Khách văn

Tản văn

1. Làm báo sợ nhất là cộng tác viên, nếu là báo văn lại càng sợ. Báo không có cộng tác viên thì báo toi, tất nhiên rồi, nhưng số cộng tác viên mà báo cần chỉ chiếm 10% phần trăm. Số này rất đàng hoàng, ít khi có thời giờ la cà toà soạn, cần thì gọi điện hỏi chứ chẳng đến. Phần vì họ tin tưởng bài họ viết ra là được in, báo này không in thì báo khác in; phần vì họ không có thời gian la cà, và cũng sợ mất thời gian của người khác.
Làm báo với các cộng tác viên như thế rất sướng, khi cần gọi điện đặt bài, nếu họ ok thì đúng giờ ấy ngày ấy là có bài. Biên tập có cắt bỏ sửa chữa chỗ nào đó cũng không sao, họ biết rõ vì sao biên tập phải làm như thế, cũng hơi buồn một chút nhưng ít ai thắc mắc kêu ca kiện cáo gì. Chỉ khi gặp phải mấy ông biên tập quá hèn hoặc quá ngu, đã ngu và hèn lại còn tự đắc thì họ mới nổi khùng.

Số 90%  còn lại thì rất mệt. Đa phần viết lách chẳng ra sao, hoặc qúa yêu mình, quá quan trọng chữ nghĩa mình viết ra; hoặc tự biết mình bất tài nhưng không nhịn được sự hiếu danh, muốn đăng được bài thì phải lách, cố đánh bạn chơi thân với đám biên tập, đánh đu với số này vô cùng mệt mỏi. Báo nào cũng khốn khổ vì cộng tác viên như thế, báo văn lại càng khốn. Không ít kẻ chỉ cần biết mình rảnh là được, người khác có rảnh hay không bất biết, không quan tâm. Thành ra tòa soạn giống cái hỗ rác cho đám cộng tác viên vô công rồi nghề ném vào đấy cả đống thời giờ vô nghĩa của họ, khổ lắm.
Nhớ lại hồi mình làm Văn nghệ trẻ thật hãi quá. Hễ bước chân đến toà soạn là gặp khách, tiếp khách từ sáng đến tối vẫn không hết, nhiều người bám trụ tòa soạn từ sáng sớm đến tối mịt chỉ để biết chắc bài mình có dùng được không. Mình đã nghĩ ra trăm phương nghìn kế đuổi khách cũng chẳng ăn thua, lắm kẻ lì không chịu được. Đôi khi điên quá bèn đuổi thẳng cổ không nể nang, nói chúng mày biến đi để cho tao làm việc. Chúng nó bảo ok, khi nào mày làm việc thì bọn tao về. Mình đứng lên làm việc, chúng nó về thật, nhưng vừa ra đến cửa lại có khách vào, chúng nó lại quay vào, nói đấy nha, mày ngồi chơi thì bọn tao ngu gì mà về. Ôi chời chời.
Loay hoay vài đợt khách là đến trưa, thế nào cũng có vài ba anh chèo kéo đi nhậu. Lại phải chối quanh, nói thôi, trưa nay tôi ăn cơm hộp, lắm việc quá. Người cầm tay kéo, nói gớm chưa, chỉ có mày lắm việc thôi sao. Người ra mặt giận, nói anh mày từ quê ra chỉ muốn ngồi uống với mày chén rượu, mày có đi không thì bảo. Người trợn mắt chỉ tay, nói chúng nó ngồi sẵn ngoài quán rồi, mày không ra tao biết ăn nói với chúng nó thế nào. Mình nói thì anh ra ngồi với chúng nó đi. Anh lại trợn mắt quát, nói nhưng tao lỡ khoe mày thân tao rồi, ngu ạ.
Chẳng riêng gì mình, bọn thằng Thiều ( Nguyễn Quang Thiều), thằng Phong ( Nguyễn Thành Phong), thằng Quang ( Hồng Thanh Quang), thằng Quý ( Trần Quang Quý)… đều lâm vào bi kịch ăn trưa như thế cả. Nhưng chúng nó khá hơn mình, ăn nhậu điềm đạm, hết giờ trưa là kiếm cớ rút lui. Trường hợp không ai cho về thì giả vờ đi toilet rồi chuồn thẳng. Mình khác, cả tháng không giọt bia rượu nào cũng không sao nhưng hễ ngồi vào bàn nhậu là sa đà. Nốc vào vài cốc rồi, “tê  tê” rồi, thì chẳng cần ai chèo kéo cứ uống uống ăn ăn đến tàn cuộc mới thôi. Rời cuộc nhậu đã ba, bốn giờ chiều, định bụng “cày” đến tối cho xong việc, chẳng dè vừa đẩy cửa vào đã có đôi ba anh ngồi chờ sẵn, ngao ngán.
Cộng tác viên văn vui lắm, viết xong cái truyện, bài thơ đã chạy khoe khắp làng rồi, tưởng đến toà soạn chỉ gửi bài rồi về, không, còn đu đưa chán mới gửi. Có ông bảo tôi muốn gửi các ông chùm thơ, để tôi đọc cho các ông dăm bài, xem có được không nhé. Mình giãy nãy, nói thôi, ông cứ gửi đây, tôi đọc sau. Ông mới trợn mắt lên, nói gửi các ông có đọc đếch đâu, tôi đọc các ông duyệt ngay tại chỗ, có phải tiện cả đôi đường không. Mình gật đầu, nói ok đọc đi. Ông lại ra vẻ làm cao, nói không có rượu mồi làm sao đọc. Mình  nhăn nhó chối quanh, nói không có đâu, ai cất rượu ở toà soạn. Lập tức ông lôi chai rượu ra từ trong túi, nói thế thì tôi đành hy sinh rượu của tôi vậy. Cứ thế ông vừa nhâm nhi rượu vừa đọc thơ cho hết buổi. Đọc xong chưa ai kịp phản ứng gì đã vỗ đùi đánh đét, nói hay không, hay quá còn gì nữa. Đăng không, đăng được quá phải không?
Khách ở quê ít khi ra toà soạn, chỉ chăm chỉ viết thư, thư nào thư nấy dài dằng dặc, đầu tiên khen nức nở tờ báo, sau đó khen nức nở biên tập viên, nếu biên tập là nhà văn lại càng nức nở. Hi hi cuối thư mới lòi ra cái đuôi chuột nhờ gửi đăng cái truyện in chùm thơ. Có hôm mình nhận được cái thư của một cô, viết nắn nót ôi cái tên Nguyễn Quang Lập mới đẹp làm sao. Mình cười rũ, đem khoe với thằng Phong, lập tức nó chìa ra hai, ba cái thư ôi cái tên Nguyễn Thành Phong mới đẹp làm sao. Thằng Thiều “ tàn bạo” hơn, cả chục cái thư ôi cái tên Nguyễn Quang Thiều mới đẹp làm sao. Thằng Thiều còn nói thằng Hồng Thanh Quang có cả tấn thư ôi cái tên Hồng Thanh Quang mới đẹp làm sao. Hi hi.
Một ông trẻ ở Đà Nẵng ra, hôm đầu đến nói thăm các anh, hôm sau đến đưa bài, hôm sau đến xin các anh ý kiến. Cái truyện chán òm nhưng vô lẽ nói huỵt toẹt ra, đành bảo chưa đọc. Hôm sau ông trẻ lại đến, đến mãi. Cho đến khi buộc phải trả lời là truyện không dùng được, ông cúi mặt ra về. Nghĩ bụng chắc chẳng bao giờ ông trẻ thèm bước chân đến đây nữa, ai ngờ hôm sau lại đến. Hỏi còn có chuyện gì nữa. Ông trẻ gãi đầu bứt tai, nói em tưởng đăng được thì ứng tiền nhuận bút để mua vé tàu về quê, nếu các anh không đăng em chẳng biết lấy gì mà mua vé tàu. Thằng Thiều rút tiền ra đưa, nói ông cầm tiền mua vé tàu, còn cái truyện đó không thể đăng. Ông trẻ khóc oà, nói nếu anh không đăng thì em tự tử chứ không dám về quê. Hỏi sao thì ông bảo em lỡ ba hoa với người yêu em là các anh khen cái truyện rất hay, mời em ra để chụp ảnh phỏng vấn in kèm luôn bài. Nó kể xong thì mặt sắt lại, nói em nói thật đó, thà chết ở đây chứ em chẳng dám về nhìn mặt người yêu của em.
Cả hội đau đầu, chẳng biết nó nói thật hay doạ chơi, nhỡ may nó làm thật có phải khốn không. Mình mới bày một mẹo, nói ông cứ về, chúng tôi sẽ viết thư về cho ông, nói truyện rất rất rất hay, vì quá hay nên chỉ đăng số đặc biệt chứ không thể đăng số thường. Số đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần vào ngày 2/9. Ông đưa cái thư cho người yêu ông đọc, thế là xong. Nó nhăn nhó nói nhưng đến 2/9 không có báo thì sao. Mình nói thì tôi lại viết thư về, nói Trung ương vừa ra chỉ thị: Để tiết kiệm, từ nay các báo không được ra số đặc biệt. Vì thế truyện ông không thể đăng, đăng số thường sẽ làm hỏng truyện nên chúng tôi không dám. Rất tiếc phải gửi lại truyện này cho ông. Nghe xuôi xuôi, nó mới chịu ra về, chêt khổ.
Vất vả nhất là đám văn chương chân dài. Hơn ba chục năm làm văn nghệ mình nghiệm ra đàn bà hiếu danh hơn đàn ông nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực thơ ca. Báo Văn nghệ trẻ vừa dựng nên chưa đâỳ tháng đã thấy đám chân dài vào ra tấp nập, đủ loại, từ mắt xanh mỏ đỏ đến tiền mãn kinh, phàm đã làm thơ không có cô nào không đôi ba lần ghé qua báo Văn nghệ. Họ ngồi lâu đến phát rồ, khổ nỗi với đàn bà con gái chẳng ai dám thất lễ, cứ phải cười cười nói nói, tán tỉnh đôi câu, các cô các bà tưởng thật lại càng ngồi lâu.
Mỗi lần nghe tiếng guốc dép đàn bà, vừa gõ cửa vừa nói anh ui, cả hội giật mình đánh thót, nhìn nhau mặt mày tái dại, nói ôi thôi bỏ mẹ rồi, nát một đời trai. Rồi rặn ra bộ mặt hớn hở, mở cửa cười tươi, nói giời ơi rồng đến nhà tôm, dạo này sao xinh thế, trẻ ra bao nhiêu. Ngồi đu đưa với các nàng chừng mươi lăm phút, một anh đẹp trai phải nhảy ra liều mình cứu chúa. Anh này mới bịa ra sinh nhật sinh nheo, giải thưởng giải thiếc, mời các nàng đi cà phê, đi ăn nhậu. Các nàng ra khỏi phòng, cả hội nhảy cà tẩng, thở phào nhẹ nhõm, mừng hết lớn. Nhưng chỉ độ mươi phút nửa tiếng lại nghe tiếng guốc dép đàn bà, vừa gõ cửa vừa nói anh ui. Cả hội lại đứng đực mặt như ngỗng ỉa. Hi hi Thứ nhất là sợ đau răng/ thứ nhì là sợ khách văn đến nhà.\
2. Chẳng biết người khác thế nào, với mình người hiếu khách văn nhất nước ta là cụ Vũ Đình Liên. Phùng Quán cũng nổi tiếng hiếu khách văn nhưng không bằng cụ Vũ Đình Liên được. Mình đã đến chơi nhà cụ một lần, chỉ một lần duy nhất thôi mà đến chết không thể quên.
            Hình như năm 1978 thì phải, có lần thằng Phong (Nguyễn Thành  Phong) khoe nó quen cụ Vũ Đình Liên, mình trợn mắt há mồm, phục nó vô cùng. Nghe nó bảo cụ còn hẹn đến chơi nhà lại càng phục. Mấy đứa con nít 21, 22 tuổi, mới ti toe làm thơ viết văn như mình, đứa nào quen được ông nổi tiếng nào thì tự nhiên thấy mình quan trọng hẳn lên, cao giá hẳn lên. Thằng Phong cũng thế, có lẽ trong hội thơ Vòm Cửa Xanh Trường Bách Khoa  hồi đó nó là thằng quen được nhiều người nổi tiếng nhất. Cứ vài ba tuần nó lại khoe quen được một ai đó rất nổi tiếng. Hôm thì nó bảo Quang Huy ( nhà thơ) quí nó lắm, muốn nó làm cháu rể của ông. Hôm khác nó lại khoe gặp Xuân Quỳnh ở chợ Hôm, chị còn mời nó đi ăn bún ốc. Hôm khác nữa lại khoe Nguyễn Bùi Vợi hẹn nó đi ăn thịt chó mấy lần mà không đi được. Kinh. Thằng nào thằng nấy lác mắt.
Chỉ mỗi cụ Nguyễn Tuân là chưa nghe thằng Phong  khoe quen được cụ thôi, còn hầu hết các nhà thơ nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội nó quen sạch. Mình quen được khối người cũng nhờ nó. Tội nghiệp thằng Sinh (Lê Quang Sinh) khoe đi khoe lại mấy năm trời mỗi chuyện nó quen được bà Ngân Giang. Đã thế tính lại hay ganh đua, thằng Phong khoe hôm qua anh Nguyễn Trọng Tạo nói với tao, thằng Sinh khoe luôn hôm qua bà Ngân Giang nói với tao. Thằng Phong khoe vừa mới đi chơi với Chu Lai về, thằng Sinh lại khoe vừa mới được bà Ngân Giang đưa đi ăn bún chả, bà còn tặng cho hai bài thơ mới làm. Rõ khổ, hi hi.
 Chiều tối hôm đó mình, thằng Phong, thằng Sinh, thằng Hạnh ( Hà Đức Hạnh) ra quán ông Tuấn béo trước cửa Trường Bách Khoa uống  chè chén ăn kẹo lạc. Nghe thằng Phong khoe nó quen được cụ Vũ Đình Liên, thằng Sinh hỏi lại Vũ Đình Liên viết Ông đồ a. Thằng Phong vênh mặt lên, nói chứ sao. Thằng Sinh cười cái hậc, nói cứt, mày mà quen được Vũ Đình Liên. Thằng Phong cười nhạt, nói không tin, để khi nào tao đưa đến nhà cụ chơi. Thằng Sinh lại cười cái hậc, nói cứt. Điên lên, thằng Phong đứng bật dậy, nói thế thì đi ngay bây giờ.
Thật không ngờ cụ Vũ Đình Liên đón mấy đứa vô danh tiểu tốt tụi mình còn quá đón con cháu ở xa về. Cụ ôm vai hót cổ, bắt tay bắt chân, nói nói cười cười suốt buổi. Cụ  kể chuyện cụ chơi thân với Vũ Trọng Phụng như thế nào, thơ Đinh Hùng hay dở ra sao, Con cái Nam Cao, Ngô Tất Tố giờ ở đâu… toàn những chuyện từ bé đến giờ mình mới nghe. Rất hay. Có điều cụ nói dài quá, dài miên man, tuồng như cụ đang nhắc lại hồi ức cho chính cụ chứ không phải kể cho người khác nghe. Rồi cụ đọc thơ cụ, cứ  đọc xong một bài cụ lại dịch nó ra tiếng  Pháp. Hết thơ mình cụ lại đọc thơ bạn bè, đọc rồi dịch thơ ra tiếng Pháp, triền miên như thế cả trăm bài. Quá muộn, tụi mình chực nhổm đít đứng lên, cụ liền kéo tay ngồi xuống, nói  chưa xong chưa xong, còn thơ Baudelaire nữa chứ, khoảng hai trăm  bài nhưng bác chỉ đọc chục bài thôi. Xong thơ Baudelaire đã quá nửa đêm, tụi mình chào cụ ra về, ra đến cửa cụ kéo tay tụi mình, nói thêm hai bài nữa nhé, ra đến ngõ vừa chực bắt tay thì cụ xua tay, nói khoan khoan, thêm hai bài nữa. Gần 2h sáng mới về tới trường, mệt bã người.
Bây giờ nghĩ lại mới thấy thương cụ. Trong khi nhiều người khác gặp tụi mình không buồn bắt chuyện thì cụ trò chuyện ân cần thân thiện vô cùng, thật quí hóa lắm thay. Nhưng hồi đó thì hãi lắm, đến nhà cụ một lần rồi biệt luôn, không dám ló mặt lần thứ hai. Chẳng riêng gì cụ Vũ Đình Liên, nhiều cụ khác cũng vậy. Họ nổi tiếng đến nỗi mình chưa bao giờ nghĩ là có thể gặp họ, hình như họ sống ở một thế giới quá cao xa sang trọng mà mình không thể tới được. Chẳng ngờ khi gặp, sau phút ban đầu sung sướng ngây ngất là sợ chết khiếp vì bệnh nói dài của họ.
 Người già thương lâm bệnh nói dài, nhưng bệnh nói dài của các cụ thời tiền chiến hình như còn một lý do khác trầm trọng hơn. Đang chói sang trên văn đàn, tự nhiên các cụ bị rơi rất nhanh vào quên lãng. Chính xác là không ai quên các cụ nhưng ngại hoặc không muốn nhắc đến các cụ nữa. Số   còn được vồ vập trọng vọng rất ít, hình như không đến hai chục, họ đột ngột mất phong độ một cách đáng ngạc nhiên. Ví như cụ Xuân Diệu chẳng hạn, đang ở đỉnh cao chói lọi với vai trò “ông hoàng thơ tình”, thời thế đổi thay cụ bỗng xoay sang làm thơ thế sự, bài nào bài nấy dở òm. Tuy vậy họ vẫn còn kẻ đón người đưa, tiền hô hậu ủng.  Số còn lại rất đông, đa phần đều rơi vào hoàn cảnh như cụ Vũ Đình Liên, chẳng có ai làm gì họ cả, tự nhiên người ta hết quan tâm, ngại quan hệ, thế thôi.
Các cụ cũng ngại lên tiếng trước đám đông, bao nhiêu tâm sự chẳng biết trút vào đâu,  gặp đám văn trẻ quí mình thật lòng thì các cụ mừng rỡ như bắt được vàng, cứ thế nói, chẳng biết nói gì, nói thế nào, các cụ nói cho hả cái sự nói vậy thôi. Mình nhớ năm 1987 cụ Tế Hanh về Huế, sinh viên Đại học sư phạm Huế nô nức đón cụ chật cả hội trường lớn, tràn ra cả hành lang. Đến khi cụ lên nói thì hỡi ôi, cụ nói vừa nhỏ vừa méo tiếng, và dài quá là dài, không chuyện gì ăn nhập với chuyện gì. Hội trường đông như thế, cho đến cuối buổi chỉ còn hơn trăm người, tụi trẻ chuồn sạch.
Lắm lúc mình bị rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi đối diện với các cụ. Các cụ nói không thể không nghe, mà nghe thì chẳng hiểu các cụ nói gì, oải cả người. Không thể hồ đồ cắt ngang, nói cháu xin lỗi rồi bỏ chạy được, đối với các cụ đạo cao đức trọng mình không thể thất lễ. Rõ là bi kịch khác thời.
 Đại hội nhà văn lần thứ 4, có bữa mình từ toilet vào Hội trường, gặp cụ Hoàng Trung Thông lừ  đừ say đứng  ở hành lang, về già lúc nào cụ cũng ở tình trạng lừ đừ say. Cụ nhìn mình, nói Nguyễn Quang Lập phải không. Mình dạ, chực đi, cụ vẫy vẫy tay ra hiệu đến gần. Và cụ nói, nói rất nhiều  chuyện gì đó về văn Hán văn Tây, mình nghe ù ù cạc cạc chẳng hiểu gì. Mình nghe nghe dạ dạ nhưng tâm trí dồn vào hội trường, trong đó không rõ có chuyện gì mà người ta cãi nhau như mổ bò. Đang trẻ mà, háo hức mấy chuyện cãi nhau lắm, hi hi. Nghe gần một tiếng, tưởng cụ nói xong rồi mừng rỡ chào cụ chạy vào hội trường, ai ngờ cụ kéo tay đến gần cụ hơn, nói còn một số vấn đề nữa… Ối giời ôi, hu hu.
Hôm mình đến Hội nhà văn, anh Chu ( Đỗ Chu) đang ngồi tiếp chuyện cụ Nguyễn Xuân Sanh, thấy mình anh Chu mừng rỡ vẫy tay rối rít, nói Lập Lập vào đây vào đây. Mình vào, anh Chu hồ hởi giới thiệu với cụ Nguyễn Xuân Sanh, nói anh ơi, đây là thằng Nguyễn Quang Lập, nó cùng quê Quảng Bình với anh đấy. Rồi anh Chu đứng dậy xách cái phích nước, nói mày ngồi nói chuyện để tao đi lấy nước. Anh Chu ra khỏi phòng và biến thẳng cánh, để mình ngồi chịu trận. Cụ Nguyễn Xuân Sanh tính tình hiền hòa, gặp được đồng hương cụ mừng lắm, nói lia xia, cụ nói rất nhỏ, hầu như không nghe thấy gì. Chuyện cụ kể bí hiểm y chang “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”, hi hi.
Đến quá trưa, mình thấy anh Đỉnh, lập tức gọi anh vào chơi. Anh Đỉnh cười khì khì, nói anh mày không ngu như mày đâu cu ơi. Mình tức phát điên lên, nhìn cái mặt cười đắc chí của anh Đỉnh lại càng tức. Chẳng dè hôm sau anh Đỉnh gọi điện đến thì thào, nói Lập ơi, đến cứu tao đi, tao sắp chết rồi. Mình hỏi sao, anh nói cụ Tế Hanh đang ở phòng tao. Mình sướng rơn cười ha ha ha, nói ông anh yêu quí ơi, em hết ngu rồi.
Khổ nỗi không ai dám nhắc các cụ một câu, các cụ thì cứ đinh ninh mình đến chơi thế này, nói chuyện thế này, chắc  bọn văn trẻ chúng nó thích lắm, thành ra nạn khách văn già vẫn là cái nạn hãi hùng nhất đối với các tờ báo văn. Một hôm đến 7 giờ tối rồi phòng Hữu Thỉnh vẫn đỏ đèn, mình lò dò lên. Cụ Tế Hanh đang đứng trước cửa phòng, vẻ sốt ruột lắm. Trong phòng, anh Hữu Thỉnh đang tiếp cụ Nguyễn Xuân Sanh, chắc là tiếp từ trưa đến giờ. Cụ Tế Hanh nhăn nhó chỉ cụ Nguyễn Xuân Sanh, ghé tai mình thì thầm, nói cậu biết không, ông này nói dài lắm. Hi hi.

3.Đã hơn chục năm rồi, từ ngày bị tai nạn, mình chỉ ru rú xó nhà ít khi đi ra ngoài. Nơi nào muốn nhận mình làm việc thì chỉ có một điều kiện là được làm việc ở nhà, không đến cơ quan. Các loại họp hành, hội nghị hội thảo, đại hội đại heo của bốn năm hội mình cũng cáo luôn. Hầu hết các cuộc đàn đúm nhậu nhẹt đều được anh em bạn bè xét hoàn cảnh tha bổng cho, rất ít khi phải tham gia. Mọi người cứ tưởng mình rảnh rỗi lắm, không phải đi làm khác gì ông hưu trí, lại khỏi phải đàn đúm nhậu nhẹt, nếu không tỉ phú  cũng nghìn phú thời gian. Thật ra không phải, có khi còn bận rộn hơn cả lúc đi làm, từ sang đến tối chỉ tiếp khách hàng xóm, khách vãng lai cũng hết bố nó thời gian, đừng nói đến chuyện khác.
            Phàm làm nghề văn khó có thể trốn được khách, vả chăng đó cũng là cái phúc của người cầm bút, người ta còn nhớ tên tuổi, còn viếng thăm là phúc phận lắm. Thực ra mình chẳng có nhiều fan, viết lách từ năm cà cuống, những thứ gọi là hay ho cũng đã mấy chục năm rồi, người đọc được cũng đã quên, đa phần lớp trẻ thời nay chẳng thèm mất công tìm đọc văn mình, thậm chí cũng chẳng buồn nghe nói tới. Năm 2003, Qũy Ford mở lớp đào tạo biên kịch trẻ cho Việt Nam, mình được thuê đến dạy. Học trò đều đã tốt nghiệp khoa văn, có đứa thạc sĩ văn chương, nhưng cái tên Nguyễn Quang Lập chúng nó nghe lạ hoắc, như tên tuổi mấy ông gác chợ vậy. Một hôm có đứa nhìn mình cười tít, nói thầy ơi, em vào google “sớt” tên thầy, té ra thầy còn viết văn nữa cơ, chời chời chẹp chẹp. Hi hi mới biết vì sao ông Đỗ Trung Quân thỉnh thoảng vẫn trêu mình, nói fan của bọ Lập gái thì tiền mãn kinh, trai thì đái ướt quần.
            Cho nên khách văn đến nhà mình hầu hết không phải là người hâm mộ, họ là những người có máu làm thơ viết văn, đa phần là các cụ già đã hưu trí, thời gian rảnh rỗi vô biên. Chắc thời trẻ các cụ chẳng màng gì đến danh lợi, danh lợi nhờ văn chương thơ phú lại càng không. Đến khi già mới nổi máu văn thơ, thích nổi tiếng. Lắm ông chẳng hề để ý văn chương đương đại  đang như thế nào, hiện thời người ta viết lách ra làm sao. Trò chuyện với họ mình mới ngẩn tò te, thì ra thế gian lắm người có chữ nghĩa đàng hoàng nhưng chưa khi nào đọc hết một cuốn sách ( là nói sách của người khác, sách của mình thì còn khuya). Với họ, thơ ca nước mình là Tố Hữu, văn chương thế giới là Maxim Gorky, chấm hết. Ngoài ra đều là những loại hoặc bất tài hoặc phản động, hi hi. Chẳng hiểu sao họ lại nghiện sáng tác văn thơ, thế mới khổ.
            Tất nhiên chẳng ai biết mình viết cái gì, viết thế nào, chỉ biết mình là ông nhà văn, giỏi lắm cũng chỉ biết ông nhà văn viết Đời Cát, thế thôi. Hễ gặp mình, ông nào cũng hồ hỡi thân thiện lắm, bắt tay bắt chân ôm vai hót cổ, nói a, chào nhà văn Ngô Quốc Lập… A, chào nhà văn Bùi Tiến Lập. Khổ thân, tòan nhầm tên mình với tên mấy ông đâu đâu, sao chẳng chịu nhầm là Ngô Bảo Lập, Nguyễn Tấn Lập có phải oách không, he he.
            Mình khốn khổ vì khách văn như thế. Ở đâu cũng khốn khổ. Huế khổ đằng Huế, ra Quảng Trị càng khổ, mò tới Hà Nội tưởng rằng phố rộng người đông chẳng ai thèm để ý đến mình, rốt cuộc vẫn không thoát được, có khi còn khổ hơn, khổ nhất hu hu. Mới dời nhà đến chừng vài ba hôm thế nào cũng có vài ba người gặp mình chào hỏi niềm nở, nói chà chà khu phố mình lại có thêm nhà văn nhà báo, tốt quá tốt quá. Mình ngoài mặt cười tươi, vâng vâng dạ dạ, bụng thì giật thót, ôi thôi bỏ mẹ rồi, thế nào mấy ông này cũng mò đến nhà.
Qủa nhiên hôm sau các ông tới liền. Màn giao đãi đã chết khiếp. Người khoe con ông nọ cháu bà kia, chí ít cũng cùng họ cùng làng, với ai đó là danh sĩ nước Nam. Bí thì khoe học cùng trường, bạn của thằng bạn của thằng bạn của ai đó. Người khoe ngày xưa học giỏi văn, giải văn tỉnh giải văn huyện. Nếu không cũng bảo thằng nọ con kia xưa học với tôi, nó học hành có ra gì đâu, chẳng qua số nó nổi tiếng. Người nửa kín nửa hở khoe trợ lý ông này, thư kí bà kia, mấy bài diễn văn của họ là tôi viết cả đấy. Hêt màn giao đãi đến màn phô diễn kiến thức, hết Hồi Xuân Hương đến Cao Bá Quát, hết Xuân Diệu đến Tố Hữu, râu ông nọ chắp cằm bà kia tùm lum tùm la, nói lia xia đến tối cũng chưa chịu về. Cơm dọn ra rồi cũng mặc kệ cơm, ông nói chưa xong tất nhiên ông chưa về.
 Trước khi ra về thể nào cũng lôi ra một tập dày, nói tôi viết cho vui, ông đọc thử xem. Đừng tưởng người ta đưa thế, mình muốn đọc thì đọc chả đọc thì thôi. Vài ba hôm sau tới hỏi liền, nếu bảo chưa đọc thì hôm sau lại đến. Phải liều chết đọc cho xong, khen lấy lệ vài ba câu, không khen không được, chẳng ai đưa văn cho mình để ngồi nghe chê cả. Khen xong đừng tưởng là xong, ngay sau lời khen thể nào người ta cũng nhờ mình đem đi gửi báo, nói ông quen biết nhiều gửi giùm tôi. Chết thế. Rút kinh nghiệm lần sau mình chê thẳng cánh. Cũng chẳng thoát thân, người ta lại dúi bản thảo vào tay, nói đấy, anh giao cả cho chú mày, muốn sửa thế nào thì sửa, miễn sao đăng được. Hu hu.
Như thế còn khá. Lắm kẻ đặt đít xuống là thơ phú tuôn ào ào. Đọc một câu diễn giải xuất xứ cả chục câu, thêm chục câu giải thích câu thơ  sâu xa thâm thúy như thế nào. Bài thơ hơn chục câu có thể mất toi cả tiếng đồng hồ. Lại còn người này khen như này người kia khen như kia, miệng nói tay khua sung sướng y chang vừa trúng số độc đắc. Có ông chuyên sản xuất diễn ca, bài nào bài nấy tràng giang đại hải. Mỗi lần ông đến chơi đều ôm theo cả tập bản thảo diễn ca vừa mới xong,  ngồi nghe ông đọc đến đau lưng mỏi cổ, ông chả thèm chấp, cứ thế chân rung đầu lắc miệng ngân nga. Mót tiểu quá vừa chực đứng lên ông lập tức đè dúi xuống, nói chưa xong, thơ hay không cần đi đái.
Thế cũng không ăn thua, có ông còn vác cả tiểu thuyết mấy trăm trang đến nhà, miệng nói tôi đọc qua vài trang ông xem nhé, chỉ vài trang thôi, nhưng ông chơi luôn mấy chương, văn không ra văn khẩu hiệu không ra khẩu hiệu. Ông lim dim mắt đọc văn như ngâm thơ, thỉnh thoảng vỗ đùi đánh đét xuýt xoa, nói, đ. mẹ sao mà hay thế. Lại vỗ đùi đánh đét, nói tài, đ.mẹ sao mà tài thế. Con mình thì ngồi nhắm nghiền mắt ra chiều chăm chú lắm, kì thực bụng thì thở than, nói kiếp sau có đánh chết mình cũng bye bye  cái nghề văn khốn khó điên rồ này.
Viết văn làng nhàng như mình còn lâm nạn khách văn khốn khổ đến thế, các văn tài chắc còn khốn nạn nữa. Mình nhớ một hôm mình đến Hội nhà văn, hồi này Hội còn ở 65 Nguyễn Du. Đến cổng gặp Bùi Hiển dắt xe đạp đi ra, mặt mày sớn sác ngó ngược ngước xuôi. Mình chưa kịp chào ông đã vội vàng xua tay, nói mình đi đã nha, xin lỗi xin lỗi. Dứt lời Bùi Hiển lên xe đạp lao đi, y chang trốn chạy kẻ cướp. Hỏi ra mới biết có ông thâm thấp đen đen đang tìm Bùi Hiển. Ông này thì mình biết, suốt ngày lân la các nhà xuất bản, tòa soạn báo, trụ sở các hội nghệ thuật để gặp các nhà nổi tiếng. Ai đã từng tiếp chuyện ông này một lần đến chết còn hãi. Không ai có thể lì lợm hơn ông, hễ gặp người nổi tiếng nào là ông coi như ông ngang hàng, thân hữu với người đó, tha hồ nói năng bỗ bã cợt nhả cả tiếng đồng hồ chưa xong. Có người cáu, xẵng giọng đuổi ông đi, ông cứ cười nói như không, coi như người ta đùa hoặc là đuổi ai đó chứ không phải ông, hi hi đến chịu.
Khi đó Bùi Hiển trốn rồi. Ông thâm thấp đen đen loanh quanh tìm không được. Gặp cô bé văn thư, ông túm tay cô bé kéo giật, nói cháu có biết người nào là Nguyễn Tuân. Cô bé chỉ Nguyễn Tuân đang đứng nói chuyện với ai đó ở góc sân, cách ông có một quãng. Ông chạy tới chỗ Nguyễn Tuân vỗ vai cái cực mạnh, nói chào bác Nguyễn Tuân, tìm mãi mới thấy bác. Nguyễn Tuân nhìn lại, (hình như cụ nhớ ra ông này) liền mỉm cười, nói anh hỏi Nguyễn Tuân nào. Tôi là Nguyễn Tuân kế toán, Nguyễn Tuân nhà văn ở trên gác kia kìa. Ông này trố mắt nhìn Nguyễn Tuân, nói thật a? Nguyễn Tuân tỉnh như không, nhẹ nhàng gật đầu thân thiện, nói ừ, thật. Anh lên gác mau lên, không ông ấy sắp đi họp rồi. Ông này vội đi lên gác, Nguyễn Tuân cũng vội vàng chuồn lẹ ra cổng. He he.
Rút từ Chuyện đời thường vớ vẩn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét