tư liệu của anh để giữ lấy cuộn phim này. Thì ra anh đã
tính hết các tình huống? Chứ sao! Không thể tin nổi! Hoàng cười khì. Có gì đâu,
mười năm đọc trinh thám ba xu chưa biết dùng vào việc gì, nay mới có dịp. Ly Ly
ôm lấy eo Hoàng, hôn vuốt lên cổ anh. Anh tuyệt vời hơn em tưởng. Ông trẻ lái
đò cười tủm tỉm.
Đường đê có một người đang chạy tới bến. Thoáng nhìn
đã biết đó là Chị Giặt Chiếu. Chị chạy tơi tả trên đê, những bước chạy kiệt quệ
xiêu vẹo. Chị tụt xuống bờ đê lảo đảo đi về phía bến đò. Chị Giặt Chiếu muốn
qua sông? Không phải! Không vẫy không gọi đò, chị quì xuống mom sông, hướng về
con đò vái lấy vái để. Chị vái mãi, hết vái lại rập đầu lạy. Hoàng và Ly Ly đứng
lên, hướng về Chị Giặt Chiếu. Họ biết chị muốn gửi gắm điều gì.
Con đò đã qua bờ bên kia, bóng Chị Giặt Chiếu như chiếc
lá khô đang sấp ngửa trên bờ sông, chị vẫn quì mọp vái lạy mãi không thôi.
*
Hoàng đã kể cho Ly Ly nghe về Chị Giặt Chiếu trên chuyến
tàu tốc hành ra Hà Nội. Chồng chị là anh Xuyến, tổ trưởng tổ quản trang, người
mà Hoàng vẫn gọi là Xê Trưởng. Hoàng tưởng Ly Ly chưa biết gì, kể về Xê Trưởng
rất dài, từ ga Minh về ga Vinh vẫn chưa hết chuyện.
Ý anh là thế nào? Ly Ly tưng tửng hỏi. Chẳng là thế
nào cả, anh chỉ muốn em công bằng với họ trong phóng sự của em. Xê Trưởng của
anh suốt đời làm theo lệnh cấp trên, tuyệt không làm gì khác. Anh không thèm
xin xỏ cho ông ta chứ gì? Tất nhiên. Hoàng đáp trong cái ngáp dài. Anh chán ngấy
loại đàn bà luôn chỉ chực đi guốc trong bụng đàn ông và lấy đó làm sở đắc.
Hoàng sợ Ly Ly lôi cả Xê Trưởng vào thiên phóng sự chắc
chắn sẽ dậy sóng của cô. Xê Trưởng đã bắt Ly Ly giải về huyện, cô cũng đã chứng
kiến ông chỉ huy đám đào bới mồ mả nghĩa địa làng Pháp. Chỉ cần vậy Ly Ly đã có
một kỳ phóng sự thật hấp dẫn, khó ai có thể ép cô không được viết ra. Dù thấy
rõ mười mươi Chị Giặt Chiếu quì lạy trên bờ sông Ly Ly cũng khó lòng bỏ qua vụ
này.
Gần hai chục năm viết lách Hoàng
không hề sợ bị đe dọa, chưa kẻ nào dùng uy lực buộc anh phải bỏ cuộc. Anh thường
thua cuộc vì cả nể và mủi lòng. Ly Ly thì không, không bao giờ. Một tính cách
thật đáng nể trong nghề báo nhưng với một cô gái trẻ thì thật đáng sợ, nếu
không muốn nói là đáng ghét.
Em đáng ghét lắm à? Ly Ly rủ rỉ bên tai Hoàng. Anh vừa
nói vậy sao? Ly Ly cười nhăn. Đúng là có tật giật mình! Tụi mình nói chuyện
khác đi. Hoàng ôm vai Ly Ly. Nói chuyện gì? Hoàng bí, anh nhăn răng cười trừ.
Khỉ thế. Em buồn ngủ lắm rồi. Ngủ đi, anh cho mượn vai. Ly Ly ngả đầu lên vai anh.
Anh cũng ngủ đi. Khó ngủ lắm. Cứ nghĩ mình đang nằm trên cát í... Ly Ly chuồi
ta tay vào trong áo Hoàng, áp bàn tay mềm và mát lên ngực anh... Ngủ đi anh.
Tiếng dịu dàng pha chút nũng nịu của Ly Ly làm Hoàng mềm
lại, một chút gì ấm áp dịu ngọt. Hoàng nhắm nghiền mắt. Con tàu như đang lao
nhanh vào sa mạc cát. Đêm cát mềm mát rượi. Hoàng xiết chặt lấy Ly Ly. Mùi hoa
bưởi bốc lên dữ dội, cái mùi tình ái riêng biệt của đàn bà, với Thùy Linh và Ly
Ly nó trở nên thật đặc biệt. Hai người đàn bà ở hai vùng đời cách biệt tỏa cùng
một mùi hương lúc nào cũng làm Hoàng nhanh chóng vào cơn say tình.
Hoàng mê man đẩy nụ hôn nóng rát trượt dài từ thái
dương của Ly Ly xuống vùng sâu nóng ướt và ngập vào đấy tưởng không bao giờ ngẩng
đầu lên nữa. Ôi nhanh lên anh! Ly Ly kéo tóc Hoàng, nhấc bổng anh lên rồi lật
người ấn Hoàng xuống dưới, ngây ngất nhúng sâu vào anh trong cơn vật vã hoang dại.
Hoàng nhắm mắt, nắm chặt lấy hai tay Ly Ly. Thùy Linh có dữ dội vậy không? Có.
Hình như có. Có. Hình như có. Có. Hình như có. Có có có... Ôi anh ơi!
Ly Ly rú to khủng kiếp. Tiếng rú đẩy
Hoàng vào cơn rồ dại thú hoang. Anh vùng dậy, chồm lên. Có! Có! Có! Có! Có!...
Này! Hoàng hực lên một tiếng và nằm yên, tận hưởng cảm giác man mát ngây ngất
đang dần dấy lên. Ly Ly nằm sấp lên Hoàng, nhẹ vuốt những giọt mồ hôi lấm tấm
hai thái dương anh, giấu nụ cười mãn nguyện. Thùy Linh cũng vậy, cũng giấu nụ
cười thầm mãn nguyện trên ngực Hoàng.
Cảm ơn cậu! Hoàng ngẩng lên. Chị Rá, vẫn là chị Rá. Chị
đang úp mặt lên ngực Hoàng giấu một nụ cười mãn nguyện. Sau lần đầu tiên đây là
lần thứ mấy? Cả một tháng trăng Hoàng bị bé Thùy Dương đuổi ra khỏi nhà, đêm
nào chị Rá cũng tìm đến anh.
Chưa đậu cậu ơi! Chị Rá ôm Hoàng thút thít năn nỉ. Chị
sợ Hoàng bỏ Xóm Cát mà đi khi chị chưa kịp có một đứa con. Hoàng thật khó nghĩ.
Anh sợ Thùy Linh biết được. Lần nào cũng vậy, dứt trận tình là chị Rá buông
Hoàng sung sướng xách quần chạy về Xóm Cát, Hoàng lại nơm nớp ngồi lo Thùy Linh
bắt gặp chị giữa đường.
Thùy Linh chắc cũng đã biết. Cái đêm chị Rá bứng giọt
trinh tiết lui cui chạy về Xóm Cát khoe hết lượt mười một nóc nhà trong xóm, ai
mà không biết. Thùy Linh đã chạy ra trảng cát sau xóm tìm Hoàng, như mọi lần vẫn
lén bé Thùy Dương tìm đến với anh.
Thùy Linh không giấu được. Vừa
ra tới nơi cô đã chụp lấy anh. Vòng tay run rẩy. Em sao thế? Không. Hoàng đoán
chị Rá đã bưng giọt trinh tiết khoe với Thùy Linh rồi. Dưới ánh trăng mặt Thùy
Linh tái nhợt, đôi mắt mở to đờ dại. Cứ nói thật anh nghe nào. Không! Thùy Linh
níu lấy Hoàng nấc lên. Hoàng ẩn nhẹ cô xuống cát, trườn lên. Không... không! Em
không... em không đâu. Thùy Linh cuống quít đẩy Hoàng ra.
Mặc cho Thùy Linh xô đẩy Hoàng vẫn xoay trở vùi dập
như điên. Thùy Linh mềm nhũn trong vòng tay Hoàng và mê đi trong hùng hục của
anh. Hoàng ngả lăn ra cát, mồ hôi dầm dề. Gió đêm mơn man khắp thân thể mát rười
rượi. Khoảnh khắc mệt mỏi lâng lâng. Hoàng thấy mình nhẹ bỗng như đang dập dềnh
trong gió. Anh yêu em, chỉ mình em thôi...
Em nào đấy đại văn hào? Ly Ly bóp mạnh mũi Hoàng giật
mạnh. Mẹ khỉ, mình lại phun ra mồm. Hoàng nghĩ thầm. Yên nào. Người ta đang ngủ.
Hoàng ngã người vào vai Ly Ly, làm như mình đang thèm ngủ lắm. Đừng có mà diễn
trò! Ly Ly xô đẩy quyết không cho Hoàng ngủ yên. Em hay chưa! Hay hay... cái
gì! Ly Ly véo mạnh Hoàng giật nẩy. Sao thế? Sao sao... cái gì! Anh hư lắm nghe
chưa. Ly Ly lườm Hoàng, cái lườm sắc lẹm. Cô bóp đũng quần Hoàng. Một đám nước
nhờn ướt sũng từ lúc nào.
Mặt Hoàng thuỗn như cái bơm.
*
Tàu mới đến Thanh Hóa. Phải đến sáng mai mới về tới Hà
Nội. Hoàng mong con tàu chiêm bao lại lao về trảng cát, lao thật nhanh. Chỉ có
cách chui vào quá khứ mới tránh được thực tại bẽ bàng. Quá khứ lúc nào cũng chờ
Hoàng. Chỉ cần anh khẽ ẩy nhẹ, cánh cửa quá khứ lập tức mở toang đón anh vào.
Một khi khó lòng xoay xở với thực tại người ta thường
hay nuối tiếc quá khứ hoặc mơ tưởng tương lai. Hoàng không có cả hai. Quá khứ
không phải để mà tiếc, tương lai chẳng phải để mà mơ. Chưa khi nào Hoàng màng tới
tương lai, với anh mơ tưởng tương lai là thứ mơ tưởng tào lao phù phiếm. Không
cần mơ tưởng tương lai cũng tới và sẽ đem tới những gì không có trong mơ tưởng.
Vậy thì mơ tưởng để làm gì. Thay vì ngồi mơ tưởng rỗng không hãy dành thời gian
để nhớ những gì mình đã trải có phải hay hơn không.
Phải nhớ thôi. Nhớ gì nhỉ? Nhớ gì chả được, cứ nhớ. Úp
cái mũ lên đũng quần ướt sũng, nhắm mắt lại và nhớ...
Hoàng từ biển Củ Từ trở về, anh tạt qua cây đa già xem
ông Rúm có ngồi đấy không. Cần phải hỏi ông Rúm tin tức mẹ con Thùy Linh. Thà rằng
ông Rúm nói không biết còn hơn cứ vẩn vơ nghĩ về nấm mộ trên bãi biển, búi tóc
dính mảng đầu người đàn bà, nơi dái tai còn đeo lủng lẳng vòng khuyên nhỏ.
Cái vòng khuyên Thùy Linh đeo từ thủa mười lăm, đến
ngày về Xóm Cát hãy còn đeo. Hoàng vẫn thường ngậm vào cái vòng khuyên day day
cứ mỗi lần vào cuộc. Chưa khi nào anh hỏi Thùy Linh nó là vòng vàng hay đồng,
anh chỉ để ý đến nó mỗi khi trườn lên hôn ngấu nghiến, cái vòng khuyên rung
rung rất gợi cảm. Nó cho thấy mức độ phấn khích của Thùy Linh.
Bắt đầu những chiếc hôn nó đu đưa nhè nhẹ, e ấp nửa
như nói có nửa như xin thôi. Khi cả hai dính chặt lấy nhau nó rung rung lắc lắc,
đứng yên giây lát lại rung rung lắc lắc, tín hiệu cuộc tình đã bắt đầu hâm
nóng. Chờ tới lúc Thùy Linh túm tóc Hoàng giật mạnh, cái vành khuyên mới rung bần
bật, giật từng hồi. Trút hết cho nhau họ rã rời trong hạnh phúc, nó khẽ rung
như cuống lá trước gió ban mai bên những giọt mồ hôi long lanh như sương sớm.
Cái vòng khuyên quá gần gũi với
Hoàng thế mà anh không biết nó là vòng vàng hay vòng đồng. Buổi sáng ở biển Củ
Từ, Hoàng bồi hồi nhìn cái vòng khuyên của người đàn bà đã chết. Nó có một vệt
hoen rỉ sát nơi lỗ nhỏ xuyên qua tai, anh biết đó là cái vòng đồng. Bây giờ
Hoàng mới ân hận mình đã không sao biết được cái vòng khuyên có phải của Thùy
Linh hay không. Khó tin búi tóc và mảng đầu có cái vòng khuyên trên tay Hoàng
là của Thùy Linh. Nhưng biết đâu được, cuộc đời mà, không có gì là không thể.
Hoàng đào hố nhỏ chôn búi tóc, mảng đầu và cái vòng
khuyên sát ngay nấm mồ người đàn bà. Suốt cả chặng đường về Xóm Cát rên xiết một
câu hỏi trong anh: có phải Thùy Linh dưới nấm mộ kia không. Câu hỏi làm anh mệt
lả, vừa tới cây đa già Hoàng đã khụy xuống. Không thấy ông Rúm đâu. Muốn kêu to
một tiếng không thể kêu nổi, Hoàng lăn ra thở dốc.
Hoàng ngủ say tới quá chiều. Chị
Rá ngồi ôm rá khoai ngồi chờ anh từ lâu. Cậu đói không, ăn khoai đi. Hoàng đỡ lấy
rá khoai. Chị cho em ngụm nước. Chị Rá tung tăng đi lấy nước, dáng ngúng nguẩy
của đàn bà đang được yêu. Hoàng tu sạch một gáo nước, ăn hết nửa rá khoai mới
ngẩng lên tươi tỉnh nhìn chị Rá. Bác Rúm đâu rồi chị? Chị Rá lườm yêu. Răng
không hỏi tui, hỏi ông Rúm mần chi. Thương chị quá. Giá lúc nào chị cũng tỉnh
táo thế này.
Tui đậu rồi cậu ạ? Sao? Tháng ni không thấy kinh, vú
tui cũng thâm rồi. Đây nì! Chị Rá móc vú ra khoe. Hai tay chìa vú trước mặt
Hoàng, mặt ngửa lên trời cười hé he he, cười mãi. Bỗng chị ngậm cười mặt biến sắc,
hai mắt trân trân nhìn phía sau lưng Hoàng. Hoàng hướng theo cái nhìn chị Rá.
Ông Rúm! Chị Rá ôm rá khoai len lén bỏ đi.
Cậu mô về? Ông Rúm ngồi bệt, mặt đỏ gay mùi rượu nồng
nặc. Cháu tìm mẹ con Thùy Linh khắp nơi không thấy. Ông Rúm cười hắt ra. Cậu đừng
tìm nữa, không tìm được mô. Sao bác? Ông Rúm nhìn Hoàng, khóe môi đuôi mày giật
giật. Vì cậu đó. Mẹ con nó bỏ Xóm Cát đi rồi. Thế là sao? Hoàng bò tới túm tay
ông Rúm. Không phải Thùy Linh đi tìm con? Ông Rúm chẳng nói chẳng rằng hất tay
Hoàng, lọ mọ đi tìm gáo nước uống nước.
Một gáo để uống, một gáo rửa mặt,
ông Rúm vứt cái gáo ra xa, đứng nói như nói với cái gáo. Không có chuyện con nhỏ
Thùy Dương bỏ trốn, mẹ con nó dắt nhau đi rồi. Ai nói với bác? Hoàng chạy lại
bên ông Rúm. Là tui đoán rứa. Sao bác đoán vậy? Ông Rúm ôm ngực ho, cơn ho làm
ông ngã ngồi. Hoàng đứng yên chờ đợi. Ông Rúm gắng nói trong cơn ho. Cậu ngủ với
đàn bà khắp xóm, đến con điên cậu cũng ngủ, có con mô ngu mà chung tình với cậu.
Ông Rúm đứng dậy, phủi đít quần đi thẳng một mạch
không hề ngoái lại.
14
Mình muốn chết.
Lần đầu tiên nghĩ đến cái chết, không sợ nhưng thấy vô lý thế nào ấy.
“Nếu
con người sinh ra để mà chết thì tốt nhất đừng sinh ra”. Chả nhớ ai nói câu này
nhưng mà đúng.
Mình
đúng là con hâm, tự nhiên cứ loay hoay giữa sống và chết.
Quyết
định: Phải sống. To live and to live.
Ném mẹ bọc thuốc ngủ đi con hâm!
*
Hà Nội đi xa thì nhớ, sống cùng thì chán. Hoàng về nhà
ngủ đẫy mắt đúng một ngày, thêm ba ngày hẹn hò nhậu nhẹt với đám bạn cánh hẩu kể
chuyện quê nhà, xong rồi chẳng biết làm gì nữa. Sáng ra ngõ gặp bà hàng phở,
chiều quay về thấy ông bia hơi lạc rang. Quay đi quay lại vẫn con phố đó, hàng
cây đó và những gương mặt quen thuộc đến nhàm chán.
Bỏ quên Hoàng được ba ngày, chiều tối Ly Ly xông vào
căn phòng ám khói của anh. Em biết ba ngày nay anh làm gì rồi. Ngủ - rượu... rượu
- ngủ... ngủ - rượu... đúng thế không? Chứ còn gì nữa! Hoàng bế Ly Ly đặt lên
đùi. À quên, và còn nhớ em nữa. Có mà mốc xơ! Ly Ly đập cái bụng lép kẹp của
Hoàng. Chưa hết nhớ em Thùy Linh còn nhớ ai. Hoàng gật gù cạ cằm đầy râu lên
gáy Ly Ly. Nhớ thì không nhớ, thèm thì có thèm. Em cũng vậy, chỉ thèm giai chẳng
nhớ thằng đếch nào. Ly Ly cười hé he he.
Hoàng ném Ly Ly lên giường, quyết lột hết lốt cáo cô vẫn
che đậy. Chỉ cần nụ hôn ấm ngọt đặt lên môi là những gì ngổ ngáo táo tợn Ly Ly
vẫn cố giương vây bỗng đâu biến mất. Con cáo đáng ghét lột xác ngay tức thì, giờ
là con nai mềm ngọt, thật dữ dội khi vào cuộc nhưng là con nai đáng yêu. Vừa
xong hiệp một Hoàng lại vùng lên đòi vào hiệp hai. Mắt Ly Ly lóng lánh, chẳng
phải vui mừng vì có thêm một cú đúp, ấy là hạnh phúc của đàn bà khi biết mình vẫn
được yêu.
Ly Ly kê gối lên hõm gáy ngửa mặt ngủ ngon lành, tiếng
thở nhẹ nhàng thuần khiết, gương mặt ngây thơ trong trắng lạ thường. Rung lên
trong Hoàng một niềm thương, niềm thương của người lớn tuổi với trẻ thơ. Anh vuốt
nhẹ từng sợi tóc mai bết mồ hôi của Ly Ly, muốn hát một câu hát ru của Thùy
Linh vẫn hát ru con, hát thật khẽ. Không hát được. Có gì nghèn nghẹn nơi cổ họng,
cố hát thì lại khóc, khỉ thế...
Anh không ngủ à? Ly Ly mở mắt. Ô kìa, sao lại khóc?
Hoàng gạt nước mắt, cười. Khỉ thế đó, anh nằm nhớ một câu hát ru tự nhiên lại
khóc. Câu gì? Cái bống đi chợ Cầu Canh/ Con tôm đi trước, củ hành theo sau/
Con cua lạch đạch theo hầu/ Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua. Có gì đâu mà
khóc? Anh thương con cua. Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua. Ly Ly cười
hí hi hi, thụi bụng Hoàng mấy thụi. Hâm! Hâm! Hâm!... Nhà văn nhớn ơi... dở hơi
vừa thôi.
*
Ly Ly kéo Hoàng dậy, vui vẻ lôi tờ
báo trong đó có kì một phóng sự của cô. Tham ô hài cốt liệt sĩ, nghĩa
trang liệt sĩ huyện Tuy biến thành bãi chứa xương động vật. Anh đọc chưa?
Ly Ly dí sát mặt Hoàng cái tít thật giật gân giăng hàng ngang to đùng ở trang một.
Đọc làm gì, điên à. Hoàng gạt tờ báo, ngáp. Ly Ly không giận, cô biết tính
Hoàng, chưa bao giờ Hoàng mó tới báo nhà kể cả khi báo có đăng bài của anh.
Đúng là bi kịch. Ly Ly gật gù, hai chân thi nhau đá lên. Thảo nào lão Bốn viết
một khẩu hiệu to đùng trên bảng tin tòa soạn: Đọc báo nhà là yêu nước!
Thì thằng Bốn cũng thế, nó đâu biết
báo nhà méo hay tròn. Hoàng trợn mắt gầm gừ. Ly Ly cười hí hí. Hễ khi nào Ly Ly
nhắc tới lão Bốn là Hoàng lại gầm gừ. Anh vẫn ấm ức mãi vụ lão Bốn dắt Ly Ly
vào Thanh Hóa gần nửa tháng. Chẳng biết lão có làm ăn được gì không, cứ nhớ đến
là Hoàng lại khó chịu. Ly Ly thừa biết. Kệ. Được tí ghen càng thích. Có đấy. Ly
Ly cãi. Lão Bốn còn biết lướt qua trang một còn anh thì đến cầm tờ báo nhét vào
cặp cũng không.
Chà. Hoàng gạt phắt. Nó lướt qua trang một xem có gì
hay để gọi điện khoe với Thủ tướng đấy. Anh đừng có mà trâu cột ghét trâu ăn.
Ly Ly vêu miệng trêu chọc. Anh thử gọi điện cho Thủ tướng xem ông có nhấc máy
không nào.
Hoàng cười trừ. Anh lấy tờ báo đọc kĩ cái phóng sự.
Công nhận cô bé viết khéo, không cần nói năng băm bổ hùng hổ làm gì, lạt mềm buộc
chặt là cách của cáo già làng báo vẫn khéo dùng, không ngờ cô bé hai lăm tuổi
dùng nó còn khéo hơn.
Kì một coi như đã xong. Chỉ cần đưa ra một vài con số
khái quát cộng với lời bình mềm và đau nhất định Ly Ly sẽ buộc dư luận chú ý.
Phải tạo cho độc giả biết số này chỉ mới khơi mào, còn nhiều vấn đề bí ẩn dữ dội
vẫn đang nằm ở các số báo sau, trong khi lại phải cho đối tượng cảm giác tài liệu
mình tung ra thế là đã hết, nhử cho đối tượng một cú phản đòn nhằm kéo tuột cả
lũ vào tròng.
Sau kì một, nhất định tòa soạn sẽ nhận được thư trả lời
của Ủy ban huyện Tuy với lời lẽ khiêm nhường nhưng sổ toẹt hết các chứng cứ mà
Ly Ly đưa ra. Đồng thời với cái thư gửi tòa soạn là giải trình của lão Phó Chủ
Tịch Văn Xã lên Sở, lên Bộ, kể cả Thủ tướng lão cũng gửi liều nhằm chứng minh tất
cả những gì lão làm là đúng, chỉ có một vài sai sót nhỏ mà bài báo đã phóng đại,
nâng cấp thành vấn đề nghiêm trọng.
Sẽ có những cú điện thoại yêu cầu Tổng Biên Tập dừng lại
loạt bài phóng sự, đừng có bé xé ra to. Tổng Biên Tập sẽ gọi Ly Ly lên. Lão ngồi
khoanh tay ngửa cổ lim dim mắt nghe Ly Ly trình bày sự thật cô đã khui được và
kế hoạch vừa đánh vừa nhử mồi các kì tiếp theo của phóng sự. Được đấy! Làm tới
đi! Tổng Biên Tập khoát tay quả quyết như một vị chỉ huy can trường. Lão đi đi
lại lại, miệng ngậm cán bút, mắt lim dim tính toán các chiêu thức cần phải tung
ra sau phóng sự.
Nhất định Tổng Biên Tập sẽ điều một nhóm võ sĩ hạng nặng
lâm trận, chuẩn bị đòn vu hồi. Một cái thư độc giả sống nơi sự việc đang diễn
ra, vài cái “Tin thêm về vụ...” có vẻ vu vơ nhưng hút hồn bạn đọc và làm cho đối
tượng phải giật mình toát mồ hôi hột trước những cứ liệu nốc ao. Nhất định lũ
này sẽ kéo cờ trắng xin hàng.
Đấy là lúc Tổng Biên Tập vào mùa thu hoạch. Cách thức
lão thu hoạch sau mỗi vụ tiêu cực thế nào Ly Ly không cần biết. Cô chỉ cần loạt
phóng sự ra đời trót lọt, không để lại điều tiếng gì, thế là xong. Ly Ly sẽ ẵm
một mớ nhuận bút được thưởng gấp đôi, gấp ba cộng với tiền công tác phí đặc biệt
dành cho phóng viên đi điều tra những vụ lớn, cả thảy có thể trên ba chục triệu.
Thế là đủ, không cần nhiều hơn. Lạc bất khả mãn, phàm cái gì tiền nhân đã khuyến
cáo chớ có dại dột bất tuân.
Hoàng đọc đi đọc lại bài báo, anh săm soi xem Ly Ly có
đụng đến Xê Trưởng không. Sốt ruột, Ly Ly giật tờ báo trong tay Hoàng. Anh định
học thuộc lòng hay sao. Kỳ hai viết chưa? Viết rồi. Mai đăng. Cho anh xem chút
được không? Ly Ly chắp hai tay kính vái. Cảm ơn nhà văn nhớn quá. Em khóc đây.
Khóc thật to để tạ ơn nhà văn nhớn đã đòi đọc trước bài báo của cô nhà báo hỉ
chưa sạch mũi.
Hoàng cốc đầu Ly Ly. Nói toạc ra xem nào. Ly Ly cốc trả
đầu Hoàng. Yên tâm đi, sẽ không có một chữ nào động đến Xê Trưởng của anh đâu.
Hoàng ôm Ly Ly cạ râu cằm lên gáy cô. Giỏi lắm. Thế mới là người yêu của anh chứ.
Lối cạ râu của Hoàng thật hay, không gây ngứa ngáy khó chịu, trái lại nó luôn gợi
cho Ly Ly niềm hứng thú được tạ ơn. Thời buổi này niềm hứng thú ấy thật khó
tìm.
Tưởng ngấm Hoàng đến từng lỗ chân lông, Ly Ly không ngờ
cô mới phát hiện ra mỗi khi Hoàng muốn tỏ lòng biết ơn cô anh lại ôm cô cạ râu
cằm lên gáy. Nhiều lần Hoàng đã ôm Ly Ly cạ râu cằm lên gáy nhưng cô không để
ý. Cô nghĩ đó chỉ là lối vuốt ve của đám mày râu lớn tuổi, cách thức mơn trớn tốn
ít năng lượng nhất của trai già với gái trẻ. Chẳng ngờ không phải thế, Hoàng
bao giờ cũng khác người.
Bốn kì phóng sự hoàn tất, Thủ tướng ra ngay chỉ thị “cần
điều tra và làm rõ”, lãnh đạo huyện Tuy kéo cờ trắng đầu hàng nhanh chóng, hứa
sẽ kiểm điểm nghiêm túc và công bố trước công luận. Ly Ly nhẹ cả người, cô ôm đủ
ba chục triệu tiền công tác phí, nhuận bút và tiền thưởng của cả hai người tung
tăng chạy đến Hoàng. Xiền... xiền đây rồi! Ly Ly lượn quanh Hoàng nhảy nhảy múa
múa líu lo. Tèn ten... Từ ngày hôm nay chỉ còn lại tiếng ca... tèn tèn
ten...
Hoàng kéo Ly Ly vào lòng ôm chặt.
Anh lại cạ râu cằm lên gáy cô. Anh muốn cưới em quá đi mất. Ly Ly cù nách
Hoàng. Thật không đấy chàng? Hoàng vẫn cạ râu cằm lên gáy cô. Tiên sư thằng nào
bốc phét. Ba chục triệu vừa đủ đám cưới ba trăm người. Anh sẽ mời Xê Trưởng ra
làm chủ hôn. Xời... lại Xê Trưởng. Ly Ly bẹo nhẹ má Hoàng. Để ông nhà quê đó
làm chủ hôn đám cưới của người ta à. Đấm chết giờ. Nói vậy thôi, Ly Ly thừa hiểu
Hoàng muốn cảm ơn cô, phóng sự của cô không nhắc đến Xê Trưởng một chữ nào.
*
Tháng sau có tin đình chỉ công tác Chủ tịch huyện Tuy.
Tháng sau nữa khởi tố vụ án hài cốt liệt sĩ, Trưởng Phòng Thương binh Xã hội bị
bắt. Tia-ra tờ báo đột khởi tăng thêm tám vạn bản. Ly Ly như đi trên mây. Cô
kéo cổ Hoàng nhậu hết trận này sang trận khác.
Làm báo khổ nhất là vác bút đi chống tiêu cực, cực nhục
đủ đường, nguy hiểm phủ phục khắp nơi, ăn không ngon ngủ không yên. Bù lại nó
có niềm vui của người lính xông trận. Xong một phóng sự trút một gánh nặng, nếu
phóng sự thành công gây được tiếng vang, đi đâu cũng được chào đón vồ vập, thật
không gì hạnh phúc hơn.
Ly Ly không bận tâm đến sự nổi tiếng, thậm chí cô còn
ghét nó. Cô cũng chẳng hy vọng cứ sau một thành công đồng nghiệp sẽ yêu quí nể
trọng cô hơn. Nghề viết lách bĩ lắm. Văn mình vợ người, có năm người nể trọng
hơn nhất định có năm người khác khinh ghét căm tức hơn; có năm người mừng vui
trước thành công của mình nhất định có năm kẻ khác hậm hực khó chịu. Ly Ly tự
thu hẹp niềm vui của cô. Mỗi khi xong một phóng sự cô không nhận được những cú
điện thoại chửi rủa mạt sát đòi xin tí tiết và tia- ra báo tăng nhanh, túi tiền
anh em đầy thêm một chút. Thế thôi. Thế cũng đủ cho đời vui phơi phới.
Ly Ly vẫn kéo Hoàng đến quán rượu
trứng góc đường Phan Chu Trinh. Đó là quán rượu tình nhân, người ta ngăn thành
từng ô nhỏ kín đáo cho trai gái nhậu nhẹt và hú hí. Hoàng không mấy hào hứng,
cuộc rượu nào anh cũng cằn nhằn. Tại sao để sổng thằng chủ mưu, thằng Phó Chủ Tịch
Văn Xã vẫn yên vị là thế nào? Bốn kì phóng sự của em thì có hai kì em dành cho
nó. Thế đấy.
Ly Ly vừa hầu rượu Hoàng vừa cố giảng giải món tư pháp
cù nhằng mà anh tắc lưỡi chấp nhận mù tịt. Yên tâm đi. Để sổng thằng Phó Chủ Tịch
Văn Xã còn ra cái gì. Thằng này không bị dựa cột là may. Người ta còn phục xem
nó chạy thế nào để kết tội luôn thể đấy. Ly Ly nói như đinh đóng cột. Chắc
không? Chắc. Ai nói với em? Lão Bốn. Em thì lúc nào cũng lão Bốn. Hoàng nhăn mặt.
Ly Ly tủm tỉm cười không nói gì. Hoàng thừa biết ai chứ lão Bốn nói thì khó
sai, tin của lão Bốn là tin Chính phủ.
Còn Chủ Tịch Huyện? Hoàng cạn cốc rượu rót thêm cốc nữa,
anh quay sang hỏi Ly Ly. Đuổi nó về cũng đáng nhưng anh cứ thấy tồi tội thế
nào. Anh đừng có mà tình yêu bao la. Ly Ly miệng nói tay xua. Đám chăn vịt nhà
quê đó tiếc làm gì. Toàn đám chăn vịt, đuổi hết đi bầu sao kịp? Anh toàn ngồi
lo bò trắng răng. Hoàng cười khà, cái cười hiếm khi thấy ở anh.
Ly Ly kể Hoàng nghe tình cảnh của Chủ Tịch Huyện. Thoạt
đầu Chủ Tịch Huyện hãy còn tự tin lắm. Bài phát biểu của ông rặt mỗi chữ “không
ngờ”. Chủ trương đi tìm hài cốt liệt sĩ, không ngờ cấp dưới thu mua xương động
vật mang về. Chủ trương bốc hết xương động vật ra khỏi nghĩa trang liệt sĩ,
không ngờ cấp dưới đi đào mồ lấy hài cốt của dân thế vào. Một trăm lần hỏi lần
nào cấp dưới cũng trả lời tốt đẹp ngon lành, không ngờ trăm sự nát như tương.
Chua xót quá.
Cái chữ không
ngờ định mệnh. Sau phát biểu “không ngờ” của Chủ Tịch Huyện, Phó Chủ Tịch Văn
Xã đứng lên. Thật khoan thai thật từ tốn hắn phê phán Chủ Tịch Huyện sai từ cái
gốc, vì chủ quan duy ý chí mà sai từ cái gốc. Chủ Tịch Huyện chủ trương làm
nghĩa trang liệt sĩ quá to, khắp cả nước không một huyện nào có nghĩa trang hai
ngàn mộ như nghĩa trang huyện Tuy. Anh em can gián mãi ông không chịu nghe, ông
thích hoành tráng thích phỉ phê quyết làm cho kì được. Rồi ông ép anh em đi kiếm
cho bằng được hai ngàn bộ hài cốt liệt sĩ trong khi ông thừa biết liệt sĩ huyện
Tuy từ thời kháng Pháp đến giờ không quá bốn trăm người. Anh em đề đạt chỉ kiếm
giỏi lắm một trăm bộ hài cốt, ông không chịu, dứt khoát bắt anh em phải tuân lệnh.
Túng thì phải tính, cấp dưới phải làm liều.
Chủ Tịch Huyện ngơ ra. Ua chà tui nói khi mô hè. Ai
can gián tui khi mô hè. Tui nói chi anh em cũng nhất trí, có ai can gián mô hè.
Chẳng ngờ mọi người đua nhau nói. Ông thường vụ này nói ông đã nói thế này thế
kia. Ông thường vụ kia nói họ đã can gián thế này thế kia. Thêm ba bốn thường vụ
tranh nhau chỉ trích ông sai lầm có hệ thống, căn bệnh duy ý chí của ông mọc mầm
từ mười năm trước chứ chẳng phải bây giờ. Chủ Tịch Huyện sốc nặng. Té ra toàn bộ
thường vụ hùa theo Phó Chủ Tịch Văn Xã.
Nhờ Ban tổ chức Tỉnh ủy rỉ tai chân Bí Thư Huyện Ủy
huyện Tuy khóa tới Tỉnh ủy đã chấm Phó Chủ Tịch Văn Xã, chỉ trong ba tháng hắn
đã lôi kéo cả thường vụ hùa theo hắn. Công nhận thằng này quá tài, thế mà ông
không biết, chó thế! Đau nhất là thằng đệ tử ruột của ông, nguyên là lái xe
riêng mười tám năm trời được ông cất nhắc lên thường vụ huyện ủy chánh văn
phòng Ủy ban huyện cũng đập ông tơi tả về căn bệnh chủ quan duy ý chí, căn bệnh
mà ông tưởng cả nước đều mắc phải, chỉ có ông là không.
Than ôi chữ Nhân của
cụ Khổng trải mấy nghìn năm bây giờ đã nát như tương! Tam cương hãy còn đấy
nhưng là cương đểu, cương bịp, cương bóp cổ chặn hầu, cương nồi da xáo thịt.
Ngũ thường thì rối loạn tùm lum. Đâu là Lễ? Đâu là Nhân? Đâu là Nghĩa? Đâu là
Trí? Đâu là Tín? Cặc! Ông không biết, ông về đây! Chủ Tịch Huyện khạc một bãi đờm,
hất mặt lên trời bước ra khỏi cổng Ủy ban huyện.
Hoàng cười sặc rượu.
Ông chăn vịt nói hay quá nhỉ! Ly Ly vui vẻ chạm cốc Hoàng. Quên lũ chăn vịt đi.
Quan trọng Xê Trưởng của anh không việc gì là được. Hoàng ngửa cổ dốc nốt cốc
rượu. Anh thả cốc quay sang ôm choàng lấy Ly Ly cạ râu cằm lên gáy cô. Yêu em
quá đi mất. Anh thề theo em đến tận cùng trời cuối đất. Cái mặt nịnh của Hoàng
bành ra. Ly Ly cười khúc khích. Xời, sao không nói thêm dù gan óc lầy đất?
Hoàng vung nắm đấm xin thề. Dù gan óc lầy đất! Ly Ly hót cổ Hoàng đặt lên môi
Hoàng nụ hôn dài, kết thúc một tuần vui như Tết.
*
Sáng thứ hai nào
Hoàng cũng tới trễ, anh tránh cuộc họp giao ban Tổng Biên Tập lúc nào cũng nói
dai như đỉa. Lão Bốn vừa chui ra khỏi phòng họp gặp Hoàng đi tới. Biết tin gì
chưa? Lão kéo Hoàng ra một góc. Tin gì? Huyện Tuy vừa cho nhập kho một số thằng.
Những ai? Hoàng lo lắng hỏi. Lão Bốn lắc đầu cười. Nghe công an tỉnh thông báo
một lô một lốc, chả nhớ thằng nào ra thằng nào. Có ai tên Xuyến không? À có có.
Thằng tổ trưởng tổ quản trang chứ gì? Thằng này thì đầu bảng.
Hoàng tái mặt. Anh sững
lại giây lát rồi quay ngoắt lao xuống cầu thang, tút thẳng ra cổng. Anh Hoàng!
Anh Hoàng! Ly Ly từ tòa soạn chạy đuổi theo. Hoàng quay lại chụp lấy cổ cô nghiến
răng day đi day lại. Tôi đã bảo mà, cô đã thấy chưa... đã thấy chưa hả! Chết
tôi rồi... cô giết bạn tôi rồi! Mặt Ly Ly méo xệch. Nhưng em có làm gì đâu? Làm
gì đâu hả! Hoàng dí mặt mình sát mặt Ly Ly. Chống tiêu cực của cô đấy... cô thấy
chưa!
Hoàng hầm hầm bỏ đi.
Ly Ly đuổi theo. Anh Hoàng... đứng lại em bảo này! Cô ra sức nài nỉ. Câm mồm
đi! Hoàng quay lại gầm lên như sấm. Từ nay đừng có nhìn mặt thằng này nữa nghe
chưa! Hoàng lao thẳng ra đường, quên cả quay vào tòa soạn dắt xe máy.
Ly Ly trào nước mắt.
*
Tiếng còi ô tô kêu gắt sau lưng. Hoàng giật mình tạt
vào lề đường. Anh Khiết đài trưởng P12 tiểu đoàn tên lửa năm xưa ló mặt ra cửa
xe tươi cười. Bây giờ mới gặp mày đây/ Mà lòng đã chắc từ ngày... đánh nhau.
Hoàng siết chặt tay anh Khiết. Lên xe đi. Anh em mình kiếm chỗ nào lai rai
chút. Hơn hai chục năm rồi còn gì. Hoàng tắc lưỡi lên xe. Thôi thì nhậu chút,
quên chuyện bực mình kia đi cho nhẹ đầu.
Hồi ở lính Hoàng chơi thân với anh Khiết chỉ vì anh
luôn có chè mạn, thuốc lào. Bất kì ở đâu anh cũng kiếm được hai món quí hiếm
này, kể cả khi đóng quân ở những cánh rừng không dân như núi Sĩ Cào. Anh Khiết
mê thơ Hoàng, cứ có bài nào của Hoàng đăng trên báo tường tiểu đoàn là anh chép
vào sổ tay, nằm vắt chân chữ ngũ ngâm tới ngâm lui ra chiều đắc ý lắm. Này! Anh
Khiết vỗ vai Hoàng. Đám nhà thơ đều dở hơi chập mạch. Mày tỉnh như sáo sao vẫn
làm thơ hay được nhẩy?
Mũi Hoàng phồng to như hai quả
cà, cả tạ thơ gửi về báo quân chủng chẳng bài nào được đăng, được anh Khiết
khen thật đã. Chè mạn thuốc lào là phần thưởng anh Khiết dành riêng cho Hoàng,
cả tiểu đoàn không thằng nào được hưởng. Lính tráng thằng nào cũng thế, có miếng
gì ngon con gì béo phải nhớ ngay công thức này: Đông = Vui = Hao, Ít = Buồn = Đỡ
tốn. Chục đồng lương trung sĩ tiêu không đủ ba ngày, Hoàng được anh Khiết ưu
tiên cho hưởng suất chè mạn thuốc lào khác nào được quí nhân phù trợ.
Thuốc lào ngon nhất điếu đầu tiên chào buổi sáng. Sáng
nhảy ra sân xơi món thể dục chiếu lệ, Hoàng liền tót sang P12, trung đội ra đa
dẫn đường của anh Khiết. Tụt xuống cái dốc dài, lội qua một cái khe mùa mưa nước
ngập ngang cổ mùa hạ sỏi đá chỏng chơ, chạy qua ba quả đồi sim cằn, Hoàng tót
vào lán anh Khiết đã thấy anh ngồi chống điếu cày đầu gật gật thân rung rung.
Anh vừa rít xong điếu thuốc chào buổi sáng, say đứ đừ. Mẹ... quá đã... như vừa
xong quả đ... Anh run run đưa cái điếu cày cho Hoàng, nói líu cả lưỡi.
Hoàng đón lấy ống điếu, rít một hơi dài, thả cái điếu
cày chống hai tay xuống đất, cứ thế há mồm cho khói thuốc tuôn ra, mắt đờ đờ mặt
ngây ngây. Anh Khiết xốc ấm pha trà. Xong điếu thuốc lào nhấp ngụm chè mạn thấy
đời hết chê. Hoàng ngồi nhấp từng ngụm trà thơm điếc mũi, nghe anh Khiết bốc
phét chuyện múc gái, toàn gái con nhà lành, lính tráng gọi là gái sinh thái,
nghe cứ mê đi.
Mình vào đây nhá! Anh Khiết kéo Hoàng vào quán gọi
chai black label, món rượu sang trọng thời thượng. Tao ra quân năm bảy
sáu, học nốt đại học, đi Liên Xô giật cái bằng Phun thuốc sâu, tức
là đi buôn lậu. Anh Khiết túc tắc rót rượu túc tắc kể. Tiền đầy túi thì tếch về
lấy vợ sinh con. Vợ không đẹp nhưng con ngoan, gọi là mỹ mãn. Kể qua vậy cho
chú mày mừng. Hoàng nâng cốc rượu. Còn em vợ con không. Tiền bạc không. Chấm hết.
Hoàng cạn cốc, ngồi nơm nớp lo anh Khiết lôi chuyện đào ngũ của Hoàng ra. Từ
khi gặp nhau đến giờ Hoàng ớn mỗi chuyện ấy.
Rất may anh Khiết chỉ chú mục ép Hoàng uống rượu liên
tù tì, say sưa chuyện múc gái. Tiểu đoàn gái sinh thái của anh kể một năm chưa
hết. Con bé lúc nãy xinh phết đấy, múc chưa? Anh Khiết nheo mắt cười cười. Con
nào? Con bé đứng khóc với mày ở cổng tòa báo ấy. À vâng. Mày yêu nó à? Hoàng cười
nhạt. Vâng, thì yêu. Anh Khiết đập đùi Hoàng. Tao thích cái chữ “thì” của mày
quá, đúng là nhà văn.
Lại chạm cốc. Lại trăm phần trăm. Hoàng biết mình sẽ
say nhưng chối không được. Mày biết bố con bé là ai không? Hoàng nhấp rượu nửa
chừng, ngơ ngác. Con nào? Lại con nào, chán cái thằng này! À vâng... Hoàng lắc
đầu thật thà. Em nhớ có lần anh dặn em vào nhà gái cần tránh hai thứ, bố nó và
con chó. Thành thử em tuyệt không thấy mặt bố cô bé lần nào, tất nhiên tên ông ấy
lại càng không biết. Anh Khiết cười khà khà. Thằng này nhớ dai ghê!
Anh Khiết gọi thêm chai rượu. Bố nó là ông Cảnh sư phó
sư mình đó. Vậy a? Ừ. Uống đi, làm ly nữa rồi tao kể cho mà nghe. Anh Khiết rót
đầy hai cốc, chạm cốc cái cạch, cạn cốc, khà một tiếng khoan khoái. Ông Cảnh
không có con. Của ông nhũn như con chi chi có làm ăn gì được đâu. Ông nhắm mắt
làm ngơ để vợ ngoại tình kiếm đứa con. Vẫn không có. Khốn thế. May trời thương
cho ông nhặt được bé gái lạc nhà, đem về nuôi từ bé đến giờ, là con bồ mày đó.
Tim Hoàng đập mạnh, linh tính báo trước có điều gì bất
thường. Khi ông Cảnh nhặt được, cô bé mấy tuổi? Hoàng run run hỏi. Ba bốn tuổi
gì đó tao cũng chẳng biết, con nít miền Trung bé tí, đứa nào đứa nấy đen thui,
gầy đét. Nhặt được ở đâu? Hoàng gần như nghẹt thở. Ở miền Trung, gần đèo Ngót
đèo Nghét gì đó, tận năm bảy hai lận. Năm nào? Hoàng run lên.
Năm bảy hai.
Uống đi mày, gì mà mặt xanh như đít nhái thế? À không. Hoàng gắng cười. Sao anh
biết rõ thế? Thì tao đi ra Hà Nội nhận khí tài với ông Cảnh mà. Vừa nhận được
quyết định trợ lý kĩ thuật sư đoàn đúng một ngày ông Cảnh lôi tao ra Hà Nội liền.
Nói cho biết, ra đa P12 tao là số một sư đoàn, nhận khí tài không có tao không
xong.
Hoàng à vâng và ngồi im, mặt mày nhợt nhạt. Hoàng muốn
hỏi một câu nữa, một câu nữa thôi, nhưng sợ... sợ sự thật bỗng đâu dội xuống đầu.
Anh Khiết không để ý vẫn vui vẻ rót rót uống. Uống đi mày, xong rồi tao đưa mày
đi múc mấy em, bảo đảm gái sinh thái chính hiệu. Có thật anh đi cùng ông Cảnh
không? Hoàng cắt ngang. Sao không, ơ cái thằng này, tao phét mày làm gì! Hoàng
uống một chén, thêm một chén nữa. Phải hỏi, phải hỏi thôi.
Anh nhớ con bé nói tên mẹ nó là gì không? Tao quên mất.
Hình như nó có nói tên nó, cả tên mẹ nó nữa. Anh Khiết ngửa mặt miệng lẩm bẩm cố
nhớ. Bỗng đập mạnh đùi Hoàng. À, tao có ghi nhật kí. Để tao về tìm cuốn nhật kí
năm bảy hai xem sao. Liệu có còn không? Còn! Nhưng sao mày hỏi kĩ thế?
Hoàng lại à vâng và lại uống. Không hỏi, không hỏi nữa... Uống, uống nữa... Nửa
giờ sau Hoàng gục xuống bàn, mê man trong cơn say bất tử.
*
Ngày 28/7/1972
Theo thủ trưởng Cảnh ra Hà Nội nhận khí tài. Lần đầu
được ngồi xe U Oát, sướng củ tỉ. Xe chạy suốt đêm, thằng lái giỏi, nó thức trắng
vẫn rất tỉnh táo. Nó cùng tâm trạng giống mình, chỉ mong ra Hà Nội múc mấy em.
Gái Hà Nội thơm ngon tinh khiết mới đúng gái sinh thái.
Thủ trưởng Cảnh nghiêm quá, đéo nói tục được chán bỏ mẹ.
Nghe nói ông này yếu sinh lý, chưa đi chợ đã hết tiền, đêm nào vợ cũng cào cho
rách mặt.
Ngày 29/7/1972
Tới gần đèo Ngốt bị bom, may không ai việc gì. Thủ trưởng
Cảnh phát hiện một bé gái bị bom hất xuống ruộng, chỉ xây xát nhẹ. Con bé ba tuổi
đi đâu lạc nhà, nó khóc đòi về. Hỏi nó con ai, ở đâu? Nó bảo mẹ nó tên Linh hay
Lin gì đó, ở Xóm Cát. Đéo biết Xóm Cát ở đâu, hỏi dân quanh đấy chẳng ai biết.
Thủ trưởng Cảnh cho đánh xe chở nó về huyện, huyện cũng đéo biết. Người ta chỉ
biết tới xã thôi, cùng lắm là làng, làm sao biết tới xóm.
Thủ trưởng Cảnh bàn giao con bé cho huyện, họ chối đây
đẩy, nói huyện sắp sơ tán không giữ được con nít. Thủ trưởng Cảnh quyết định
đem con bé về Hà Nội làm con nuôi. Mai mốt hòa bình tìm được bố mẹ nó thì trả lại.
Sáng kiến hay. Nhưng mà không làm cho vợ thòi con ra phải tìm con nuôi thì cũng
đéo hay. Suy cho cùng đàn ông buồi là nhất.
Tới Vinh rồi.
Ngày 2/8/1972
Dù có lên giời Hà Nội vẫn nhất. Nhà mình vẫn nhất.
Ba ngày tìm con bé học lớp mười không thấy. Sư bố nó lặn
đi đâu? Ngày mình nhập ngũ nó thề thốt ghê lắm, thấy mình về là nó biến mất
tăm. Tính bỏ quách cho xong nhưng mà tiếc, con này vú to.
Đang lượn vè vè tìm gái thì gặp thủ trưởng Cảnh, ông bắt
theo ông lên Hà Tây ngay. Xui thế. Ông kể vợ ông không thích con nuôi, lạnh nhạt
với con bé. Con bé không chịu ăn uống gì cả, suốt ngày ra cổng ngồi khóc ti tỉ,
đòi về nhà cho bằng được. Khổ thân thủ trưởng Cảnh.
Hoàng úp mặt vào cuốn nhật kí nhầu nhĩ rách nát của
anh Khiết, nước mắt đầm đìa. Sao lại có những ngẫu nhiên khủng khiếp thế này?
15
Mình
đã hại người. Chính mình đã hại chết một con người.
Con
điếm con lưu manh con khốn nạn!
Ối
giời ơi lại muốn chết.
*
Ba lần Hoàng đến tòa soạn không gặp Ly Ly, cô muốn
tránh mặt anh hay làm theo ý chỉ của anh? Từ nay đừng có nhìn mặt thằng này
nữa nghe chưa! Hoàng đã ném vào mặt Ly Ly câu đấy cả trăm lần rồi, mỗi bận
anh lên cơn điên. Chưa khi nào Ly Ly tự ái, hoặc cô cười toe toét dài giọng nói
“vơ... ơng” như tiếng “vơ... ơng” của bà già trong truyện ngắn Một bữa no
của Nam Cao, hoặc nguýt dài ngoảnh mặt bỏ đi ra điều không thèm chấp, hôm sau lại
a tới ôm vai bá cổ.
Lần này khác, chẳng những Ly Ly tránh mặt Hoàng mà còn
tránh mặt hết lượt anh em. Cô không đến tòa soạn một lần nào nữa. Dù gì Hoàng
cũng phải gặp Ly Ly để nói một lần cho xong. Bất kì đứa con nào cũng cần phải
biết bố mẹ đẻ của mình, thật bẽ bàng khi phải nói ra chuyện này nhưng nếu không
nói Hoàng là người có lỗi.
Khi biết mình chỉ là con nuôi ông Cảnh rất có thể Ly
Ly còn đau khổ hơn là không biết. Ly Ly yêu ông Cảnh vô cùng, ông là thần tượng
bất diệt của cô. Nhờ có ông Ly Ly được xếp vào đội ngũ “hạt giống đỏ”, con cái
ông lớn của thành phố, niềm tự hào không cần giấu giếm của cô. Khi sự thật được
phơi bày, tất cả điều đó đều sụp đổ, liệu Ly Ly có chịu được không? Chịu được,
Hoàng tin. Ly Ly biết thương người và có bản lĩnh, cô sẵn sàng đánh mất tất cả
để có bố mẹ đẻ của mình.
Ngày cuối tuần Tổng Biên Tập kéo Hoàng vào phòng. Ly
Ly nó nghỉ việc rồi ông ạ. Tổng Biên Tập chán ngán thông báo. Sao? Hoàng bần thần,
chẳng biết mình hỏi gì. Anh không còn tin vào tai mình nữa. Việc Ly Ly bỏ nghề
khác nào trời sập. Ba ngàn nhà báo nước này, yêu nghề máu lửa như Ly Ly đếm
không đủ mười đầu ngón tay. Tổng Biên Tập đưa chén nước cho Hoàng. Ly Ly chỉ gọi
điện cho tôi nói em nghỉ việc nhé, rồi cúp máy. Chỉ thế thôi, cứ như đùa. Mặt Tổng
Biên Tập thuỗn ra, chắc ông quá tiếc một cây phóng sự bản lĩnh và sắc sảo.
Linh tính báo cho Hoàng điều gì đó không lành. Anh rời
phòng Tổng Biên Tập đi thẳng tới nhà Ly Ly. Bao nhiêu lần đứng trước cửa nhà bạn
gái ít khi Hoàng có một cảm xúc gì thật đặc biệt, lần đầu đứng trước ngõ nhà Ly
Ly tự nhiên Hoàng thấy hồi hộp lạ thường. Chuông cửa đổ ba lần, cô bé giúp việc
đi ra. Cô cháu không có nhà. Nhìn mặt cô bé biết ngay nó nói dối, Hoàng đành ngậm
đắng bỏ đi, anh không muốn để lại một lời nhắn nào.
Ba ngày sau rời cuộc rượu với anh Khiết về nhà, một mảnh
giấy cài trước cửa, Hoàng biết ngay thư của Ly Ly gửi anh.
“Em bỏ báo rồi
anh ạ. Đúng là báo hại, từ nay em không dây với nó nữa. Em đi Mỹ chơi, học thêm
tiếng Anh rồi chọn học một ngành nào đấy dễ kiếm tiền, sau này còn về nước lấy
chồng sinh con. Tất nhiên là không lấy anh. Nói thật buông được anh em nhẹ cả
người. Đừng buồn. Em chỉ là một cái ngoặc nhỏ trong tình trường của anh mà
thôi. Goodbye Forever.”
Vậy là Ly Ly đã tự nhổ mình ra khỏi thành phố này rồi.
Goodbye Forever.
Hoàng chui vào quán rượu trứng Phan Chu trinh. Nhiều lần
anh uống rượu ở đây mà không có Ly Ly, lần này khác. Giờ mới ngấm được hai chữ
“trống vắng”. Vẫn biết thế nào cuộc tình nửa nắng này cũng sẽ có cái kết, không
ngờ cái kết lại thậm tệ như vậy. Nói thật buông được anh em nhẹ cả người. Ly
Ly đã nói thật dù cô không thể hiểu vì sao lại như thế. Nó là hậu quả những ẩn ức
của Ly Ly từ thuở mới lên ba.
Chú đi đi, không cho chú ăn. Sao không cho chú ăn?
Không cho! Nói chú nghe nào, sao không cho? Chú không phải bộ đội! Thế chú là
ai? Chú là thằng hèn! Hoàng mới hiểu tại sao con bé không khóc sau cái tát trời
giáng của Thùy Linh. Nó biết nó đã thua cuộc, bố nó không có chỗ trong lòng mẹ
nó nữa. Và nó bỏ nhà ra đi, đi tìm bố nó hay đi đâu không cần biết, miễn thoát
khỏi người đàn ông đáng ghét.
Ẩn ức chất chứa hai mươi năm quyết không cho Ly Ly gắn
bó được thật sự với Hoàng. Chèn trong tiềm thức lâu ngày thành một khối u, ẩn ức
đã đến lúc bùng phát, đẩy Ly Ly ra khỏi cuộc tình ngang trái và phi lý. Em
đã bị anh lừa kể từ lúc nào em cũng chẳng biết. Vì thế em quyết định, điều đó
phải đến hồi chấm dứt. Ly Ly vẫn hay hát câu hát đó ngay cả khi đang khoác
tay Hoàng, chính cô cũng không biết vì sao cô hát vậy. Đó là cảnh báo của khối
u ẩn ức, làm sao Ly Ly biết được.
Ly Ly không thể nhớ sau cái tát của Thùy Linh cô đã lủi
ra sau nhà, cứ nhắm hướng biển mà đi. Cô bé Thùy Dương không biết đó là đường
ngắn nhất, từ Xóm Cát ra quốc lộ không đầy bốn cây số, trẻ con chỉ biết đi về
hướng mặt trời mọc, hướng trăng lên. Bốn cây số là chặng đường quá dài, cô bé
khó nhớ được lối về. Ra tới quốc lộ gặp ngay trận bom, cô bé chạy tơi bời trong
đêm đen dưới một trời bom đạn và bị bom hất xuống ruộng. Khi ông Cảnh bế Thùy
Dương lên, cô bé chỉ biết khóc chỉ trỏ vu vơ hướng cô bé đã ra đi, không thể biết
nhà cô bé ở đâu nữa.
Giờ đây Ly Ly không thể nhớ tên mình là Thùy Dương, mẹ
cô là Thùy Linh có lúm đồng tiền chấm phẩy. Nhưng biết đâu đấy Ly Ly đã biết, ẩn
ức xa vời mơ hồ như sương khói dần tích tụ theo năm tháng đủ cho cô biết mình
con cái nhà ai. Số phận run rủi xui Ly Ly đến với Hoàng buộc cô phải xua đuổi
cái tên Thùy Linh đã gợi thức trong cô.
Có phải thế không hỡi trời ơi!
*
Ông Rúm đã đoán sai. Mẹ con Thùy Linh không dắt nhau
trốn khỏi Xóm Cát, vì Hoàng mẹ con họ phải trốn Xóm Cát mà đi. Vậy mà Hoàng đã
tin ông Rúm. Anh đã lặn lội một tháng trời đi khắp huyện Tuy cố tìm cho ra dấu
vết họ nhưng không có. Tuyệt nhiên không.
Có thể Thùy Linh cũng chạy về hướng
biển buổi tối cô đuổi theo tìm con. Cô ra đến biển Củ Từ và bị bom. Búi tóc
kia, mảng đầu kia, cái vòng khuyên kia rất có thể là của Thùy Linh. Nhưng đấy
là có thể. Hoàng tin nếu không bị bom nhất định Thùy Linh sẽ quay về Xóm Cát,
không tìm được Ly Ly cô cũng quay về. Mất con rồi cô không thể mất thêm Hoàng.
Thùy Linh không quay về Xóm Cát nghĩa là cô đã chết, cô đã về trời để lại cho
Hoàng đứa con gái của cô, chẳng ngờ hai chục năm sau nó là một trong bốn chục
người tình nửa nắng của anh.
Hoàng không biết nên buồn hay nên vui. Buồn vì mất một
người tình đáng yêu, vui vì đã buông được một người tình không nên có. Chỉ tiếc
là Ly Ly đã rời bỏ Hoàng đúng lúc anh cần cô. Ly Ly bỏ đi để lại cho anh một
gánh nặng, đó là Xê Trưởng. Ông vừa bị tống giam, khó lòng thoát được một án tù
thật nặng. Phóng sự của Ly Ly không nhắc một chữ tới Xê Trưởng nhưng sau báo
chí là điều tra, tất nhiên đám quan quê cho thuộc hạ điều tra thế nào phải có lợi
cho họ. Nếu không đẩy Xê Trưởng vào vòng lao lý chẳng nhẽ họ tự đút tay họ vào
còng.
Hoàng tìm đến anh Khiết, chỉ có anh may ra mới có thể
cứu được Xê Trưởng. Anh Khiết chơi thân hết lượt triều đình từ thái giám đến
hoàng thượng, nếu còn chút tình đồng đội nhất định anh cứu được Xê Trưởng. Anh
em cùng chiến hào không cứu nhau lúc này còn lúc nào nữa. Anh Khiết nói ngay
không cần nghĩ ngợi. Hoàng khấp khởi mừng thầm, lôi anh ra quán rượu.
Anh Khiết ít khi uống rượu nhâm nhi, rót đầy cốc anh tợp
một hơi khà một tiếng. Lần này thì không, anh cầm cốc rượu xoay xoay không chịu
uống. Khó đấy. Anh Khiết nói. Báo chúng mày làm kinh động đến triều đình rồi.
Tiền bạc chẳng bao nhiêu nhưng động đến tâm linh, gì chứ án điểm là khó gỡ lắm.
Khó mới cậy đến anh. Hoàng khẩn khoản. Chỉ cần anh ra
tay, em sẽ cung cấp chứng lý cho anh. Chứng cái đầu bòi. Anh Khiết gạt đi. Vấn
đề là đạn. Tao đang tính xem mình có đủ đạn hay không. Hoàng thè lưỡi rụt cổ.
Nói đến đạn Hoàng đành ngậm miệng. Biết Hoàng mù tịt về chuyện này anh Khiết
không nói gì thêm. Anh cứ cầm cốc rượu xoay xoay, miệng lẩm bẩm khó đấy khó đấy...
Một giờ sau anh Khiết vỗ vai Hoàng. Một là nhờ trời
hai là nhờ tiền, thôi đừng nghĩ nữa, uống đi. Vụ này mày để anh lo. Hoàng mừng
rỡ dạ to, ngước mặt chờ đợi. Anh Khiết cạn rượu, nhìn vào khoảng không, cái
nhìn khó đăm đăm. Tao mà không mất tiền vụ Đôm 5 ở Nga thì vô tư đi, tao
nã đại bác chúng nó chết hết, chết hết! Dằn mạnh cái cốc, mắt anh Khiết rực lên
một nỗi căm hờn.
Hoàng ôm lấy anh Khiết. Mấy tiếng “thắm thiết tình đồng
đội” ngày xưa nghe sến bốc mùi, lúc này đã làm Hoàng ứa nước mắt.
Hoàng say. Anh tính đi thẳng về nhà đánh một giấc, chẳng
hiểu sao lại đâm xe vào tòa soạn. Lão Bốn từ phòng trị sự chạy ra. Có bà nào gọi
điện hỏi ông từ sáng đến giờ. Xem chừng có việc gấp. Bà nào nhỉ, tôi có quen bà
nào đâu. Hoàng quăng mình xuống ghế. Ông cứ ngồi đấy. Thế nào bà ấy cũng gọi lại.
Lão Bốn xốc ấm pha trà. Vắng nàng Ly Ly, ông dạo này bệ rạc quá đấy. Cái nhìn
trộm của Lão Bốn. Hoàng ngáp dài, chỉ muốn lăn ra ngủ.
Thôi, tôi về đây. Hoàng đứng dậy vừa lúc chuông điện
thoại réo. Đấy đấy. Bà ấy đấy. Lão Bốn chộp lấy máy đưa ngay cho Hoàng. Vừa
nghe hai tiếng “Cậu ơi!” Hoàng đã biết ngay Chị Giặt Chiếu. Chị khóc nghẹn
không nói được, ráng nói thêm hai tiếng “Cậu ơi!” rồi lại khóc nghẹn và dập
máy.
Xê Trưởng nguy rồi!
*
Tàu tốc hành đưa Hoàng về quê sau
năm tháng anh rời chốn đó. Lần này Hoàng một mình lẻ loi. Anh không biết về để
làm gì nữa. Thằng Phó Chủ Tịch Văn Xã đã sắp xếp xong xuôi. Chủ Tịch Huyện phải
lãnh lấy án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Không cần hỏi Hoàng
cũng biết Trưởng Phòng Thương binh Xã hội và đám đàn em đã khai gì. Nó lú có
chú nó khôn, trước khi để cho đàn em bị bắt thể nào Phó Chủ Tịch Văn Xã cũng
khuyên tụi này mau chóng nhận lấy phần tham ô, những gì vô đạo bất lương cứ đẩy
hết cho tổ quản trang. Lấy xương trâu bò thay hài cốt liệt sĩ là tội của tổ quản
trang, đào bới mồ mả của dân lấy hài cốt thay hài cốt liệt sĩ cũng là tội của tổ
quản trang nốt.
Xê Trưởng khó lòng chối tội. Với Xê Trưởng cấp trên
luôn luôn đúng, chỉ có những thằng ngu mới cảnh giác với cấp trên. Xưa nay ông
chỉ tuân theo lệnh mồm, chỉ cần lệnh mồm là quá đủ, dù có văn bản ông cũng làm
đóm hút thuốc lào, không mấy quan tâm. Thế là xong. Cái lý văn bản chẳng có đâu
trong khi mọi cái mồm cấp trên đã phủi, những cú đấm hộc máu mồm cùng với những
dụ dỗ ngon ngọt trước sau gì Xê Trưởng cũng gục ngã, ngoan ngoãn ôm hết tội về
mình.
Trời và tiền hai thứ đó may ra mới cứu được Xê Trưởng,
anh Khiết nói đúng. Hoàng chỉ biết cầu trời, thứ còn lại phải trông chờ vào anh
Khiết. Tiền không nhiều nhưng khôn khéo thì anh Khiết có thừa, nhờ trời gia ân
cứu độ may ra việc lớn có thể thành. Hoàng về quê không phải để chạy chọt, anh
thấy cần phải ở bên Chị Giặt Chiếu, người đàn bà khổ đau của Xê Trưởng. Lúc này
chị không biết bấu víu vào ai.
Tàu chạy một hơi đến Thanh Hóa. Cả toa tàu đã đang ngủ
say. Hoàng ngồi bên cửa sổ nhìn ra trời đêm. Tiếng còi tàu ngái ngủ. Sương đêm
lành lạnh lọt vào cửa sổ. Hoàng thấy bâng khuâng, không biết bâng khuâng về nỗi
gì. Lại thấy nhớ, nỗi nhớ rưng rưng mỗi lúc một đầy lên. Không biết nhớ ai, nhớ
về cái gì, chỉ nhớ vậy thôi, ấy là nỗi nhớ mỗi khi Hoàng một mình với trống rỗng.
Nhớ vô hình, bâng khuâng vô ảnh Hoàng đã gặp nhiều, lần này sao nặng trĩu?
Không biết, không biết nữa...
Tàu đi trong đêm mênh mông, bốn phương tám hướng chìm
trong giấc ngủ khuya khoắt. Xa tít tắp lấp ló một ánh đèn. Từ một cây số vẫn
nhìn thấy rất rõ. Ngọn đèn hạt đỗ của chị Rá! Xóm Cát mình chị đỏ đèn suốt đêm.
Chị không ngủ được, chứng mất ngủ có từ thuở nhỏ, lâu ngày tích tụ thành chứng
điên, khi mê chị múa hát quay cuồng, khi tỉnh chị ngồi im như tượng, nước mắt
giọt vắn giọt dài.
Ngày thứ ba mươi đi tìm kiếm mẹ con Thùy Linh, Hoàng
trở về Xóm Cát vào lúc nửa đêm. Từ xa Hoàng nhìn thấy ngọn đèn hạt đỗ của chị
Rá, giúp anh định hướng đi thẳng một mạch về nhà. Chị Rá đang ngồi ôm rá khoai
nghe ông Rúm kéo đàn cò. Họ nhìn thấy anh nhưng không ai gọi. Cả tháng nay họ
đã quá quen cảnh đi sớm về khuya tìm kiếm vô vọng của anh rồi.
Hoàng chui vào nhà Thùy Linh, nằm vật ra mệt mỏi rã rời.
Tiếng đàn cò ông Rúm lẫn trong tiếng cú kêu. Con cú què... nó lại kêu rồi... lại
kêu rồi. Hoàng lẩm bẩm và ngủ vùi trong lẩm bẩm kéo dài đến chiều hôm sau.
Chừng ba giờ chiều Hoàng tỉnh dậy. Nhà chẳng có gì ăn,
còn đúng một nửa chum nước lã. Hoàng uống cạn một gáo nước, thêm một gáo nữa.
Anh nằm rũ ra, bụng rỗng réo ùng ục. Chị Rá thò mặt qua cửa sổ. Đói không?
Hoàng chưa kịp gật đầu chị đã đùn rá khoai qua cửa sổ và biến đi thật nhanh.
Sau lần bị ông Rúm phát hiện chị đã nói với Hoàng chị đã trúng thai, chị không
dám gặp mặt anh nữa. Hoàng chẳng nghĩ ngợi gì, anh mừng thầm cho chị. Mới hai
tháng cái bụng chị đã lùm lùm, nhanh quá.
Bóc mấy củ khoai môn nhẩn nha ăn, Hoàng nghe tiếng ì ì
như tiếng cối xay lúa. B52? Hoàng nháo ra sân ngửa cổ nhìn trời. Ba chiếc B52 xếp
hình tam giác vừa chui ra từ những đám mây trắng toát. B52!... B52! Tiếng ai đó
kêu lên chưa dứt đất trời đã tối sầm nghiêng ngả.
Ba loạt bom nối tiếp. Tiếng bom bục bục đùng... bục bục
đùng kéo dài trong ba phút. Hoàng nằm sấp ôm đầu chờ chết, sóng đất dội ngược đập
vào ngực, đất cát tạt mạnh vùi dập anh đến nghẹt thở. Một phút qua rồi. Một
phút nữa... vẫn sống! Phút thứ ba nhanh đến không ngờ. Sống! Sống thật rồi!
Hoàng ngẩng lên, toang hoác và lặng ngắt. Mái tranh bị
bóc toác một đám, từ đấy hai cánh tay buông thõng. Ai đó? Hoàng gọi. Hai cánh
tay buông thõng không hề động cựa. Anh nhảy lên đu bám xà ngang, bám theo thanh
đòn tay tre ống lần tới phía hai cánh tay. Ống tre đã mục gãy ngang. Hoàng rơi
xuống. Một xác người rơi xuống theo đánh bịch trước mặt anh. Thằng Rú! Thằng bé
cao to đẹp trai nhất xóm, mới mười sáu tuổi đã cao tới một mét bảy mươi. Nó bị
bom đánh toác ngực, bắn lên mái nhà chết gục ở đấy.
Hoàng vực thằng Rú dậy, kéo nó ra cửa. Đống cát đen chất
cao trước sân, lấp kín cửa ra vào. Hoàng cố bới cát chui ra. Cát nén chặt như đất
nện, bới mãi không được. Thằng Rú chết rồi... cứu cứu! Hoàng ra sức kêu gọi.
Không ai lên tiếng cũng không ai chạy tới. Hoàng đạp tấm phên hồi nhà, gắng gỏi
kéo thằng Rú qua khỏi tấm phên.
Đập trước mắt Hoàng một vùng đen ngòm. Trời đen ngòm
những đám khói đen đùn lên từ phía sau xóm, đang cuồn cuộn kín trời. Đất đen
ngòm bùn đất vương vãi khắp nơi, dày đặc những ụ đất đùn lên cao thấp lô nhô,
như ai đó vừa lật ngược vỏ trái đất. Thằng Rú chết rồi... cứu cứu! Hoàng bắc
loa tay kêu rất to. Đây!... em đây. Có tiếng con gái phía trước nhà. Hoàng chạy
tới. Mặt cái Rim lẫn trong bùn đất, may còn chừa ra cái miệng, nhờ vậy nó đã sống.
Hoàng nhấc đầu con Rim lên, kéo tuột nó ra khỏi đám
bùn đất lúc này đã đặc quánh, cứng nức. Chẳng ngờ dưới lưng con Rim có hai xác
chết. Thằng Rí và con Ri bị bom đánh bạt tới đây, cả đống bùn đất tấp lên chúng
nó, cả hai đều chết ngạt. Tội nghiệp hai anh em con ông Ro.
Có người chết... cứu cứu! Xóm Cát vẫn nín thinh, chết
hết cả rồi chăng?
Anh ơi... cháy hết rồi! Con Rim nằm
run rẩy chỉ trỏ. Hoàng đảo mắt nhìn Xóm Cát. Mười một nóc nhà tan nát nhưng
không nhà nào cháy. Cháy đâu nào? Con Rim chỉ về phía bãi dầu. Đúng rồi! Khói dầu
đang túa lên từ phía ấy. Bom khui trúng bãi dầu! Nãy giờ mãi theo mấy đứa trẻ
Hoàng không để ý. Hèn gì khói đen bốc lên đặc trời. Hoàng hiểu vì sao anh gọi
không ai nghe thấy. Cả xóm đang tập trung dập lửa bãi dầu. Em nằm yên đây nhé.
Hoàng kê cao đầu cho con Rim. Anh quay lại ngay. Hoàng lao về phía bãi dầu.
Một phuy dầu nổ bùng văng vào đám
đông, lửa trùm lên hết thảy. Sáu bảy người dính lửa ôm đầu chạy cuống cuồng. Mọi
người đổ xô đến tấp cát vào họ mãi mới tắt. Họ nằm lăn trên cát toàn thân đen đỏ
nham nhở như những con cá lóc nướng. Lại một phuy dầu nổ bung, lửa trùm kín ông
Ro. Phút chốc ông Ro biến thành một đuốc lửa cháy rừng rực. Ông Ro chạy vùn vụt.
Mọi người hối hả đuổi theo.
Hoàng chạy nhanh nhất, anh đuổi kịp. Ông Ro rơi ngã sấp
mặt, lửa vẫn cháy rừng rực, mùi thịt cháy khét nồng. Mọi người kịp đến vùi cát
tha hồ lên ông Ro. Ông Ro lật ngửa. Ông chết từ lúc nào, mắt trợn miệng há, lửa
trong miệng vẫn phun ra cháy xèo xèo. Mọi người ngồi quanh ông Ro. Không ai nói
một lời. Khói lửa vẫn bốc cao. Những cái nhìn bất lực, tuyệt vọng.
Liên tiếp ba bốn phuy dầu nổ, bốc thẳng lên cao, rơi ập
xuống đám đông, phun lửa phì phì. Mọi người chạy tản ra được, chỉ còn chị Rá.
Không hiểu sao chị cứ ngồi ôm bụng quằn quại. Phuy dầu rơi bùng lên, rơi xuống
cả một khối lửa trùm lên chị. Như một đứa trẻ ngu ngơ không biết có lối ra, chị
quay mòng mòng trong đám lửa, cứ thế nhảy múa quay cuồng. Hoàng liều chết xông
vào ôm chị Rá chạy thoát qua đám lửa. Lửa trùm cả lên mặt mũi Hoàng bỏng rát,
anh không thấy gì nữa, ráng hết sức cố chạy được bước nào hay bước đó.
Thoát qua được đám lửa, Hoàng buông chị Rá cho mọi người
dập lửa. Cát vùi kín chị Rá. Ít phút sau lửa tắt ngấm. Hoàng nhấc đầu chị Rá
lên, chị đã chết cứng. Ông Rúm lẩy bẩy bới cát đưa chị lên, cái bụng lùm lùm của
chị vẫn còn nghi ngút khói. Ối em ơi! Ông Rúm ngửa mặt kêu to, tiếng kêu như tiếng
lồng ngực vỡ toác.
Hoàng rơi xuống cát, lịm đi giữa trảng cát mênh mông
đen đặc khét nồng mùi dầu, mùi cỏ cây cháy mùi bùn đất cháy, cả mùi thịt người
cháy...
*
Ông Rúm gọi Hoàng dậy vào lúc gà gáy sáng. Anh không
còn nhớ mình đã nằm trên trảng cát từ chiều hôm qua hay đã mấy ngày rồi. Tiếng
đàn cò văng vẳng bên tai. Hoàng cố nhấc đầu lên. Ông Rúm đang ngồi dưới chân
anh mải miết kéo đàn cò. Nghĩ là mình đang nằm cạnh gốc đa già, thoáng sau
Hoàng nhận ra đây là đụn cát phía sau làng, nơi anh và Thùy Linh vẫn rủ nhau ra
đây nằm ngắm trăng. Thế mà ông Rúm vẫn biết, không có gì qua mặt được ông.
Mẹ con Thùy Linh về chưa bác? Ông
Rúm vẫn ngửa mặt kéo đàn, hết điệu Nam xuân tới điệu Nam ai, hai
hốc mắt đầy ánh trăng. Mẹ con Thùy Linh về chưa bác? Ông Rúm ngưng đàn, ôm ngực
ho rũ rượi. Rất lâu sau ông vừa nói vừa thở. Anh đi đi, đừng quay về xóm nữa.
Sao bác? Ông Rúm lại ôm ngực ho, cơn ho thật dài, ông gần như ngất đi. Bỗng ông
đột ngột hết ho, nói một hơi ráo hoảnh. Người ta biết hết rồi... Cả xóm này biết
anh là thằng đào ngũ. Tui ra đây để báo cho anh chuyện ni đó. Đi ngay đi...
không dân Xóm Cát xé xác anh! Hoàng ngồi bần thần không biết tính sao. Đi mau
đi... đồ ngu! Ông Rúm ho rũ rượi, khạc ra một cục máu đỏ tươi.
Hoàng quyết định
rời Xóm Cát kể từ giây phút đó.
Con đúng là đào ngũ nhưng con không phải thằng hèn. Chỉ
vì con nhớ Thùy Linh. Biết rồi biết rồi... Ông Rúm vẫn không ngớt cơn ho. Thưa
bác con đi. Hoàng vừa quay gót. Lập tức ông Rúm ngưng ho. Sau lưng anh tiếng
đàn cò lại cất lên tươi vui như một khúc khải hoàn.
Rạng sáng. Tầm giờ này hai mươi năm về trước Hoàng đã
bị tống cổ khỏi Xóm Cát. Đúng rồi, tầm giờ này. Bây giờ anh mới nhận ra mình nhớ
Xóm Cát. Có ai nhớ da diết cái nơi đã tống cổ mình không? Chắc chỉ có Hoàng.
Xóm Cát đã chết vùi trong cát không một ai sống sót, ngay cả cái tên cũng chết
hẳn trong trí nhớ người đời. Chỉ có Hoàng là nhớ, nhớ muốn phát khóc lên được.
Tàu xuyên qua những cánh rừng, chui vào bảy cái hang
lèn đá. Ga Minh sắp đến rồi.
*
Chị Giặt Chiếu đón Hoàng ở bến sông. Chị ngồi đây đợi
Hoàng suốt đêm. Hoàng vừa rời đò chị đã lội ào ra ôm chầm lấy anh. Cậu ơi!... Tử
hình cậu ơi! Chị Giặt Chiếu khóc nức nở. Hoàng rùng mình bủn rủn chân tay, mồ
hôi lạnh chảy dọc sống lưng, tóa ra toàn thân.
Vẫn biết người ta sẽ xử vụ này rất nặng, đang khi Đông
Âu rung chuyển và sụp đổ, để giữ lòng dân chính quyền sẽ không nương tay với những
ai xúc phạm máu xương những người lính, nhưng không thể ngờ có một án tử trong
vụ này. Thật kinh khủng.
Hoàng xiêu vẹo bước theo Chị Giặt Chiếu. Từ bến đò về
nhà Xê Trưởng chưa đầy ba cây số phải đi gần một tiếng mới tới nơi, mỗi bước nặng
như đá đeo. Chưa khi nào Hoàng thấy trách nhiệm đè nặng đến thế này. Hoàng quá
hoang mang, anh chưa biết làm thế nào để Xê Trưởng thoát cái chết cận kề. Chị
Giặt Chiếu múc cháo cho Hoàng, anh không nuốt nổi, chỉ mong trời mau sáng chạy
ra bưu điện gọi điện cho anh Khiết.
Bảy rưỡi sáng bưu điện mới mở cửa.
Hoàng nhảy bổ vào cabin điện thoại. Tao biết rồi. Anh Khiết nói oang oang. Người
ta đổ cho ông Xuyến tội chủ mưu, án tử là vì thế. Cái ống nghe trong tay Hoàng
run bắn. Phải chứng minh anh Xuyến chỉ thừa lệnh. Anh Khiết cười gằn. Tao nói rồi,
chứng cái đầu bòi. Nhưng chứng minh được thì sao? Sao mày ngu thế nhỉ. Anh Khiết
cáu, gắt ngay. Ông Xuyến nhận rồi, nhận hết rồi. Ai nói với anh?... Hả... ai
nói với anh? Hoàng kêu to. Tiếng kêu tắc nghẹn, như có ai bóp chặt yết hầu.
Anh Khiết lặng đi, không biết nói thế nào cho Hoàng hiểu.
Bình tĩnh đi em. Phút sau anh Khiết mới lên tiếng, giọng mềm hẳn đi, run run.
Mày cứ để anh lo. Còn nước còn tát. Trên điện thoại anh chỉ nói được với mày thế
thôi. Hoàng dập máy, luống cuống đến nỗi không biết lối ra cabin, cứ đâm bổ về
phía trước va ngay tấm gương lớn đau điếng, chảy cả máu mũi. Mấy cô nhân viên
bưu điện bịt miệng cười. Hình như họ nhận ra Hoàng.
*
Bình tĩnh. Phải bình tĩnh. Hoàng chui vào góc vắng
quán cà phê vườn ngồi yên cho máu nóng nguội đi. Rồi đi đâu, gặp ai? Hoàng hoàn
toàn bế tắc. Giá có Ly Ly bên anh lúc này thì hay biết bao nhiêu. Có Ly Ly, nếu
cô không giúp được gì ít ra anh cũng không đơn độc. Cái kết ngu ngốc điên rồ với
Ly Ly đã đẩy Hoàng ra nông nỗi này. Hoàng ngồi tiếc ngẩn ngơ.
Một toán thanh niên ồn ào đi vào. Hoàng không để ý lắm,
anh mải nhìn ra hàng rào cây dâm bụt đầy những bông hoa đỏ tươi. Tiếng ồn ào đột
ngột ngưng hẳn, có vẻ như toán thanh niên đang rón rén đi ra. Hoàng quay lại. Họ
đi ra thật, toán thanh niên bấm nhau lẹ làng ra khỏi quán. Anh chàng đi đầu có
cái đầu húi cua trông quen quen, nhìn sau lưng không biết đó là ai.
Chắc đám này biết Hoàng, người ở Thị Trấn này ai mà
không biết. Hoàng và Ly Ly về Thị Trấn cả chục ngày, đi đâu cũng có người chỉ
trỏ, lạ gì đâu. Loạt phóng sự bốn kì của Ly Ly làm rung chuyển cả tỉnh, dân Thị
Trấn bàn tán xôn xao năm tháng nay rồi.. Mấy anh chàng này chắc là cán bộ huyện
Tuy, sợ phải liên lụy họ tránh mặt Hoàng, chắc vậy. Thôi kệ. Sự đời là thế,
quan tâm làm gì.
Vừa quay lại nhấp ngụm cà phê Hoàng bỗng nhớ ra ngay,
anh chàng đầu húi cua là Phó phòng Thương binh Xã hội. Thôi đúng rồi. Chính thằng
này gửi thư tố cáo ra tòa soạn. Dĩ nhiên là thư nặc danh nhưng những ngày Hoàng
và Ly Ly ở đây nó đã lén lút gặp Ly Ly rất nhiều lần, nhất cử nhất động của
lãnh đạo huyện Tuy nó báo hết cho cô. Vụ này nó biết tận chân tơ kẽ tóc, chắc
chắn nó cũng sẽ biết Phó Chủ Tịch Văn Xã và Trưởng Phòng Thương binh Xã hội bày
mưu tính kế thế nào để đổ hết tội cho Xê Trưởng.
Phải túm lấy thằng này! Nếu nó công khai cho thiên hạ
biết quan chức huyện Tuy làm thế nào để biến tổ trưởng tổ quản trang thành kẻ
chủ mưu thì Xê Trưởng thoát chết, thậm chí có thể thoát vòng lao lý. Hoàng phấn
chấn hẳn lên. Một phần ngàn tia hy vọng đã lóe sáng. Phải túm lấy thằng này! Xê
Trưởng sẽ thoát chết... Xê Trưởng sẽ thoát chết... Ối giời ơi! Hoàng muốn nhảy
lên hét thật to.
Hoàng ra ngay khỏi quán cà phê, quên cả trả tiền.
*
Hoàng bám chặt thằng đầu húi cua. Nó tên là Nam, Phó
phòng Thương binh Xã hội. Từ khi Trưởng Phòng Thương binh Xã hội bị tống giam,
nó lên thế chân, thỏa ước mong của nó. Chín năm phấn đấu không bằng một thư nặc
danh, nước cờ vạn kẻ thực thi chỉ một hai kẻ thành tựu. Thế mới biết thằng này
không phải tay vừa.
Hoàng bám chặt quán cà phê trước cửa Ủy ban huyện suốt
tuần liền không thấy thằng Nam vãng lai. Ba lần anh đến trước cửa nhà nó cả ba
lần đều giống nhau: con chó nhảy ra sủa, vợ nó bồng con chạy ra nói chồng cháu
đi vắng rồi chú, rồi ôm con ngoảy đít đi vào, khép chặt cửa. Lần thứ tư không để
vợ nó mở mồm, Hoàng nhảy xổ ra trước mặt cô ta. Nói với chồng cháu, nếu còn cố
tình tránh mặt... chú sẽ tố cáo việc nó hợp tác với tòa soạn báo, rõ chưa!
Hoàng quay lưng, thủng thẳng đi ra ngõ, hy vọng mấy
phút sau thằng Nam lén bám sau lưng. Không thấy. Đi hết ngõ vẫn không thấy. Ngõ
nhỏ đầy ánh trăng không thấy một bóng người. Hoàng rẽ vào góc ngõ tìm chỗ đi giải.
Ti vi nhà ai đang nói oang oang, chỉ có ti vi nhà quê người ta mới vặn hết cỡ
volume thế này. Truyền hình tỉnh đang phát cảnh một ông quan nào đó về thăm huyện
Tuy. Kìa, Phó Chủ Tịch Văn Xã ra đón. Hắn đã là Bí Thư Huyện Ủy rồi a? Đúng rồi,
huyện Tuy vừa xong đại hội.
Ở trong bếp một đứa bé chạy ra
phòng khách a tới góc trái bộ salon. Bây giờ Hoàng mới thấy Phó Chủ Tịch Văn Xã
đang ngồi trước ti vi. Té ra đây là nhà riêng của hắn. Hoàng lén đi sâu vào ngó
qua cửa sổ. Hắn đang say sưa ngắm hắn trên ti vi với vai trò Bí Thư Huyện Ủy. Cái
mặt hắn đầy háo hức. Hoàng muốn đạp cửa xông vào bóp cổ hắn. Cái cổ ngẳng bằng
cổ chân thế kia chỉ cần hai xiết là hắn thè lưỡi. Hoàng đứng dạng bắt vòi tiểu
thẳng vào cửa sổ nhà hắn, xong rồi túc tắc bỏ đi. Anh thấy nhục hơn là vui. Nhà
văn nổi tiếng khắp ba miền chẳng làm gì được bí thư huyện cà mèng, đành nuốt hận
bằng một trò con nít.
Một bàn tay bấu vào vai Hoàng, anh quay ngoắt lại. Thằng
Nam! Trưa mai anh vô tỉnh, gặp nhau ở ga. Nó nói thật nhanh và biến đi cũng thật
nhanh. Hoàng thở phào, một phần nghìn tia hy vọng lại lóe sáng. Khoan khoái và
phấn khích Hoàng đi thẳng ra bờ sông. Anh ngả lưng trên hòn đá Trịnh-Nguyễn
phân tranh, nằm dạng chân tay đón gió sông Ninh. Nhớ. Lại nhớ. Ừ, nhớ thật
lâu, nhớ thật nhiều.
Nhớ cái áo cánh màu tím hoa cà của Thùy Linh vẫn úp
lên mặt Hoàng, cái áo hoi hoi mùi sữa non lẫn mùi hoa bưởi thơm thơm. Nhớ vệt mực
bút bi của Ly Ly kéo loằng ngoằng từ ức tới rốn Hoàng. Tiền em để dưới góc
trái tảng đá. Ăn những gì anh thích, làm những gì em dặn. Em đi hú hí với bọn
gian thần đây! Ai bảo tối qua ngủ khì không chịu cho em?- I hate you! Nhớ
ba tiếng “Em ờ Thên Huớ” của Lý và tiếng huýt sáo Đi giữa trời khuya sao đêm
lấp lánh... vẫn kéo cổ Hoàng sấp ngửa tới suối Voang. Nhớ nụ cười mê mệt nở
lịm trên môi của chị Nụ sau trận tình ngẫu hứng, gương mặt thanh tân chứa chan
hạnh phúc bất chợt rực lên giữa rừng chiều. Nhớ đôi bắp chân trần trắng lịm của
Lương và một tiếng “ôi” rung nhẹ trong đêm. Nhớ cả rá khoai của chị Rá và mấy
tiếng thì thầm hoan hỉ “Tui đậu rồi cậu ơi!” đã làm Hoàng bật khóc.
Mà khóc thật, khóc ướt cả ngực áo đây này.
*
Sáng rồi. Nắng mai tươi rói tràn ngập bến sông. Muộn mất
rồi, mau mau vào Thị xã Trường Sơn, thằng Nam đang đợi.
Hoàng chạy về Thị Trấn, bắt một chiếc xe ôm, giục nó
chạy thật nhanh vào tỉnh. Ga tàu rầm rập người vào ra, tàu Bắc vừa về tàu Nam sắp
đến. Hoàng đi thẳng vào nhà ga. Không thấy thằng Nam. Linh tính báo cho anh biết
có thể anh bị lừa. Tại sao hắn hẹn ở đây trong khi có thể tìm được một chỗ kín
đáo ở Thị Trấn.
À không, nó đây rồi. Thằng Nam bất ngờ xuất hiện,
không nói không rằng kéo anh vào sân ga. Tàu tốc hành từ Sài Gòn đang chạy chậm
trong sân ga, thằng Nam lên chuyến tàu này. Em đi công tác, gấp quá phải hẹn
anh ở đây, anh thông cảm. Thằng Nam vừa đi vừa nói. Nó chọn gặp Hoàng ở đây để
chỉ nói đôi ba câu là nhảy tàu dông thẳng ra Bắc, Hoàng phán đoán rất nhanh. Em
không làm gì được đâu anh, chúng nó ghê lắm. Thằng Nam hấp tấp nói, mắt dáo dác
tìm toa tàu.
Chúng nó là ai? Hoàng giữ chặt
tay thằng Nam không cho nó thoát. Thằng cận bốn diop anh ạ, nó đấy. Thằng Nam cố
rút tay ra khỏi tay Hoàng. Anh phải ở lại, không đi đâu cả. Mặt Hoàng rắn lại.
Tiếng nói của anh cứu được anh Xuyến. Không được đâu anh ơi, anh để cho em đi.
Thằng Nam nhăn nhở van xin. Hoàng chụp lấy cổ áo thằng Nam giật mạnh. Tính mạng
anh Xuyến to hơn cái ghế của mày hả thằng kia?
Mặt thằng Nam tái dại, nó chắp
tay lạy rối rít. Không phải cái ghế... anh ơi không phải cái ghế... tính mạng của
em. Thằng Nam mếu máo. Con em còn nhỏ lắm anh ơi! Hoàng buông tay, chỉ vì câu
cuối của nó mà Hoàng buông tay. Thằng Nam sụp xuống lạy Hoàng rồi lẹ làng nhảy
tót lên tàu.
Tàu chạy. Hoàng nhìn vói qua cửa sổ, thằng Nam đang ngồi
rung đùi hí hửng, cười rất tươi.
Thằng chó đẻ!
*
Hoàng quay lại Thị Trấn Ninh
Giang. Đắng cay không thể tả, anh đi thẳng tới bưu điện. Chẳng biết làm gì hơn
là trò chuyện với anh Khiết. Thua rồi mày ạ. Vừa nghe tiếng Hoàng anh Khiết nói
luôn. Sao?... Là sao anh? Hoàng lập cập, biết trước sự thể này rồi Hoàng vẫn
run lên. Tao chạy tướt bơ hai tuần nay. Thua. Tóm lại là thua. Anh Khiết ngưng
lại hồi lâu, chừng như anh quá mệt mỏi. Mình chỉ có tiểu liên, chúng nó nã đại
bác. Thua thôi em ạ, không làm gì được chúng nó đâu. Hoàng cầm ống nghe, miệng
cứng đơ không nói được câu gì.
Ra khỏi bưu điện Hoàng đi như người mù. Anh lao thẳng
ra đường cái quan, hết tạt bên này lại tạt bên kia, khi tỉnh ra thấy mình đang
đứng trước cửa phòng Phó Chủ Tịch Văn Xã, à quên, hắn lên bí thư rồi, đ. mẹ thằng
cận bốn diop. Anh Hoàng! Hắn mừng rỡ ôm lấy Hoàng. Anh về khi nào mà chúng tôi
không biết. Hoàng cười cười không nói, anh chẳng biết nói gì chỉ muốn bóp cổ hắn.
Tôi đến đây chỉ nói với anh một câu, một câu thôi. Hoàng quá ngạc nhiên bỗng
đâu mình lại nói.
Vâng, anh cứ nói. Hắn ngồi xuống khoan thai rót nước,
ung dung ngước mặt chờ Hoàng. Các anh đã đẩy anh Xuyến tới chỗ chết. Đẩy một người
hiền lành chất phác tới chỗ chết là hèn, hèn và ác. Rất hèn và rất ác, hiểu
chưa!
Hắn đập bàn cái rầm. Câm mồm! Hạng
anh mà còn dám tới đây dạy dỗ chúng tôi sao? Hắn nhếch mép cười khẩy chỉ thẳng
vào mặt Hoàng. Một thằng đào ngũ còn lên mặt đạo đức. Chúng tôi không tố cáo là
phúc tổ ba đời anh đấy.
Hắn lấy khăn mùi xoa xỉ mũi. Bóp mũi bên này xỉ một
cái, bóp mũi bên kia xỉ một cái, thong thả ngoáy sạch hai lỗ mũi. Cuối năm 1972
lệnh truy nã anh về huyện Tuy. Khi đó tôi là Bí Thư Huyện Đoàn anh biết không?
Máu trên thân thể Hoàng đông cứng lại, xương thịt đang
vỡ ra từng mảng. Một nhát chém phạt ngang ngực Hoàng, anh rơi xuống, nằm vật dưới
chân hắn.
*
Không biết Hoàng tự rời khỏi phòng Bí Thư Huyện Ủy hay
lính văn phòng kéo Hoàng ra. Anh lảo đảo đi, cả vạn con đom đóm túa ra từ hai hố
mắt. Một người xốc nách đưa anh vào quán ngồi, rót nước cho anh uống. Hoàng
không thấy gì cả, vạn con đom đóm lập lòe trước mắt. Buồn nôn. Buồn nôn quá.
Hoàng phun ngược cả ca nước vừa uống vào mặt ai đó, nôn thốc tháo không còn một
thứ gì.
Đưa đi viện mau! Ba bốn người xúm lại dìu Hoàng ra
xích lô. Vừa ngồi lên xích lô Hoàng nghe có tiếng cú kêu rất gần. Con cú què
Xóm Cát? Chính nó! Hoàng thấy khỏe khoắn tỉnh táo lạ thường, anh rời xích lô đuổi
theo tiếng cú. Mọi người xúm lại giữ chặt Hoàng, anh đẩy họ ra. Tôi khỏe rồi, cứ
để tôi đi. Hoàng ù té chạy.
Từ huyện ủy con cú què bay thẳng
ra Xóm Trầu, từ Xóm Trầu bay qua nghĩa địa, bay thẳng ra Xóm Cát. Không thấy nó
đâu chỉ nghe tiếng nó lâu lâu lại rúc lên định vị cho Hoàng. Tới Xóm Cát con cú
không kêu nữa. Hoàng đứng giữa trảng cát nắng chang chang ngửa mặt tìm xem con
cú ở đâu. Vào khi Hoàng hết hy vọng tìm ra nó tính quay lui nó lại rúc lên một
hồi dài ở trên không. Thêm một hồi dài nữa, tiếng cú dần thấp xuống, thấp xuống
nữa.
Hoàng hồi hộp chờ đợi.
Cái bóng cú vụt qua. Tiếng cú rúc trên tóc, tiếng cú
rúc sau gáy, tiếng cú rúc trên tóc, tiếng cú rúc sau gáy... liên tục liên tục.
Hoàng quay chong chóng theo tiếng cú đến chóng mặt. Bóng cú lao xuống cách chỗ
anh đứng không tới chục bước chân. Nó chui hẳn xuống cát. Hoàng chạy tới. Cát
đang bay ngược lên tới tấp, rõ ràng con cú đang bới cát chui xuống.
Xóm Cát dưới này chăng? Nghe nói một trận B52 đã làm đảo
ngược mười một nóc nhà, cây đa và suối Mật xuống đáy cát trong vòng mười lăm
phút. Dân quanh đây đã kháo nhau như thế. Xê Trưởng cũng đã nói thế. Có thể lắm.
Dưới đáy cát là Xóm Cát. Nó vẫn sống ở dưới đáy cát, cái Xóm Cát ấy...
Hoàng hối hả bới cát theo hướng con cú vừa lao xuống.
Đây rồi thanh củi cháy dở. Đây rồi những cọng rơm lẫn với vỏ trứng gà. Đây rồi
những mảnh sành vỡ. A có tiếng đàn cò, tiếng đàn cò rất gần. Lúc này ở đây là
buổi trưa, biết đâu dưới đáy cát là nửa đêm. Ông Rúm đang kéo đàn cò vào lúc nửa
đêm. Tiếng đàn cò rất gần. Gần lắm. Ông Rúm đã chuyển sang hát xẩm chợ. Anh
khóa ơi! Anh ra đi mây nước muôn trùng,/ Em trở về vò võ phòng không một mình.
Trời ơi tiếng hát sao mà nghe rõ thế. Lại nữa, tiếng ru con của Thùy Linh. Lẫn
trong điệu xẩm chợ là tiếng ru con ngái ngủ của Thùy Linh. Cái bống đi chợ Cầu
Canh/ Con tôm đi trước, củ hành theo sau/ Con cua lạch đạch theo hầu/ Cái chày
rơi xuống vỡ đầu con cua. Thùy Linh! Hoàng kêu lên. Anh về đây rồi!... Anh
đã về đây rồi!
Tiếng kêu của
Hoàng nghẽn lại giữa chừng, ngập ngụa cát.
*
Ba giờ chiều một đoàn người ở biển
Củ Từ đi kiếm củi từ núi Ngậm Ngùi trở về, phát hiện ra hai bàn chân của Hoàng
nhô lên trên cát. Họ vội vã xúm lại kéo anh lên. Hoàng đã chết khô, trên tay
anh còn nắm chặt một thanh củi cháy dở.
16
“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây/ Đã vui chơi
trong cuộc đời nầy/ Đã bay cao trong vòm trời đầy/ Rồi nằm xuống, không bạn bè,
không có ai/ Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời/ Ru anh ngủ vùi, mùa
mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!
Bạn bè còn đó anh biết không anh?/ Người tình còn đó
anh nhớ không anh?/ Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên/ Khi bóng anh như cánh
chim chìm xuống...”
Anh Sơn ra
Hà Nội. Anh em kéo nhau vào lẩu bò Lê Phụng Hiểu. Anh Sơn nói đi xe ô tô ra Bắc
có ghé qua Thị Trấn Ninh Giang thắp hương cho Hoàng. Mình nói với anh Sơn, bài Hát
cho người nằm xuống hình như anh viết cho anh Hoàng chứ không phải cho một
ông phi công nào đó, nó đúng với anh Hoàng không sai một dấu phẩy. Anh Sơn cười
buồn, nói thực ra anh viết cho tất cả bạn bè của anh, những người không chịu được
thực tại đắng cay.
Mình khóc.
Linh
Đàm 2005 - Thảo Điền 2014
Xóm Cát của Nguyễn Quang Lập
Tình Cát tiếp tục truyện
Xóm Cát đã được tác giả viết ra cách đây ba mươi năm trong tiểu thuyết Những
Mảnh Đời Đen Trắng và kịch nói Mùa Hạ Cay Đắng. Bộ ba tác phẩm và cặp
đôi nhân vật Hoàng - Thùy Linh đã cùng Nguyễn Quang Lập băng qua Sa Mạc Trắng
cuộc đời và văn chương.
Ở cuốn tiểu thuyết mới này của Nguyễn Quang Lập, Hoàng
đã đi hết đường trần của mình. Anh chết ở Xóm Cát. Khi đang đào bới quá khứ của
mình. XC là ở quê anh. Anh đã bỏ XC mà đi. Anh đã tìm về XC. Anh đã trốn chạy
khỏi XC. Và anh lại tìm về XC. Để tìm lại Thùy Linh. Để tìm lại một thời tuổi
trẻ của mình. Để tìm lại một XC của những người dân vô tội. Để rồi anh chết
trong cơn hoang mê đào bới XC. Trong khi những kẻ rất tỉnh bây giờ đào bới những
xác chết dân lành để lập công. Hoang mê và thức tỉnh. Ngày qua và hôm nay. Chiến
tranh và hậu chiến. Hoàng chết ở XC, hết đường trần, nhưng đường đời chưa hết.
Vì Ly Ly đã hiện diện và biến mất trong quãng đời hiện tại của anh. XC như vậy
là chuyện của hôm nay.
Tôi đang ghi hai chữ XC. Đó là viết tắt Xóm Cát. Hẳn rồi.
Nhưng bạn có thể đọc XC là Xúc Cát, như Hoàng đang vật lộn với chính mình để
xúc bỏ lớp cát của quá khứ đọng dày trong ký ức hòng tìm ra sự thật bị lấp vùi
dưới cát, do tiếng nổ của đạn bom và sự im lặng của người đời. Bạn cũng có thể
thấy XC là Xúc Cảm. Của chính Hoàng và của bạn. Truyện này của Lập rất nhiều
xúc cảm, nhiều hơn những truyện khác của cùng tác giả. Nhưng XC bạn đọc hết
truyện sẽ lại có thể luận là Xác Chết. Những người, và nhiều nhất là những người
nữ, đã cho Hoàng sống đời mình, và họ đã chết để buộc Hoàng phải hoang mê phần
đời mình còn lại. Và chết. XC đó là của chính Hoàng. Cũng là của những người đọc
nào đã theo Hoàng từ hai tác phẩm trước của Nguyễn Quang Lập cho đến tác phẩm
này.
Vậy nên, XC là của mỗi người. Sau khi là của riêng
nhân vật Hoàng (và trong Hoàng là Thùy Linh). Sau khi là của tác giả Nguyễn
Quang Lập. Với tôi, XC ngoài những điều trên, còn là Xưa Cũ, Xin Chịu, Xót
Cùng. Và
Nguyễn Quang Lập, bộ ba tác phẩm và cặp đôi nhân vật, bạn đã Xem Chưa? XC!
Phạm
Xuân Nguyên
Những bóng ma thời hậu chiến
Một cuốn tiểu thuyết viết về thời hậu chiến, nhưng
gương mặt đầy máu của cuộc chiến vẫn hiện nguyên hình. Nó nằm sâu trong vùng ký
ức của người lính như Hoàng.
Những cơn mê quăng Hoàng vào quá vãng, để rồi không
phân biệt được người lính đó đã sống ở “thì” nào. Nhiều lúc Hoàng muốn thoát ra
khỏi vũng lầy quá khứ đó, nhưng càng vùng càng lún sâu, đến nỗi đời sống thực của
Hoàng không còn là thì hiện tại. Nói như Ly Ly, “Tại sao phải chia động từ ra
ba thì mới gọi là sống? Mình đang sống còn Hoàng thì đã sống, khác gì nhau nào,
ai điên ai tỉnh đây?”.
Có một thứ gì đó như ma ám được sinh ra từ chiến
tranh, khiến cho con người thời hậu chiến cứ mê mê, tỉnh tỉnh. Mặc dù chiến
tranh đã lùi xa bốn mươi năm, nhưng vẫn chưa tỉnh cơn mê.
Không ám ảnh sao được. Đọc “Tình Cát” của Nguyễn Quang
Lập, tự nhiên thấy sợ hãi chiến tranh như nó vừa dứt hôm qua để lại ngổn ngang
xác chết. Những cái chết của Lý, của Nụ, của Lương, của thằng Béo, của anh Chiến
lái xe, của thằng Rú, thằng Rí, con Ri, của ông Ro, chị Rá. Mỗi người một số phận,
một bi kịch. Mỗi người được đặc tả một kiểu chết, kinh hoàng và thê thảm đến
nghẹt thở. Nguyễn Quang Lập dày công “xây dựng” những cái chết đọc mà thấy rùng
mình run rẩy. Nhưng có lẽ, hiện thực chiến tranh còn dữ dội hơn nhiều, hiện thực
đó vượt qua sự tưởng tượng của nhà văn.
Cũng như cái xóm Cát với 11 nóc nhà đã bị lãng quên. Định
mệnh giao cho họ nhận lấy trách nhiệm của cuộc chiến, giữ một kho xăng mặc dù
không ai cần đến và nhớ tới, để rồi những con người vô tội đó chết cháy trên trảng
cát nóng rát lửa xăng, có người chết rồi lửa vẫn trào ra xèo xèo trong miệng.
Còn nhiều thôn xóm và thân phận bị lãng quên khác như quy luật vô tình của chiến
tranh. Xóm Cát chỉ là một điển hình để nhắc nhớ về sự vô tình đang tồn tại.
Sự vô tình đó biến hóa, nhập vào những kẻ có quyền lực
để chúng trở thành những bóng ma thời hậu chiến. Cái ác thêm một lần nữa chiến
thắng khi quyền lực rơi vào tay những kẻ ngu ngốc như Chủ tịch huyện và lưu
manh như phó Chủ tịch văn xã. Và cái ác chiến thắng khi người tận trung với cuộc
chiến tranh như Xê Trưởng phải chịu án tử hình.
Bất lực trước cái ác, nỗi ám ảnh chiến tranh như lớn
hơn trong tâm trí của Hoàng, để anh tìm đến cái chết thê thảm như những cái chết
đã từng ám ảnh anh.
Chỉ thêm hai chữ để nói về nghệ thuật của Tình cát:
Văn hay.
Lê
Thanh Phong
thích truyện Những bóng ma thời hậu chiến, thấy rất hay , mời các bạn tham khảo các thông tin >> Bạn có biết chăm sóc răng sứ Lumineers sau phục hình?
Trả lờiXóa