Nhà văn “làng ta” kể chuyện “làng ta”

MAI NAM THẮNG



Trong nghĩa trang Liệt sĩ của thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, ngôi mộ đầu tiên tính từ trên xuống là Liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn, sinh năm 1929, hi sinh ngày 16-8-1948. Anh là một chiến sĩ điệp báo mưu trí và gan dạ, tham gia Việt Minh từ thủa thiếu niên, bị địch bắt và hành quyết lúc mới 19 tuổi, được các thế hệ nhân dân quê nhà tôn vinh như một người anh hùng.

Nguyễn Tiến Nhẫn là con trai của ông Nguyễn Dư, tục gọi là ông Bộ Dư vì ông là người lo việc lễ lạt, tiệc dùng, đình đám của làng Phan Long, một ngôi làng cổ ở miền hạ bạn phía Bắc sông Gianh, được hình thành cách nay hơn 3 thế kỷ, sau cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn (1627-1775). Là trưởng nam của một gia đình “có chữ”, từ bé Nguyễn Tiến Nhẫn đã được học hành chu đáo, rất thạo tiếng Pháp. Đó là một lợi thế trong hoạt động cách mạng của Nguyễn Tiến Nhẫn, từ khi còn là một chú thiếu niên làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh ở Ba Đồn thời kỳ tiền khởi nghĩa; cũng như sau này kháng chiến toàn quốc bùng nổ, làm điệp báo của ngành Công an tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, nhờ thông minh và tài trí, Nguyễn Tiến Nhẫn đã thực hiện thành công kế “Vệ quân nhập địch”, lọt vào hàng ngũ quân thù để khai thác những tin tức quan trọng, giúp quân ta chủ động đối phó với những trận càn lớn ở chiến khu Trung Thuần và làng kháng chiến Cảnh Dương. Khi bị địch bắt, dụ dỗ mua chuộc và tra tấn cực hình, Nguyễn Tiến Nhẫn vẫn không nao núng, kiên cường giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Địch đưa anh về hành quyết tại đình chợ Ba Đồn để khủng bố tinh thần nhân dân, nhưng tấm gương lẫm liệt của anh đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào kháng chiến cứu nước của quê hương…

Hơn 75 năm sau ngày chiến sĩ tình báo Nguyễn Tiến Nhẫn hi sinh, một người con của làng Phan Long là nhà văn Nguyễn Quang Lập đã tái hiện câu chuyện bi tráng trên đây qua tiểu thuyết Làng ta có một anh hùng, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành quý 1-2025. Gần chục năm sau ngày anh Nhẫn hi sinh, Nguyễn Quang Lập mới ra đời. Trải qua những trận càn của thực dân Pháp, những năm tháng chiến tranh phá hoại của máy bay và tàu chiến Mỹ, những trận lũ lụt thường niên đôi bờ sông Gianh, những lần thay đổi đơn vị hành chính và cơ quan nghiệp vụ… nên những tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Tiến Nhẫn hầu như không còn. Đó là khó khăn lớn nhất đối với một nhà văn viết về đề tài lịch sử. Tuy nhiên, may mắn là từ nhiều năm trước đây, khi một số nhân chứng là bạn bè, đồng đội, chỉ huy của Nguyễn Tiến Nhẫn còn tại thế, Nguyễn Quang Lập đã gặp và tìm hiểu được nhiều tư liệu quý giá về nhân vật của mình. Đó là các ông: Cổ Kim Thành (hoạt động trong phong trào công nhân Ba Đồn trước năm 1945, sau là Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính Quảng Bình); Đồng Sỹ Nguyên (cán bộ Việt Minh ở Ba Đồn-Quảng Trạch, sau này là Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam); Lại Văn Ly (cán bộ chiến khu Trung Thuần, sau này là Phó chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình)… và nhiều cán bộ tiền khởi nghĩa ở vùng Ba Đồn-Quảng Trạch trước đây, như các ông, bà: Phan Văn Trinh, Hồ Danh, Hoàng Cần, Nguyễn phi Phổ, Nguyễn Thị Lợi, Nguyễn Hữu Mường v.v… Cùng đó là ký ức của dân làng và những câu chuyện truyền khẩu về Liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn; đặc biệt là ký ức của thân phụ nhà văn, là một nhà giáo mẫn tiệp…

Dựa trên những tư liệu khả tín trên đây, bằng tài năng của một nhà văn đã thành danh, Nguyễn Quang Lập đã tái dựng câu chuyện Làng ta có một anh hùng bằng sự pha trộn các yếu tố phi hư cấu với trí tưởng tượng (hư cấu) của nhà văn. Bằng cách ấy, nhà văn đã dẫn dắt người đọc trở về làng Phan Long của thị trấn Ba Đồn cách nay trên dưới tám chục năm, “chứng kiến” quá trình hoạt động và trưởng thành của một người anh hùng nhỏ tuổi ở “làng ta”. Cách “pha trộn” này vừa đảm bảo tính chân thực của các sự kiện và nhân vật lịch sử, tạo cảm giác tin cậy cho bạn đọc; vừa là cách khắc phục những “khoảng trống” và “điểm mờ” của lịch sử do tác động của thời gian và các yếu tố khác. Điều quan trọng hơn là người đọc được tiếp nhận những giá trị lịch sử-văn hóa thông qua một tác phẩm văn học, chứ không phải một tài liệu lịch sử thuần túy.

Cùng với nghệ thuật “pha trộn”- Phi hư cấu lai (Hybrid nonfiction), câu chuyện Làng ta có một anh hùng còn được Nguyễn Quang Lập kể bằng thủ pháp đồng hiện, vốn đã được tác giả sử dụng khá thành công trong nhiều tác phẩm văn học, sân khấu và điện ảnh nổi tiếng của mình. “Đồng hiện” là cùng lúc thể hiện những nhân vật, sự kiện của quá khứ, hiện tại và tương lai; để chuyển tải một thông tin tổng quan, một cái nhìn bao quát; để người tiếp nhận vừa trực quan cụ thể, vừa liên tưởng kết nối, hình dung đầy đủ hơn về những nhân vật và sự kiện được nêu. Tiểu thuyết Làng ta có một anh hùng có 2 nhân vật chính là Nguyễn Tiến Nhẫn và Mai Thị Lê. Trong đó, Mai Thị Lê vừa là nhân chứng lịch sử (cô bạn nhỏ thời thơ ấu và người yêu tuổi thiếu niên của Nguyễn Tiến Nhẫn), vừa là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất (xưng “em”). Trong mỗi “chương” (mục) của tác phẩm, mở đầu là cuộc trò chuyện của tác giả Nguyễn Quang Lập với nhân chứng lịch sử Mai Thị Lê, 91 tuổi, ở thời hiện tại, khi nhà văn viết tập truyện này. Tiếp đó là phần độc thoại-tâm tình của cô bé Mai Thị Lê cách nay trên dưới tám chục năm, với nhân vật Nguyễn Tiến Nhẫn; thực chất đó là câu chuyện kể về người anh hùng theo trình tự thời gian đã thuộc về quá khứ. Theo đó, phần trò chuyện giữa cụ bà Mai Thị Lê với nhà văn Nguyễn Quang Lập có tác dụng như những lời “phi lộ” hay những dòng “lạc khoản” để người đọc hình dung rõ hơn, tiếp nhận đầy đủ hơn những thông tin của cô bé Mai Thị Lê trong phần độc thoại-tâm tình tiếp theo. Ngoài hiệu quả nghệ thuật trên đây, phương pháp đồng hiện này còn giúp cho câu chuyện sinh động, linh hoạt hơn; đặc biệt tạo cảm giác tin cậy hơn khi nhiều chi tiết/sự kiện của quá khứ có sự chứng kiến hoặc can dự của những nhân vật nổi tiếng trong làng, như: Người rải truyền đơn năm 1933 ở chợ phiên Ba Đồn là ông Hoàng Lai, 1 trong 3 đảng viên của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Phan Long-Ba Đồn; chú cu Chích thường đến gặp Nguyễn Tiến Nhẫn vào ban đêm, sau này là Đại tá Công an Nguyễn Văn Chích; chú Trợ Tỷ phụ trách Hướng Đạo sinh ở Ba Đồn, sau này là nhà giáo Nguyễn Văn Tỷ, Phó Hiệu trưởng-Bí thư Đảng ủy Đại học Sư phạm 1 Hà Nội; ông Quản Đại là cán bộ Việt Minh cài vào hàng ngũ địch, làm đến đồn trưởng khố xanh, sau này là Trung tá Quân đội Nguyễn Thái Đại, nhạc phụ của Giáo sư địa chất Nguyễn Quang Mỹ, anh ruột của nhà văn Nguyễn Quang Lập v.v…

Làng ta có một anh hùng là tiểu thuyết lịch sử hiện đại. Tác phẩm tái hiện khá sinh động phong trào đấu tranh cách mạng ở một làng quê cụ thể, trong phong trào cách mạng chung của cả nước, giai đoạn tiền khởi nghĩa tháng 8-1945 và những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thông qua việc khắc họa hình tượng một thiếu niên yêu nước, một chiến sĩ điệp báo trẻ tuổi. Đồng thời, tác phẩm cũng đầy ắp những kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lý… và điều kiện kinh tế-xã hội của một vùng đất từng là trung tâm thương mại nổi tiếng lâu đời ở miền Trung. Có lẽ, ký ức tuổi thơ và tình yêu quê hương là động lực chính thôi thúc tác giả viết tiểu thuyết này và đây cũng là yếu tố chính làm nên sự thành công của tác phẩm. Những ân tình xóm Cây Bàng, xóm Cau, xóm Gát, phố Chợ…; Những địa danh thân thương cầu Phôốc, cầu Kịa, sông Gianh, núi Chóp Chài…; Những mùa rạm bè, những phiên chợ bò… cùng những đặc sản ẩm thực như: bánh tráng, bánh canh… khiến những độc giả chưa từng biết đến Ba Đồn, cũng thổn thức chia sẻ. Và đặc biệt, làng Phan Long-thị trấn Ba Đồn của tác giả còn là một cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Bình. Nhà văn không giấu nổi niềm tự hào khi kể: “Hòa bình lập lại năm 1954 mới biết, hóa ra chín phần mười dân làng Phan Long theo Việt Minh. Hóa ra quán Phở Tới, Nhậu Đê của ông Bếp Tới là nơi in truyền đơn, may cờ đỏ sao vàng. Hóa ra, dưới gốc cây bàng trước nhà ông Vĩnh Tường là kho vũ khí của Việt Minh. Chú Hồ Nhỏ, con tri phủ Hồ Ngân chuyên săn lùng Việt Minh, hóa ra là Việt Minh gộc. Con cháu tri phủ Hồ Ngân sau này đều là những trí thức cách mạng, giữ nhiều cương vị cao của chế độ ta. Quản Thượng bị giết, Quản Đại về thay đồn trưởng khố xanh để điều tra thủ phạm, hóa ra cũng người của Việt Minh nốt (trang 98)…

Nhà văn Nguyễn Quang Lập sinh năm 1956, Kỹ sư vô tuyến điện, Thượng úy cựu chiến binh, thuộc thế hệ đầu tiên của dòng Văn học Đổi mới. Hầu hết các tập truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng về đề tài chiến tranh của ông, như: Tiếng gọi nơi mặt trời lặn; Tình cát; Chuyện nhà quê; Cây Sến lửa… đều viết về miền Trung, Quảng Bình và Ba Đồn, nơi ông sinh ra và lớn lên. Và lần này là tiểu thuyết lịch sử Làng ta có một anh hùng

NHẬU NHẸ BA MIỀN



Dân viết lách thường hay tụ bạ nhậu nhẹt, phần vì ham vui, rời khỏi bàn làm việc, sau khi một mình chống chọi với “pháp trường trắng”, đa phần đều vì muốn tìm kiếm bạn bè giải stress; phần vì nhu cầu tìm kiếm thông tin, nhặt nhạnh tư liệu sống quanh bàn nhậu. Đôi khi nghe lỏm được nhiều ý tưởng cực hay, nhiều đề tài hấp dẫn bạn bè nói ra. Bây giờ nhậu nhẹt ba miến na ná nhau, ngày xưa khác nhau lắm. Sài Gòn sôi động, đời sống chảy xiết, dân nhậu Sài Gòn, là nói cánh viết lách, sáng dậy sớm hẹn nhau đi ăn sáng cà phê nói chuyện công việc, rồi cắm cổ làm việc cho đến chiều tối xong việc mới nhậu nhét tới số, có khi kéo dài tới khuya.

Nhậu nhẹt ra nhậu nhẹt, mọi người quẳng hết việc, hát hò chọc quê chơi vui, đúng là dân nhâu chuyên nghiệp. Anh nào gọi đi nhậu anh đó trả tiền, luật bất thành văn từ xưa đến nay. Không như dân Bắc cứ gọi nhau đi, nhậu xong ai có tiền thi trả, thành thử đến giờ thanh toán cứ nhìn nhau nói cười nhàn nhạt, nhiều anh cứ đúng giờ đó thì nhìn đồng hồ đứng dậy, nói mình có việc phải về sớm, bí quá thì nhảy đại vào toilet, hi hi.

Sài Gòn mỗi trận nhậu thường chia thành ba hiệp, hiệp một bia hơi, uống mồi chừng dăm bẩy vại là kéo nhau đi karaoke, hội hát bằng mồm hội hát bằng tay. Cuối cùng thì nháy nhau đi massage, kẻ massage sấp người massage ngửa. Sau đó thì biệt tăm, có khi nửa năm chẳng gặp nhau.

Sài Gòn lắm việc, bạn bè từ xa đến, sơ thì mời nhau cà phê ăn sáng, thân thì nhậu một trận tơi bời rồi lặn mất tiêu, ít ai mờt bạn về nhà. Nhiều người mới vào Sài Gòn hay bị sốc. Đã quen thói ở miền Trung miền Bắc, hễ có bạn tới là đánh đu với bạn suốt ngày, nay thấy bạn lặn mất tiêu suốt kỳ mình ở chơi, đến ngày về gọi điện chào cũng chỉ nói đi mạnh giỏi nghen, cũng chẳng thầy tiễn tiếc gì thì ngạc nhiên lắm, đôi khi tủi thân, bức mình nữa.

Ngược lại gần Sài Gòn lần đầu ra Bắc cũng hay bị sốc. Sáng mấy anh quen gọi đi nhậu, chiều cũng mấy anh đó đón đi, ngày mai ngày kia vẫn mấy anh đó đến ngày ra đi cũng mấy anh đó. Nhiều người cứ băn khoan không hiểu sao người ta mất quá nhiều thời giờ vì mình, đâu biết thời đó cánh viết lách xứ Bắc chỉ có một món tiêu xài thoải mái, đó là thời gian.

Dân Hà Nội cà phê không ham, công việc cũng chẳng nhiều, ngủ dậy muộn, ăn sáng xong làm mấy chén chè mới túc tắc đến công sở. Vật vờ vào ra cho đến trưa, giờ cơm trưa cũng là giờ đàn đúm, đến chiều tối lo về với vợ. Phàm đã chui vào chuồng lập tức nội bất xuất ngoại bất nhập, cố gắng làm anh chồng ngoan cho đến sáng hôm sau. Nhậu nhẹt nhiều khi như hợp, bàn đủ chuyện trên trời dưới đất, cãi nhau ỏm tỏi.

Thi thoảng mới có cuộc nhậu chia làm ba hiệp, hiệp một nhậu say chí tử, hiệp hai mới kéo nhau đi hát hay massage. Nhưng quân số hiếp hai thường mất đi một nửa, đủ thứ lí do để bỏ cuộc, người sợ vợ, kẻ sợ quan trên nhìn xuống người ta trông vào.

Dân nhậu Hà Nội quan tâm đến cái view, thoáng đãng yên tĩnh càng tốt vì họ cần nói chuyện, cuộc nhậu nào cũng có nêu vấn đề. Cánh viết lách Hà Nội ngồi với nhau mỗi ông là một ông trời con, không việc gì không phán được, ông nào ông ấy phát ngôn tầm cỡ ủy viên Trung ương, rất ghê. Hết nhậu về ông sở lại bóp miệng vật vờ vào ra vô cùng khiêm tốn, hi hi.

Dân viết lách miền Trung thường nhậu nhẹt bất tử, bất kể giờ nào miễn có tiền. Việc vàn chẳng có ba lăm, thời gian không thành vấn đề, chỉ cần cái cớ là kéo nhau vào quán. Bạn bè ở Nam ra, ở Bắc vào là cái cớ tuyệt vời đề khai báo với vợ, có thể đi thâu đêm suốt sáng.

Miền Trung vẫn giữ được thói quen bạn bè từ xa đến không thể không mời vé nhà, làm mâm cơm đãi bạn, nhậu nhẹt ở nhà chán chê rồi mới đi ra quán. Khách khứa nhiều người chạy sô ăn cơm nhà bạn cũng đủ chết xác nhưng không thể từ chối, bữa cơm nhà như là chứng chỉ của tình thân, sự quý trọng, thiếu nó lắm người rất áy náy.

Không có khác khứa thì tu bạ quán cà phê, ngồi chán thế nào cùng có người kéo đi quán, nhậu hết cuộc này sang cuộc khác, tối vừa về nhà có người gọi lại vọt, các bà vợ chỉ nguýt lườm ít ai dám nói. Ngày nào cũng nhậu, ít ai có khả năng bao sân, thành ra có kiểu nhậu nối dài. Anh đến sau bảo kể từ đây là phần của tôi nhé, mỗi anh chịu thanh toán một khúc, cứ thế nối dài ra mãi.

Về sau cánh nhà báo có kiểu nhậu bắt Fulro, gọi người ra trả tiền hộ. Nhậu giữa chừng thì gọi ai đó, thường là các ông chủ doanh nghiệp, các quan chức trong tỉnh, mời họ ra nhậu chơi. Mấy ông này lập tức hiểu ý, vọt ra làm đôi ba chén, góp vui đôi ba câu nói giành lấy bill thanh toán cai rẹt. Không phải ai cũng thích kiểu nhậu bắt Fulro, vì nó lấy đến đao đức nghê nghiệp, nhưng tỉnh nào cũng có một anh bắt Fulro cực tài, rất đáng sợ.

Ngày nay văn hoá nhậu ba miền đã có nhiều điểm tương đồng. Dân nhậu Bắc, Trung đã chuyên nghiệp tựa dân nhậu Nam. Cánh viết lách Hà Nội không chỉ nhậu vấn đề, nếu đờn ca cùng rất phê. Cánh viết lách Sài Gòn không chỉ nhậu đàn ca mà nhậu vấn đề cũng rất nổ. Cánh viết lách miền Trung đã có nhiều việc làm hơn, anh nào cũng công tác với vài ba tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn, nhậu nhẹt đả có giờ, không còn triền miên như ngày xưa nữa. Cả ba miền bây giờ chỉ nhậu hết hiệp một là về, ít ai sa đà sang hiệp hai hiệp ba tốn tiền mất thời giờ phí sức.

Phục vụ nhà hàng ba miến củng có niêu đổi khác. Miền Bắc, miền Trung học miền Nam đã thực bụng coi khách hàng là thượng đế. Nhân viên nhà hàng Hà Nội biết mềm mỏng lịch lãm nhiệt tình, đã mất đi khá nhiều các bộ mặt lạnh lùng, khinh khỉnh di chứng thời bao cấp. Nhân viên nhà hàng miền Trung cũng tiến bộ rất nhanh, không còn nhiều nhà hàng cho nhân viên ra tranh giành nhau chặn bắt khách hàng, bắt được rồi gọi gì cũng ra, dạ riết mà chẳng thấy đưa món ra, lại ra. Hỏi vì sao chưa đưa món ra, lại dạ. Nói tôi hỏi vì sao chưa đưa món ra dạ gạ cái gì, vẫn cúi đầu lễ phép dạ dạ gì, tức phát điên. Việc ấy bây giờ tuồng như đã chấm dứt. Có lẽ văn hoá dịch vụ bao cấp sắp chết thật rơi chăng? Mừng.

KCVR 25: VÀ HẾT



Bốn chục năm sau tôi gặp lại con Lu, không phải ở trong các giấc chiêm bao mà ngay trong nhà cô giáo dạy xác suất của tôi. Tôi vốn ghét những ngẫu nhiên trớ trêu nhưng không tránh được, trời bắt phải thế chẳng biết làm thế nào.

Con Lu chết ngày 1 tháng 6 năm 1960. Tôi không bịa tạc gán ghép ngày quốc tế thiếu nhi với ngày chết một con chó làm gì, chỉ vì khi chôn xong cái đầu con Lu, bà Phó văn phòng Ủy ban tỉnh đi tìm tôi, cho tôi gói bánh kẹo nhân ngày quốc tế thiếu nhi. Phần của con Lu nữa đó. Bà nói thêm. Bà không biết con Lu đã chết, tôi cũng không buồn nói cho bà hay. Ba chôn cái đầu con Lu ở góc sau khu Ủy ban tỉnh, ông làm nấm mộ nhỏ như cái mũ cối, cắm lên đó một thẻ nhang. Tôi ôm gói kẹo tới nấm mộ, bóc gói kẹo ra. Ăn đi mày, kẹo mồng 1 tháng 6 đó. Tôi nói và nghe như con Lu nói ừ. Tôi ngồi bệt ăn kẹo, tưởng tượng cùng ăn kẹo với con Lu. Tôi nhai kẹo, nhai luôn nước mắt khóc thương nó.

Ngày nào tôi cũng ra mộ con Lu cắm một thẻ thang, đặt một cái kẹo. Sau hết kẹo chỉ cắm thẻ nhang thôi. Tháng sau thi thoảng tôi mới ra thăm mộ, chỉ thăm mộ thôi không thắp hương. Năm sau tôi không hề lai vãng tới mộ đó nữa, thêm vài năm nữa tôi vẫn nhớ con Lu nhưng mộ nó thì quên mất. Bốn chục năm sau, khi con gái út tôi bằng tuổi tôi lúc con Lu chết tôi chẳng hề nhớ gì con Lu nữa. Tôi đã nuôi bảy con chó, cả bảy con đều chết với các lý do khác nhau, con nào chết xong tôi cũng thương xót vài ngày nhiều lắm là một tuần, rồi cũng quên, giá có gặp lại tôi cũng chẳng nhớ. Tưởng đến lượt con Lu chắc cũng thế, ngờ đâu tôi và con Lu gặp lại nhau.

Hà Nội một ngày đẹp giời năm 2000 tại hồ Ha Le tôi gặp cô giáo xác suất của tôi.

Lâu nay vẫn biết cô vẫn dạy toán xác suất ở trường cũ, vẫn ở một mình ở khu chung cư cũ nhưng tôi không muốn gặp. Riêng chuyện đàn bà tôi mang gen bội bạc của ba. Kể từ buổi tối ngày 30 tháng 4 năm 1975 tới nay chẵn hai lăm năm tôi cố tình không gặp cô nữa. Chuyện tôi với cô tối hôm đó nó là cái gì chứ không phải là tình, cả cô và tôi chẳng được gì cũng chẳng mất gì. Thế là xong, vướng víu làm gì mất thời giờ. Thỉnh thoảng vẫn nghe bạn bè cùng lớp nói, cô vẫn nhớ mày lắm đấy! Tôi vẫn tắc lưỡi cho qua. Giờ gặp nhau đây cô luống cuống như gái tơ gặp bồ cũ, mặt mày đỏ lựng, vừa nói xong Quang đi đâu đấy lại nói Quang đi đấy... lúng ta lúng túng.

Cô nhất định kéo tôi về nhà cho bằng được. Nhà cô vẫn là căn hộ cũ được cơi nới ra hơn bốn chục m2, một căn hộ khép kín, mình cô ở quá rộng rãi. Cô đãi tôi món thịt heo quay, nồi miến lòng gà và chai rượu cam, ý chừng nhắc lại kỉ niệm tối 30 tháng 4 hai lăm năm về trước.

Tôi không hề có một cảm xúc gì, khi cô cúi xuống nhấc cái lồng bàn tôi không còn thấy gáy Ái Vân đâu nữa, trước mắt tôi là cái gáy khô gầy nhợt nhạt của người đàn bà ở tuổi mãn kinh. Đợi mãi không thấy giây phút hai lăm năm trước lặp lại cô ngồi xuống bẽ bàng, nụ cười gượng gạo. Có vẻ như cô đợi tôi hỏi vì sao cô không lấy chồng để cô làm tôi phải cảm động. Tôi không hỏi, tôi ghét hỏi đàn bà những chuyện riêng tư. Cô có vẻ buồn.

Tôi vào mâm, gắng nốc vài ly rượu cam, nhấm nháp món rượu sang trọng ngày xưa giờ như một cực hình, nó ngọt đến phát kinh. Tôi làm như rượu ngon lắm, cố moi ra vài câu hài hước mua vui cho cuộc rượu nhạt nhẽo này. Quang đẹp trai thật đấy. Cô cười bẽn lẽn nói đi nói lại. Chẳng ngu gì tôi không hiểu ý cô, tôi cứ lờ đi coi như không nghe thấy. Một con chó từ đâu chạy vào phòng khách, lăng xăng quanh mâm, nó có vẻ mừng rỡ khi thấy tôi. Mi Na, đi ra ngoài. Mẹ có khách! Cô quát đuổi con chó hai, ba lần.

Con chó không đi, nó chui xuống gầm bàn ăn ngẩng mặt nhìn tôi như nói, ê...nhớ không? Quên rồi à! Tôi thấy ngờ ngợ không biết gặp con chó này ở đâu. Tôi cúi xuống gầm bàn xem kĩ nó một lần nữa, thấy có ba xoáy trên sống lưng của nó. A, nó là giống chó Phú Quốc. Như con Lu ngày xưa, lông nâu mượt mắt nâu tươi sáng và có ba vòng xoáy thật đẹp trên sống lưng. Chắc cô giáo nhờ người ra tận Phú Quốc mang về.

Con chó ghếch mõm lên với tôi, nhớ chưa? Tôi nhìn nó cười cười, nhớ gì? Mày là Mi Na, tao không quen con chó nào tên là Mi Na cả. Nó nhìn tôi buồn buồn, kiếp này tao là Mi Na, kiếp trước tao là Lu... Tôi lặng đi. Thế ra con Lu đã tái sinh. Tôi không biết gì về thuyết luân hồi của nhà Phật, đọc sách Phật thấy những “nghiệp lực”, “thọ báo,” “cảnh giới”... nghe ù tai chẳng muốn tìm hiểu nữa. Tôi tưởng bánh xe luân hồi của nhà Phật to lắm, ít nhất vài trăm năm mới được tái sinh, ngờ đâu con Lu mới chết vài chục năm đã được về hạ giới, lại đầu thai đúng kiếp chó.

Tôi hỏi nó, mày là con Lu thật à? Con Lu ra mặt giận không đáp, có lẽ nó thất vọng về tôi lắm. Mới vài chục năm đã quên nhau, nó thất vọng là phải. Con Lu cứ loay hoay dưới gầm bàn như đang nghĩ cách chứng minh cho tôi nó đúng là con Lu. Rồi nó chui ra khỏi gầm bàn nhảy dựng lên về phía bàn thờ sủa mấy tiếng. Cô Giáo quát con Lu, đừng hỗn Mi Na! Tôi nhìn lên bàn thờ, ảnh truyền thần một người đàn ông chừng năm chục tuổi. Bố mình đấy. Cô giáo nói. Tôi vâng và ngước lên nhìn ngưỡng mộ, tự thấy tởm về thói đạo đức giả của tôi.

Cô kể. Hồi mới đem con Mi Na về, thấy ảnh bố mình con Mi Na nhảy lên sủa liên tục, sủa suốt ngày đêm, rất lạ. Cô cười nói hồn nhiên. Hình như kiếp trước nó với bố mình có mắc mớ chi nhau. Ở lâu ngày đâm quen con Mi Na không sủa nữa, không hiểu sao giờ nó lại sủa. Con Lu lại sủa lên mấy tiếng. Thôi,... Mi Na! Cô giáo lại quát đuổi nó đi.

Tôi để ý trên bàn thờ chỉ có ảnh bố cô giáo, tôi đoán chắc mẹ cô còn sống, ông bà già ngày nay thọ trên tám mươi tuổi không phải là ít. Mẹ cô giờ ở đâu? Tôi hỏi. Chết rồi chứ ở đâu. Cô đáp một câu lạnh tanh. Tôi lạ lùng nhìn cô, ít ai nói về mẹ mình một câu như thế. Thực ra mình không có mẹ. Chừng như đoán được tôi nghĩ gì cô nói thêm một câu nữa vẫn giọng lạnh tanh. Cô cười buồn không nói gì thêm nữa.

Nhạy cảm của nhà văn cho tôi chút thông minh đột xuất. Bố cô hy sinh ở chiến trường à? Tôi hỏi. Cô lắc đầu vẻ khó chịu, lát sau ngẩng lên bàn thờ, cái nhìn thương yêu kính cẩn. Ảnh này có trước năm 1975 đấy. Cô nói. Ngày 30 tháng 4 năm đó Quang tới đây đã có ảnh bố mình trên bàn thờ rồi. Thì ra thế, lúc đó còn loay hoay với cái háng trinh nữ của cô, tôi chẳng thấy gì khác. Cô rót ly rượu, cầm ly rượu tần ngần nhìn lên bàn thờ, Cô hắt cả ly rượu vào miệng, nuốt đánh ực cứ như uống thuốc đắng. Bố mình không chết trận. Bần thần giây lát cô nói. Bố chết ngay sân nhà, rắn lục cắn chết. Thủ trưởng! Tôi suýt kêu lên, ly rượu trong tay rơi xuống nền nhà vỡ toang.

Con Lu nhảy chồm lên sủa mấy tiếng, nó mừng vì biết tôi đã nhận ra nó. A con Lu! Đúng mày là con Lu! Tôi ôm lấy nó. Con Lu nhanh chóng chuồi ra khỏi tay tôi, nó không muốn cô giáo biết quan hệ thân thiết giữa tôi và nó. Tôi vỗ lưng nó, Lu ơi tao nhận ra mày rồi! Con Lu lùi ra không cho tôi vuốt ve trước mặt cô giáo, đôi mắt nâu của nó ướt nhòe.

*

Cuộc rượu nhạt nhẽo trở nên sinh động hơn, tôi uống rượu tì tì nghe cô giáo kể chuyện say sưa. Cô trốn khỏi nhà lúc cô bảy tuổi sau cái chết của bố cô. Từng cùng bố đi tàu hỏa ra Hà Nội nhiều lần cô cứ thế lên tàu chẳng cần hỏi ai, xuống ga Hàng Cỏ đi thẳng một mạch tới nhà chú ruột của cô không cần phải hỏi ai. Chú cô còn làm to hơn bố cô nữa, nuôi cô ăn học cho tới lúc cô trở thành cô giáo. Trong suốt câu chuyện cô không nhắc tới mẹ một lần nào, tôi cũng không nói cho cô hay tôi biết Thủ trưởng là ai là thế nào. Con Lu dưới gầm bàn gại gại chân tôi ra hiệu, cứ để cho cô kể. Tôi nghe lời con Lu.
Cô giáo tôi kể về bố cô với niềm tự hào không thể tả, với cô không ai trên đời được như bố cô. Cô không bịa đặt thêm thắt một lời nào những gì cô nghe chú cô kể về bố cô, có phần còn lược bớt đi ở những chỗ cô nghĩ nếu kể ra sẽ bị người nghe cho là thiếu khiêm tốn. Con Lu nằm dưới gầm bàn xác nhận câu chuyện của cô. Nó gại gại vào chân tôi, bảo đúng. Nó lưỡi liếm chân tôi, bảo sai. Tôi tin con Lu. Ở thế giới bên kia chắc nó đã gặp Thủ trường và các chiến hữu của ngài, duyên nghiệp cho nó tái sinh về sống với cô giáo mấy năm rồi, chuyện gì nó không biết.

Cô kể. Bố cô hồi nhỏ học giỏi lắm, giật bằng tú tài từ năm mười bảy tuổi ( con Lu liếm chân tôi), cũng năm đó bố cô tham gia cách mạng, mười chín tuổi vào đảng, hai mươi tuổi làm bí thư chi bộ, hai hai tuổi tham gia giành chính quyền ở Thị xã Ô Lệ, hai ba tuổi gia nhập bộ đội Việt Minh với chức trung đội trưởng, hai lăm tuổi về lại dân sự làm phó bí thư đảng ủy chiến khu Đá Mài, ba mươi tuổi là thủ trưởng chiến khu Đá Mài hơn ba ngàn cán bộ Việt mình, ba lăm tuổi là thủ trưởng quân khu... (con Lu gại gại chân tôi), hơn ba chục huân huy chương các loại ( con Lu gại gại chân tôi), nếu bố cô không bị rắn lục cắn chết ông có thể được phong anh hùng, ra Hà Nội làm to như chú cô, thật đấy.( Con Lu liếm chân tôi sau bỏ liếm gại gại chân tôi, nó tin cô nói thật). Tôi gật đầu chia sẻ, ai chết non đều được người thân tiếc nuối tưởng tượng ra đủ thứ “nếu như”, chẳng riêng gì cô giáo.

Cô lục tủ đưa ra cuốn nhật kí đã ố vàng cũ nát. Tôi nhìn thấy trên bìa một cuốn nhật kí có tên Lệ Hiên liền cầm lấy. A, nhật kí của chị Hiên, cái này chưa nghe ba nhắc tới. Lật dở vài mươi trang tôi bất ngờ thấy bài hát của chị Hiên. Ai đó chép nhạc cho chị thật đẹp.


Cô giáo không để ý đến cuốn nhật kí của chị Hiên, cô cứ dúi vào tay tôi cuốn nhật kí của Thủ trưởng. Cô háo hức kể. Cuốn nhật kí bố mình để lại toàn kể những gì ông đã cứu người, cứu sống trong chiến trường có, cứu sống trong chỉnh huấn chỉnh quân có, cứu sống trong cải cách ruộng đất có, mấy trăm người lận.... Cô ngước lên nhìn ảnh bố cô, ánh mắt dào dạt yêu thương, thủ thỉ tâm sự. Bố mình là người trung thực, sống chân thành với mọi người, ai cũng thương ( con Lu liếm chân tôi), ông sống giản dị lắm, cái câu cần kiệm liêm chính chí công vô tư đúng với bố mình y chóc ( con Lu liếm chân tôi). Cô cầm ly rượu xoay xoay vẻ trầm ngâm. Bố mình sống nhân từ lắm, đức độ lắm, như Phật ấy. ( con Lu liếm chân tôi, nó khịt khịt mũi chừng như muốn nói gì đó) Bố mình có chín tiếng tuyệt vời Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí nổi tiếng khắp chiến khu, nhờ thế mà ai ai cũng tin yêu, ông mất đi cả chiến khu ai cũng khóc, nhiều người nằm khóc ướt cả võng dù (con Lu liếm chân tôi, nó nhe răng gằn mấy tiếng).

Con Lu liếm đi liếm lại ướt cả chân tôi. Tôi vẫn cố tạo ra vẻ háo hức nghe cô kể. Cô cứ kể tôi hết vâng lại à thế à mỏi cả miệng. Thế gian có nhiều kẻ khôn ngoan chuẩn bị hậu vận cho mình, khôn nhất là Tự Đức, khôn nhì là Chế Lan Viên, không ai khôn bằng Thủ trưởng, ngài thật cao thủ. Ngài viết nhật kí chuẩn bị hậu vận cho ngài thật chu đáo, không lừa được người đời cũng vuốt ve được con cháu, mấy ai khôn khéo được như ngài.

Con Lu không chịu nổi, nó nhảy ra khỏi gầm bàn sủa vang vang. Tôi hiểu con Lu đang chửi cô và chửi tôi. Nó chửi cô bịa đặt trắng trợn bịa đặt tởm lợm bịa đặt trâng tráo. Nó chửi tôi ngu, người ta nói vậy mà cũng tin. Tôi nhìn nó nói, tao tin khi nào? Nó chĩa mõm về tôi chửi, nếu không tin thì mày là thằng đạo đức giả.

Tôi không thể giải thích cho con Lu hiểu, cô giáo không có lỗi, toàn bộ thông tin cô có được chỉ có thế, đức tin của cô chỉ có thế và chỉ có thế mà thôi. Với cô, đương nhiên bố cô là một ông thánh, chỉ có đúc tượng thờ không phải bàn gì hết. May thay cô giáo chỉ biết sự thật về mẹ cô, nếu biết sự thật về bố cô nữa chắc cô không sống nổi, nếu sống được cô sẽ không có cả bố lẫn mẹ. Nếu tôi nói ra những gì tôi biết về Thủ trưởng sẽ rất lố bịch và tàn độc với cô giáo của tôi. Con Lu không chịu, nó đòi tôi phải lên tiếng. Nó chồm lên giận dữ sủa vào mặt tôi.

Cô giáo tôi không hiểu gì cả, thấy con Lu như muốn lao lên xé xác tôi, cô co rúm chết khếp. Mi Na, không được hỗn! Cô kêu lên. Con Lu quay ngoặt lại, nó chồm lên mặt cô kêu đánh ẳng một tiếng, tiếng kêu đau hộc máu. Cô hoảng hốt ôm chầm lấy tôi. Không biết nói gì tôi chỉ ngồi im để cô ôm chặt. Tôi không thể nói cho cô biết lúc cô bảy tuổi con Lu bốn tuổi, bốn tuổi chó bằng bốn chục tuổi người, tuổi ấy mới hiểu hết sự đời. Tôi muốn hét lên, con Lu đúng đấy cô ơi. Tôi đã không dám, cứ để mặc cho cô run rẩy ôm lấy, mỗi lúc mỗi xiết chặt lấy tôi. Con Lu tưởng tôi bênh cô, tôi đã quên hết những gì bốn mươi năm về trước, nó tru lên một tiêng dài tuyệt vọng và vọt ra khỏi nhà cô.

Từ đó con Lu không bao giờ về nhà cô, cũng không bao giờ tìm gặp tôi nữa.

*

Tối hôm đó tôi ngủ dưới một trời mưa giông. Rượu nhấn tôi chìm sâu vào giấc ngủ mê mệt. Tôi nghe tiếng sủa của con Lu vang vang. Tôi choàng tỉnh, mừng quá tưởng nó đã trở về. Thì ra đó là sấm. Tiếng sấm đầy trời phẫn nộ và chua xót. Tôi ngồi im trong bóng tối ngóng về quê nhà. Ngày con Lu bị chặt đầu ba tôi bằng tuổi tôi bây giờ, ông có nhiều đêm ngồi thu lu trong bóng tối nhìn ra trời như tôi bây giờ.

Từ ngày bác Đông chết rồi con Lu chết, quanh ba không còn ai. Còn dị nhân Kiểm Hát nhưng dã chỉ thích chửi ba chứ không thích tâm sự. Dã chửi đúng và hay nhưng ba cần một lời khuyên. Không còn ai khuyên ba, quanh ông không ai dám khuyên ông. Người ta đến với ba để xin ý kiến chứ không phải để cho một lời khuyên. Chưa bao giờ ba đơn độc như lúc này. Ông thường lên tầng thượng nhà Ủy ban ngồi một mình suốt đêm hoặc đóng kín phòng làm việc nhâm nhi chai rượu thuốc suốt ngày, tuyệt không tiếp một ai.

Ba đâm nghiện nặng những bài diễn văn tràng giang đại hải, tràn ngập thứ ngôn từ hoa hòe hoa sói và trống rỗng, tự ông cũng thấy dài và rỗng nhưng không cưỡng được mỗi khi đứng trước đám đông. Nhiều lần theo ông về cơ sở tôi đã phát ốm vì chuyện này. Sau những đón tiếp linh đình là buổi nói chuyện của ba. Đúng là một buổi, từ khi ông cất giọng “thưa các đồng chí!” cho đến ông hạ giọng “cảm ơn sự chú ý của các đồng chí!” chưa khi nào dưới ba tiếng đồng hồ.

Tôi ngồi ở chiếc ghế trống cuối hội trường với một lô bánh trái và nước ngọt. Ở đâu tôi cũng được tiêu chuẩn một chiếc ghế trống không ai được ngồi ké, đó là nhờ lái xe của ba sắp đặt. Lái xe của quan đầu tỉnh cũng có uy quyền dưới một người trên muôn vạn người, có quyền can thiệp để cho tôi một chỗ ăn chơi thoải mái ngay trong cái hội trường chật chội, năm, sáu người ngồi chung một ghế. Tôi nhẩn nha ăn uống no nê, ngẩng lên vẫn thấy ba nói. Chán, tôi bỏ ra khỏi hội trường leo lên xe Com-măng-ca, nì nèo lái xe cho xe chạy vòng vòng quanh đấy. Lại chán, tôi lại chạy vào hội trường, ba vẫn nói say sưa. Tôi đánh một giấc dài, vùng dậy vẫn thấy ba nói.

Dần dà ba không còn là ba nữa, mặt ông cứ bạc dần đi, đôi mắt tươi sáng của ông khô héo dần đi. Phong thái khoan thai đài các của ông cũng biến mất, ông đi đứng tất bật mắt trước mắt sau ngó ngược ngước xuôi trông rất buồn cười. Sau những cuộc diễn thuyết tràng giang đại hải ba ngồi thu lu trong buồng im hơi lặng tiếng hàng giờ liền.

Một đêm khuya khoắt tôi tỉnh dậy không thấy ba đâu. Ngoài trời mưa to gió lớn, sấm nổi đùng đùng. Tôi gọi ba, không thấy ông trả lời. Giờ này ba vẫn hay leo lên tầng thượng một mình, mưa to gió lớn thế này không lẽ ông lên đó. Ba lên lên đó thật, tìm hoài không thấy ông đâu tôi liều leo lên tầng thượng, ông ngồi thù lù như con gấu đen ngửa mặt nhìn lên trời đang lẩm bẩm một điều gì. Tôi ngao ngán hết nổi.

Ba! Tôi gọi. Ông quay ngoắt lại xuỵt, ra hiệu im lặng. Nhìn quanh chẳng thấy gì, tôi kéo tay ba. Mưa ướt hết rồi, ba! Tôi nói. Im! Ông chỉ tay lên trời. Con Lu đang sủa đấy. Chưa bao giờ tôi thấy ba sợ hãi dúm dó đến vậy.Tôi ngước lên trời chẳng thấy gì ngoài ánh chớp lóe liên tục và tiếng sấm rền bốn bề. Ba xuống đi, mưa hết rồi. Tôi ra sức kéo tay ba đòi ông rời tầng thượng. Ba không chịu, ông mặt mày nghiêm trọng chỉ chỉ trỏ trỏ. Con Lu đó kìa, con không nhớ con Lu à? Ba xuống đi! Xuống ngay đi! Bực mình tôi hét to. Ba vụt đứng lên bắc loa gọi lên trời. Lu ơi trốn đi!... Trốn đi Lu ơi!... Ông chạy đi chạy lại, chạy đi chạy lại quay cuồng trên tầng thượng, suýt nữa đâm bổ xuống đất. Tôi sợ quá khóc òa. Tự nhiên giông gió cũng lặng phắc. Ba đứng như trời trồng, vài giây sau đổ sập xuống trước mặt tôi, cú rơi mạnh đến nỗi tôi tưởng ông tan ra từng mảnh.

*
Ba lên cơn sốt trong chín ngày, khỏi sốt lại mắc phải chứng bệnh lạ kì, chứng bệnh đã đẩy ba nhanh chóng rời bỏ quyền cao chức trọng, trở lại với một chút tước phẩm bèo bọt thấp hèn không phải quí phái càng không, ấy là chứng ghét ruồi.

Không ai ghét ruồi đến khốn khổ như ba. Hễ thấy ruồi là ông không chịu nổi, thế nào cũng tìm diệt bằng được. Dường như ruồi là mối bận tâm duy nhất và cuối cùng của ba. Tôi bốn tuổi không thể biết vì sao ba lại quan tâm đến ruồi làm vậy. Không một bữa cơm nào ba ăn được ngon miệng, một con ruồi xuất hiện là ông buông đũa bám theo, chưa bắt được ông chưa chịu bưng bát ăn tiếp. Loay hoay mãi có khi hơn nửa tiếng mới chụp được con ruồi. Vừa bưng bát lên lại có một con ruồi khác xuất hiện, ông lại buông đũa tìm diệt. Nhiều khi bữa ăn kéo dài hai, ba tiếng đồng hồ.

Việc tìm diệt ruồi chiếm gần hết thời gian ăn uống nghỉ ngơi của ba. Không một buổi nghỉ trưa nào ông được ngon giấc. Ba gầy tọp đi vì ruồi, suốt ngày đầu óc ông chỉ lởn vởn những con ruồi vồ trượt. Nếu thấy một con ruồi trong phòng làm việc, dù đến giờ cần phải ra khỏi phòng ba cũng mặc kệ, ông kiên trì đuổi bắt, bày mưu tính kế cực kì nghiêm túc nhằm tìm diệt kỳ được mới thôi. Bắt sống được ruồi ba mừng như vớ được của rơi, ông hoan hỉ nhét nó vào lọ Penicilin bé bằng ngón tay, cẩn thận nhét nắp cao su bịt kín lọ. Lúc nào ông cũng thủ sẵn lọ Penicilin đầy ruồi trong túi, thỉnh thoảng lôi ra say sưa ngắm nó hàng giờ. Khi có một con ruồi trong lọ giãy chết, đấy là thời khắc ba mê say tận hưởng với niềm cảm khoái không gì so sánh được.

Ba nâng cái lọ lên mắt chớp chớp miệng chóp chép hồi hộp chờ đợi. Con ruồi run lẩy bẩy, năm im giây lát lại run lẩy bẩy, chân và cánh duỗi ra rồi dần dần co quắp. Bất thình lình nó lật ngửa, cứng đơ. Ba thở phào nhẹ nhõm, mắt ông sáng long lanh, niềm hạnh phúc như người lính vừa xong một trận công đồn thắng lợi. Bắt ruồi bỏ lọ Penicilin trò chơi của con trẻ đến tôi còn chẳng buồn ngó đến, một ông già có bảy đứa con ( thực ra là mười đứa) lại say mê, thật kỳ cục. Càng kỳ cục hơn nữa khi ông già đó là ông quan đầu tỉnh. Ba thừa biết việc một ông quan đầu tỉnh lại say mê trò chơi bắt ruồi bỏ lọ rõ ngớ ngẩn điên rồ, khốn thay ông không tài nào kiềm chế được mỗi khi thấy ruồi.

Rất nhiều lần đến giờ đi công tác, lái xe vào phòng mời ba ra xe, thấy ông vẫn loay hoay dưới gầm giường với một con ruồi chết tiệt nào đó, nói thế nào ông cũng không chịu chui ra. Chú mần chi đó? Lái xe hỏi. Ruồi...ruồi nhiều lắm. Ba loay hoay dưới gầm giường phục bắt cho được một con ruồi. Đến giờ đi họp rồi chú! Lái xe giục. Ừ... nhưng mà ruồi nhiều lắm! Ông vẫn không chịu chui ra khỏi gầm giường. Thật không gì ngao ngán hơn. Thế cùng lái xe đành phải túm tay lôi ba ra khỏi phòng, nhét vào xe. Ba lên xe với nỗi ấm ức không gì làm cho khuây khỏa được, dọc đường cứ lẩm bẩm hàng giờ về con ruồi vừa thoát khỏi tay ông.

Buổi sáng một ngày như mọi ngày năm 1960, sáu trăm cán bộ cốt cán đang nín thinh nghe ba diễn thuyết món ngôn từ trống rỗng nhiều người đã thuộc lòng, họ có thể nói đúng y xì câu tiếp theo ông sẽ nói. Những bộ mặt nghiêm trang chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng khẽ gật đầu tán thưởng chẳng qua chỉ để giấu giếm nỗi ngán ngẩm vô biên. Tất cả sốt ruột chờ đợi mấy tiếng cuối cùng “cảm ơn sự chú ý của đồng chí!” để đồng loạt tặng ba tràng vỗ tay ngất trời thưởng cho công khó ông ba hoa suốt buổi, đồng thời thổi phồng niềm kiêu hãnh rỗng tuếch của ông.

Ba thừa biết người ta đang nghĩ gì, đang chờ đợi điều gì và sẽ làm điều gì cho các bài diễn văn trống rỗng và vô nghĩa, ông vẫn không cách gì kìm được. Ba vẫn hồ hởi phấn khởi kéo dài đến bài diễn thuyết gần như vô tận nếu không có con ruồi bỗng nhiên sà xuống đậu thản nhiên trên micro. Lập tức ba dừng lại. Một giây để định thần, một giây cho quyết tâm tiêu diệt. Sáu trăm cán bộ cốt cán không hiểu vì sao cấp trên đang cao giọng bỗng nhiên im bặt, tất cả nhìn ông lo lắng và căng thẳng. Ba vung hai tay đập cái bốp, micro rơi xuống đất còn con ruồi thì bay vụt ngược lên. Bây giờ người ta đã hiểu. Lác đác vài tiếng cười rúc rích. Ba rời bục diễn thuyết, chăm chú lần theo dấu vết con ruồi. Nó đang lượn vân vi, ra cái vẻ bất cần đời, cách mũi ông chủ tịch tỉnh không đầy một mét.

Sáu trăm cán bộ cốt cán đã hiểu ông quan đầu tỉnh đang làm gì. Một số người ngồi yên bịt miệng cười, số còn lại, tiếc thay là hầu hết hội trường, kẻ trước người sau rón rén theo ba. Ba đập tay cái bốp, liền sau tiếng đập tay của ông, đột khởi rộ lên tràng bốp bốp liên thanh. Ba lom khom đi trước, mấy trăm con người rón rén theo sau. Mỗi khi ông đập tay đánh bốp, mấy trăm tiếng đập đánh bốp rộ lên phù họa. Từ trên nhìn xuống thấy đám đông theo sau ba giống đám ruồi bám theo đuôi thằn lằn ngoe nguẩy khi xúm vào khi tản ra cùng với tiếng bốp bốp khi khoan khi nhặt, đúng là màn hí kịch cười ra nước mắt.

Tiếng đập ruồi nghiêm trang và quyết liệt kéo dài hết buổi sáng ngày hôm đó, thu được kết quả không ngờ: năm trăm hai mươi tám con ruồi gom lại được hai vốc đầy, nâng số lượng diệt ruồi của ba lên đến con số vạn, chính xác là một vạn hai ba ngàn hai trăm linh chín con cả thảy, đồng thời chấm dứt luôn sự nghiệp đẹp như mơ của ông.

*
Ba trở lại quê nhà với vai trò phó ban tuyên giáo huyện, thứ trọng trách dành cho một người thất thế chưa đến tuổi về hưu. Thế cũng còn may, lúc đầu người ta tính đưa ông ra trại tâm thần, nếu không cũng cho ông nghỉ mất sức.

Buổi chiều buồn thiu ba về nhà không bằng chiếc Com-măng-ca màu cứt ngựa, ông đạp xe đạp từ tỉnh lị về nhà, không ai tiễn cũng chẳng ai đón. Mạ đón ba ở cửa, lẳng lặng tháo cái ca táp sau yên xe đưa vào giúp ông. Mạ không một lần dám ngước lên nhìn ông, bà lúi cúi làm hết việc này đến việc khác, nơm nớp lo ông bỗng nhiên nổi đóa, rất dễ tan nát cả buổi chiều.

Ba ngồi tựa cửa nhìn ra đường, cái nhìn trống rỗng vô hồn. Mấy anh chị của tôi thấy ông về, mừng lắm nhưng không dám chào, đứng túm lại một góc, len lén nhìn. Chúng tôi sợ sệt nhìn nhau, chẳng ai hỏi vì sao. Mâm cơm đã dọn, không ai dám mở mồm mời ông một tiếng. Mạ cũng không dám, bà đánh tiếng bằng cách quát nạt con tại sao ăn cơm lại không mời ba. Chúng tôi rào rào mời ông ăn cơm. Ba ừ, nở nụ cười méo xẹo. Ăn đi con. Ba nói. Cứ ăn đi đừng chờ ba. Tuân lệnh ba cả nhà gắp gắp chan chan, không ai nói với ai. Mạ cắm mặt vào bát cơm, thỉnh thoảng bà liếc sang ông dò ý, thở dài một tiếng chừng như để ông nghe, rồi lại cắm mặt vào bát cơm. Bữa cơm chiều lặng ngắt như một bữa cơm tang.

Anh Chín cắm thìa trố mắt nhìn ba. Có mấy con ruồi đang sà xuống mâm, anh nhìn ba như hỏi sao ông không bắt. Anh Chín cúi xuống ngước lên, hết trố mắt nhìn ba lại trố mắt nhìn mấy con ruồi. Đến lượt anh Tám cũng cắm thìa hết nhìn ba lại nhìn mấy con ruồi. Rồi anh Bảy, chị Hai và mạ, ai nấy mải mốt hết nhìn ba lại nhìn mấy con ruồi. Ba không hiểu sao cả nhà cứ trương mắt nhìn ông. Ăn đi,... nhìn chi rứa! Ông lừ mắt với cả nhà. Không ai dám lên tiếng. Duy nhất anh Chín chỉ mấy con ruồi nói. Ba nhòi tề!... Ba nhòi tề! Ba lấy quạt xua mấy con ruồi. Ăn đi con. Ba nói. Ba sững lại mắt sáng lên, ông chợt nhận ra giờ đây ông không còn quan tâm đến ruồi nữa. Thôi đúng rồi, chứng ghét ruồi mới cách đây một ngày ông đang mắc phải giờ đây đã hết mất tiêu.
Ba cười, lúc đầu còn cười mũi khịt khịt sau cười họng khì khì, cuối cùng ông há miệng cười khơ khơ khơ, kha kha kha... cái cổ giật giật cái mặt rung rung, nước mắt sống chảy giàn giụa. Nhà tôi ai nấy cười theo ông. Tôi vừa cười vừa vỗ tay bem bép. Anh Chín vừa cười vừa quệt mũi. Anh Tám vừa cười vừa nhảy cà tẩng. Anh Bảy vừa cười vừa thở hắt ra. Chị Hai vừa cười vừa lau nước mắt. Mạ vừa cười vừa mơn trớn nhìn chồng, cái nhìn bị bà bỏ quên đã bốn năm nay.

Đêm đó ba chủ động xiết chặt mạ vào lòng thì thầm, em ơi... anh có lại rồi! Mạ nấc lên sung sướng. Ba dằn ngửa mạ ra đâm hối hả, đâm như chưa bao giờ được đâm, như đâm lần cuối để mà chết. Ba vừa đâm vừa khóc, tiếng khóc rực lên một nỗi si cuồng. Mạ cũng trào nước mắt, bà giật và rú, giật và rú... trong đầm đìa nước mắt. Lần đầu tiên cũng là lần duy nhất cuộc hôn nhân sáu chục năm nước mắt ba mạ tôi chứa chan hạnh phúc.

Thằng Út nhà tôi đang ở vị trí 161 bên trái buồng trứng của mạ bỗng nhận được luồng khí mát rượi cùng với một vầng sáng màu lá mạ tỏa sáng rực rỡ. Lúc đó đúng 3 giờ 11 phút sáng, nó nhớ như in, đó là thời khắc nó nhận được chứng chỉ làm người. Sau này thằng Út cũng thành nhà văn, nó đã kể cho tôi nghe giây phút đó.

Linh Đàm 2010-Thảo Điền 2015

KCVR 24: ÁC MỘNG DŨNG QUẦN



Sau đám tang bác Đông trai, ba ít về nhà. Vắng người bạn tri kỉ, không còn ai chuyện trò nhậu nhẹt tâm đắc, những ngày nghỉ ở nhà ông thấy dài lê thê. Lại thêm bệnh sợ đàn bà, gần gũi vợ bao nhiêu càng tủi nhục bấy nhiêu. Một tháng ba chỉ về nhà một lần. Nhiều khi hai, ba tháng ông mới chịu về nhà, và chỉ về ngày chủ nhật tối đánh xe vô tỉnh. “Tai biến sau gáy” của bác Đông trai buộc ba thúc thủ bảo vệ mình, ông bám chặt công sở, lấy phòng làm việc làm cái lô cốt phòng thân.

Ba xin bác Đông gái được cất giữ tập tài liệu hơn ngàn trang báo cáo về ông của bác Đông trai. Ông nói với bác Đông gái ông muốn cất để kỉ niệm, “của tin còn một chút này”. Giống bác Đông trai, ba sợ ai đó tìm cách độn vài chục trang vào tập tài liệu sống còn này. Ba biết tập tài liệu này đã nằm trong lưu trữ mật, chẳng ai lôi ra làm gì nữa, trừ phi có biến cố bất thường nào đó xảy ra với ông. Dù thế nào ông vẫn lo, nỗi lo sợ không đâu ở ông mỗi ngày một đầy thêm. Ba giấu kín tập tài liệu, đi đâu cũng mang theo như vật bất ly thân. Nửa đêm ông lén dậy đọc nghiến ngấu từng trang một, đọc đi rồi đọc lại cho tới thuộc làu vẫn cứ đọc. Ba cũng không hiểu sao ông lại làm mất thời gian ngớ ngẩn đến thế. Chứng mất ngủ của ba bắt đầu từ đó.

Tôi bốn tuổi vẫn được đi theo ba, cả con Lu nữa. Bác Đông gái cũng đồng ý cho con Lu theo tôi, bác sợ nó buồn. Đêm đêm tôi nằm im rình xem sự thức ngủ của ba tôi. Bên tôi là con Lu. Từ ngày bác Đông trai mất, nó bám ba không rời. Chẳng phải nó muốn được tiếp tục ngồi ô tô cùng tôi. Cũng như tôi, con Lu đang rất lo cho ba và ra sức bảo vệ ông. Chúng tôi phát hiện ra chứng mất ngủ của ba. Ông đang ngủ say như chết bỗng giật nảy mình bùng dậy mặt đẫm mồ hôi, lưng áo cũng ướt sung mồ hôi, ba ngồi thức cho đến sáng.

Những đêm ba mất ngủ, cái bóng của ông cũng biến đổi rất hấp dẫn. Đầu hôm cái bóng ba giống tấm ván xẻ nằm phẳng lì trên giường. Nửa đêm ba choàng tỉnh bật dậy, tấm ván xẻ biến thành con bò đang ngồi trên tường. Con bò ngồi im như chết hơn một tiếng và biến thành con hươu cao cổ tụt xuống giường rón rén đi về phía cửa sổ. Con hươu cao cổ đứng rình sau cửa sổ chừng một tiếng rồi rơi xuống sàn nhà biến thành tấm ván xẻ. Có bất kì tiếng động nào, kể cả tiếng chặt lưỡi của con thạch sung, tấm ván xẻ lật mình biến thành con cá sấu bò lổm ngổm trên sàn. Gà gáy sáng con cá sấu dựng đứng lên lừ lừ tiến ra khỏi phòng ngủ đi về phòng làm việc.

Tôi và con Lu bám theo con cá sấu, thấy nó đã biến thành con bò ngồi chồm hổm trên ghế từ lúc nào. Ba ngồi đọc tập tài liệu của bác Đông trai viết về ông. Đang đọc say sưa, có tiếng thạch sùng chắt lưỡi, à không, có tiếng gà đập cánh gáy to một tiếng là ông giật mình đánh thót, mồ hôi lại tóa ra ướt đẫm mặt và lưng. Con bò biến thành con hươu cao cổ rón rén đứng rình sau cửa sổ, con hươu cao cổ rơi xuống sàn biến thành tấm gỗ xẻ, tấm gỗ xẻ lật mình biến thành con cá sấu bò lổm ngổm trên sàn cho tới khi mệt quá nó nằm bẹp xuống biến thành tấm gỗ xẻ nằm im như chết cho đến khi mặt trời lên.

Ba bắt đầu có chứng giật mình. Bao nhiêu tiếng động bấy nhiêu lần ba giật mình đổ mồ hôi lạnh. Tôi và con Lu biết ba rất khổ tâm về chứng bệnh của ông. Bất kì ai gọi “anh Vũ”, “thủ trưởng Vũ”, “đồng chí Vũ”... miễn là có tiếng “Vũ” ba đều giật mình đánh thót. Chẳng cần nhắc đến tên, chỉ cần ai đó kêu to một tiếng “Này!” ba đã giật bắn cả mình. Đó là nỗi xấu hổ của ba, nó tước đi vẻ đĩnh đạc tối thiểu, làm nhem nhuốc chút uy danh còm suốt một đời ông ra sức cóp nhặt.

Cán bộ văn phòng tỉnh, những cô gái xinh tươi phong nhũ phì đồn không giấu giếm thèm khát được ba chiếm dụng, bị ông từ chối thẳng thừng bằng cái nhìn nghiêm trang và lạnh lẽo, đã trả thù ông bằng cách bất ngờ réo gọi tên ông vào thời điểm ông cầm một cái gì dễ vỡ trên tay. Cốc chén vỡ liên miên cùng với những tiếng cười bịt miệng khoái chí của đám phong nhũ phì đồn, bình thường chỉ cần một cái vẫy tay của ông đã vội vã tụt quần. Chứng này đi kèm với chứng vọt nước tiểu không kiểm soát mỗi khi ba sợ hãi một điều gì. Mỗi lần giật mình là mỗi lần vọt nước tiểu, chỉ đôi ba giọt thôi cũng đủ cho ông nơm nớp lo sợ khi phải đối diện với đám đông.

Ba cố giấu chứng bệnh này. Tôi và con Lu ra sức giúp ông không cho nó tái phát, nhỡ có tái phát cũng không ai biết. Mỗi lần ba đi đâu, tôi chạy trước, con Lu theo sao. Tôi luôn cầm cái xịt bong bóng xà phòng, trò chơi nghiện ngập thuở nhỏ của tôi. Phát hiện kẻ nào cố ý làm cho ba giật mình tôi chạy tới xịt bong bóng xà phòng vào kẻ đó, cú xịt báo cho ba biết là kẻ cố ý chơi đểu ông.

Nếu ba có lỡ làm ướt đũng quần, tôi liền đi trước che cho ông, hoặc xịt xà phòng vào đũng quần ông cho ướt thêm ra, coi đó là trò nghịch dại của tôi. Con Lu mạnh mẽ hơn. Phát hiện có kẻ nào có ý trêu ba là nó nhảy đến liền. Nó nhe răng gầm gừ ra ý dọa dẫm, buộc họ phải từ bỏ trêu chọc ông. Ai đó vẫn cố ý réo gọi tên ba, con Lu nhảy lên ngay. Nó không cắn, chưa bao giờ con Lu cắn ai, nó chỉ sủa vào mặt một tiếng chói tai cũng đủ cho kẻ đó hết vía.

Tiếng động nào cũng làm ba giật mình, đáng sợ nhất là tiếng rít điếu cày từ quán bán thuốc lào phía sau Ủy ban tỉnh. Không ít lần tiếng điếu cày rít lên bất kể to nhỏ, ngắn dài là ba giật nảy mình, đũng quần ướt sũng. Đây chính là quán bán thuốc lào cho ba những ngày Cải Cách, quán thuốc lào duy nhất của Thị xã Ô Lệ, một tuần một lần ba đạp xe từ Thị trấn Kô Long vào đây mua đúng hai lạng thuốc lào cho đồng chí Đội trưởng. Tiếng điếu cày xảy ra bất ngờ rất khó kiểm soát, tôi và con Lu bó tay. Chúng tôi chẳng làm gì được cái quán khốn kiếp ấy. Một đôi lần con Lu xông tới sủa nhặng cả lên, tôi thì bắt chim đái vọt vào vẽ rồng rắn trước quán.. Bà chủ quán già yếu hom hem chẳng thấy gì, bà ngồi trước cửa nhăn răng cười, mặc chúng tôi muốn làm gì thì làm.

Cũng may đấy chỉ là quán bán thuốc lào, không phải quán nước chè thuốc lào như ở ngoài Bắc, không có người hút thường xuyên suốt ngày đêm, khi nào có người mua thuốc lào muốn hút thử người ta mới động đến điếu cày. Thị xã Ô Lệ ít người hút thuốc lào, những người mua đều là khách quen của quán không thử thuốc lào, tiếng điếu cày vì thế ít khi rít lên. Thường khi tiếng điếu cày rít lên vào lúc ba ngồi trong phòng làm việc trước cái bàn to đùng, đũng quần có ướt cũng không ai thấy. Nếu có khách, ba kéo cái khăn vắt qua đũng quần là xong.

Tôi và con Lu vẫn lo. Cạnh phòng làm việc của ba là cái hội trường to đùng, liên miên các cuộc họp to nhỏ ba phải có mặt. Một lần nào đó ba đứng trước đám đông, tiếng điếu cày bỗng vang lên thì sao?Nỗi lo sợ của tôi và con Lu quả nhiên là có thật.

*

Cuối năm có hội nghị thi đua tỉnh ở ngay hội trường Ủy ban tỉnh. Ba không thể không phát biểu trước hội nghị “hết sức quan trọng” này, dù biết thừa ông không nói cũng chẳng chết ai. Ba vốn dĩ ít nói, ở nhà đã ít nói, trước đám đông lại càng ít nói hơn. Ba chỉ nói nhiều khi có bác Đông trai, bác mất rồi lắm khi ông như người câm điếc, nói năng như một cực hình đối với ông. Ba đã chịu đựng những bài diễn văn tràng giang đại hải, tràn ngập thứ ngôn từ trống rỗng, ông thực sự không hiểu vì sao cả người nói lẫn người nghe đều say sưa đến vậy. Nước Nam ta may thay chưa có ai diễn thuyết tám tiếng đồng hồ, từ 8 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau như Fidel Castro, nếu có chắc ba phải đem vợ con sang Lào ở mất.

Nhậm chức chủ tịch tỉnh ba tự nhắc mình quyết không nói nhiều. Ông nói không quá chục câu trong các cuộc giao ban Ủy ban tỉnh, chủ yếu để gút lại một vài điểm cần lưu ý. Ông lẩn tránh hầu hết các diễn văn chào mừng nhân các ngày lễ lạt, ở đó độ dài các diễn văn tỷ lệ thuận với lòng tin yêu và niềm tự hào, các diễn văn ngắn dường như là sự coi thường hay xúc phạm. Chẳng có diễn văn nào dưới bốn trang A4, đối với những ngày lễ lớn hiếm khi dưới mười sáu trang. Ơn trời việc đọc diễn văn chào mừng là phận sự của bí thư tỉnh ủy hoặc phó chủ tịch văn xã, ít khi đến tay ông.

Lần này ba không tránh được, Bí thư tỉnh ủy đi vắng, ông phải có mặt và phát biểu. Buổi sáng ba đứng thắt cà vạt xanh da trời, tôi và con Lu biết ông sắp dự hội nghị quan trọng. Ba có hai cà vạt, cái màu đỏ mua ở chợ Kô Long để hội ý giao ban họp hành thường nhật, cái màu xanh da trời kỉ vật của ông bác Vĩ, chỉ khi họp hành thật quan trọng ông mới dùng tới. Tôi đánh mắt với con Lu, coi chừng! Con Lu chẳng cần biết tôi nói coi chừng cái gì, nó hất mũi lên vẻ ta đây, biết rồi! Con Lu chạy sang hội trường kế bên, thấy bandron khẩu hiệu giẳng kín cờ xí rộn ràng. Nó cong đuôi chạy về gằn giọng sợ sệt, báo cho tôi biết ba sẽ dự hội nghị ngay hội trường sát ngay quán bán thuốc lào.

Ba hiểu tôi và con Lu lo lắng điều gì, ông xoa đầu chúng tôi ra hiệu cứ yên tâm. Con Lu không chịu, nó dóng mỏ về phía đũng quần ba sủa mấy tiếng ý ra hiệu, chú ý phía đũng quần! Ba thoải mái nhẹ nhàng, ông biết con Lu và tôi đã quá lo lắng, không phải tiếng rít điếu cày nào cũng làm ông giật mình. Chỉ những tiếng rít điếu cày nào giống tiếng rít điếu cày của đồng chí Đội trưởng ba mới giật mình. Tiếng rít điếu cày của đồng chí Đội trưởng thế nào tôi và con Lu không biết. Ba nhập tâm đã từ lâu, đấy là tiếng tiếng lợn bị chọc tiết nhanh và gắt đến nhói óc. Hiếm ai có tiếng rít điếu cày sốc đến vậy ngoài đồng chí đội trưởng, người có cuống họng co giãn phi thường và một lồng ngực khỏe như gấu.

Ba vừa nhận tin Thủ trưởng vừa qua đời vì rắn cắn. Thủ trưởng chết rồi, đồng chí Đội trưởng còn sống cũng coi như chết, chẳng làm gì được ông. Ba nghe một người bạn rỉ tai. Thủ trưởng chết không phải vì rắn cắn. Người bạn nói. Vợ Thủ trưởng cắn Thủ trưởng đấy thôi. Người bạn cười hì hì. Cắn làm sao? Ba tò mò hỏi. Người bạn thì thầm kể dài dài. Nghe chuyện mà lạnh xương sống. Cái câu “cao nhân tất hữu cao nhân trị” đúng ở mọi nơi và mọi thời. Cao nhân của ba là chị Hiên, cao nhân của chị Hiên là Đội trưởng, cao nhân của Đội trưởng là Thủ trưởng, cao nhân của Thủ trưởng là Lâm Thủ trưởng, ác mộng đũng quần là bi kịch đèn cù thật đáng sợ.

Lâm Thủ trưởng là người đàn bà tên Lâm, vợ hai của Thủ trưởng. Cái ảnh trong ví của Thủ trưởng mà ba nhặt được bên bờ suối ở chiến khu Đá Mài không phải “ảnh vợ con vùng tạm chiếm” như Thủ trưởng nói, chính là ảnh bà Lâm. Vợ cả và ba đứa con của Thủ trưởng vẫn ở vùng tạm chiếm nhưng Thủ trưởng quên từ lâu, lấy cớ đang hoạt động bí mật Thủ trưởng dễ dàng thảy ngay bà vợ cả vừa xấu vừa quê, chuẩn bị kết hôn với bà Lâm, một người đẹp của chiến khu Đá Mài. Vì chưa báo cáo với tổ chức về bà Lâm, khi mất ví Thủ trưởng rất lo tổ chức bắt được cái ảnh bà Lâm trong ví sẽ mất toi công khó bao nhiêu năm phấn đấu.

Ba đã lập công tìm được cái ví cho Thủ trưởng và được Thủ trưởng ban cho chín tiếng tuyệt vời, rồi bị Thủ trưởng tước ngay lập tức chín tiếng tuyệt ấy vì nghi ông lấy năm trăm đồng Đông Dương của ngài. Ba không thấy năm trăm đồng Đông Dương ở trong ví, chỉ thấy mỗi cái ảnh bà Lâm. Ai chứ người đẹp Linh Lâm ba chẳng lạ gì. Năm 1947 Linh Lâm hai bốn tuổi da trắng như trứng gà bóc, thơm nức mùi đàn bà, chỉ cần quệt mũi qua đàn ông ít ai nhịn nổi. Một đêm chống càn ở Ri Òn tình cờ ba nằm cạnh bà Lâm trên chiến hào, ông chỉ biết bà Lâm là du kích Ri Òn tham gia chống càn, không biết tên tuổi mặt mũi ra sao.

Nửa đêm tối như mực, chờ mãi giặc chẳng lên, mùi đàn bà sực nức chịu không thấu. Ba à ơi đôi câu, thấy êm êm ông liền chồm lên đè nghiến người đẹp xuống đường hào. Chẳng cần phản ứng lấy lệ ra vẻ con nhà lành, người đẹp lẹ làng tụt quần nghiến ngấu lấy ba. Họ vừa kéo quần lên vừa lúc tiểu đoàn linh lê dương kéo lên, bắn pháo xi nhan sáng chói. Ông quan hai Pháp cầm súng ngắn xì xồ Viế min! ...Viế min..! Ba bắn một phát trúng ngực chết lăn quay, không động cựa. Bà Lâm nhảy lên quất báng súng trường vào đầu ông quan hai mạnh đến nỗi đầu hắn nứt toác. Bà Lâm quất thêm một cái nữa đầu vỡ ra làm đôi, óc phòi ra lênh láng. Ba rùng mình ớn lạnh. Ngước lên thấy mặt bà Lâm như mặt chó dại, hai mắt hả hê long sòng sọc, ba sởn óc dựng tóc gáy, phọt cả nước tiểu.

Đèn pháo xi nhan tiếp tục bắn lên, lính Pháp kéo lên ầm ầm, du kích và bộ đội địa phương mạnh ai nấy chạy, ba không biết bà Lâm ở đâu nữa. Một năm sau thấy người đẹp Linh Lâm ở chiến khu Đá Mài. Tình cũ không rủ cũng tới nhưng ba trốn biệt, nhớ đến cái đầu ông quan hai nứt toác và đôi mắt hả hê long sòng sọc của bà Lâm ba lại óc dựng tóc gáy, phọt nước tiểu, tuyệt không dám vãng lai. Chẳng thèm thứ đàn ông như ba, bà Lâm đã tìm ngay được ý trung nhân, năm sau Thủ trưởng “ nhận được tin” vợ cả Thủ trưởng chết bom, bà Lâm lên ngôi chính thất, sinh liền hai trai một gái cho Thủ trưởng và có tên là Lâm Thủ trưởng.

Sau sửa sai, đồng chí Đội trưởng kéo chị Hiên chạy ra quân khu và nhanh chóng nhường suất mèo kêu của chị Hiên cho Thủ trưởng. Chị Hiên và đồng chí Đội trưởng vừa được Thủ trưởng ban cho chín tiếng tuyệt vời vừa được ngủ với nhau, thật là nhất cử lưỡng tiện. Nhưng hai người có quan hệ kín đáo thế nào cũng không qua mặt được giống cáo hóa tinh, ít lâu sau Thủ trưởng biết ngài cũng chỉ hưởng xái bánh ú kiên cường của chị Hiên mà thôi. Từ đó Thủ trưởng còn biết thêm nhiều chuyện kinh hoàng về con cu thiên tài của đồng chí Đội trưởng. Con cu thiên tài của Đội trưởng đã làm Thủ trưởng phải mọc sừng. Lâm Thủ trưởng đã ăn nằm nhiều lần với Đội trưởng. Cũng như Lý trưởng làng Trung, thủ trưởng cũng xuýt xoa cười cay đắng. Công nhận thằng chó đẻ này giỏi thật! Thủ trưởng tất nhiên cao tay hơn Lý trường làng Trung, ngài biết kế mượn đường diệt quắc của Tôn Tử và chế tác thành kế mượn vợ diệt tình địch, kế này Tôn Tử cũng phải chào thua.

Ngài cho đàn em mật báo cho Lâm Thủ trưởng biết quan hệ của Đội trưởng và chị Hiên rồi lấy cớ đi công tác xa, ngài luôn biết ngoại phạm những lúc cần ngoại phạm. Lâm Thủ trưởng nổi cơn tam bành khi biết đồng chí Đội trưởng đã bội tình, suốt ngày tằng tịu với chị Hiên. Lâm Thủ trưởng không vén quần lên tận bẹn nhảy chồm chồm chửi rủa tình địch như đàn bà nhà quê, vốn thấm nhuấn văn hóa nước Đại Ca, nơi đàn bà không mưu mô không phải đàn bà, Lâm Thủ trưởng biết phải làm thế nào để chị Hiên ra sông tắm đêm và chết trôi vào lúc nửa đêm, làm thế nào để con cu thiên tài của đồng chí Đội trưởng văng khỏi quần mà không ai biết.

Quả là không ai biết thật, Lâm Thủ trưởng là gà mái hoa mơ hóa cáo sắp đặt chuyện gì cũng thành tựu. Đồng chí Đội trưởng biết vì ai mà mình mất cu vẫn phải cắn răng hầu hạ vợ chồng Lâm Thủ trưởng. Thủ trưởng vẫn chưa thỏa mãn, kẻ nào bị ngài thù ghét đều ở trong tình trạng có mày không tao. Thủ trưởng không muốn thấy cả Lâm Thủ trương lẫn đồng chí Đội trưởng, Một ngày đẹp giời đồng chí Đội trưởng nhận được chim của đồng chí đựng trong lọ cồn 900, nắp lọ rành rành chín chữ truyệt vời của Thủ trưởng: Đồng chí rất tốt. Tôi tin tưởng đồng chí!

Đây chính là sai lầm của Thủ trưởng, ngài tưởng làm thế là để tỏ cho cả đồng chí Đội trưởng và Lâm Thủ trưởng biết ngài đã bắt được quả tang, họ chỉ có cách tự mình treo cổ. Ngờ đâu khi đồng chí Đội trưởng dâng lọ cồn có chín chữ tuyệt vời của Thủ trưởng cho Lâm Đội trưởng cũng là khi Thủ trưởng hết đường sống. Lâu nay Lâm đội trưởng đinh ninh Thủ trưởng dù là cáo hóa tinh cũng không thể biết chuyện này. Bây giờ bà mới té ngửa, thì ra Thủ trưởng mượn bà diệt Đội trưởng, con cu thiên tài của Đội trưởng bị bà cho văng ra khỏi quần, bay qua cửa sổ rơi đúng lọ cồn của ngài.

Cái lọ cồn có chín chữ tuyệt vời của Thủ trưởng cho bà hay, ngài đã biết đồng chí Đội trưởng chẳng những đã cho ngài hưởng xái vụ chị Hiên mà ngay vợ của ngài Đội trưởng cũng cho ngài hưởng xái. Lâm thủ trưởng biết Thủ trưởng không hề đi công tác, ngài vẫn ở nhà để quan sát những gì bà đã làm với chị Hiên và Đồng chí Đội trưởng. Buổi tối bà kéo đồng chí Đội trưởng vào buồng, thủ trưởng ngồi rình ngoài cửa sổ đợi con cu thiên tài văng ra để chụp lấy cho vào lọ cồn. Xong. Lâm Thủ trưởng và đồng chí Đội trưởng đã bị Thủ trưởng cho vào danh sách có mày không tao.

Muốn sống Lâm Thủ trưởng và đồng chí Đội trưởng phải cố kết với nhau đối phó với ngài. Một khi lực lượng dao phay cố kết với đàn bà thì dù có cáo hóa tinh cũng chẳng làm gì tốt. Một ngày đẹp giời khác, sáng ra người ta thấy Thủ trưởng chết dưới giàn hoa thiên lý cơ quan quân khu bộ, bụng ngài có cả ổ rắn lục xanh lét đang ngo ngoe. Không ai nghi ngờ về chuyện này, người ta thi nhau đồn rầm lên giàn hoa thiên lý là nơi chứa rắn lục, cả quân khu bộ nháo nhác tìm phá các giàn hoa thiên lý. Duy nhất cô con gái út bảy tuổi của Lâm Thủ trưởng biết chuyện này, cô biết mẹ cô đã làm gì với bố. Cô bỏ nhà ra đi trong đêm, biệt tích cho đến bây giờ.

*

Ba mới nghe bạn ông kể tới đó, còn thêm chuyện Lâm Thủ trưởng dắt đồng chí Đội trưởng sang nước Đại Ca để nối chim thì ông không tin. Ba tôi ôm bụng cười lăn, chim đã vứt đi rồi lại còn nối. Y học thời này khó ai tin nổi, ba cũng thế. Chẳng qua Lâm Thủ trưởng quá tiếc con cu thiên tài phải lặn lội sang nước Đại Ca. Thế lại đâm hay, Thủ trưởng đã về trời, đồng chí Đội trưởng đang ở nước Đại Ca, ba cứ kê cao gối mà ngủ không phải lo lắng gì.

Tôi và con Lu không hề biết chuyện ly kì giật gân của Thủ trưởng và đồng chí Đội trưởng nên chúng tôi vẫn không thôi lo lắng. Thấy ba mặt mày tươi tỉnh chúng tôi càng lo, chẳng biết vì chuyện gì ông có vẻ hí hửng tợn. Chúng tôi ngồi chung ghế trống cuối hội trường. Thực ra không phải ghế trống, đó là cái ghế Ban tổ chức hội nghị dành cho tôi và con Lu mỗi khi có ba tới dự. Oách thật nhưng không gì chán bằng khi lọt vào giữa đám đông nói năng dài lê thê, toàn những chuyện gì đâu mình không thể hiểu.

Con Lu ngồi nhấp nhổm không yên, khi có linh tính cho nó biết có cái gì đó không hay là nó cứ loay hoay như đói bụng, mũi nó khịt khịt hít gió liên hồi. Còn lâu hội nghị mới kết thúc, ba thường phát biểu cuối buổi, ít nhất hai giờ nữa. Con Lu ra hiệu tôi ra khỏi hội trưởng. Tôi hỏi con Lu, đi đâu? Nó dóng mỏ về phía quán thuốc lào sau hội trưởng. Tôi hiểu ý con Lu, lon ton chạy theo nó. Chúng tôi chạy tới quán thuốc lào. Quán vắng hoe, bà chủ quán đang ngồi ngủ gật bên thềm. Chúng tôi nhìn nhau mừng rỡ, hôm nay không có ai mua thuốc lào. Ba tha hồ diễn thuyết, chắc sẽ không có tiếng điếu cày rít lên giữa cuộc diễn thuyết của ông. Chúng tôi hí hửng chạy về hội trường, tót lên cái ghế cuối cùng hí hửng chờ đợi. Sau diễn thuyết của ba là nhậu nhẹt, hội nghị càng lớn nhậu nhẹt càng to.

Ba rời ghế đĩnh đạc khoan thai lên diễn đàn. Ông vừa nói, thưa các đồng chí... phía sau hội trường vang lên tiếng rít điếu cày “lợn chọc tiết” của đồng chí Đội trưởng. Ba giật bắn, mặt ông tái dại. Ba ngưng lại một giây cúi xuống, nước tiểu đã ướt sũng đũng quần ông. Tôi quay ngoắt lại nhìn con Lu, bỏ mẹ rồi. Làm thế nào bây giờ? Con Lu nhăn mặt quặc lại, sao mày hỏi tao! Tôi bảo nó, mày chạy lên bục xem thế nào. Tôi không được chạy lên bục khi ba đang nói, con Lu thì thoải mái. Con Lu phóng lên ngay. Trong khi ba đang vào khúc dạo đầu, con Lu đứng trước mặt ông ngó nghiêng cái đũng quần ướt sũng của ông. Bất thình lình phóng ra ngoài cửa hội trưởng, lao xuống sân nhà. Tôi ù té chạy theo nó.

Đúng là tiếng điếu cày “ lợn chọc tiết” của đồng chí Đội trưởng, chỉ có nó mới làm ba giật mình phọt nước tiểu. Đồng chí Đội trưởng đã bỏ thuốc lào sau những ngày sửa sai rồi, chẳng lẽ bây giờ đồng chí hút lại? Nghe nói giờ này đồng chí đang nối chim ở nước Đại Ca sao bây giờ ở đây? Bao nhiêu câu hỏi rối bời không làm ba rối trí, sự điềm tĩnh trời cho đã giúp ông vượt qua khủng hoảng. Giờ không phải lúc lục vấn, cần phải giải quyết ngay cái đũng quần. Để không ai nhìn thấy cái đũng quần thảm hại, ba chỉ còn một cách đứng lì ở bục diễn đàn nói đến khi nào đũng quần khô mới rời bục. Phải mất hai giờ đũng quần mới khô được. Lúc này là mười giờ, ba nhìn đồng hồ và bắt đầu nói, ông quyết định kéo dài cuộc nói chuyện đến mười hai giờ. Ba chẳng khó khăn gì khi cần phải huy động thứ ngôn ngữ hoa hòe hoa sói và trống rỗng. Ông nói ý nghĩa của thi đua yêu nước mất bốn mươi phút, thêm hai mươi phút tác dụng của thi đua thế là đủ một giờ. Còn một giờ nữa ông bắt đầu cà kê về kết quả phong trào thi đua của tỉnh nhà, ông biết thừa đó là thứ phong trào trên giấy, cũng biết thừa phải nức nở thế nào cho quan khách trước mắt ông phổng mũi hết lượt.

Ba kết thúc bài nói chuyện đúng 12 giờ, sau khi cúi xuống nhìn nhanh đũng quần biết nó đã khô, ông ngước lên tươi cười nói, cảm ơn sự chú ý của các đồng chí! Thật bất ngờ cả hội trường đứng bật dậy vỗ tay rào rào, lần đầu tiên người ta được nghe Chủ tịch Phạm Vũ nói hay đến thế. Tiếng vỗ tay kéo dài gần ba phút, quá đủ để ba phổng mũi. Mọi người xúm đến quanh ba nức nở khen ông nói hay hơn cả báo Nhân Dân, đó quyết không phải lời khen đểu, thời này đó là lời khen sang trọng.

Trong khi ba đang dùng ngôn ngữ sấy khô đũng quần, tôi và con Lu đi tìm kẻ vừa rít điếu cày. Nếu kẻ rít điếu cày là đồng chí Đội trưởng, vấn đề không còn là cái đũng quần của ba, nó là tính mạng của ông. Chúng tôi lo lắng căng thẳng. Con Lu kéo tôi quay lại quán thuốc lào. Bà chủ quán vẫn ngồi ngủ gật bên thêm. Chúng tôi phân vân trước cửa không biết làm sao, con Lu không biết nói, tôi chẳng biết nói gì. Thình lình con Lu sủa lên mấy tiếng, nó phát hiện vết xe Com- măng- ca trước quán. Rất có thể đây là xe Thủ trưởng, chúng tôi nhìn nhau lặng đi.

Chúng tôi đã đoán đúng, đó là vết xe Thủ trưởng. Nhưng người ngồi xe com- măng- ca lúc này không phải là ngài, vẫn là đồng chí Đội trưởng, kẻ vừa rít điếu cày “lợn chọc tiết”. Đồng chí vừa từ nước Đại Ca trở về cùng với con cu thiên tài được ghép nối thành công. Lâm Thủ trưởng dắt đồng chí Đội trưởng đi tìm cô con gái, tìm không được bèn dắt nhau sang nước Đại Ca nối chim cho Đội trưởng. Nếu nối được chim họ sẽ sống cùng nhau. Công tác nối chim khó khăn phức tạp, phi bác sĩ nước Đại Ca không ai làm được, Lâm Thủ trưởng phải chi hết một trăm cây vàng chứ không ít. Phải chắp nối hai lần mới thành công. Lần thứ nhất mất năm chục cây, nối xong cho chạy rô- đa, khúc trong phấn khởi lắm rồi nhưng khúc ngoài mới nối cứ như cổ con gà rù. Lại phải tháo ra nối lại, Lâm Thủ trưởng phải chi thêm năm mươi cây nữa. Lần này thì thành công rực rỡ, con cu thiên tài tiếp tục thiên tài, Lâm Thủ trưởng một đêm năm lần ngất ngây mê man.

Đồng chí Đội trưởng đã trở về. Con Lu nhảy dựng tru một hồi như sói. Tiếng tru toát ra nỗi sợ hãi cùng cực. Tôi chưa nghe chó tru bao giờ, lần đầu nghe con Lu tru lên sợ hãi làm tôi nổi cả da gà. Con Lu cong đuôi chạy đi, tôi đuổi theo nó hỏi, chạy đi đâu? Cái mặt quyết tâm của nó trả lời, đi tìm đồng chí Đội trưởng! Tôi kêu lên, tìm để làm gì? ... Ô kìa, tìm để làm gì? Tôi hỏi hai ba lần con Lu bất ngờ dừng lại vếch mắt lên, mày không đi thì thôi, đừng có hỏi ngu thế. Tôi đành chạy theo nó, đã đói lắm rồi tôi vẫn cố chạy theo.

Ba được các đại biểu kính cẩn mời vào nhà hàng. Đũng quần đã khô, ông chẳng còn lo lắng. Thủ trưởng đã chầu trời, có Đội trưởng cũng như không, việc gì phải lo lắng thái quá. Nhậu nhẹt say sưa đến 2 giờ chiều, thư ký ba tới gặp ông, kéo tay ông thì thầm. Thủ trưởng vừa về! Thủ trưởng về trời rồi còn Thủ trưởng nào? Ba tôi cười nhạt vẻ bất cần. Dạ….. bây giờ đồng chí Đội trưởng là Thủ trưởng. Thật a? Ba há hốc mồm, ông không thể tin vào tai mình nữa. Thư ký kéo tai ba sát miệng. Anh quên điều anh vừa nói, dưới gầm trời này không có gì là không thể. Ba tôi chậc lưỡi xuýt xoa. Lâm Thủ trưởng muốn gì được nấy, kinh quá kinh quá! Thư ký gật đầu lia lịa, phâng nịnh bợ nhiều hơn phần nhất trí. Anh nói cấm có sai. Lực lượng dao phay kết hợp với đàn bà thì kinh lắm. Ba tôi cười to, cái cười cứng lại giữa chừng, đũng quần ông ướt sũng.

Ba vội kéo khăn lau phủ lên đũng quần. Lại phải làm khô đũng quần lần nữa, ông quyết định kéo dài cuộc nhậu thêm hai giờ, thời gian đủ để khô đũng quần. Ông lại bắt đầu diễn thuyết. Mọi người dần xúm lại quanh mâm rượu của ba. Không mấy khi Chủ tịch tỉnh nhậu nhẹt say sưa đến thế. Ba uống và nói, ông luận về sự hèn, đề tài cũ rích nhưng thật lạ và hấp dẫn vì nó được nói ra từ mồm ông quan đầu tỉnh. Xong một đợt diễn thuyết ba lại nâng ly rượu chạm ly với mọi người và nói, nói say sưa, vừa bịa vừa thực, vừa chân thành vừa giả dối. Ông nói cái hèn của vua Lê cái hèn của chúa Trịnh, cái hèn của Kim Trọng cái hèn của Từ Thức, cái hèn của Hàn Tín cái hèn của Phù Sai... Dần dà kéo sang cả trời tây, ông luận về cái hèn của Mozart, của L. Tolstoi, của M. Gorky, của Chopin, của Picasso... cái hèn của vân vân.

Ba say nhừ, lưỡi líu lại không còn biết ông đang nói gì. Mọi người xúm đen xúm đỏ quanh ông, há hốc mồm nghe ông nói. Ông tu sạch ly rượu dằn mạnh cái ly xuống bàn. Tôi cũng hèn. Ông ném cái ly vào tường. Hèn lắm! Ông gầm lên. Mọi người giật thột nhìn nhau. Ba đứng bật lên nhìn mọi người mếu máo. Tôi cũng hèn lắm các đồng chí ạ!... Hèn lắm! Ba tôi rơi xuống, nằm vật ngửa ra sàn, phơi ra cái đũng quần ướt sũng chưa kịp khô. Ông lịm đi không còn biết gì nữa. Đám cấp dưới nháy nhau chỉ trỏ đũng quần ướt sũng của ông, họ bịt miệng cười khoái trá.

*

Tôi và con Lu bỏ bữa trưa đuổi theo chiếc Com - măng- ca trên đường cái quan. Con Lu muốn có mày không tao với đồng chí Đội trưởng. Con Lu liều quá, đó là việc rất nguy hiểm, với lực lượng dao phay chỉ có cách tránh đi chớ nên đối diện. Tôi cố đuổi theo con Lu can ngăn nó nhưng không kịp. Nó chạy quá nhanh không sao đuổi kịp. Tôi bốn tuổi chạy vô vọng trên đường Thị xã, không sao có thể đuổi kịp con Lu.

Lúc đầu tôi còn thấy cả xe com- măng- ca cả con Lu, sau rồi chỉ thấy con Lu, cuối cùng con Lu cũng chẳng thấy. Thất thểu đi trên vỉa hè dưới trời nắng như đổ lửa, gặp một cái bóng râm, tôi chạy tới trốn nắng. Đó là một cây me già, vừa tơi nơi tôi bỗng thấy đầu con Lu ở ngay gốc cây. Không thấy thân con Lu ở đâu, mỗi cái đầu tròn như cái gáo dừa của nó, hai mắt trợn trừng sợ hãi và căm giận.

Tôi ôm đầu con Lu quay về nhà, vừa đi vừa khóc, áo quần bê bết máu. Về tới Ủy ban tỉnh, nhiều người xúm lại hỏi, tôi không trả lời, cứ ôm đầu con Lu đi thẳng lên lầu hai, nơi phòng làm việc của ba. Những xì xầm sau lưng tôi, hình như họ nhắc tới bác Đông trai, tới ba, tới Thủ trưởng, tới chị Hiên và đồng chí Đội trưởng, tới nhiều người nữa mà tôi không biết họ là ai.

Buồng trong trong phòng làm việc ba say tít mù nằm như chết trên giường. Tôi ôm đầu con Lu đứng khóc nức nở. Ba bừng tỉnh, ông dụi mắt mấy lần mới nhận ra cái đầu con Lu. Trời ơi... Lu ơi! Ba tôi kêu lên. Ông ôm chặt lấy đầu con Lu. Vẫn mở mắt trợn trừng nhưng đôi mắt con Lu không còn sợ hãi và căm giận nữa. Nó đang nhìn ba, cái nhìn thật xót xa.

KCVR 23: BÁC ĐÔNG TRAI



Đích thân bác Đông trai đang đêm trực tiếp điều quân đưa ba từ Thị trấn Kô Long về Thị xã Ô Lệ. Sáng hôm sau bác Đông trai tới nhà khách đưa ba đi ăn sáng, ba mới vỡ ra mọi chuyện. Đang đêm bí thư tỉnh ủy gọi điện cho phó ty công an Lê Đông. Có tin đồng chí Vũ đang ở khu vực không an toàn, tìm cách đưa đồng chí ấy vào ngay. Bác Đông trai hiểu ngay vấn đề, không cần nửa lời giải thích của bí thư, lập tức bác điều quân đưa ngay ba vào tỉnh, bí mật gấp gáp đến độ ba tưởng là một vụ thủ tiêu.

Đây là lần thứ ba bác Đông trai ra tay bảo vệ ba. Hai lần trước cách đây không lâu, một lần ba đắc cử Hội đồng nhân dân tỉnh và lãnh chức trưởng ty Giáo dục, lần tiếp sau khi ba lên chức phó chủ tịch ngày trước, ngày sau lên ngay chức quyền chủ tịch tỉnh, quan và dân trong tỉnh đều bất ngờ, tiếng ồn xôn xao khắp tỉnh. Cả hai lần đều cùng một tin cơ sở báo lên: “Có kế hoạch đặt mìn nhà ông Phạm Vũ”. Tin cơ sở báo lên thường là hoang báo nhưng không thể bỏ qua, người này lên hương người khác tất nóng mặt, không ai dám đảm bảo kẻ nóng mặt chịu ngồi yên không động thủ khi thấy kẻ khác qua mặt mình. Lúc đó nhà tôi đang ở cái chuồng bò, bác Đông trai cho quân ém quanh chuồng bò suốt đêm.

Ba không hề biết chuyện này. Cả hai lần đều không có gì xảy ra nên bác Đông trai cũng không cho ba biết, nguyên tắc nghề nghiệp không cho bác nói ra. Có thể cả hai lần chỉ là hoang báo, mấy ông nóng mặt vẫn hay xì ra mấy tin hiểm nghèo đó để dọa chơi. Có thể vì anh Bảy tôi đêm nào cũng ngủ ngồi ngoài chuồng bò nên người ta không thể đặt mìn được. Có thể họ đã phát hiện ra quân Lê Đông đã nằm ém quanh chuồng bò nhà Phạm Vũ rồi, đành phải lặng lẽ rút lui.

Tất cả chỉ là có thể, khó ai có thể nói chắc một điều gì. Xưa nay từ nóng mặt tới động thủ mười người có tới chín, nhưng động thủ tới sát thủ thì ngàn người may ra mới có một. May ra mới có một chứ không phải không có, cái khó của bác Đông trai là chỗ đó, bác không thể không cho ém quân bảo vệ ba cũng không thể nói trắng ra với ông chuyện khó nói này. Nói với người khác về những chuyện hiểm nguy không xảy ra với họ khác nào dọa dẫm, bác Đông trai không bao giờ làm.

Lần thứ ba bác Đông trai phải nói cho ba biết. Đãi ba món cháo lươn ớt cay xé lưỡi, món ăn sáng ông ưa thích, bác kể lại sự việc tối qua, không hề giải thích cho ba vì sao ông ở trong vùng nguy hiểm, vì sao bí thư tỉnh ủy lại biết. Bác Đông trai xưa nay vậy, chuyện tào lao bác rất lắm lời, có thể nói suốt ngày không biết chán, với công việc bác chỉ nói vừa đủ, không thiếu cũng chẳng thừa. Biết tính bác, ba không hỏi gì thêm , ông chỉ than bác đã làm ông sợ gần chết một đêm ròng. Lên tới chủ tịch tỉnh mới sợ một đêm đã kêu. Báo cho biết, từ nay ông phải sợ hãi suốt đời đó. Bác lên giọng trêu chọc. Suốt đời à? Ba hỏi. Ừ... suốt đời. Bác nói. Ba ngồi bần thần. Ông không dám nhìn thẳng mặt bác Đông trai hỏi thêm một câu nữa, liệu có cách nào thoát được nỗi sợ hãi ấy không?

Vẻ ngoài bác Đông trai hao hao ông giáo tiểu học, chẳng hề có dáng một công an, càng không có dáng một ông quan. Bác nhỏ thó gầy guộc, chưa khi nào nặng quá bốn chục cân, con người nhẹ tênh thé kia lại quản lý bà vợ to béo phốp pháp không dưới bảy chục cân và năm ông con trai to cao như năm phi công. Công an là ngành của những bộ mặt quan trọng trịnh trọng nghiêm trọng, chỉ cần lên chức hạ sĩ người ta đã có đủ các bộ mặt này rồi. Bác Đông trai thì khác hẳn, công việc cũng nhẹ tênh như người bác. Hết giờ hành chính bác nhét công việc vào sâu trong hộc tủ khóa kĩ, nhảy ra đời đi đá bóng đi đánh bóng bàn, đi cà phê đi uống rượu, đi xine đi tán gái...việc gì cũng nhẹ tênh.

Thứ bảy nào bác Đông trai cũng đánh xe từ Ô Lệ về Kô Long. Sau bữa cơm chiều ấm cúng với vợ con, bác tót sang nhà tôi tán gẫu chuyện tào lao với ba tôi. Giống ba, bác Đông trai ghiền nặng tiếng Pháp. Tới công sở bịt miệng khâu mồm không dám hở ra một tiếng đế quốc thực dân nào, cứ về tới nhà là bác Đông trai và ba vồ lấy nhau xổ ra hàng tràng tiếng Pháp, tán đủ chuyện trên trời tới biển kim cổ đông tây. Chuyện gì họ cũng cãi nhau. Hay cãi nhau nhất vẫn là chuyện thơ phú. Bác Đông trai rất thích thơ Aragon, ba chê thơ ông này vừa sáo vừa sến. Ba mê tít thơ Hàn Mạc Tử, bác Đông trai bảo đó là thơ của ông hâm.

Chỉ có rượu là họ nhất trí. Ba bảo rượu Kô Long ngon nhất nước bác Đông trai nhất trí liền, ba có bảo rượu Kô Long ngon nhất thế giới bác Đông trai cũng ừ luôn. Rượu say rồi họ đua nhau hát như gào. Hát cũng cãi nhau, ba tôi gào to bài Guitare d'amour bài hát xứ Tây Ban Nha, bác Đông cố đè bẹp giọng ca của ba tôi bằng bài Le plus beau tango du monde một ca khúc của nước Pháp, cuộc ca hát cứ thế ồn ào như vỡ chợ.

Tật ghiền tiếng Pháp của ba và bác Đông trai thành vấn đề của chính quyền. Ai có chút chức sắc đều phải chấp nhận có các đôi mắt phía sau bức vách. Từ khi ba là chủ tịch Thị trấn, nhà tôi bất kể là ngôi nhà ba gian hai chái hay cái chuồng bò đều có các con mắt sau các bức vách. Sáu giờ tối mắt rắn. Tám giờ tối mắt ti hí. Mười giờ đêm mắt vàng khè. Ba giờ sáng mắt thao láo... Mỗi lần bác Đông trai sang nhà tôi chơi lập tức có thêm một con mắt khác, một con mắt già nua nhợt nhạt, lòng trắng ngổn ngang những tia đỏ. Không nói ra bác Đông trai và ba tôi biết thừa đó là mắt của kẻ lấy tố cáo làmlẽ sống.

Báo cáo của cơ sở

Mỗi lần Lê Đông và Phạm Vũ nói chuyện riêng, họ đều nói tiếng Pháp. Chúng tôi biết chắc chắn họ nói tiếng Pháp vì có rất nhiều từ Le và La, trung bình có 300 từ Le và La mỗi lần họ gặp nhau. ( Có thể bị bỏ sót vì lắm lúc họ nói rất nhanh.)

Dù không hiểu họ nói gì nhưng chúng tôi biết trong các cuộc nói chuyện họ nhắc nhiều đến các nhân vật chính trị, lẫn lộn giữa vĩ nhân và phản động, ví dụ Hồ Chủ Tịch, Ngô Đình Diệm, Xtalin, Kennedy, Minh Mạng, Quang Trung, Lê Chiêu Thống... và một số nhân vật mà chúng tôi không rõ ta hay địch, ví dụ: Hàn Mạc Tử, Thế Lữ, Lưu trọng Lư, Nguyễn Du, Xuân Diệu v.v.

Bất cứ cuộc nói chuyện nào họ đều nhắc đến Hồ Chủ Tịch với thái độ không nghiêm túc. Họ vừa nói vừa cười, còn dám gọi Người là ông ta (il) (Họ gọi nhau là je, tu thì được nhưng gọi Người là il là hỗn láo).

Bên cạnh đó họ nhắc tới nhiều người Pháp, ví dụ: Apollinaire, Aragon, Victor Hugo, Dumas v.v. chúng tôi không rõ họ là ai, mật thám hay các đồng chí hoạt động cùng với Bác. Nếu là mật thám Pháp, có thể đó là các mật thám đã bắt Bác ở Hồng Kông. Nếu là các đồng chí Pháp, có thể họ tham gia đại hội Tours cùng với Bác. Dù những người Pháp đó là ai, việc nhắc tới họ khi chưa có chỉ thị hướng dẫn của cấp trên là manh động, sai phạm nguyên tắc Đảng.

Bác Đông trai và ba mất rất nhiều thời giờ giải thích cho lãnh đạo tỉnh vì sao họ nói tiếng Pháp và nội dung các cuộc nói chuyện bằng tiếng Pháp. Mỗi người viết 20 trang đánh máy khổ A4 tường trình về vấn đề này. Thực ra cả hai bản tường trình đều do bác Đông trai viết cả, tường trình là nghề của bác Đông trai. Bác đánh máy mười ngón, vừa đánh vừa tán chuyện vẫn không sai chữ nào, mỗi ngày bác đánh máy vài ba chục trang không có gì vất vả. Ba chỉ kí vào trang cuối cùng và tự tay gửi đi, thậm chí ông chẳng cần biết bác viết những gì trong đó.

Mất chừng nửa năm ba và bác Đông trai mới dẹp yên được vụ tiếng Pháp, mệt quá hai người hò nhau cai nghiện luôn món tiếng Pháp, quyết tâm cạo vỏ não cho hết bã tư sản. Bác Đông trai chỉ quyết tâm “cạo” trong các bản kiểm điểm mà thôi. Ba thì khác, ông thực lòng cố cạo cho hết thật. Bảy năm theo học các trường phổ thông Pháp- Việt bã tư sản có một nhúm, ba bền bỉ cạo mấy năm trời. Thỉnh thoảng bác Đông trai ghé tai ba hỏi ghẹo. Đã cạo xong chưa? Ông không cạo thật à? Ba trợn mắt lên. Cạo chứ. Bác tủm tỉm rỉ tai ba. Cạo như tôi người ta mới tin, cạo như ông càng cạo người ta càng nghi ngờ. Ba cười nhạt không tin. ông không tin à? Bác hỏi. Ba mặt thộn không biết nói sao, ông sợ đó là sự thật.
Cả sự thật bác Đông trai nói tại quán cháo lươn ba cũng sợ. Ba không thể tin nổi có kẻ đang tâm hạ thủ ông chỉ vì ông đã “leo nhanh quá”. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! Bác Đông trai vỗ vai ba nói. Bác phá lệ xổ ra một câu tiếng Pháp. Éviter les ennemis, puis rencontré Camarades... Ba rụt cổ không dám đáp trả bằng thứ tiếng “phản động” đó. Rứa là răng? Ba hỏi. Bác không trả lời vội, húp một hơi hết bát cháo lươn mới ngẩng lên nói. Thời trước cực khổ mới đấu tranh giành được thời này, hóa ra thời này còn cực hơn. Ba tôi vẫn không hiểu. Rứa là răng? Ba hỏi. Hai mắt bác Đông trai đỏ hoe, chẳng biết vì ớt cay hay vì chính điều bác vừa nói. Ba hỏi một lần nữa. Bác lầm bầm nói như nói với bác. Thời này cực lắm, trước mặt kẻ thù, sau gáy chiến hữu. Thìa cháo lươn trong miệng ba đắng ngắt, ông nuốt không nổi.

Trong nháy mắt ba ngẩng lên không thấy bác Đông trai đâu nữa, như là bác biết tàng hình. Ngồi chờ lâu không thấy bác, ba trả tiền rời quán cháo lươn, thong thả đi bộ về Ủy ban tỉnh. Đi chừng vài trăm thước ba thấy xe bác Đông trai sau lưng, bác nhô đầu ra cười toét. Lên đi! Ba lên xe. Ông chạy đi đâu đấy? Ba hỏi. Có xe người quen đi qua, tôi không muốn người ta trông thấy tôi gần gũi với ông. Người quen là ai? Bác khịt khịt mũi không đáp, cứ khi nào khó nói bác lại khịt khịt mũi. có phải chiến hữu không? Ba lại hỏi. Bác ngân ngừ giây lát rồi gật đầu. Ừ... chiến hữu. Éviter les ennemis, puis rencontré Camarades...Bác Đông trai chưa nói xong gáy ba đã lạnh toát. Ông đưa tay sau gáy tóm đúng một nắm ruồi xanh.

Đêm ngủ ba không dám nằm sấp nữa, hễ nằm sấp ông lại thấy lạnh gáy, thể nào cũng túm được một nắm ruồi xanh. Sáng sau ba gọi điện kể lại cho bác Đông trai, bác khịt khịt mũi không bình luận gì. Bác không muốn nói cho ba biết, có một kế hoạch bảo vệ ba do đích thân bác phụ trách. Bác không rời ba nửa bước, bác bận việc sẽ có người của bác bám theo. Ba không hiểu bác Đông trai làm việc này vì nhiệm vụ trên giao hay chỉ là trách nhiệm bạn bè. Hỏi thì bác cười. Tôi bám theo ông không được sao? Ba cũng không hỏi nữa,
ông hiểu tấm lòng của bác.

*

Ba quan hệ rộng, chơi bời đàn đúm cũng nhiều, bạn bè có tới vài trăm, ít ai chí thiết được như bác Đông trai. Bác chỉ là hàng xóm của ba, gần ngõ xỏ sân, chơi bời lâu ngày thành thân thiết, ngoài ra không hề có một quan hệ nào khác. Không bạn nối khố, không bà con họ hàng, không đồng môn đồng tuế nhưng bác đã sát cánh bên ba, hết lòng với ông về mọi chuyện ở đời. Như dị nhân Kiểm Hát, bác cũng là thiên sứ trời sai xuống giúp ba. Mỗi khi ba cần, từ cái đinh mắc áo tới cái ghế quyền lực giúp được là bác giúp tất, “Không sờn lòng không tiếc tuổi xuân”. Bác không cần ở ba một lời nhờ cậy hay cảm ơn nào hết, tính bác vốn vậy, đã giúp nhau khỏi cần phải “vì sao” và “như thế nào”.

Bác Đông trai rất thích tôi, bác Đông gái cũng thế. Không hiểu sao, có lẽ trời xui vậy. Mỗi lần bác Đông trai sang nhà tôi, câu đầu tiên bác hỏi, cu Quang mô rồi? Tôi chạy ra, bác búng nhẹ mũi tôi nói, thằng ni được! Và bế tôi lên cho ngồi lên đùi, bốc một nắm kẹo cho tôi ăn. Những ngày nhà tôi ở chuồng bò đói rách lầm than, đó là một đặc ân.

Nhà tôi lúc này không thiếu thứ gì, theo nghĩa nhà giàu Thị trấn có thứ gì nhà tôi có thứ đó. Ngày trước nhà tôi lúc nào cũng vậy, cá thịt chỉ để mút, còn đường sữa đến mút cũng chẳng được. Tôi nhớ mãi mình đã ăn sữa như thế nào. Chị Hai thò ngón tay vào lon sữa quệt nhẹ. Tôi mút ngón tay ấy, phần còn lại là của anh Sáu. Nếu tôi mút sạch anh Sáu chẳng được tí gì, nên chị Hai thò ngón tay thật nhanh vào miệng tôi và rút ra cũng thật nhanh. Tôi đủ khôn để níu giữ tay chị Hai cố mút cho bằng hết, mặc cho anh Sáu vừa chửi vừa đá đít.

Tôi sướng hơn các anh chị trong nhà nhờ ở gần nhà vợ chồng bác Đông, được ăn chực thường xuyên hai bác. Có miếng gì ngon bác Đông gái đều dành cho tôi. Thằng ni đẻ vào cung ăn chực. Mạ vẫn đùa trêu tôi. Nhà nhiều lúc thiếu bữa, riêng tôi lúc nào cũng no đủ nhờ kho thực phẩm luôn dồi dào của bác Đông gái. Tôi ăn no, ngủ luôn nhà ở bác. Mới một tuổi bác Đông trai đã bế tôi sang ngủ với hai bác. Thực ra là ngủ với con Lu nhà bác. Các anh chị tôi ghen tị với tôi lắm. Thấy cái mặt phởn của tôi họ nguýt ngang nguýt dọc, nhọn mồm trêu chọc tôi. Ê ê đồ ngủ với chó. Tôi chẳng thấy xấu hổ khi ngủ với con Lu cả, nó là con chó thông minh đáng yêu.

Con Lu thuộc giống chó Phú Quốc, quê bác Đông gái. Nó có cặp mắt nâu tươi sáng, bộ lông nâu thật mượt, trên sống lưng có ba vòng xoáy thật đẹp, chỉ dấu chó Phú Quốc. Theo cha ra Bắc làm ăn, bác Đông gái nuôi giấu Việt Minh và lấy luôn Việt Minh, đó là bác Đông trai. Cuộc chiến tranh Nam Bắc triều lần thứ 3 này buộc bác Đông gái phải ở lại quê chồng, nhờ có con Lu bác đỡ nhớ quê. Vợ chồng bác coi con Lu như đứa con út, gọi nó là con xưng là ba me, cho nó ngủ chung giường với họ. Mỗi tội khi hai bác thức dậy vui vẻ nó cũng vui vẻ thức dậy theo. Nó trương mắt nhìn rất mất dạy làm hai bác mất cả hứng. Phát hiện con Lu thích tôi, bác Đông gái dụ tôi ngủ lại nhà bác. Đêm nào tôi ngủ lại, hai bác cho tôi ngủ với con Lu một giường riêng, tôi và nó coặp nhau đánh một giấc cho tới sáng, mặc hai bác muốn làm gì thì làm. Hai bác mừng lắm, coi tôi như quí nhân phù trợ.

Nhiều đêm ngủ lại nhà bác Đông tôi phát hiện cái sự ngủ của ba mạ khác hẳn với vợ chồng bác. Ba mạ cứ lên giường là ngủ, mỗi người một góc làm như không quan tâm đến nhau. Chả biết có ngủ thật hay không, thấy ba mạ ngủ sì sì, chẳng ai nói chuyện với ai. Khi nào đang đêm ba mạ vùng dậy nói chuyện là họ có chuyện để cãi nhau. Vợ chồng bác Đông thì ngược lại, họ nằm gác chân lên nhau nói đủ chuyện trên trời dưới biển quá nửa đêm mới ôm nhau ngủ, ít khi nào họ lên giường là ngủ ngay.

Trong các câu chuyện của họ thỉnh thoảng tôi nghe họ nhắc tới ba. Một đêm tôi nghe bác Đông gái hỏi bác Đông trai về ba. Anh Vũ sao rồi? Ôi chà... khó nói lắm. Tôi vểnh tai lên. Tưởng con Lu ngủ rồi, hóa ra nó còn thức, nó cũng vểnh tai lên. Bác Đông gái ngáp dài. Sao lắm kẻ tiểu nhân tới mức không hiểu nổi à nha. Ai? Bác Đông trai hỏi. Bạn anh chứ ai! Bác Đông gái nói. Con Lu nhìn tôi hỏi, có phải ba mày không? Tôi vằn mắt lên, còn lâu! Tôi và con Lu nằm yên nghe bác Đông trai kể về ông bạn của bác, bác gọi ổng là ngài.

Bác Đông trai kể. Bác với ngài là bạn nối khố , thân nhau như hình với bóng. Ngài học rất dốt, láu nhất lớp nhưng dốt nhất lớp, bác phải ra tay cứu ngài nhiều lần, bài vở trong lớp bài vở về nhà bác đều lo cho ngài. Nhờ thế ngài không phải đúp lớp nào. Ngày xưa đi học được lên lớp là mừng lắm rồi. Cứ lên một lớp ngài rưng rưng ôm lấy bác. Không có mi tau rớt thẳng cẳng từ lâu. Ngài nói. Tụi mình thương nhau nghe. Ngài lại nói. Bác rớt nước mắt ghì chặt lấy ngài.

Tốt nghiệp primaire bác đỗ đầu, bài luận tiếng Pháp của bác điểm cao nhất tỉnh. Trường thưởng, huyện thưởng, tỉnh thưởng. Riêng kẹo bánh hai đứa ăn suốt tuần không hết. Tau tự hào về mi quá. Ngài cảm động ôm lấy bác. Buổi tối đi chơi, bác bị hòn gạch chần sau gáy ngất xỉu đi. Tỉnh dậy bác thấy mình nằm trong nhà thầy hiệu trưởng, thấy luôn ngài đang bị trói ở cột nhà. Nào ngờ chính ngài là thủ phạm. Bác không tin, cho là thầy hiệu trưởng bắt nhầm. Mãi sau bác thấy thầy hiệu trưởng nói với ngài, (hình như đã thầy đã nói với ngài nhiều lần rồi). Em đánh bạn thế lỡ bạn chết thì sao? Thầy hỏi. Ngài cười hắt lên không đáp, cái cười làm bác lạnh xương sống.

Ối trời ơi, kì vậy ta? Bác Đông gái hoảng hồn kêu to. Tôi nhìn sang con Lu hỏi, tin được không? Con Lu vếch mõm lên, tin!

Chuyện con nít cho qua, chuyện này mới đáng sợ này. Bác Đông trai nói. Con Lu khều nhẹ chân tôi ra hiệu im lặng. Bác Đông trai kể. Đánh nhau ở núi Ngung, trung đội Việt Minh do ngài làm trung đội trưởng không thể cự nổi một tiểu đoàn lính lê dương thiện chiến. Cả trung đội chết sạch, mình bác sống sót. Sau bác phát hiện ra ngài cũng còn sống. Vào lúc bác lùi xuống suối tính đường rút lui, bất ngờ thấy ngài bị thương nặng nằm vùi trong lá rừng. Bác mừng quá cõng ngài chạy nhanh ra khỏi trận địa. Lát sau pháo dập tơi bời, số hy sinh nằm lại đấy không ai còn nguyên xác. Bác cõng ngài đi xuyên rừng tới rạng sáng mới về tới đơn vị, ngất đi trước cửa trại. Ngài mất máu nhiều, may đơn vị tiếp máu kịp thời, cứu sống được. Rời khỏi trạm xá ngài ôm bác cảm ơn rối rít. Không có mi tau tan xác pháo rồi. Hai thằng ôm nhau nức nở khóc. Từ nay sống chết có nhau nghe. Ngài khóc nói. Ừ ừ... từ nay sống chết có nhau Bác cũng khóc nói.

Sau trận đó bác Đông trai được cấp trên khen thưởng, lên chức vù vù, từ anh lính trơn lên tới tiểu đoàn phó. Ngài thì vẫn trung đội trưởng. Một hôm xuống suối tắm, bác vừa bước xuống suối bỗng một phát súng sau lưng, cái tai bác rách bươm, ngoảnh lại thấy ngài đang cầm súng cách chừng không đầy chục bước. Ngài vứt súng ôm lấy bác kêu lên. May không tau giết mi rồi Đông ơi! Ngài nói lau súng thì bị cướp cò. Sáng sớm ai đi lau súng, có lau thì ngồi ở lán, chẳng có ai vác súng ra bờ suối ngồi lau cả. Bác không nói gì chỉ cười thầm mừng mình thoát chết, từ đó bác tìm cách tránh xa ngài. Bác Đông trai chuyển sang ngành công an cũng từ đó.

Ôi trời ơi, kì vậy ta. Bác Đông gái run cầm cập, cứ như vừa thấy kẻ thủ ác tới giết chồng mình. Tôi nghe chuyện này quen quen, giống chuyện ba với Thủ trưởng quá. Tôi nhổm dậy đá chân con Lu hỏi, ngài là ai? Con Lu trợn mắt lên, mày hỏi tao, tao biết hỏi ai!

Tối hôm đó tôi chìm trong những giấc chiêm bao đầy tiếng sủa của con Lu.

*

Tôi ba tuổi chưa phải đi học. Tôi không muốn chui vào lớp mẫu giáo ở đình làng. Các cô mẫu giáo cùng với ông Chủ tịch Thị trấn ra sức vận động tôi đến lớp mẫu giáo. Sự có mặt con ông quan đầu tỉnh trong nhà mẫu giáo là cực kì quan trọng, giúp họ xin được kinh phí dễ dàng. Mạ ra sức khuyên nhủ tôi đi mẫu giáo, tôi một mực nói không. Tôi không thích chui vào nơi suốt ngày chỉ có múa hát ăn và ngủ, cái gì cũng răm rắp. Múa cũng răm rắp, hát cũng răm rắp, ăn cũng răm rắp, đến ngủ cũng răm rắp. Tôi không thích sự răm rắp của nhà mẫu giáo, cũng như sau này tôi không thích sự răm rắp của trại lính tuy phải chui vào đó bốn năm. Tóm lại tôi ghét mọi sự răm rắp, răm rắp cần thiết hay răm rắp phi lý thì cũng là răm rắp, tôi đều chối bỏ.

Tôi chối bỏ nhà mẫu giáo và bám chặt chiếc com măng ca của ba. Vốn rất nghiêm khắc với con cái, không ngờ ba đồng ý. Có lẽ ông muốn khoe con. Thằng con của ông mới ba tuổi đã biết làm thơ, tính nhẩm rất nhanh bốn phép tính dưới 20, chủ nhân vô số những bức tranh ngộ nghĩnh và đối đáp ngon lành với người lớn, đã trở thành niềm tự hào của ba tôi. May thay ông không bắt tôi phải diễn trò thần đồng trước mặt mọi người. Ông khéo léo để cho tôi trổ tài khi nào tôi muốn và làm như chẳng có gì đáng kể, các con ông đều vậy cả.

Thoát được sự răm rắp của nhà mẫu giáo, thoát luôn những trò diễn thần đồng và được cùng chiếc com măng ca rong ruổi trên mọi nẻo đường, đi tới đâu cũng được đón rước chào mời như một ông vua con, tôi không mong gì nhiều hơn thế. Nhờ tôi được theo ba tôi, con Lu cũng được theo bác Đông trai, ba nó. Tôi đi vắng, vợ chồng bác Đông trai sợ con Lu ở nhà một mình buồn, đành cho nó theo bác Đông trai vào tỉnh chơi với tôi, cuối tuần về với bác Đông gái. Con Lu biết ơn tôi hết mực, không có tôi đừng hòng bác Đồng gái cho nó rời khỏi nhà. Thế là tôi và con Lu bên nhau trên từng cây số, hết đi xe ba lại nhảy sang xe bác Đông trai.
Tôi và con Lu được ưu tiên ngồi ghế trước. Tôi thích nhìn phía trước, con Lu thích nhìn vào gương chiếu hậu. Chẳng thấy có gì hay ho trong gương chiếu hậu cả, thế mà con Lu nhìn suốt ngày không biết chán. Nhiều lần vì kính chiếu hậu chúng tôi cãi nhau. Thấy một ai đó sắp lao vào đầu xe, tôi hoảng hốt kêu lên. Con Lu vẫn không rời mắt khỏi kính chiếu hậu, không hề quan tâm đến nỗi sợ hãi của tôi. Hình như nó coi mấy vụ sắp lao vào đầu xe là việc của những kẻ đáng chết. Tôi thì thấy việc con Lu cứ dí mắt vào kính chiếu hậu là vớ vẩn và vô nghĩa hết sức. Tôi đưa mắt lườm con Lu, có gì trong kính chiếu mà nhìn kinh thế? Nó nhìn tôi vẻ coi thường, mày không thấy gì sao? Tôi nhổm lên nhìn, đấy là những gì xảy ra trước mặt bây giờ lùi về phía sau, thế thôi. Có gì đâu? Nó nhìn tôi cười cười, mày ngu lắm. Tôi tức phát điên muốn đá cho nó một phát.

Mãi rồi tôi thấy con Lu có lý. Có cái gì đó rất nguy hiểm đằng sau xe ba và xe bác Đông trai. Một lần ngồi trên xe bác Đông trai, xe trong Thị xã đông đúc người qua lại, bỗng con Lu nhảy lên sủa vào gương chiếu hậu. Chẳng hiểu con Lu tính làm trò gì tôi buồn cười nhổm lên búng tai nó, mày điên rồi. Con Lu ngoái lại tức giận, mày ngu lắm! Tôi chực chồm lên quát vào mặt nó, mày ngu thì có, chợt thấy cái com măng ca quen quen. Con Lu sủa dữ dội, mặt bác Đông không biến sắc, bác nhếch mép cười. Con Lu vẫn sủa. Ngồi xuống đi Lu! Bác quát khẽ nó. Con Lu ngồi xuống, bác đánh tay lái quẹo sang phải. Gương chiếu hậu phản chiếu đít xe com măng ca. Lúc này tôi thấy cái biển hiệu 2211 sau đít xe com măng ca, con số quá dễ nhớ đối với đứa bé ba tuổi như tôi.
Tối về tôi trằn trọc không yên. Chập chờn con số 2211 cứ nhảy múa trước mắt tôi. Có tiếng đổ vỡ ở gác trên nghe vang to như tiếng mìn nổ, tôi giật mình tỉnh dậy, ba đang ngồi im lìm hút thuốc sau cửa sổ. Tôi bò tới sau lưng ông. Ba ơi xe 2211 là xe của ai? Ba không đáp. Tôi sợ ba buồn, ông sợ con cái ông phải khôn trước tuổi, nên thôi. Tôi nằm khoanh tròn như con Lu sau lưng ba, lắng nghe tiếng thở của ông, tiếng thở rất lạ, vừa sợ hãi vừa chán ngán.
Thứ bảy tôi theo bác Đông trai về Thị trấn Kô Long. Ba không được nghỉ cuối tuần, ông phải ở lại họp thường vụ đột xuất. Chẳng sao cả, đi xe bác Đông trai vẫn thích hơn ngồi xe ba, khỏi phải bị nhắc nhở mắng mỏ, thói quen đáng ghét của mấy ông bố yêu con. Bác Đông trai cầm lái, bác lái xe rất lụa huýt sáo cũng rất hay. Ba không biết lái xe, huýt sáo thì dở ẹc. Ba thường nhăn nhó cau có về những chuyện không đâu, trái lại bác Đông trai lúc nào cũng nhẹ tênh bất kể có chuyện gì. Mỗi lần lên xa cầm tay lái bác như được rơi vào vùng tự do, bác vừa lái xe vừa huýt sáo thoải mái thư thái vô cùng, dường như cuộc đời chẳng có gì phải lo nghĩ. Thực ra bác lo nghĩ rất nhiều mà không ai biết.

Cách đây ít lâu bác Đông gái cho ba xem một nghìn trang bác Đông trai báo cáo về ông. Đây là tài liệu duy nhất bác Đông trai cất bản gốc ở nhà, bác sợ để ở cơ quan có kẻ lẻn vào nhét vào vài chục trang đánh máy thì khốn. Để làm sạch lý lịch cho ba, chuẩn bị cho ông tiến tới vị trí dưới một người trên muôn vạn người, bác Đông trai viết cả nghìn trang báo cáo. Ba đọc một tuần mới xong, ông ngạc nhiên không biết bằng cách nào bác Đông trai lại có những tài liệu chính ông cũng không nhớ. Ông không thể tin được để có nghìn trang tài liệu này bác Đông trai chỉ mất chừng sáu tháng.
Bác Đông trai tường trình đủ thứ liên quan đến ba, về dòng họ Phạm từ ông tổ Phạm Lá tới chủ tịch Thị trấn Phạm Vũ cả thảy 14 đời, lý lịch hai đại tư sản Phạm Vĩ và Phạm Phú Huệ, những đóng góp của Phạm Vĩ cho Việt Minh, vì sao Phạm Phú Huệ bỏ trốn trước ngày cải cách, lý lịch mạ và họ ngoại, lý do Phạm Vũ được Phạm Vĩ nhận làm con nuôi, quan hệ của Phạm Vũ với nhân vật có số má ở triều đình, sự tích cái bịch vàng hai trăm cây, quan hệ của ba và lý lịch của 43 cô bồ nửa nắng của ông, về các vụ việc xảy ra ở Thị trấn Kô Long từ 1946-1956, thời kì ba làm chủ tịch Thị trấn. Riêng việc trả lời 31 câu hỏi của Thủ trưởng nghi vấn Phạm Vũ, bác Đông trai đã viết hết 242 trang.

Cả nghìn trang đánh máy A4 hơn bốn chục vạn từ, không một chữ nào chống lại ba. Đọc xong ba đã bật khóc, ông không thể ngờ. Ba nhớ từ năm 1936 khi ông cưới vợ, ông bác Vĩ cất cho ngôi nhà ba gian hai chái sát ngay nhà vợ chồng bác Đông, hai người là hàng xóm của nhau, trở thành bạn bè chí thiết, gần ba chục năm qua chỉ có vợ chồng bác Đông giúp đỡ nhà tôi, ngược lại thì không có, hoàn toàn không. Ba không hề giúp bác Đông trai được một chuyện gì, đơn giản vì bác Đông trai chưa bao giờ cho ai biết bác khó khăn thế nào, cần giúp đỡ ra sao. Ngay cả việc giúp cho người khác bác cũng không nói ra, bác chỉ cần trời biết chẳng cần ai biết.

Chiều thứ bảy thênh thang, bác Đông trai một mình một trên đường quê vắng vẻ. Có cả tôi và con Lu đi cùng. Chúng tôi đứng ngồi bên nhau vừa ngắm cảnh vừa nghe bác Đông trai huýt sáo và hát. Món ca khúc con Lu ngốc xịt. Bác Đông trai hát, Qua miền Tây Bắc ta phá đồn giặc tan... Tôi reo lên, A... bài “Qua miền Tây Bắc”. Con Lu không chịu ngốc hơn tôi về bất kì chuyện gì. Nó hất mũi lên, éo phải. Tôi nói, rứa mi nói bài chi? Nó cứ hất mũi lên không thèm trả lời, cái mặt vênh vênh tự đắc đáng ghét. Bác Đông trai hát, giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về...Câu đó ai nghe cũng biết là bài nào. Tôi reo lên, A… bài “ Giải phóng Điện Biên!”, nó quay lại nhìn tôi vẻ coi thường, cái mũi đáng ghét lại hất lên, giải phóng cái đầu mày ấy! Tức chết được.

Xe qua đèo Ré hoàng hôn cũng vừa tắt, bác Đông trai thôi không hát nữa, chỉ huýt sáo. Những ca khúc tiền chiến gọi là nhạc vàng, cấm hát. Không được hát thì bác huýt sáo. Đèo Ré dốc và ngoắt ngoéo, đi quen rồi bác Đông trai thấy bình thường, bác vẫn huýt sáo say sưa. Riêng con Lu tỏ ra căng thẳng, nó dí mắt vào kính chiếu hậu. Tôi hích vào hông con Lu, bác Đông đang huýt sáo bài “ Buồn tàn thu” đấy! Con Lu quay ngoắt trừng mắt lên, câm mồm! Tôi nhìn ra kính chiếu hậu đèn pha xe đi sau chiếu vào sáng lóa. Con Lu sủa vang lên, vừa sủa vừa nhảy chồm chồm. Bác Đông trai ngừng huýt sáo, mắt bác có những tia sáng lóe lên.

Bác Đông trai cho xe sang trái nhường cho xe sau vượt lên. Con Lu vẫn sủa inh ỏi. Bác Đông trai thò tay vào cốp xe lấy khẩu súng côn. Tim tôi lạnh ngắt. Xe sau đang vượt dần lên, tôi gần như nghẹt thở. Tôi sợ xảy ra màn đấu súng. Con Lu ngốc xịt vẫn sủa nhặng. Mặt bác Đông vẫn bình thản, tay phải bác vẫn siết chặt khẩu súng côn bên hông. Xe sau vượt qua, cái biển xe 22 11 lóe sáng trước mặt tôi. Bác Đông trai nhếch mép cười, đột nhiên bác cất tiếng hát vang. “Thủ trưởng của chúng ta/ tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long/ Ơi đồng đồng chí có biết không / Tình yêu Thủ trưởng mênh mông muôn trùng…”.

Đó là bài gì? Con Lu cào cào chân tôi hỏi. Không biết.Tôi thật thà lắc đầu. Bốn chục năm sau tôi mới biết đó là bài hát của chị Hiên. Lúc này tôi hoàn toàn mù tịt. Con Lu hếch mũi vẻ coi thường. Tôi không thèm chấp. Nó là giống chó biết gì. Tôi đâu có nhiệm vụ nhớ hết những bài hát mà ba và bác Đông trai vẫn hay hát.

Thủ trưởng của chúng ta/ tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long/ Ơi đồng đồng chí có biết không / Tình yêu Thủ trưởng mênh mông muôn trùng…”. Bác Đông trai lại hát. Nghe như bác đang khóc cười chua chat chứ không phải hát. Tôi và con Lu chỉ biết nhìn nhau.

Về nhà bác Đông hơn bảy giờ tối. Tôi ăn uống no nê rồi lăn ra ngủ. Con Lu không buồn ăn, nó nằm ôm chặt tôi, tim nó đập thình thình.

*
Sáng ra thức dậy tôi không thấy con Lu đâu, định thần một lúc tôi mới nhận ra đây là nhà mình. Lạ quá, rõ ràng tối qua tôi ngủ với con Lu ở nhà bác Đông, có ai bế tôi về nhà? Tôi lò dò ra khỏi buồng. Nhà không có ai, tôi chạy ra sân vẫn không thấy ai. Một lúc sau anh Tám anh Chín rật rật chạy về thi nhau nói. Bác Đông trai chết rồi! Anh Chín nói. Chưa chết! Bác Đông trai chỉ đột quị thôi chứ chưa chết. Anh Tám nói. Chết rồi. Đột quị là chết. Anh Chín cãi. Anh Tám đá đít anh Chín. Ê ê... ngu ngu, đột quị mà chết, ai nói mi? Mạ nói. Nghe nhắc tới mạ, anh Tám tịt không dám nói gì.

Tôi chạy tới nhà bác Đông. Nhà sập cửa không thấy ai. Một vài người lớn đứng trước cửa kháo chuyện, các vẻ mặt đều nghiêm trọng. Mạ hớt hãi chạy đi tìm tôi, bà bế xốc tôi chạy thẳng một mạch về nhà. Tôi mới biết bác Đông trai bị đột quị lúc ba giờ sáng, bác Đông gái đưa thẳng ngay bệnh viện tỉnh, vội vàng đến nỗi quên cả tôi và con Lu. Mạ chạy sang đón tôi về nhà, đưa cả con Lu về theo. Con Lu lẻn trốn đi, nó chạy thẳng một mạch về Thị xã Ô Lệ.

Tôi chạy ra ngõ ngóng con Lu, mạ nói thế nào tôi cũng không chịu vào nhà. Tôi sợ nó bị lạc, từ đây vào Ô Lệ bốn chục cây chứ không ít, lâu nay nó chỉ ngồi trên ô tô có tự đi lần nào đâu. Nếu con Lu không bị lạc cũng dễ bị bắt trộm, giống chó Phú Quốc ngon nổi tiếng, bọn trộm chó thời nào cũng đông như quân Nguyên. Bốn giờ chiều con Lu chạy về. Lu Lu! Tôi đứng trước ngõ chạy ra kêu to. Con Lu chồm lên bíu chặt lấy tôi, nước mắt dàn dụa. Nó khóc.

Một giờ sau một đoàn xe dài chạy về nhà bác Đông. Xe đi đầu chở quan tài bác Đông trai, trên xe có bác Đông gái, bác ngồi chết giấc, cứng đơ như tượng. Ba tôi cùng thường vụ tỉnh ủy theo về, ông làm chủ tang bác Đông trai. Thường vụ tỉnh ủy đang họp nghe tin cấp báo bác Đông trai bị tai biến, vội vàng bỏ họp chạy sang bệnh viện tỉnh thì bác đã đi rồi. Ba tôi gặp riêng bác sĩ trưởng kíp cấp cứu hỏi. Có đúng đồng chí Lê Đông bị tai biến hay không? Dạ đúng. Bác sĩ khẳng định. Tai biến…ở đâu? Ba hạ giọng hỏi nhỏ. Bác sĩ mắt trước mắt sau run run nói. Dạ... sau gáy.

Ba giật thót như có ai túm tóc giật ngược, mồ hôi lạnh tóa ra ướt sũng áo ông.