Đọc " Để trở thành nhà biên kịch phim truyện" của Nguyễn Quang Lập từ góc độ dạy và học văn trong nhà trường phổ thông.


Trịnh Thu Tuyết


Dù đã nghe nhà văn giới thiệu trước: cuốn sách rất cần cho giáo viên, học sinh khi muốn "kịch bản hoá" các tác phẩm văn học trong nhà trường, một thủ pháp quan trọng trong quá trình tiếp nhận văn học một cách chủ động, tích cực, nhưng vẫn có cảm giác băn khoăn của người ngoại đạo, nhất là khi đọc dòng chữ dưới nhan đề:" Cuốn sách không thể thiếu cho những nhà biên kịch"! Và quả thật, vì tính chất "dạy nghề" nên đọc cuốn sách này không hề dễ, nó không cuốn hút như khi đọc tác phẩm văn chương, nhưng sau mỗi trang, mỗi mục, lại thấy ngạc nhiên vì sự minh triết, giản dị, dễ hiểu đến mức có cảm giác rất ngây thơ thường thấy ở những người tuyệt đối ngoại đạo, đó là khi cuốn sách khép lại, người đọc nó sẽ bắt tay vào xây dựng ngay một kịch bản phim truyện(!).
Sự minh triết, mạch lạc hiện ngay trong cấu trúc tổng - phân - hợp của cuốn sách gồm 10 mục, trong đó mục "Nhập môn" có thể coi là phần dẫn luận mở đầu, đặt vấn đề / 7 mục sau đó, từ "Xây dựng ý tưởng", "Xây dựng chuyện phim", "Cấu trúc ba hồi", "Xây dựng nhân vật", "Tạo cảnh", "Thoại" tới "Soạn thảo văn bản" thực chất là giải quyết vấn đề đặt ra trong tiêu đề cuốn sách: con đường "trở thành nhà biên kịch phim truyện" / hai phần IX "Lời cuối" và X "Kịch bản tham khảo" chính là đoạn kết đầy thuyết phục khi người đọc được chia sẻ cảm nhận của một trong những biên kịch thành công sau khi học theo lý thuyết của tác giả cuốn sách, và nhất là được tác giả thị phạm khi đối chiếu giữa truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư ( Đỗ Phước Tiến) với kịch bản Đảo của dân ngụ cư ( Nguyễn Quang Lập). Một cấu trúc chặt chẽ, chắc chắn và thuyết phục, đó cũng là cấu trúc mà giáo viên thường dạy học trò khi viết bài văn với mở - thân - kết, viết đoạn văn với tổng - phân - hợp; một cấu trúc thậm chí xuất hiện trong bất kỳ một văn bản nào, dù là viết hay nói, dù chỉ là gọi một cuộc điện thoại!
Khi toàn bộ cuốn sách được đọc và tiếp nhận theo góc nhìn của một giáo viên văn, lập tức tôi thấy tính hữu ích của nó qua những bắt gặp/ đối chiếu và liên tưởng ứng dụng với quá trình dạy và học văn ở trường phổ thông!
Ngay trong mục "Nhập môn" đầu tiên, sự bắt gặp đã rất thú vị khi tác giả phân biệt khá rạch ròi giữa phông văn hoá và kỹ năng thông qua so sánh " việc đan rổ" với "văn hoá rổ": "...tôi không dạy về văn hoá rổ, tôi chỉ bày cho các bạn cách đan rổ. Nếu chỉ biết mỗi văn hoá rổ, bạn sẽ không bao giờ biết đan rổ, nhưng nếu chỉ chúi mũi vào đan rổ mà không quan tâm tới văn hoá rổ bạn sẽ rất khó đan được một cái rổ đẹp"! ( tr. 8). Bất kỳ nghề nào cũng có thể nhận được bài học quý giá từ quan niệm này, vì bất kỳ công việc nào cũng cần đồng thời cả văn hoá và kỹ năng. Nhưng nếu cuốn sách - giáo trình nghề của tác giả Nguyễn Quang Lập hướng tới kỹ năng thì công việc của giáo viên dạy văn luôn là sự kết hợp đồng thời cả hai yếu tố đó, thậm chí không thể tách rời.
Những việc cần làm của các nhà biên kịch tương lai được nêu ra trong phần "Nhập môn" ( xem phim nhựa và viết hàng ngày) cũng là những việc người dạy văn và học văn cần làm, tất nhiên phải thay đổi chút cho hợp nghề: đọc và viết! Quan niệm:" ... nhà văn và nhà biên kịch là những phu chữ, đến giờ đào bới bốc vác chữ nghĩa, hết giờ đi nghỉ, đừng nằm chờ hứng như Đại Lãn nằm chờ sung" ( tr. 10) chính là bài học cho đọc / học/ ghi chép/ luyện viết bài phân tích, cảm thụ văn chương; bài học đã được Azit Nexin nhắc tới trong truyện ngắn Nếu không có ruồi!
 Phần so sánh phim truyện điện ảnh với phim truyền hình đặc biệt gây hứng thú cho việc phân loại trong quá trình tiếp nhận, cảm thụ văn chương - sự phân loại không chỉ dừng lại ở thể loại ( tranh cổ động/ tranh nghệ thuật; diễn ca/ thơ...) mà ở mức độ cao hơn, có thể còn hữu ích cho việc phân biệt văn chương và văn chương minh họa, thơ ca tuyên truyền và thơ ca nghệ thuật ( những tiêu chí  phân loại khá nhạy cảm một thời!).
Giá trị của một tác phẩm văn chương sẽ được học trò nhận thức minh triết hơn khi áp dụng tiêu chí phân loại mang tính đẳng cấp của ngôn ngữ nghệ thuật trong hai loại phim truyền hình và phim điện ảnh: giống như "ngôn ngữ phim truyền hình thường đơn giản, dễ hiểu, trực chỉ" (tr. 14), những đoạn thơ như " Điều quân chiến dịch Thu Đông- Nông thôn phát động, giao thông mở mở đường - Giữ đê, phòng hạn, thu lương - Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu" ( Việt Bắc - Tố Hữu) nên hướng tới việc chỉ ra tính "biên niên sử" hơn là cố gắng cùng học trò khám phá giá trị nghệ thuật; ngược lại, khi tới với những hình tượng thơ sâu sắc, linh diệu trong Đây thôn Vĩ Dạ, Tây Tiến..., giáo viên cần giúp học trò biết đọc ra những tầng nghĩa  hàm ngôn giữa những khe chữ, tìm ra phần chìm của " tảng băng trôi" ( chữ của Hemingway), tựa như khám phá " ngôn ngữ phim điện ảnh nhiều công phu, nặng về tu từ, ý tại ngôn ngoại" ( tr. 14).
Toàn bộ phần chính của cuốn sách là những hướng dẫn cụ thể, sinh động cho quá trình biên kịch một tác phẩm phim truyện - điều đáng ngạc nhiên nhất là tất cả những công việc trong quá trình này đều được định danh, định tính, định lượng tới mức không thể giản dị và chi tiết hơn, từ hình thành "ý tưởng" cho tới xây dựng "chuyện phim", rồi từ "chuyện phim" mà thiết kế khung xương của bộ phim với "cấu trúc ba hồi"; trước khi tới những hướng dẫn "soạn thảo văn bản" hoàn chỉnh kịch bản phim truyện, tác giả có những hướng dẫn cụ thể và sinh động về cách "xây dựng nhận vật", "tạo cảnh", viết "thoại", những công việc giúp đảm bảo cho sự thành công của kịch bản.
Có ai đó từng viết: nhiều khi việc phân tích/ giới thiệu một tác phẩm trở nên thừa và vô duyên tới mức giống như phải viết lại chính tác phẩm ấy. Và đây cũng là trường hợp của cuốn sách "Để trở thành nhà biên kịch phim truyện", vậy nên, những ai muốn làm nghề hoặc làm những việc có mối quan hệ với văn chương, với nghệ thuật thứ bẩy, hãy đọc và tiếp nhận. Chúng ta sẽ sáng rõ thêm rất nhiều chi tiết hậu trường của nghệ thuật, không chỉ khi xem phim, đặc biệt, những người dạy và học văn trong trường phổ thông sẽ được trang bị thêm rất nhiều tri thức để tới với văn chương. Ngoài những nội dung đã đề cập ở phần trên về mối liên hệ không thể phủ nhận giữa ngôn ngữ điện ảnh và ngôn ngữ văn học, giữa các thủ pháp giữa văn chương - nghệ thuật ngôn từ và điện ảnh - nghệ thuật mà nhà biên kịch và đạo diễn J. Cocteau đã nói:" Phim, đó là chữ viết trong các hình ảnh thị giác", cuốn sách của tác giả Nguyễn Quang Lập còn là tài liệu tuyệt vời giúp thày trò có thể "kịch bản hoá" các tác phẩm văn học trong trường phổ thông. Với những trích đoạn các tác phẩm như Chí Phèo, Vợ nhặt, Chiếc lược ngà, Chiếc thuyền ngoài xa..., thay vì yêu cầu học sinh soạn bài theo hệ thống các câu hỏi nặng về hình thức trong sách giáo khoa ( nói " hình thức" vì nhiều khi việc trả lời chúng là bất khả thi, và rất ít ý nghĩa cho việc cảm thụ tác phẩm!), giáo viên hoàn toàn có thể hướng dẫn trò thiết kế tác phẩm theo hướng " kịch bản hoá"! Học trò buộc phải đọc kỹ, suy nghĩ tới độ chín, khả dĩ có thể hiểu nhân vật, câu chuyện..., tự thiết kế các kịch bản theo " cấu trúc ba hồi" để khám phá các xung đột, khủng hoảng, các chân dung tâm hồn, tính cách nhân vật mà không nhất thiết phải " diễn kịch"!
Bên cạnh các tác phẩm có biến cố, xung đột kể trên, chương trình ngữ văn THPT còn các tác phẩm như Đời thừa ( Nam Cao), Hai đứa trẻ ( Thạch Lam), Bến quê ( Nguyễn Minh Châu)..., những " truyện không có chuyện", những tác phẩm tiềm tàng khả năng tiếp cận theo hướng " kịch bản hoá" khác với các kịch bản tự sự truyền thống.
 Dù tác giả đã nói ngay trong phần Nhập môn:" Cuốn sách này cũng chỉ tập trung hướng dẫn các bạn soạn thảo kịch bản phim truyện nhựa thuộc dòng tự sự, là dòng nghệ thuật kể lại một câu chuyện có đầu có đuôi. Đây là dòng nghệ thuật căn bản của điện ảnh, văn học và sân khấu từ xưa tới nay. Tuy đã quá cũ rôi nhưng tới nay vẫn được số đông khán giả hâm mộ. Như người ta nói, hãy nắm vững các nguyên tắc trước khi phá bỏ nó, bạn phải nắm chắc kĩ nghệ sản xuất phim thuộc dòng tự sự này trước khi muốn chuyển sang sáng tác cho các dòng nghệ thuật điện ảnh khác" ( tr. 7,8), tuy nhiên, sự hữu ích của cuốn sách khiến chúng ta vẫn mong được đọc cuốn tiếp theo, mong được tác giả Nguyễn Quang Lập đề cập tới kĩ năng biên kịch cho "các dòng nghệ thuật điện ảnh khác"! Cuốn sách ấy cũng sẽ giúp người đọc có thêm kiến thức hữu ích khám phá giá trị các tác phẩm văn học và nghệ thuật theo xu hướng đổi mới thời hiện đại. Những " kịch bản phim truyện nhựa thuộc dòng tự sự, .... kể lại một câu chuyện có đầu có đuôi" chủ yếu dựa vào những hành động / xung đột bên ngoài, chuyện phim được xây dựng dưa trên các biến cố, sự kiện, " các bước ngoặt cuộc đời nhân vật được miêu tả phần lớn do sức mạnh, lòng dũng cảm, sự khéo léo và cơ trí của chúng" ( N. Poxelop). Đó là những kịch bản phim, những cốt truyện của các tác phẩm văn học truyền thống, khá hấp dẫn với số đông khi ngươi đọc, người xem trải qua mọi cung bậc ái ố hỉ nộ theo các xung đột, biến cố, kết thúc phim/ truyện là kết thúc xung đột!
Tuy nhiên, cuộc sống con người vốn được đặt trên nền của " tình huống xung đột cố hữu" ( chữ dùng của M. Bakhtin),  như A.Tsekhôp đã nói : "Người ta không lên Bắc Cực để đánh nhau với hải cẩu, người ta ở nhà đi làm, cãi nhau với vợ và ăn súp bắp cải", và chính trong những cuộc “cãi nhau” nhỏ nhặt nhàm chán và những bát “súp bắp cải” đời thường ấy lại chứa chất bao nhiêu vấn đề lớn lao của nhân sinh, thế sự. Đó là tiền đề cho những tác phẩm văn học, những kịch bản phim truyện nhựa khai thác sự vận động tâm lý, cảm xúc bên trong của nhân vật, trong đó, "sự kiện trước hết xuất hiện với tư cách là nguyên nhân của các suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật, các nhân vật thể hiện tư tưởng, tình cảm của chúng trong các hành vi (như lời nói, cử chỉ, nét mặt) nhưng không hề làm gì để mang lại các thay đổi bên ngoài đáng kể trong cuộc sống nhân vật" ( N. Poxelop). Đây là những tác phẩm có cốt truyện phổ biến trong sáng tác của A.T.Sêkhôp như Vườn anh đào, Quả phúc bồn tử, và các sáng tác của Nam Cao như Sống mòn, Đời thừa, những cốt truyện dựa trên cơ sở "những cơn thăng trầm trong cảm xúc của nhân vật, thường là độc lập với bất cứ sự kiện nào, những mâu thuẫn xung đột mà nhà văn nêu ra tồn tại cả khi khởi đầu của các sự kiện được miêu tả, cả trong quá trình chung diễn biến và cả sau khi chúng đã kết thúc, sự việc xảy ra trong đời nhân vật xuất hiện như là một sự bổ sung cho các mâu thuẫn đã có sẵn, bất chấp có sự việc ấy hay không" ( N. Poxelop).
Một cuốn sách hay thường khiến người đọc có cảm giác nuối tiếc khi đọc tới trang cuối cùng, một cuốn sách hữu ích sẽ khiến người đọc mong có những cuốn cùng đích hướng tiếp theo, những cuốn sách có thể đáp ứng nhu cầu không bao giờ kết kết thúc của cuộc sống. " Để trở thành nhà biên kịch phim truyện" của tác giả Nguyễn Quang Lập là cuốn sách có cả hai phẩm chất ấy!














1 nhận xét:


  1. Điện dân dụng viễn thông
    Công Ty TNHH MTV Thương Mại Kỹ Thuật Điện Thúy Nhi
    Nhà cung cấp thiết bị điện dân dụng, dây dẫn, thiết bị viễn thông cho các công trình xây dựng dân dụng, văn phòng, các hộ gia đình với giá tốt
    Thiết bị điện dân dụng | Báo giá thiết bị điện dân dụng | Ống luồn dây điện con rắn | Ống luồn dây máy tính | Ổ cắm điện đa năng âm bàn | thi công điện chiếu sáng TPHCM | Cửa hàng thiết bị điện bình thạnh | Ổ cắm điện âm bàn

    Trả lờiXóa