Sứ mệnh của cái tôi

Nhân đọc truyện ngắn của Lam Anh và Hoàng Hải

Xem xét tiến trình văn xuôi Việt phải bắt đầu và cuối cùng bằng truyện ngắn, thời nào truyện ngắn vẫn là  căn bản của văn xuôi Việt, có lẽ đó cũng là cái tạng của người Việt, viết ngắn thường hay hơn viết dài.

Từ truyện ngắn ta có thể hình dung văn xuôi Việt, thoạt nhìn thấy rối rắm phức tạp, thực ra nó chỉ có hai chặng, chặng đầu nói về cái ăn và sự đói chừng 15 năm (1930-1945), từ bấy đến nay chỉ có một chặng, văn xuôi Việt chỉ loay hoay với cái ta và cái tôi.

Cái ta được khám phá từ truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, dần dần làm chủ văn chương miền Bắc, trở thành là cờ chuẩn cho mọi khuynh hướng sáng tác, đó là cái ta toàn thắng và hoàn hảo, cái ta chân lý không có gì phải bàn. Văn xuôi miền Nam là cái tôi khắc khoải, buồn tủi cho tới 1975, vẫn cái tôi khắc khoải buồn tủi ấy rẽ lối sang văn chương hải ngoại, cho tới tận bây giờ vẫn là cái tôi khắc khoải buồn tủi, hình như vẫn chưa kiếm được lối ra. Trong khi văn xuôi quốc nội chừng hơn chục năm sau 1975 ngủ gật với cái ta nhàm chán bỗng nhận ra cái ta toàn thắng và hoàn hảo, cái ta không có gì phải bàn té ra không thuộc trách nhiệm của văn chương. Từ đó văn xuôi Việt đã tìm gặp lại cái tôi, làm một cuộc đổi mới tưng bừng cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, khởi đầu với Nguyễn Minh Châu, kết thúc  với Nguyễn Ngọc Tư.

 Cái tôi văn xuôi Việt sau 1975 làm choáng ngợp người ta với được và mất, cho và nhận và dừng lại giữa chừng vì ai nấy đã nhận ra, nếu chỉ có được và mất, cho  và nhận thì thế giới đã trải qua chừng một thế kỉ rồi, còn thêm gì nữa không thì không ai biết. Tưởng chừng văn chương Việt đang bế tắc. Nhưng không, một sư đoàn các cây viết trẻ, với những những Gào, Kawi Hồng Phương, Born, An Khang, Nguyễn Ngọc Thạch…hồn nhiên vui vẻ đẩy văn xuôi Việt sang một hướng khác làm điên cuồng các bạn đọc trẻ nhưng không gây được một gợn sóng nhỏ nào cho những người lớn tuổi.

Hướng khác là hướng gì, và vì sao nó không thu hút được bạn đọc lớn tuổi, thậm chí còn gây khó chịu đối với họ? Ấy là vì lực lượng văn xuôi Việt trẻ trung này tự thấy không có bổn phận đi tiếp con đường cha anh đã đi, cả bút pháp lẫn tư tưởng. Họ không định giá cái tôi, giải trình cái tôi, đẩy cái tôi đi về phía cho và nhận, mất và được. Họ không cần giáo lý, tuyệt không theo một giáo lý nào, kể cả những giáo lý cha anh họ cả quyết đó là nguồn sống.

Cái tôi không phải là đối tượng miêu tả hay nghiên cứu, nó là chính họ. Cái tôi hậu hiện đại chính là sự vị kỉ của nhà văn, anh ta không viết cho ai vì ai, kể cả cho anh ta vì anh ta. Một cái tôi được thả rong trong thế giới của cái đẹp ( chính cái đẹp cũng được lớp trẻ định nghĩa lại). Một cái tôi tự lựa chọn cho nó, sự lựa chọn của con người tự kỷ trung tâm mà Cao Bảo Vi đã viết trong tuyên ngôn Phẩm hạnh của lòng vị kỉ: “Nếu bạn là người tự kỷ trung tâm, bạn sẽ ích kỷ đối với bất cứ việc gì bạn làm. Ngay cả vấn đề phục vụ mọi người, bạn vui vẻ làm vì chính bạn thích làm như vậy, bạn cảm thấy sung sướng khi làm công việc đó. Bạn không phải hành động vì bổn phận trách nhiệm, bạn không phải và cũng không có bổn phận phải phục vụ nhân lọai. Bạn không phải là một kẻ tử vì đạo, một nghĩa sĩ nổi danh nào cả; bạn không hy sinh một cái gì cả. Những danh từ “tử vì đạo, nghĩa sĩ, hy sinh…” đều rỗng tuếch, vô nghĩa, dỏm. Bạn làm mọi công việc, bạn hành xử với mọi người chung quanh bạn thật dễ thương, thật tự nhiên, không gò bó, không bắt buộc, bạn đơn giản làm và sung sướng làm theo khuynh hướng của bạn, cá tánh của bạn, bản chất tự nhiên của bạn - và điều đơn giản đó khiến bạn vui vẻ, hài lòng, sung sướng.”

Tôi đồ rằng sư đoàn các cây viết trẻ Việt đang đi theo hướng mà bạn Cao Bảo Vi đã tuyên ngôn, trong đó có Lam Anh và Hoàng Hải Lâm. Tôi không dám luận hay dở với truyện ngắn Về đêm của Hoàng Hải Lâm, người qua đường của Lâm Anh, bởi vì tôi thuộc thế hệ cao niên, ngay cả hiểu được chúng cũng không phải chuyện dễ dàng.

Về đêm của Hoàng Hải Lâm kể về một anh chàng bỗng dưng nhận được một đứa bé từ tay một người đàn bà không quen. Anh ta vừa vui vì không dưng mình được làm bố, vừa lo vì không biết khi “làm bố” rồi liệu anh ta có sẽ mất cơ hội lập gia đình với một người đàn bà khác hay không. Cái anh ta đang được là nguyên cớ điều anh ta sẽ mất. Nhưng anh ta không lấy đó làm điều trăn trở băn khoăn, được và mất, cho và nhận với anh ta chỉ là một, nó là cái ngoài anh ta, không thuộc về anh ta. Vậy thì việc gì phải băn khoăn trăn trở?  Ngay cả khi người đàn bà tìm đến nhận con, vì thế đã gây hiểu lầm cho người yêu anh ta là anh ta đã có vợ, cô ấy lặng lẽ biến mất sau một cuộc hẹn hò, tác giả đã không dành cho anh ta một dòng trăn trở băn khoăn nào. Người đọc có thể thấy thật đáng tiếc, anh ta mất đứa bé là mất quyền làm  bố đáng yêu, nhưng có thể thấy thật đáng mừng, vì thế anh sẽ không mất gì cả. Ngay cả khi mất một người tình đã có 3 đứa con là rủi ro hay may mắn cũng chỉ là băn khoăn trăn trở của người đọc, còn anh ta thì không, hoàn toàn không. Với anh ta đời là vậy, đời anh ta là vậy, không khổ đau cũng chẳng hạnh phúc vì anh ta không mất cũng chẳng được, không cho cũng chẳng nhận.

Người qua đường của Lam Anh tuồng như là một âm bản của Về đêm. Một anh chàng bị ung thư nằm viện chờ chết, anh ta muốn thăm đứa con trai đang sống với người vợ đã li dị. Người ta không hiểu vì sao anh ta nhớ con đến thế mà không đến thăm con, và vợ anh ta biết anh ta sắp chết vẫn không bế con đến thăm anh. Hơn 3 ngàn rưỡi chữ chỉ có thế. Câu chuyện tràn ngập những băn khoăn trăn trở của anh chàng kia, thay vì anh ta tự nhổ mình ra khỏi giường bệnh tìm đến gặp đứa con, rất có thể anh ta được đứa con, được luôn người vợ mà anh đã đánh mất một cách đáng tiếc. Phía người vợ anh ta cũng vậy, thay vì “ im lặng đáng sợ” chị ta bế con ra khỏi nhà tìm đến với anh ta. Tình có thể đã chết nhưng nghĩa vẫn còn, làm được vậy chị đã cho anh gần gũi với đứa con và nhận về ít nhất lòng biết ơn trước nghĩa tình của chị, nếu may mắn chị ta có thể cứu vãn được mối tình đã chết. Nhưng chị ta đã không đến để đáp lại sự không đi của anh ta. Những người từng sống với một đạo nào đó với những mất và được, cho và nhận  sẽ không sao hiểu được cặp vợ chồng này. Nhưng họ- cặp vợ chồng này- chẳng ai băn khoăn đến điều này, với họ cái gì đã qua là đã qua, cái gì chưa đến là chưa đến. Họ thật sự thoải mái với điều đó và từ chối sự hoảng loạn tìm lối ra của con chim khi lạc vào phòng kín, từ chối luôn việc giăng lưới bắt mồi của con nhện để rồi ngủ quên bên những con mồi sa lưới. Với họ đời là con đường đi về cái chết, họ đi, gặp và mất… lại đi, gặp và mất… cho đến chặng cuối cùng. Họ không cần biết con đường là thế nào và sự đi phải ra sao, cái tôi không có nghĩa vụ dẫn dắt họ. Bởi vì chính họ là cái tôi.

Văn của thế hệ văn Việt trẻ đương thời, trong đó có Lam Anh, Hoàng Hải Lâm, là vậy. Hãy để cái tôi được thả rông, hãy nghĩ những gì chưa ai nghĩ và đừng mất thời gian nghĩ ngợi những gì ai cũng nghĩ ngợi được.  Sứ mệnh của cái tôi là cho người ta được ngủ thật ngon khi đặt lưng và phải sống hết mình khi tỉnh dậy. Niềm vui là chỗ ấy, hạnh phúc cũng ở chỗ ấy. Đời là một cuộc vui nhẹ tênh, tuyệt không phải là gánh nặng, không hề có gánh nặng nào hết, đừng tự đè nặng mình bởi những gánh nặng chế tác của chính mình- đầu này được và mất, đầu kia cho và nhận .

 Vì lẽ đó mà văn của Lam Anh, Hoàng Hải Lâm cùng sư đoàn văn trẻ Việt đương thời đã làm cho  bạn đọc trẻ điên cuồng nhưng lại làm cho lớp già thấy vô nghĩa vô tích sự  và vô ích, có phải thế chăng?

Nguyễn Quang Lập







0 nhận xét:

Đăng nhận xét