Nhó Hải Kỳ


Chân dung

Trong đời sống văn nghệ,  có những người rất nổi tiếng nhưng không ai biết họ nổi tiếng vì cái gì, vì sao mà nổi tiếng. Chỉ biết họ rất nổi tiếng, còn bảo tác phẩm họ đâu thì chẳng ai biết. Anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) vẫn hay ví von, nói mấy người đó như là mấy cục thịt thừa ngộ nghĩnh, ai nhìn thấy đều nhớ ngay, có khi nhớ suốt đời dù biết nó chẳng có giá trị gì.

Ngược lại, có những người tiếng tăm chẳng có bao nhiêu nhưng người trong nghề rất nể phục, ai từng biết tác phẩm của họ đều đinh ninh đó là người thực tài. Hải Kỳ thuộc loại này. Nếu hỏi 10 người Hải Kỳ là ai, cầm chắc 9 người không biết, người còn lại may ra mới biết anh là nhà thơ. Nếu hỏi kĩ hơn Hải Kỳ có tập thơ nào, cầm chắc người đó cũng chẳng nhớ.


 Lý do thật đơn giản, Hải Kỳ ít khi in thơ lên báo, nói chung anh chẳng quan tâm gì đến việc in ấn. Có bài nào mới, anh chỉ đọc cho bạn bè nghe chơi. Nhiều người khen hay, nói in đi in đi. Anh sướng lắm, nói in chơ in chơ, bài ni in ra thì chấn động đó nghe. Nói vậy nhưng anh chẳng bao giờ gửi in thơ. Một đôi bài anh in ở Tạp chí Sông Hương ngày xưa là do Ngô Minh, người bạn chí thân của anh cạy cục chép và đưa in.  Rất lạ, Hải Kỳ có thể vật vã cả đêm để moi ra được một câu thơ, một chữ thơ, nhưng bỏ ra nửa tiếng chép bài thơ, nửa tiếng nữa để ra bưu điện gửi thơ thì dường như là việc quá sức của anh.

Hoàng Vũ Thuật nói thằng Hải Kỳ ngơ lắm, làm thơ thì siêng, gửi thơ thì nhác. Quả không sai. Năm 1998 mình vận động Hải Kỳ vào Hội nhà văn. Mình gọi điện vào, nói bác phải gửi một đôi chùm thơ ra báo Văn Nghệ, có đọc thơ bác thì người ta mới thấy bác xứng đáng vào Hội chứ. Hải Kỳ ừ ừ. Đợi cả tháng không thấy anh gửi thơ ra. Mình lại điện vào, anh lại ừ ừ, tóm lại chẳng gửi. Mình phải moi tìm trong giá sách tập thơ Đồng vọng của anh tặng mình, chép lại hai ba chùm thơ đưa in báo Văn Nghệ và một vài báo khác. Có thơ in báo, Hải Kỳ mừng lắm khoe khắp làng, nhưng bảo chép thơ gửi thì anh cứ lẩn như chạch, kì khôi vậy đấy.

Chuyện vào Hội nhà văn của Hải Kỳ rất vui. Anh là bạn học cùng lớp với Lâm Mỹ Dạ, Ngô Minh. Làm thơ cùng thời với nhau, thơ phú chẳng kém cạnh gì hai người này, thế mà Ngô Minh, Lâm Mỹ Dạ vào Hội từ tám hoánh anh vẫn chỉ là ông nhà thơ địa phương. Mình động viên anh nên vào Hội, nói thơ anh hay, xứng đáng vào Hội quá. Hải Kỳ sướng lắm, nói rứa à, thơ tao hay à. Mình đọc thơ anh- Biết là nhớ cũng bằng không/ Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm/ Tôi rơi vào cuối ngọn nồm/ Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi, nói thơ thế xứng đáng vào Hội quá chứ còn gì. Mắt anh sáng lên, nói rứa à. Tao vào Hội được à. Mình nói được chớ sao không. Anh nói rứa à, thiệt không thiệt không. Mình phải cam đoan, nói nếu anh làm đơn, chắc chắn vào ngay. Anh chụp lấy hai tay mình, nói rứa à. Mi mần răng cho tau vào với.

Nhưng đến đoạn viết đơn làm hồ sơ thì nhác, nhắc hoài nhắc hủy chẳng được, sắp hết hạn rồi mình bèn viết quách cho xong. Làm xong đơn hồ sơ, mình gọi điện vào, nói em gửi vào để anh ký nhé. Anh ậm ừ, nói kí xong rồi phải ra bưu điện gửi cho mi à. Mình cười, nói chứ sao nữa. Nghe nói vậy anh vội vàng khẩn khoản, nói thôi, mi kí lắc cha cho tau, không ai biết mô. Biết tính anh, mình cũng chỉ biết cười trừ. Ngày nhận thẻ Hội viên, anh chụp cái thẻ hôn chùn chụt, nói tau mà cũng hội viên Hội nhà văn à bay. Lại hôn chùn chụt, nói tau mà cũng nhà thơ trung ương à bay.

Nghe mình kể chuyện đó, Ngô Minh cười sật sật, nói đăng kí tên mình vào hộ cái hộ khẩu mà hắn còn nhác, mấy chục năm không có tên trong hộ khẩu hắn cũng mặc kệ. Ông giáo Hải Kỳ này hơi bị kỳ, đối với anh tát cạn Biển Đông còn dễ hơn lên phường xin đóng dấu. Viết cái giấy xin nghỉ phép anh còn nhác, báo mồm một câu rồi cứ thế nghỉ, thà bị kỉ luật còn hơn ngồi viết cái đơn. Ngô Minh kể, thời bao cấp hộ khẩu quan trọng lắm, có nó mới có cái ăn, cái mặc, rứa mà hắn coi như không. Hỏi vì sao không có hộ khẩu thì hắn nhăn răng cười, nói cũng nỏ nhớ.  Có lẽ ngày xưa tên mình cũng có trong sổ hộ khẩu tập thể của trường, nhưng mình ham thơ, ham chơi, không thích đến chầu chực nơi công quyền, nên không cắt về, rứa thôi.

 Quen Hải Kỳ gần ba chục năm, mình biết đời Hải Kỳ tóm lại mỗi chữ chơi.. Đi học chơi nhiều hơn học, đi dạy chơi nhiều hơn dạy, đến khi già, không còn sức bay nhảy nữa thì suốt ngày chơi với cháu. Đến tuổi ngũ thập lục thập nhiều kẻ lo đánh bóng cái bao bì, vài cái huân huy chương, dăm cái giải thưởng, danh hiệu để khi chết có cái cho người ta đọc điếu văn. Anh không, chỉ chơi với cháu, chẳng quan tâm cái gì sất. Anh nghiện chơi với cháu đến nỗi một hôm mình đến nhà thấy anh ngồi bó gối bên đứa cháu đang ngủ, mình hỏi cháu làm sao, anh cười, nói có chi mô. Tau ngồi chờ hắn thức dậy để chơi.

 Lối chơi của Hải Kỳ là lối chơi của con nít. Nghĩa chỉ thuần chơi không, chả vì một cái gì, cũng chả cần ý tứ, so đo chơi với ai không chơi với ai, cứ thế anh chơi tràn, vui đùa giận hờn tràn cung mây, y chang con nít. Đang muốn uống mà hết rượu, hễ thấy gia chủ chần chừ là anh về thẳng cánh, nói ẻ ẻ quẹt quẹt từ nay tao ẻ vô đến nhà bay nữa. Muốn đọc thơ mà không ai hưởng ứng anh cũng đùng đùng bỏ về, nói ẻ ẻ quẹt quẹt, ẻ vô chơi với tụi bay nữa. Nhưng chỉ cần đến ngày mai không có ai rủ đi chơi là anh lại gọi điện đến khẩn khoản, nói bay chơi mô cho tau chơi với, tội tau bay nờ.

Có lẽ chỉ một lần duy nhất trong đời Hải Kỳ làm người lớn, đó là năm 25 tuổi anh đi hỏi vợ cho em trai. Ngô Minh kể em trai Hải Kỳ yêu con gái mẹ Suốt, người anh hùng sông nước thời chiến tranh. Cha mất sớm, Hải Kỳ phải thay mặt cha đem trầu cau đến nhà mẹ Suốt, anh đứng lên thưa gửi ngon lành. Ai cũng khen mới 25 tuổi đầu mà đã nói năng  như lão làng. Ngoài lần đó ra, chưa lần nào anh chịu khó làm người lớn. Đến ăn mặc cũng rất chi là con nít, anh coi việc bỏ áo vào quần  như là trời đày vậy. Đi dạy, đến cửa lớp anh mới nhét áo vào quần, ra khỏi lớp là tháo tung ra liền, mặt mày hân hoan như vừa thoát được ngục tù, chết cười.

 Người ta hay nói tâm hồn trẻ thơ trong các nhà thơ là nói  cái nhìn ngạc nhiên hồn nhiên trong trẻo của họ, chứ trong cuộc sống nhiều nhà thơ khôn tổ bố. Riêng Hải Kỳ thì đúng, tâm hồn anh đích thị là tâm hồn trẻ thơ. Trẻ thơ đến nỗi anh đã làm thơ thắc mắc hệt như con nít thắc mắc với người lớn: Người ta xếp loại đạo đức tôi/ Đáng lẽ ở trong phòng, tôi lại lang thang/Đáng phải ngồi nghe, tôi đi tìm bạn/ Đáng phải nghĩ suy thì tôi xúc cảm/ Đáng phải trả lời tôi lại lặng im.

Có lẽ vì thế mà anh ứng xử với chị Lý ( vợ anh) rất chi là con nít. Một hôm mình hẹn anh đi đâu đó, hình như ra Ba Đồn thì phải. Đến giờ không thấy anh đâu, mình chạy lên nhà, thấy anh đang giận giữ ném sách vở tứ tung, nói tau ẻ vô làm thơ, tau ẻ vô đi dạy. Hỏi sao, anh ngồi bệt xuống nền nhà, nói vợ tau không cho tau đi chơi. Rồi anh chồm tới níu áo mình, ngửa bộ mặt thiểu não, nói mi vô bếp xin chị Lý cho tau với. Mình cười khì trêu anh, nói sợ vợ như sợ mẹ thế gian chỉ có mỗi Hải Kỳ. Thực ra anh không sợ vợ, chị Lý sợ anh thì có, chỉ vì anh coi lời vợ dặn như lời mẹ dặn, không dám đơn sai. Thời trẻ anh yêu đương tán tỉnh tùm lum, tán được cô nào thì khoe ỏm tỏi. Mình nói anh phải kin kín chút, lộ thiên quá chị Lý biết thì chết. Anh cười, nói may quá vợ tao không dặn tao không được ngoại tình. Tưởng anh nói đùa, té ra thật. Chị Lý không chấp mấy vụ yêu đương lăng nhăng của anh, cũng chẳng ngăn cấm đe nẹt gì. Đến khi phải đi xuất khẩu lao động mấy năm ở Đức chị mới dặn anh, nói ở nhà chăm con, không được yêu đương bồ bịch nghe chưa. Quả nhiên suốt bốn năm chị Lý đi vắng, anh ở nhà cung cúc tận tụy nuôi con, tuyệt không yêu đương tán tỉnh ai. Đúng là thế gian chỉ có mỗi Hải Kỳ. Nhiều lần ngồi nhậu với anh, mình đã hô vang, nói sống và yêu theo gương Hải Kỳ vĩ đại, hi hi.

Năm ngoái Hải Kỳ lâm bệnh ung thư lưỡi. Mình tất tả ngước xuôi, hết Sài Gòn đến Hà Nội lo mua bán nhà chuyển nhà, bận bịu quá không ra thăm anh được. Nghe Ngô Minh kể, anh vô bệnh viện Huế “đại phẩu” thành công, giờ đã đỡ đi nhiều, nghĩ bụng chắc dăm mười năm nữa anh mới chết, để khi nào thong thả ra thăm anh một chuyến. Chẳng ngờ  7 giờ tối qua thốt nhiên mình nhớ anh, gọi điện cho Ngô Minh, nói Hải Kỳ thế nào rồi. Ngô Minh nói đi rồi, vừa đi lúc sáu rưỡi.

Mình ngồi trơ ra, ân hận vô cùng.

Rút từ Bạn văn 2

0 nhận xét:

Đăng nhận xét