Tản văn
Nếu có một lúc nào đó tôi thấy ân
hận vì mình đã lỡ ném cả cuộc đời cho văn nghệ thì chính là khi tôi ngán ngẩm
vô cùng về cái sự đố kỵ, hẹp hòi đang trở thành căn bệnh trầm kha vô phương cứu
chữa ở trong giới. Có thể nói chưa ở đâu đố kị, hẹp hòi lại nặng nề như ở giới
văn nghệ.
Tây cũng như ta, căn bệnh này chẳng ở đâu nó chừa ra cả, như một thứ virus
ADIS được truyền qua máu làm mất khả năng đề kháng con người , thứ virus này có
tên là đố kị được truyền qua cửa hẹp hòi vào máu háo danh truyền kiếp của người nghệ sĩ.
Biết vậy nhưng không ở đâu như xứ mình lại lắm
chuyện oái oăm, lắm chuyện cười ra nước mắt, đôi khi biết vậy không dám kể ra,
sợ người ngoài cười cho thối mũi.
Anh còn trẻ, mới nổi lên tí tài,
đàn anh đua nhau khen nức nở. Có kẻ khen thật lòng, có kẻ dùng lời khen như sợi
dây ràng buộc với anh trẻ, ý nói có tao mới có mày nghe em, liệu hồn đừng có tí
tởn qua mặt anh. Anh trẻ ngoan ngoãn khiêm tốn thì chớ, nhược bằng tuyên bố
hung hăng là lập tức bị đòn phản pháo của mấy ông anh, lắm khi không ngóc đầu
lên nổi.
Lũ trẻ bây giờ, hễ có anh lớp trước
vỗ vai khen: “Chú mày khá lắm” thì phải biết đằng sau câu đó còn có câu: “Tuy
vậy chú mày còn lâu mới bằng anh!” Ðừng có tưởng thật, đú lên tuyên bố lăng
nhăng, vỡ mặt có ngày.
Tôi nhớ cách đây hơn chục năm, mấy
ông bạn trẻ của tôi đòi đổi gác này nọ là lập tức bị ăn đòn. Chúng tao vào sống
ra chết mới có được ngày nay, chúng mày hỗn láo dám đòi đổi. Ðổi là đổi thế
nào? Khổ, người ta đòi đổi gác chứ có đòi ăn trộm ăn cướp gì đâu. “Cũng là công
việc cách màng giao cho” cả thôi mà.
Tôi nói thật, trong thế hệ chống Mỹ, người nào làm văn được, người nào
thực sự có công với văn học cách mạng thì rất điềm đạm, ít khi nói năng gì. Chỉ
mấy ông ba lăng nhăng, ngày xưa không biết đánh đấm có ra cái đếch gì không mà
bây giờ hoắng huýt quá.
Ai động đến thế hệ chống Mỹ của ông thì ông
lồng lên như sói. Chẳng qua ông muốn bảo vệ ông thôi, ông nhân danh một thế hệ
để bảo vệ cái thứ văn vứt đi của ông thôi. Văn chương nó nghiệt lắm các bác ơi,
nếu nó là thứ đáng vứt đi thì các bác có bảo vệ đằng giời. Vài bài phê bình xào
đi nấu lại, thế gọi là sống mãi ư?
Phàm là nhà văn ai chẳng lo văn mình rồi có ngày bị người đời bỏ quên.
Ðến như cụ Nguyễn Du còn lo ba trăm năm nữa chẳng còn ai nhớ cụ nữa là. Nhưng
lo thì phải làm thế nào chứ không phải đi dìm kẻ khác, sổ toẹt kẻ khác, đặc
biệt là lớp trẻ kế tiếp sau mình.
Chẳng cứ lớp trẻ, đồng trang lứa
cùng thế hệ với nhau, thậm chí bạn bè chí cốt với nhau, nếu anh khó khăn tất có
người giúp đỡ, chứ cứ thành công phơi phới trước mặt người ta thì anh dễ ăn đòn
của người ta lắm.
Lê Hoàng nổi lên như một đạo diễn
làm phim ăn khách nhất Việt Nam. Hai phim Gái nhảy và Lọ lem hè
phố đã đem về cho Hãng phim Giải phóng một món tiền khổng lồ, bản
thân Lê Hoàng cũng ôm được một mớ tiền nhiều người làm phim nằm mơ cũng không
có. Thế là Lê Hoàng ăn đòn từ bốn phương tám hướng, đến nỗi phải khóc rưng rức
tại Hội thảo ở LHP 14.
Một cú khóc của Lê Hoàng khiến báo
chí nước Nam được phen đắt như tôm tươi. Lâu nay văn nghệ sĩ xuất hiện trên báo
chí mặt mày hớn hở, ra cái vẻ hạnh phúc vô biên, bây giờ vớ được một anh đứng tấm
tức khóc, lại một anh nổi tiếng cả tiền lẫn tài thì lạ quá, hay quá.
Tôi nói với Nguyễn Thanh Sơn : „Lê
Hoàng nhà quê, khóc cái gì. Ai bảo tài cho lắm vào, thông minh cho lắm vào,
người ta đánh cho là phải. Mình làm mình chịu kêu mà ai thương!“
Hồng Ánh đoạt giải diễn viên nữ
chính xuất sắc nhất, trừ khán giả và anh em trong đoàn phim đến chúc mừng, còn
lại tuyệt không có một đồng nghiệp nào nhìn cô bằng nụ cười thân thiện.
Ra sân bay, đồng nghiệp ngồi hai hàng ghế ở
phòng chờ, Ánh tí ta tí tởn chạy đến chào thì gặp ngay những đôi mắt mang hình
viên đạn, sợ quá đứng nép một xó. Lên máy bay không ai thèm ngồi chung, cứ trơ
khấc suốt cả hành trình.
Thanh Vân cũng thế, anh là đạo diễn
duy nhất nước ta ăn liền hai giải Châu Á-Thái Bình Dương, hai giải Bông sen
vàng cả cho phim lẫn cho đạo diễn xuất sắc nhất. Tôi để ý xem có ai ngoài đoàn
phim đến chúc mừng anh không thì thấy có hai người, đó đạo diễn Hải Ninh, bố
anh, và Lê Hoàng, người vừa bị no đòn hai năm qua. Chấm hết.
Sau đêm bế mạc, mọi người đi ăn đêm
ở đường Y Juk - ăn đêm ở vỉa hè Ban Mê thích lắm, dân điện ảnh ngồi đầy cả vỉa
hè. Thanh Vân cầm chai rượu hí hửng chạy đến, tuyệt không một ai gọi, đứng đực
như ngỗng ỉa. May có nhà văn Phạm Ngọc Tiến gọi đến bù khú cho đến sáng, không
thì xách rượu về khách sạn uống một mình.
Tôi 20 năm bỏ văn theo sân khấu,
điện ảnh nay mới ra lại cuốn sách, báo chí coi đấy cái sự lạ, hết phỏng vấn lại
viết bài, lại còn ti vi ti veo hai ba cuộc. Từ chối thì bảo là kiêu ngạo mà cứ
trả lời lia xia, lên ti vi lia xia là cứ lo ngay ngáy, không biết khi nào mình
bị đồng nghiệp cho nốc ao đây. Ôi chao là cực.
Chuyện xưa người nói xây nhà lầu
cho văn nghệ không cần xây hố xí, cũng chỉ vì cái đố kị của mấy anh văn nghệ mà
ra. Cái chuyện vui này có từ hơn nửa thế kỉ rồi mà y như chuyện của ngày hôm
nay, bảo đảm sang thế kỉ 22 chuyện ấy vẫn còn như mới. Than ôi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét