Văn
Công Hùng
Mình
đi Hà Nội, nhận tin nhắn của Nguyễn Quang Lập: " Sách đến chưa?".
Mình nhắn lại: Chắc đến rồi, nhưng đang ở Hà Nội, chắc chắn về sẽ có". Về,
thấy phong bì EMS đang để trên bàn làm việc. Nói thật, mình không bất ngờ với
việc nó phải xuất hiện, bởi trước đó nó đã được "xuất bản nháp" trên
trang của bọ Lập, nhưng thời điểm nó xuất hiện bây giờ thì mình cũng hơi bất
ngờ...
Nhưng cũng không bất
ngờ lắm, bởi ví dụ như, hồi tết, mình và luật sư Phương Hà vào thăm anh ở chung
cư Thảo Điền. Định gây bất ngờ nên mình không điện trước. Đến cổng chung cư,
khai báo với bảo vệ xong thì cháu bảo vệ bảo, mấy hôm trước thì khó, nhưng hôm
nay cháu sẽ đưa 2 chú lên. Nó dẫn vào thang máy, cà thẻ bằng cái bộ đàm, lên
đến tầng 2 thì nó có điện thoại gọi thẳng vào di động của nó chứ không phải vào
bộ đàm. Chỉ thấy nó dạ dạ rồi thở dài nói với mình và anh Phương Hà: chúng ta
phải quay xuống thôi...
Lần
ấy rồi mình với Phương Hà cũng nhờ anh em an ninh gửi quà cho Lập Được. Là chai
rượu, cân bò một nắng với muối kiến đặc sản Krong Pa, kèm cái thư nữa. Anh em
an ninh rất vui vẻ bảo, các chú cứ gửi vô tư nhưng cho chúng cháu xem cái. Ông
Phương Hà nguyên là cán bộ viện kiểm sát tối cao định cãi thì mình ngăn lại:
Thôi, các cháu có việc của nó. Anh Hà gửi cho Lập mật ong và sữa ông chúa, chả
hiểu uống cái này có tròn trục thêm không?
Nhưng
sau đấy một thời gian thì mình thấy bạn bè thông tin cho nhau là giờ lên thăm
Lập vô tư, bày rượu ra uống. Chính điều ấy để mình nói rằng cái sự Tình cát ra
đời cũng chả bất ngờ nữa. Sách hay và tử tế thì nên cho nó đến với công chúng.
Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương chuẩn bị có cái hội thảo đại khái là
quan hệ giữa văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người. Mình
được mời viết tham luận và đã viết 1 cái về văn chương và... tội ác. Nếu không
có văn chương, con người rất gần cái ác. Văn chương không bắt cái ác phải đền
tội được, nhưng nói như lời người làng Chùa của ông nhà thơ Nguyễn Quang Thiều,
Văn chương không làm ra thóc vàng gạo trắng nhưng nó làm ra giấc mơ của người
gieo trồng...
Dạo
này lười đọc. Cuốn "Chân trần" của nhà văn Thùy Dương rất hay thế mà
cũng đọc mất 5 đêm mới hết. Vài cuốn nữa, đọc rồi cứ để dở dang dù hôm nào cũng
phải dành vài tiếng đọc sách. Nhưng tối ấy, bập vào "tình cát", mình
đã thâu đêm, lâu lắm mới thâu đêm như thế, mà sáng vẫn sảng khoái, dẫu cứ bần
thần, bởi dư ba của cuốn sách.
Cuốn
này Nguyễn Quang Lập tiết chế giọng giễu nhại, mà lại tăng phần bi. Một anh nhà
văn suốt ngày chìm trong ký ức để tìm mình, tìm cái quá khứ rất ảo mờ của mình.
Thời chiến, mọi việc đều có thể xảy ra. Anh lính đào ngũ, vô tình đào ngũ cũng
như vô tình nhập ngũ, trở thành nhà văn nổi tiếng. Cơm bưng nước rót, gái đẹp
hầu hạ nhưng anh lại luôn luôn ngưỡng về quá khứ, tìm cái quá khứ của mình, dẫu
để về và về, là đầy những khúc khuỷu.
Cái
tâm trạng giằng xé, giày vò của anh nhà văn nó làm cho tiết tấu sách chậm lại,
dù giọng văn của Nguyễn Quang Lập vẫn thế, và còn định hình hơn ở cái cách viết
văn mạng.
Nhưng
mà không phải không uy mua. Nguyễn Quang Lập phát hiện ra rất nhiều điều hài
hước trong chiến tranh mà không phải ai cũng nhận ra hoặc nhận ra mà thể hiện
được. Một cái xóm bị bỏ quên, một hôm bộ đội đến gửi nhờ xăng vì đợn vị pháo ấy
bị đánh tan rồi, phải ra Bắc lập phiên hiệu mới, nhận pháo mới. Thế là họ coi
đấy là nhiệm vụ cách mạng cao cả của họ, lần đầu tiên họ được tham gia.
Quê
tôi cũng ở xứ cát, nên những trang Nguyễn Quang Lập tả cát tôi thấy tài vô
cùng. Phải hiểu, yêu, sống chết và tài hoa thế nào mới tả được thế.
Nguyễn
Quang Lập rất hay... phịa khi viết, nhưng quyển này anh lại bám vào một sự việc
có thật, ấy là việc hồi nào, một nơi nào đó, những người có trách nhiệm đã kê
khống mộ liệt sĩ, thậm chí lấy xương cốt ở đâu đó bỏ xuống mộ để thanh toán. Đã
có người bị tử hình ở vụ này. Nhưng anh chỉ bám hờ vào để từ đó cho nhân vật
của mình bộc lộ.
Cái
kết, Hoàng như một gã điên, bới cát và chui xuống, rồi chết ở đấy đầy ám ảnh.
Bình thường đã ám ảnh rồi, với Hoàng càng ám ảnh tợn. Một con người thành đạt,
một nhà văn nổi tiếng, cứ thế mà sống, cứ thế mà hưởng, ai biết, ai làm gì.
Nhưng chính anh ta lại luôn sám hối, lại luôn đi tìm. Chả biết tìm gì, nhưng
sống mà cứ như mộng du thế thì cũng khổ. Thôi thì, cuối cùng, chui xuống cát,
cái nơi anh ta nhiều duyên nợ, nhiều ân oán... là cách theo Hoàng, và cả tôi,
là dễ chịu nhất. Dù vì thế mà gấp sách lại, âm hưởng cát không còn miên man dễ
chịu nữa, cát mà không còn trắng, có còn là cát...
Nguyễn
Quang Lập cũng là người cẩn thận, anh nhắn tin cho tôi: Ông đọc có thấy lấn cấn
gì không? Tôi bảo: Rất hay mà, và hiền hơn một số cuốn tôi mới đọc. Anh bảo: ừ,
tôi chỉ viết văn chứ không viết vấn đề. Về văn, nhiều người nói rồi: Đọc Nguyễn
Quang Lập rất sướng. Đọc văn mà sướng, thời này khá hiếm...
Hì
hì, vừa đi nhậu về, gõ trực tiếp trên web, có thể chưa hết ý, mong lượng thứ…
VĂN CÔNG HÙNG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét